TIN TỨC

Bóng chữ - dáng hình khắc khoải một niềm thơ…

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2021-09-23 09:25:40
mail facebook google pos stwis
4933 lượt xem

Thơ… như tôi hiểu…

0.0. BÓNG CHỮ  là một bài thơ của Lê Đạt, trong tập thơ cùng tên, được ấn hành bởi Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 1994.
 

Dưới đây là nguyên văn:

BÓNG CHỮ

Chia xa rồi anh mới thấy em

Như một thời thơ thiếu nhỏ

Em về trắng đầy cong khung nhớ

Mưa mấy mùa

                mây mấy độ thu

Vườn thức một mùi hoa đi vắng

Em vẫn đây mà em ở đâu

Chiều Âu Lâu

                bóng chữ động chân cầu

... Tôi đọc bài thơ đã lâu, mà mãi nay mới thấy BÓNG CHỮ không phải là một phi lý vô tình “đầu Ngô, mình Sở”, mà chính là một dụng tâm hữu ý của thi nhân. Và rồi,  từ tâm thức của mình, BÓNG CHỮ lay động mãi, cái dáng hình khắc khoải một niềm thơ Lê Đạt...

Nhớ thi nhân, người một đời phu phen trên cánh đồng chữ gian lao với chủ thuyết: “Nhà thơ làm chữ chủ yếu không phải ở “nghĩa tiêu dùng”, nghĩa tự vị của nó, mà ở diện mạo, âm lượng, độ vang vọng, sức gợi cảm của chữ trong tương quan hữu cơ với câu thơ, với bài thơ.” *

Nhớ người mãi miết một lòng với phương cách thơ hai câu (“HaiKau”).

Nhớ người đã YÊU là yêu không gì thay đổi nổi niềm YÊU...

1.0. Thì đây:

“Chia xa rồi anh mới thấy em

Như một thời thơ thiếu nhỏ”

1.1. ... Là thơ mở câu chuyện tình bằng một hồi tưởng mới thao thiết làm sao!

Chỉ hai câu, (với “HaiKâu”), thơ đã chuyển tải hẳn một thông điệp. Rằng mãi đến lúc “Chia xa rồi anh mới thấy em // Như một thời thơ thiếu nhỏ”...

Mới thấy? Vậy là trước đó chưa thấy!

Phải thôi... Đắm yêu... say thế... thì chưa thấy được hết em... cũng là thường tình... của tình yêu đầu đời thôi mà!

Nhưng cái lạ của câu thơ, cái khác thường của sự thấy, là thấy “Như một thời thơ thiếu nhỏ”. Nghĩa là anh thấy... cả một thời thơ ngây, trinh trắng, đắm say và dâng hiến của tình em.

1.2. Còn tôi? 

Đọc hai câu thơ kia, tôi như thấy dáng hình thi nhân vẫn bền chí, dụng công, trên cánh đồng chữ chang chang nắng lửa, bới bới, tìm tìm, rút ra, nhấc lên, đặt xuống, vần xoay, xăm xói... ba chữ Thơ – Thiếu – Nhỏ...

Hẳn là người nghĩ, là làm sao, chỉ với vài ba chữ thôi, có thể chuyển tải được thông điệp của cả một thời, từ thơ ấu, sang thiếu niên, đến một thanh nữ... tràn đầy thơ ngây, trắng trinh, đắm say và dâng hiến...

Tôi làm một phép thử, ghép thêm vào sau “... một thời...”, để được các câu:

               - Như một thời... thơ ấu

               - Như một thời... thiếu niên

               - Như một thời... nhỏ nhỏ

Hoặc lại thêm một lần nữa:

               - Như một thời... thơ bé

               - Như một thời... thiếu nữ

               - Như một thời... nhỏ xinh

Vân vân...

... Và tôi thấy, dường như tác giả đã rút các chữ Thơ – Thiếu – Nhỏ kia ra, từ nhiều tổ hợp từ có các chữ khác nhau kia, để TẠO SINH một từ mới, gồm ba chữ : “Thơ – Thiếu – Nhỏ”; trong đó “Nhỏ” đảm trách chức năng TỰ SINH, nhưng, lạ kỳ độc đáo, chính là khi đặt các chữ đó vào câu thơ, thì câu thơ lại tạo ra được cái âm điệu hài hòa, biểu đạt một sự tăng trưởng nhịp nhàng, hồn nhiên, như nhiên... đến như thế! 

1.3. Đến đây, xin cho tôi nói ra ngoài câu chuyện thơ tình ái này một chút...

... Là nói rằng, cứ như chủ thuyết của Lê Đạt, thì ngay từ hai câu thơ đầu, cho đến từng “HaiKâu” tiếp sau, còn mở ra nhiều nữa những thông điệp khác nhau, tùy thuộc vào năng lực tư duy, suy tưởng của người đọc, chứ chẳng phải hiển ngôn như những gì tôi đã cứ với mới hai câu đầu bài thơ... 

Ví như, ngay câu thơ “Như một thời thơ thiếu nhỏ” kia, chỉ cần một cách ngắt nhịp : “Như một thời thơ / thiếu nhỏ” thôi, thì thông điệp sẽ sao nhỉ? Sẽ sao khi tiền giả định của chỉ một cái ngắt nhịp thơ ấy, đã là cả một đời thơ, với biết mấy điêu linh của thi nhân...

Và, đó có phải là BÓNG của CHỮ không?!...

2.0. Trở lại bài thơ, thì từ một “Chia xa...” thao thiết đến thế… nên cái sẽ đến phải đến.

Hai câu thơ kế tiếp đây:

“Em về trắng đầy cong khung nhớ

  Mưa mấy mùa

                  mây mấy độ thu”

            2.1. Thì “Em về...”, một hẳn nhiên rồi! Bởi cái sự “ Chia xa...” kia, chẳng qua chỉ là một “Sự đâu sóng gió bất kỳ” (KIỀU), ngoài cuộc yêu mà thôi!... Và cũng bởi thế, mà giờ đây, khi “ Em về...” cuộc yêu mới “... trắng đầy cong khung nhớ” đến vậy, phải không?!...

            Câu thơ cho tôi thấy, đó chỉ có thể là sự trở về của yêu đương, mà “Chia xa...” chỉ càng khiến thêm đắm say mà thôi. Chữ CONG trong câu thơ mới dâng hiến, mới bạo liệt làm sao! Tôi hiểu đó là một tận hiến!

            Cuộc yêu thần tiên, đến vít cong như muốn cho gãy nổ tan tành cái “khung nhớ” chất chứa, nén dồn... bấy nay!...

            “Em về trắng đầy cong khung nhớ” là một tuyệt cú thơ!

            Tôi chưa từng đọc thấy ở đâu một câu thơ tả thực mà hư huyền miên tưởng đến như vậy!

2.2. Nhưng, như một lẽ thường lên – xuống...

Câu thơ tiếp theo ngắt nhịp, cách dòng:

            “Mưa mấy mùa

                              mây mấy độ thu”

... đã trải nền âm trầm vang... nâng đỡ đất – trời, mây –  mưa... mới ngọt ngào êm ái làm sao!

Tôi yêu chữ MẤY ở đây lắm. Bởi nó hiển ngôn cho thấy một chút số lượng, tuy không nhiều, nhưng... cũng chả biết là bao nhiêu... MƯA – MÂY – MẤY MÙA – MẤY ĐỘ... thật chỉ có trời hay, đất biết chớ nào ai biết mà hay!...

Chưa hết, mà vẫn còn thấp thoáng ở đây bóng dáng của một cái gì đó, mỏng mảnh như một sợi phân trần... chưa kịp tượng hình, vừa lướt qua... thì đã lại bị một cơn sóng tình kế sau đắm say hơn... xua tan biến mất...

3.0. Rồi..., cuộc say nào mà rồi chẳng tỉnh!

Hai câu thơ tiếp theo:

“Vườn thức một mùi hoa đi vắng

Em vẫn đây mà em ở đâu”

... cho tôi thấy cái phút giờ thức tỉnh của cuộc yêu đắm say kia!...

3.1. Đúng là tỉnh thức giữa một VƯỜN địa đàng, trong ngập tràn một “... một mùi hoa đi vắng” bấy nay, đã  trở lại, với một câu hỏi không dấu hỏi : “Em vẫn đây mà em ở đâu”, càng khiến cho là thực đấy, mà cứ như mong, như mơ...

3.2. Chữ MÀ đặt giữa câu thơ mới thần tình làm sao!

Tôi giở Từ điển Hoàng Phê tra thấy “ MÀ: là từ biểu thị điều sắp nêu ra là không phù hợp với điều vừa nói, có gì trái với lẽ thường”, thì lại càng biết ơn người PHU CHỮ bến ÂU LÂU ấy biết nhường nào!

Hãy ngắt nhịp câu thơ sau chữ MÀ: “Em vẫn đây mà / em ở đâu”; hoặc ngắt nhịp trước chữ MÀ: “Em vẫn đây / mà em ở đâu”, thì có thể đọc được khá nhiều thông điệp tình huống hư thực, mong mơ, thậm chí đồng sàng dị mộng nữa...

4.0. Rất khác biệt là câu thơ thứ bảy (7), câu thơ cuối cùng của bài thơ:

“Chiều Âu Lâu

                  bóng chữ động chân cầu”

... một sự khác biệt có thể ngang tầm phi lý.

Hãy ngoái ngước lên đi, không phải BÓNG CHỮ giờ mới thấy như một phi lý ở câu thơ này, mà sự phi lý đã đứng sừng sững ngay từ cái nhan đề BÓNG CHỮ của bài thơ. Thêm một khác biệt trái với chủ trương “HaiKâu”, bài thơ dừng lại ở câu thứ bảy (7). Một cái kết như từ trên trời rơi xuống, đã chặn đứng cuộc yêu, tuồng như vẫn còn sẽ lại đắm say hơn nữa!...

4.1. Chặn... cái kia là cần, bởi đã đến lúc phải cho thấy cái hình của bóng. Nhưng làm sao để không làm cách đứt mạch thơ, hữu lý bài thơ ?...

Và, thật thần tình, là nếu ngắt nhịp câu thơ sau chữ MÀ, để đẩy toàn bộ câu chuyện yêu đương từ sau chữ MÀ đó lên mãi tận “Chia xa rồi...” hồi tưởng... thì câu thơ thứ bảy (7) cuối cùng sẽ không còn lẻ loi... và nhất là không còn phi lý như khi phải đứng một mình nữa.

Hãy đọc lên đi:

“Em vẫn đây mà / em ở đâu

                          Chiều Âu Lâu

                                       bóng chữ động chân cầu”

Thần tình hơn nữa, còn là chính nhờ thủ pháp “cước vận” tài tình, với vần chân của mấy chữ ĐÂU, ÂU LÂU., lại thêm một lần ngắt nhịp nữa, thế là cái địa danh Âu Lâu đã được đưa vào chiều... đổ bóng lay động chân cầu, theo dòng nước mãi trôi xuôi...

“Chiều Âu Lâu

            bóng chữ động chân cầu”

4.2. Âu Lâu – chốn sinh thành nên Lê Đạt, cái địa danh gắn với thân phận thi nhân của ông... xuất hiện ở câu thơ cuối này có ngẫu nhiên không? Có tất nhiên không thể khác được không? Và, BÓNG CHỮ nữa, hai chữ nhan đề tưởng như là phi lý của bài thơ, tại sao lại trở lại đứng sừng sững giữa câu thơ cuối cùng của bài thơ?

Thêm một lần phi lý nữa, để tạo ra sự phủ định, làm thành một cái có lý, đúng không?...

5.0. Có thể lắm chứ!

Hiển ngôn của sáu (6) câu thơ đầu, rõ ràng là câu chuyện tình yêu, được kể lại từ một hồi tưởng lúc “Chia xa...”, cho thấy cả “... một thời thơ thiếu nhỏ”; và, với một đặc tả cuộc yêu đương của ngày gặp lại “... trắng đầy cong khung nhớ” đắm say, tận hiến; nhưng rồi, tuy thế, vẫn lại thức tỉnh nguyên khôi như sẽ lại đến một khởi đầu...

Đó có thể nói gọn bằng một chữ YÊU, căn nguyên của mọi sự tình yêu, được không, đúng không? Hay trực ngôn hơn, có thể nói, tình yêu kia, dẫu có đắm say dâng hiến gì gì đi nữa... thì cũng chỉ như là MỘT cái bóng của YÊU, cái bóng của chữ YÊU mà thôi, phải không?

Vậy là qua đến ba tầng suy tưởng, cái nhan đề BÓNG CHỮ của bài thơ tưởng như vô lý đã tường hữu lý. Chiều Âu Lâu đổ bóng xuống dòng sông, lay động chân cầu, xuôi theo dòng nước, chảy đến muôn mãi ngàn năm...

Âu Lâu là ai? Tình yêu của ai? Dâng hiến cho ai? Tận hiến vì ai?... Ôi... BÓNG CHỮ sẽ còn cho tôi thấy mãi dáng hình khắc khoải một niềm thơ Lê Đạt!...

Lê Xuân Lâm

....................

* Lê Đạt Đối thoại với đời và với thơ. Nxb Trẻ, 2011, trang 86.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Hệ lụy khi nhà văn ít đọc sách
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn trên Văn nghệ số 19/2024
Xem thêm
Nhà văn Phương Huyền: Khuyến đọc cũng là một phần trách nhiệm của nhà văn
Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024, Sở TT-TT TPHCM đã công bố 10 Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM nhiệm kỳ 2024-2025, trong đó có nhà văn Phương Huyền - người có nhiều hoạt động khuyến đọc trong thời gian qua. Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trò chuyện cùng chị.
Xem thêm
Một bút pháp mới lạ qua truyện ngắn Khai khẩu
Nguồn: Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
GS Mai Quốc Liên – Người đất Quảng cương trực
Tôi gặp GS-TS Mai Quốc Liên tại nhiều sự kiện của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Trong các cuộc họp, mỗi khi đăng đàn, ông sang sảng chất giọng Quảng đậm đà, khảng khái, thẳng thắn, thậm chí có lúc tranh luận khá gay gắt, chẳng cần rào trước đón sau, mà cũng chẳng ngại va chạm, có thể hơi làm “nghịch nhĩ” ai đó, nhưng tư duy logic, liên tưởng, liên kết các vấn đề mạch lạc. 
Xem thêm
Để thơ không “thất lạc nhau” nữa
Nguồn: Tuần báo Văn nghệ số 9/2024
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: 350.000 tỉ đồng chấn hưng văn hóa vẫn là con số rất ít
Chiều 29.02 phát biểu tại buổi gặp mặt giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước với trí thức, nhà khoa học, văn nghệ xuân Giáp Thìn 2024, Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã dành thời gian nói về vấn đề xây dựng văn hóa.
Xem thêm
Quyển sách là chữ nghĩa...
Quyển sách là chữ nghĩa. Mà chữ nghĩa của một quyển sách phải kết hợp vừa từ trí tuệ vừa từ trái tim.
Xem thêm
Nhà thơ Từ Quốc Hoài để lại “Khu vườn kí ức”
Từ Quốc Hoài, đến với thơ ca khá sớm. Ông là nhà thơ cùng thời với những tên tuổi quen thuộc: Trần Vũ Mai, Thanh Quế, Thanh Thảo, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh… cũng từng vào chiến trường khói lửa. Nhưng với con đường thơ ca, ông bước chậm, thận trọng, dè dặt. Cho tới tuổi hơn 80 ông chỉ cho ra mắt độc giả sáu tập thơ. Tập thơ thứ 5, “Sóng và khoảng lặng” (2010) đoạt giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam. Kỹ tính, khó tính (trong thơ và có lẽ cả trong cuộc sống), trăn trở, tìm tòi nên thơ Từ Quốc Hoài không lẫn, tự do, phóng khoáng, lần dò khám phá chiều sâu nội tâm.
Xem thêm
Im lặng- ngôn ngữ đặc biệt của văn chương
Nhà văn đoạt giải Nobel Văn chương 2023 – Jon Fosse vừa có một buổi gặp gỡ và đọc diễn từ của mình tại Oslo
Xem thêm
Quyền lực thơ ca và quyền uy thi sĩ
Bài đăng báo Văn nghệ của nhà văn Bích Ngân; Thơ và ảnh của nhà thơ Nguyên Hùng...
Xem thêm
Nhớ Nguyễn Đình Thi: “Một chút trắng hồng dào dạt vàng”
Bài viết của nhà báo Nguyễn Thế Khoa nhân 99 năm ngày sinh nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Thi ,20/12/1924-20/12/2023
Xem thêm
Nguyễn Du bàn về sáng tác văn chương
Bài viết rất bổ ích của nhà thơ Vương Trọng
Xem thêm
Thử nêu cách chữa “chứng lười đọc sách” – Tác giả: Nhà văn Nguyễn Khắc Phê
“Dạy con từ thuở còn thơ”; “Uốn cây phải uốn khi non”… là những điều ai cũng biết, nhưng đã có những thời đoạn do bận rộn mưu sinh và vô số sự xô đẩy, lôi kéo khác nữa, nên rất nhiều người và gia đình đã quên hoặc sao nhãng bài học giản dị và chí lý đã có tự cổ xưa. Có phải những biểu hiện tha hóa trong xã hội hiện nay chủ yếu bắt nguồn từ đó? Thiết nghĩ, cuộc vận động sáng tác văn học hướng đến lớp trẻ và thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam phát động đầu năm 2022 là một hoạt động thiết thực của văn giới nhằm góp phần chấn hưng đạo đức xã hội nói chung và góp phần bồi đắp tâm hồn cho lớp trẻ nói riêng.
Xem thêm
Làm mới cải lương – con dao hai lưỡi
Gần đây, cải lương được đưa lên mạng với một số hình thức mới: kết hợp rap, trang phục ma mị… Nhiều người cho rằng cải lương cần phải được “làm mới” để phù hợp với thời đại, với lớp trẻ. Nhưng làm mới cách nào để không bị mất chất, để người xem vẫn còn “nhìn ra” cải lương là câu hỏi không dễ giải đáp.
Xem thêm