TIN TỨC

Cao Bá Quát và Lý Bạch: Tương đồng kỳ lạ

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1179 lượt xem

Cao Bá Quát (1809 – 1855) và Lý Bạch (701 – 762) đều là thi sĩ cổ điển nổi tiếng trong hai nền văn học Việt Nam và Trung Quốc. Tên tuổi và gia tài văn chương của hai ông là niềm tự hào của mỗi dân tộc.

Cùng sống trong chế độ phong kiến, nhưng hai thi sĩ có niên đại cách nhau tới 1100 năm. Tuy vậy, gần đây, khi đọc lại tiểu sử và tác phẩm của Cao Bá Quát, tôi bỗng nhận ra có nhiều điểm tương đồng/gặp gỡ kỳ lạ về cuộc đời và tác phẩm so với Lý Bạch. Năm nay, nhân vừa tròn 210 năm ngày sinh của Cao Bá Quát, xin được cùng nhớ tới hai ông qua bài viết nhỏ này.

Cùng múa kiếm và uống rượu

Từ xưa đến nay, trong lịch sử hai nền văn học Việt Nam và Trung Quốc, rất hiếm những thi sĩ có khả năng dùng kiếm thuật, giỏi về võ nghệ. Thế nhưng cả Lý Bạch và Cao Bá Quát đều có một tinh thần võ học. Lý Bạch học múa kiếm từ năm 10 tuổi và cả tài thơ lẫn tài múa kiếm được coi là ngang ngửa như nhau.

Năm 22 tuổi (723), Lý Bạch mặc áo trắng, đeo một bầu rượu lớn, chống kiếm lên đường viễn du. Các tác phẩm của ông có nhiều câu nói tới việc dùng đao kiếm: Đình bôi đầu trợ bất năng thực/ Bạt kiếm tứ cố tâm mang nhiên [Dằn chén ném đũa nuốt không được/ Vung gươm bốn phía lòng mênh mang] (Hành lộ nan), Trừu đao đoạn thủy, thủy cánh lưu/ Cử bôi tiêu sầu sầu cánh sầu [Rút đao chém nước, nước chảy mạnh/ Nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm] (Tuyên Châu Tạ Diểu lâu tiễn biệt hiệu thư Thúc Vân).

Cao Bá Quát cũng được coi là người văn võ song toàn. Chất võ học trong ông thậm chí còn biểu hiện quyết liệt đến mức chiêu binh mãi mã chống lại triều đình. Ông từng trực tiếp đem quân tấn công nhiều huyện lỵ như phủ Ứng Hòa, huyện Thanh Oai, huyện thành Tam Dương, phủ Quốc Oai và rồi cuối cùng trúng đạn chết giữa trận tiền.


Cao Bá Quát (1808-1855)

Trong tác phẩm, Cao Bá Quát cũng để lại những câu thơ thật hay về kiếm: Ỷ chẩm khan trường kiếm/ Hô đăng kiểm tệ cừu [Tựa gối nhìn thanh kiếm dài/ Gọi đèn xem lại áo bông rách] (Độc dạ cảm hoài), Trường giang như kiếm lập thanh thiên [Sông dài như kiếm dựng trời xanh] (Hiểu quá Hương giang), Trượng phu án kiếm khứ tiện khứ/ Kỳ lộ vô vi nhi nữ sầu [Trượng phu chống kiếm đi thì đi/ Đừng buồn như đàn bà trong lúc phân ly] (Trà Giang thu nguyệt ca)

Cả Lý Bạch và Cao Bá Quát đều là những người hay rượu. Lý Bạch nổi tiếng về rượu đến độ cùng 7 người bạn khác lập thành nhóm Tửu trung bát tiên.

Khi được Đường Minh Hoàng mời vào cung, ông say sưa suốt ngày đến nỗi khi vua có việc sai người đến gọi mà Lý Bạch vẫn còn đang say: Thiên tử hô lai bất thượng thuyền/ Tự xưng thần thị tửu trung tiên [Vua cho thuyền tới đón mà không chịu lên/Còn nói rằng mình là vị tiên say rượu] (Ẩm trung bát tiên ca – Đỗ Phủ).

Khi rời khỏi cung vua để tiếp tục ngao du giang hồ, Lý Bạch không nhận tiền bạc, chỉ xin vua ban cho quyền uống rượu miễn phí ở bất cứ quán rượu nào mà ông đi qua, tiền rượu sẽ do ngân khố nhà nước thanh toán sau. Trong gia tài 1.800 bài thơ để lại, Lý Bạch có rất nhiều bài thơ về uống rượu và đa số trong đó đều là kiệt tác.

Có thể kể tới các bài điển hình như: Tương tiến tửu, Bả tửu vấn nguyệt, Nguyệt hạ độc chước (4 bài), Xuân nhật độc chước, Đối tửu… Còn Cao Bá Quát cũng có rất nhiều những câu thơ, bài thơ tả về việc uống rượu.

Nếu như Lý Bạch từng cất chén mời trăng sáng trong bài Nguyệt hạ độc chước thì Cao Bá Quát cũng có câu: Cử bôi thí yêu nguyệt/ Nguyệt nhập bôi trung hành (Cất chén thử mời trăng/ Trăng đi vào trong chén).

Nếu như Lý Bạch nhìn nước sông Hoàng Hà như từ trên trời đổ xuống mà cảm khái thành bài Tương tiến tửu thì Cao Bá Quát  cũng muốn mời ngọn sóng Hồ Tây một chén rượu: Khuyến nhĩ trừng ba tửu nhất chi/ Thiếu niên dư tối giải nhân di [Mời sóng vì ta cạn chén đưa/Tuổi xanh ta chỉ thích vui đùa] (Du Tây Hồ bát tuyệt).

Lý Bạch có những người bạn uống rượu như Sầm Phu tử, Đan Khâu sinh và đưa luôn tên bằng hữu vào những bài thơ uống rượu thì Cao Bá Quát cũng có những người bạn để uống rượu thật say với nhau (thống ẩm) như ông Vũ Hoài Phủ, Bùi Nhị Minh.

Cao Bá Quát còn khác Lý Bạch ở chỗ, thơ ông có cả những chén rượu buồn bã, xót xa: Lệ tận tôn nhưng lục/ Tâm hôi chúc tự hồng [Nước mắt dù cạn, bình rượu vẫn còn/ Lửa lòng đã tắt, ngọn đèn cứ cháy] (Du Hội An phùng Vị Thành ca giả), Thư thành hận tự không đề huyết/ Tửu túy ly bôi tức mộng hồn [Dòng thơ oán hận lệ hòa máu/Chén rượu phân kỳ lòng dễ say] (Ký hận).

Cùng ngồi tù

Trong cuộc đời, cả Lý Bạch và Cao Bá Quát đều hơn một lần vướng vòng lao lý. Khoảng năm 756, Tiết độ sứ Vĩnh Vương Lân đến tận núi mời Lý Bạch về phủ chơi.

Sau đó Lân làm phản, Lý Bạch cũng bị bắt và khép vào án tử hình. Lúc sắp bị hành hình, may sao có hai viên quan quý trọng tài thơ Lý Bạch là Tuyên úy đại sứ Thôi Chí Hoán và Ngự sử trung thừa Tống Nhược Tư đem giấu đi.

Lý Bạch nhân đó trốn thoát nhưng một năm sau (757) lại bị triều đình bắt lại. Lúc này, người từng được ông cứu năm xưa là Vương Chí Hoán ra sức gỡ tội cho ông, Lý Bạch được giảm án xuống thành tội đi đày. Còn Cao Bá Quát cũng bị ngồi tù gần 3 năm (từ 1841 đến 1843) vì tội dùng son với muội đèn chữa một số bài thi bị phạm trường quy.

Cao Bá Quát cũng bị khép vào tội tử hình (trảm quyết) nhưng sau giảm án xuống còn ngồi tù (giảo giam hậu). Nhiều sử liệu ghi lại, suốt thời gian bị giam cầm, Cao Bá Quát chịu nhiều nhục hình tra tấn. Cuối năm 1843, ông thoát tù nhưng bị đày đi dương trình hiệu lực (tức phục dịch để lấy công chuộc tội) tận Indonesia.

Nhiều bài thơ nổi tiếng đã được Cao Bá Quát sáng tác trong lúc bị giam cầm như Trường giang thiên (Bài ca cái gông dài, 3 bài), Đằng tiên ca (Bài ca cái roi song), Bệnh trung (Trong lúc ốm), Tội định (Khép tội), Chính nguyệt nhị thập nhất nhật di tống thừa thiên ngục tỏa cấm (Ngày hai mốt tháng giêng, bị giải sang giam ở ngục Thừa Thiên)…


 Lý Bạch (701-762)

Cùng chết bi tráng khác thường

Lý Bạch và Cao Bá Quát còn giống nhau ở chỗ đều để lại trong dân gian vô số những giai thoại, những câu chuyện được truyền tụng, những điển tích văn chương. Nổi bật trong số đó phải kể tới những giai thoại xoay quanh cái chết của hai ông.

Về Lý Bạch, tương truyền một đêm ông say rượu, nhìn trăng đáy nước đẹp quá, bèn nhảy xuống bắt trăng mà chết đuối. Địa điểm này được coi là ở ghềnh Thái Thạch, huyện Đang Đồ, tỉnh An Huy trong một đêm rằm.

Về sau tại nơi này, người ta dựng lên một cái đài lấy tên là Tróc nguyệt đài (Đài bắt trăng). Mười thế kỷ sau, Trương Trào trong kiệt tác U mộng ảnh hạ bút một câu: “Hoa không nên thấy rụng, trăng không nên thấy chìm, mỹ nhân không nên thấy chết yểu” chính là một phần nhớ về cái chết của Lý Bạch được tương truyền trong dân gian.

Cũng có giai thoại cho rằng, Lý Bạch đã tự tử mà chết. Còn với Cao Bá Quát, các tài liệu sử chính thống ghi rằng ông bị suất đội Đinh Thế Quang bắn chết tại trận vào tháng Chạp năm Giáp Dần (1854), dương lịch là tháng Một năm 1855.

Các giai thoại trong dân gian thì kể rằng, ông bị giam trong nhà ngục trước khi hành hình. Lúc ngồi chờ án, ông có hai câu tức cảnh đầy khí phách: Một chiếc cùm lim chân có đế/ Ba vòng xích sắt bước thì vương.

Trước lúc hành hình, ông tiếp tục đọc hai câu thơ cuối cùng: Ba hồi trống giục đù cha kiếp/ Một nhát gươm khua bỏ mẹ đời. Cả Lý Bạch và Cao Bá Quát đều được dân gian phong là tiên, thánh. Lý Bạch được mệnh danh là Thi tiên còn Cao Bá Quát được mệnh danh là Thánh Quát.

Nếu như Lý Bạch được vua Đường Huyền Tông vô cùng ưu ái thì vua Dực Tông cũng không tiếc lời khen ngợi bốn tay cự phách trên thi đàn đương thời: Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán/Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường.

Cùng có gia tài thi ca đồ sộ và những cảm hứng tương đồng

Di sản thi ca của Lý Bạch và Cao Bá Quát để lại đều là những con số vô cùng đồ sộ, tính bằng đơn vị nghìn bài.

Nếu như Lý Bạch được coi là đã để lại cho đời khoảng 1.800 bài thơ thì di sản Cao Bá Quát còn lại cũng lên tới con số 1.353 bài thơ và 21 bài văn xuôi. Cả hai ông đều được coi là đã thất lạc một số lớn các tác phẩm. Lý Bạch thất lạc tác phẩm vì không chịu lưu giữ còn Cao Bá Quát thất lạc tác phẩm do lệnh của triều đình bắt thiêu hủy, không cho phép tàng trữ.

Thế nhưng chỉ với những gì còn lại cũng đủ để tên tuổi hai ông trở thành bất tử trong hai nền văn học. Thơ ca của Lý Bạch và Cao Bá Quát đều có chất hào hùng, khí phách, cảm hứng thi ca khi thì mênh mông rộng lớn, lúc lại lắng đọng tình cảm.

Cả hai đều có những vần thơ “đăng cao” bát ngát: Chúng điểu cao phi tận/ Cô vân độc khứ nhàn (Độc tọa Kính Đình san – Lý Bạch); Ngã dục đăng cao sầm/ Hạo ca ký vân thủy [Ta muốn lên đỉnh núi/Hát vang gửi nước mây] (Quá Dục Thúy sơn – Cao Bá Quát).

Cả hai đều có những câu thơ thể hiện tình cảm nhớ thương đôi lứa, ân tình phu thê, nhung nhớ quê hương: Thiên trường lộ viễn hồn phi khổ/ Mộng hồn bất đáo quan sơn nan (Trường tương tư – Lý Bạch), Cử đầu vọng minh nguyệt/ Đê đầu tư cố hương (Tĩnh dạ tư – Lý Bạch), Nhân quân phỏng gia thất/ Phong vũ cộng triêm khâm [Nhân tiện nhắn bác hỏi thăm nhà tôi/ Trong buổi gió mưa này, ai mà chẳng nước mắt thấm áo] (Vãn lưu nguyệt trì Bắc hành – Cao Bá Quát)

Sức sống và giá trị các tác phẩm của Lý Bạch và Cao Bá Quát là điều đã được khẳng định. Cả hai đều là những tên tuổi lớn còn sống mãi trong nền văn học của mỗi dân tộc. Chỉ khác một điều, Lý Bạch vẫn còn lưu lại được những hậu duệ của mình cho đời sau; còn với Cao Bá Quát, ông đã bị triều đình tru di tam tộc, không còn hậu duệ.

Nhưng nói theo cách của Trúc Khê Ngô Văn Triện khi viết về Cao Bá Quát thì: “Người đời chỉ biết Chu Thần gây ra cái họa diệt tộc, làm toàn họ Cao phải chết. Nhưng ít ai nghĩ được rằng, chính ông chứ không phải ai khác đã làm họ Cao sống mãi”.

 Đỗ Anh Vũ/Văn Nghệ Công An

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Khát vọng Dế Mèn
Sự ra đời của Giải thưởng Dế Mèn cùng với phát ngôn của đại diện Hội Nhà văn Việt Nam đã chạm đến khát vọng lâu nay vẫn nằm đâu đấy trong những người yêu và hiểu rõ hiện trạng văn học thiếu nhi nước nhà…
Xem thêm
Tác giả trẻ chinh phục cuộc thi Thơ Hay!
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Xem thêm
Thấy gì qua một chùm thơ Tết?
Bài viết của nhà văn Lê Thanh Huệ trên Diễn đàn Văn nghệ của Liên hiệp các Hội VHNT Việt nam
Xem thêm
Cảm xúc hoài hương trong thơ Quang Chuyền
Bài viết của nhà thơ Trần Khoái
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Văn Mạnh với Dấu thời gian
Dấu thời gian là tập thơ thứ hai của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Văn Mạnh. Ông hiện là Trưởng ban biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, kiêm Trưởng Văn phòng đại diện Thời báo VHNT tại Hải Phòng.
Xem thêm
Khúc biến tấu “Mặt nạ hương”
 Đọc thơ, như là phép hóa thân, tan chảy cảm xúc của mình cùng cảm xúc bài thơ. Người đọc lắng lòng theo con chữ, hòa điệu với nhịp điệu của ngôn từ. Tôi may mắn tìm thấy sự đồng điệu đầy hứng thú khi đọc thơ Nguyễn Thánh Ngã.
Xem thêm
Chỉ còn lại tháng Tư thiếu nữ | Thơ và lời bình
Thơ Mai Nam Thắng - Bình thơ: Phạm Đình Ân
Xem thêm
Người trẻ thử sức với phê bình
Được biết “Những phức cảm phận người” (NXB Hội Nhà văn, 2023) là tập phê bình văn học (PBVH) đầu tay của cây bút Lê Hương, nên tôi đọc với một tâm thế trân trọng và chờ đợi.
Xem thêm
Người chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Thiện Thuật - Mùa hoa ban đẹp mãi
Đối với mỗi người Việt Nam chúng ta hôm nay, cái tên Điện Biên Phủ đã như một dấu mốc luôn hiện lên sừng sững mỗi khi nhắc đến. Ai cũng rưng rưng xúc động bởi máu xương của cha anh, của nhân dân đã đổ xuống để làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là không thể đo đếm hết được.
Xem thêm
Những trang văn phảng phất mùi thuốc súng
Bài tham luận của nhà văn Đỗ Viết Nghiệm
Xem thêm
Di cảo thơ Chế Lan Viên: Khi thơ là thuốc, là lời kinh kệ
Chế Lan Viên là người mà sự nghĩ ngợi vận vào thơ như thể thơ cũng là thuốc, thơ chẩn ra được cái bệnh đau của kiếp người, và “Có vào nỗi đau mới có ích cho người”.
Xem thêm
Cảm hứng sinh thái trong thơ Đặng Bá Tiến
 Là một nhà báo, nhà thơ mấy chục năm gắn bó với vùng đất Đắk Lắk, Đặng Bá Tiến đã sáng tác thành công về thiên nhiên, con người và văn hoá Tây Nguyên với nhiều tác phẩm: Lời chân thành với cỏ (Thơ, 2009), Rừng cổ tích (Trường ca, 2012), Hồn cẩm hương (Thơ, 2017), Linh hồn tiếng hú (Thơ, 2020). Anh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Tây Nguyên đương đại, một nhà thơ “thứ thiệt”[1] có bản sắc riêng, thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo. Nổi bật trong sáng tác của anh là những tác phẩm viết về rừng, về sinh thái văn hoá và nhân văn.      
Xem thêm
Sức bền của ngòi bút
Nguồn: Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 116, ngày 21/3/2024
Xem thêm
Nguyễn Bính ở phương Nam
Nguyễn Bính (1918-1966), tên thật là Nguyễn Trọng Bính (có lúc tên Nguyễn Bính Thuyết), quê ở Nam Định nhưng sống khắp ba miền đất nước. Ông có phong cách một nhà thơ lãng tử, sáng tác về chủ đề tình cảm làng quê và tình yêu, tổ quốc. Thơ tình cảm mộc mạc của ông được rất nhiều người thuộc. Tác phẩm gồm 26 thi tập trong đó có : + 1 kịch thơ : Bóng giai nhân (1942): + 3 truyện thơ : Truyện Tỳ Bà (1942); Trong bóng cờ bay (1957); Tiếng trống đêm xuân (1958): + 1 vở chèo : Người lái đò sông Vỹ (1964) và rất nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được nhạc sĩ phổ thành ca khúc : Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc, Quốc Hương ca);  Cô hái mơ (Phạm Duy); Ghen (Trọng Khương), Cô lái đò (Nguyễn Đình Phúc); Chân quê (Minh Quang). Hiện nay, nhiều thành phố có những con đường mang tên ông. Nhà thơ Nguyễn Bính nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (2000) cùng với Hoài Thanh, Bùi Đức Ái, Nguyễn Quang Sáng, …
Xem thêm
“Đánh thức mình bằng chân lý vô ngôn”
Tôi biết Nguyễn Minh Thuận (nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk) làm thơ đã lâu, dễ hơn ba chục năm trước, thỉnh thoảng anh vẫn đọc cho tôi nghe và rải rác anh cho đăng trên facebook Trương Thị Hiền - vợ anh (TS, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên).
Xem thêm
Đọc “Thơ mười năm” của Hoàng Đình Quang
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh
Xem thêm