TIN TỨC

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914)

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-12-31 19:44:06
mail facebook google pos stwis
231 lượt xem

Đi đi Non nước chờ Anh đó

CHÂU LA VIỆT

Trong gia sản thơ ca đồ sộ của nhà thơ Tố Hữu, có rất nhiều bài thơ hay viết về Đảng, Bác Hồ, viết về những người chiến sĩ cách mạng, trong đó nổi bật lên những bài viết về một người bạn, một người đồng chí, đồng hương, một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Quân đội ta: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chính ủy quân giải phóng miền Nam, người “mãi mãi là hình ảnh cao đẹp về một người cộng sản Việt Nam, một vị tướng đức tài trọn vẹn, trí dũng song toàn của quân đội ta, một nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng, một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” (Lời của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười).

Làng của nhà thơ Tố Hữu được gọi Phù Lai, làng của Nguyễn Chí Thanh là Kẻ Lừ, đều nằm bên sông Bồ thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế. Từ đây, cả hai đi tham gia cách mạng, đều phải trải qua nhiều năm tháng tù đầy trong lao tù của thực dân Pháp, mà bắt đầu là lao Thừa Phủ giữa lòng TP Huế. Lúc này Nguyễn Chí Thanh (khi ấy còn mang tên Vịnh) 24 tuổi, cương vị là Bí thư Thừa Thiên - Huế, còn Tố Hữu (Nguyễn Kim Thành) mới 18 tuổi, là Thành ủy viên…

Tố Hữu kể: Trưa nào trong lao tù cũng nghe Anh Thanh hát những câu hò đồng quê man mác, như: “Hết mùa toóc rã rơm khô/ Bạn về quê bạn, biết nơi mô mà tìm”… Tôi đã viết tặng anh bài thơ “Nhớ đồng”: “Gì sâu bằng những trưa thương nhớ/ Hiu quạnh bên trong một tiếng hò…”. Tâm trạng của Anh cũng chính là tâm trạng của tôi. Thỉnh thoảng nghe Anh ngâm bài thơ ấy, tôi rất xúc động. Ở đời tri âm là thế đó...

Có thể nói, đây là bài thơ đầu tiên trong đời Tố Hữu làm tặng người bạn Nguyễn Chí Thanh. Nó được ra đời ngay trong lao tù đế quốc hết sức nghiệt ngã, nó nâng tầm đôi bạn này ngoài tình bạn, tình đồng hương, đồng chí… còn là tình tri âm tri kỷ mãi mãi về sau trong đời…

Sau “Nhớ đồng”, Tố Hữu còn làm nhiều bài thơ khác phản ánh tâm tư, nguyện vọng cũng như cuộc chiến đấu của các chiến sỹ cách mạng trong lao tù, như “Khi con tu hú gọi bầy”, “Trăng trối”, “Tranh đấu”, “Con cá chột nưa”… dù không đề tặng Nguyễn Chí Thanh, nhưng chúng ta vẫn như thấy có bóng dáng, có hơi thở của người Bí thư chi bộ lãnh đạo cuộc đấu tranh là Nguyễn Chí Thanh, cũng như của các chiến sỹ trong lao tù như Lê Chưởng, Lê Thế Tiết, Hoàng Anh…

Năm 1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị, được Bác Hồ và Bộ Chính trị trực tiếp cử vào miền Nam chiến đấu, trên cương vị đại diện Bộ Chính trị và Chính ủy quân giải phóng miền Nam. Buổi tiễn bạn lên đường, Tố Hữu trên tư cách một người bạn, một nhà thơ, đồng thời cũng là một Bí thư TW Đảng, Trưởng ban thống nhất TW, đã có bài thơ “Tiễn đưa” đầy xúc động:

“Đưa tiễn anh đi mấy dặm đường

Nặng tình đồng chí lại đồng hương

Đã hay đâu cũng say tiền tuyến

Mà vẫn bâng khuâng mộng chiến trường…”

Lời thơ cổ kính, thể thơ cổ điển (Tố Hữu rất ít làm thơ theo thể thất ngôn bát cú), nhuốm phong vị cổ xưa, thiêng liêng và cũng rất oai hùng như một bản tráng ca. Vì lý do bí mật, khi ấy nhà thơ chỉ dám ghi: “Tặng bạn thơ Th.”, nhưng những ai đọc, đều thầm hiểu “bạn thơ” đây là “một người tầm cỡ” ra trận, một người ra đi mang sứ mệnh non sông đất nước: “Đi đi non nước chờ anh đó”. Người đó là ai, câu hỏi chưa thể trả lời, nhưng người hậu phương nào cũng ghi tạc bài thơ, cũng thấy nức lòng và hứa với người ra trận: “Tiền tuyến cần thêm, có hậu phương”…


Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với CBCS  Đoàn Hồng Hà năm 1960.

Mùa xuân năm ấy trong bài thơ xuân “Tiếng hát sang xuân”, hình tượng người chiến sĩ giải phóng quân đã hiện lên với tất cả vẻ đẹp thiên thần của mình trong thơ Tố Hữu. Người ta nhớ lại hình ảnh người Vệ quốc quân trong tập thơ “Việt Bắc” năm xưa của Tố Hữu. Người ta như thấy hình ảnh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Chính ủy quân giải phóng cùng các đồng đội của mình trong những vần thơ rất đẹp ấy:

“Hỡi người anh, giải phóng quân

Hai mươi năm chẳng dừng chân trên đường

Vẫn đôi dép lội chiến trường

Vẫn vành mũ lá coi thường hiểm nguy

 

Tuốt gươm không chịu sống quỳ

Tuổi xanh chẳng tiếc, sá chi bạc đầu

Lớp cha trước, lớp con sau

Đã thành đồng chí, chung câu quân hành

 

Anh đi, xuôi ngược tung hoành

Bước dài như gió, lay thành chuyển non

Mái chèo một chiếc xuồng con

Mà sông nước dậy sóng cồn đại dương…”

Nhà thơ Tố Hữu kể: “Năm 1967, anh Nguyễn Chí Thanh trong Nam ra, báo cáo tình hình… Bộ Chính trị Đảng ta đi đến quyết định Tổng tiến công Mậu Thân 68, đánh vào thành phố, đô thị và giao cho anh Thanh chỉ huy… Bác Hồ lúc này đã yếu, song tình hình lạc quan làm cho Bác rất vui, chính vì thế mà bài thơ Bác chúc Tết xuân 68 có câu kết vang lên như một lời kêu gọi “Tiến lên toàn thắng ắt về ta”. Bài thơ xuân 68 tôi làm trước Tết, nhưng đã nghe háo hức không khí chuẩn bị tiến công và hình ảnh anh giải phóng quân được tô đậm ngay từ đầu:

“Ai đến kia rộn rã cùng xuân

Hoan hô anh giải phóng quân

Kính chào anh, con người đẹp nhất…”

Tố Hữu kể: “Sau khi họp bàn xong, anh Thanh được lệnh trở lại miền Nam. Trước khi lên đường,anh ghé thăm tôi. Lúc ra về, anh bắt tay tôi: “Thôi, mai tau đi nhé”. Không ngờ tối hôm ấy anh qua đời vì bị nhồi máu cơ tim. Khi cơn đau dữ dội, đưa anh vào Bệnh viện Việt Xô cấp cứu thì đã quá muộn. Cái chết của anh Thanh là một tổn thất lớn của Đảng ta, nhất là vào thời điểm quan trọng này. Tôi đã viếng anh bằng bài thơ “Một con người”:

“Tưởng lại đưa anh ra chiến trường

Đường về, vó ngựa thẳng dây cương

Ngày mai... ai biết chiều nay phải

Vĩnh biệt Anh nằm dưới bóng dương…”

Những ngày ấy, Tướng Nguyễn Chí Vịnh, con trai của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn đang tuổi ấu thơ, nhưng anh vẫn không thể quên buổi ấy khi cha mình còn đang nằm trong phòng cấp cứu của bệnh viện và kể như đã không thể cứu chữa, thì ở bên ngoài, nhà thơ Tố Hữu nức nở, hai tay đấm mạnh vào cửa và gần như là thét gào: “Anh Thanh ơi, anh ra đây đi. Anh Thanh ơi”… Ngay sau đó, với cảm xúc tột độ, nhà thơ xin người hộ lý một tờ giấy và ông đã viết những vần thơ thấm đẫm nước mắt về người đồng chí thân thiết nhất của đời  mình… Có lẽ đó là bài thơ ông làm nhanh nhất trong cuộc đời thơ ca của ông…” – Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhớ lại…

Bài thơ ấy đến nay đã hơn nửa thế kỷ, vẫn làm lòng ta quặn đau về sự mất mát to lớn một người đại tướng văn võ song toàn, một con người như Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi ấy đã thốt lên: “Chúng ta mất một con đại bàng bay trên trời cao, có tầm nhìn xa trông rộng, lại thấy được những cái rất cụ thể trên mặt đất…”.


Bảo tàng Nguyễn Chí Thanh

Nhà thơ Tố Hữu viết trong hồi ký: “Anh Thanh là một cán bộ lãnh đạo, một tướng lĩnh rất xuất sắc, quả cảm, táo bạo, xông xáo, rất chân thành và giản dị. Với tôi, Anh là người bạn luôn gần gũi, ngay từ những ngày đầu tôi bước vào hoạt động cách mạng. Tôi đã gửi gắm vào bài thơ cả nỗi niềm tiếc thương khâm phục:

“Ở đâu nghèo đói gọi xung phong

Lon nước mo cơm lội khắp đồng

Ở đâu tiền tuyến kêu Anh đến

Vượt núi băng rừng lại tiến công…

 

Ôi sống như Anh, sống trọn đời

Sáng trong như ngọc một con Người

Thanh ơi, Anh mất rồi chăng đấy

Cứ thấy như Anh nở miệng cười…”

 Đất nước giải phóng, trên cương vị là Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng, nhà thơ Tố Hữu khi trở về thăm lại quê hương Thừa Thiên - Huế, đi trên mỗi bước đường đã không nguôi nhớ bạn - người đồng chí, đồng hương thân yêu - của mình: Nguyễn Chí Thanh:

“Cơ chi anh, sớm được về bên nội,

Hôn nỗi đau tan nát Phù Lai

Như quê bạn Niêm Phò trơ trụi,

Đạn bom cày cả nương sắn đồng khoai”.

(Bài thơ quê hương)

 

Chính vì vậy, khi nói về hai ông, có nhà thơ đã viết:

“Họ đã đi suốt cuộc đời không nghỉ

Như dòng sông chảy mãi cùng tháng năm

Đôi bạn ấy cùng đi vào lịch sử

Người danh tướng và người là thi nhân…”

…Có lẽ còn hơn như thế, Tố Hữu và Nguyễn Chí Thanh, đôi bạn bên sông Bồ, không chỉ là một đôi bạn, một đôi đồng chí, mà còn là một đôi tri âm tri kỷ đi vào lịch sử cách mạng và thơ ca Việt Nam…

Nguồn: https://arttimes.vn

Bài viết liên quan

Xem thêm
Đan Thanh - nghệ sĩ kết nối thi ca và hội họa
Với hiểu biết khiêm tốn của một nhà giáo hâm mộ văn học nghệ thuật, tôi được biết thầy giáo - nhà văn Nguyễn Thanh. Thầy Nguyễn Thanh tên thật là Nguyễn Tấn Thành sinh ra tại xã Tân Quới, quận Bình Minh, Cần Thơ (nay thuộc Vĩnh Long). Khi làm văn nghệ, thầy Nguyễn Thanh còn dùng những bút danh khác để viết cho nhiều thể loại bài khác nhau : Thanh Huyền, Ngũ Lang, Đan Thanh, Phương Đình, Tương Như, Diễm Thi, Minh Khuê, Minh Văn, Lan Đình, Chàng Văn… Thầy tốt nghiệp Đại học Sư phạm - Cử nhân Văn khoa và đã qua 3 năm chưong trình Cao học Văn chương và Ngoại ngữ tại Đại học Văn khoa Sài Gòn (1975).
Xem thêm
Giao hưởng Điện Biên – thành tựu mới của nhà thơ Hữu Thỉnh
Chiến thắng Điện Biên là một chiến thắng vĩ đại của chúng ta “Lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu” (Tố Hữu). Chiến thắng đó làm rạng danh nước Việt trên thế giới. “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi). Ngày 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thằng bay trên nóc hầm tướng Đờ cát, ngày 12 tháng 5 Bác Hồ đã có bài thơ dài đăng trên báo Nhân Dân : “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ”. Rồi sau đó Tố Hữu mới có bài thơ nổi tiếng “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Điện Biên còn được các nhà thơ, nhà văn Việt Nam nhắc đến nhiều trong các bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết. Điện Biên cũng được nhắc đến trong các cuốn sách của đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh, nhà báo của ta và phương Tây.
Xem thêm
“Chia lửa” với chiến dịch Điện Biên Phủ
Bài đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 122, thứ năm 2-5-2024
Xem thêm
Nhà thơ lê Đình Hòa chỉ thấy hoa phượng trắng
Bài viết của Lê Thiếu Nhơn về nhà thơ khiếm thị Lê Đình Hòa ở Phú Yên
Xem thêm
Lãng tử trong đời, chí thú trong văn
Bài viết về nhà văn Nguyễn Hoàng Thu trên báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Trong màu xanh Vàm Cỏ
Nhà văn Hào Vũ, sinh năm 1950. Quê quán: An Hải, Hải Phòng. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại 6/3 Cư xá phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984.
Xem thêm
Đỗ Thành Đồng và chuyển động đường thơ
Sau gần 15 năm đắm say đến điên cuồng với thi ca, nhà thơ Đỗ Thành Đồng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản 7 tập thơ.
Xem thêm
Chuyện tình khó quên của Trịnh Công Sơn
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Xem thêm
Nhà văn Di Li: Tôi bị hấp dẫn bởi người đàn ông nhân văn, tử tế
Tôi nghĩ rằng, là người văn minh thì phải chấp nhận sống chung với sự khác biệt, tuy nhiên, sự khác biệt đó nếu không tốt, muốn người ta thay đổi thì mình sẽ góp ý. Và cách góp ý của mình cũng khá hài hước nên người nghe không mấy khi khó chịu.
Xem thêm
Người tốt trại Vân Hồ
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, 1998 – 2000) với tiểu thuyết Lạc rừng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Xem thêm
Nhớ nhà báo Phú Bằng
Đọc bác Phú Bằng từ lâu, khi tôi còn trực tiếp cầm súng ở Trung đoàn 174 Sư đoàn 5 thời chống Mỹ. Lúc ấy bác Phạm Phú Bằng là phóng viên báo QĐND được tăng cường cho báo Quân Giải phóng Miền Nam.
Xem thêm
Nhà văn - dịch giả Trần Như Luận với tác phẩm “Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh - Mỹ kinh điển, lừng danh”
Tháng Sáu 2022, trên Báo Thanh Niên rồi Tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà báo Hà Tùng Sơn và nhà phê bình văn học Vân Phi giới thiệu tác phẩm thứ 7 của nhà văn Trần Như Luận (TNL): tiểu thuyết Gương Mặt Loài Homo Sapiens. Trước đó, anh từng gây tiếng vang nhờ giá trị đáng kể của bộ tiểu thuyết Thầy Gotama và 8000 Đệ Tử dày tới 1.200 trang, trình làng năm 2014. Chúng tôi cũng biết tới cả trăm tác phẩm dịch của anh, cả thơ và truyện, xuất hiện trên các tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ Quân đội, Non Nước, Sông Hương, v.v… Xuân Giáp Thìn 2024, nhà văn ra mắt một “dịch phẩm” hoàn toàn mới: Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh – Mỹ kinh điển, lừng danh. Sách dày 320 trang, bìa bắt mắt. Sách được Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Việt Nam thẩm định chất lượng và hỗ trợ kinh phí; NXB Hội Nhà văn cấp phép. Nhân một cuộc hẹn thú vị tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh, trong một quán cà phê tao nhã, không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Xem thêm
Nhớ anh Mai Quốc Liên
Bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nhà văn Trầm Hương: Sứ mạng nhà văn là đi tìm những ẩn số
Hàng chục năm nay, nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) vẫn âm thầm theo dấu chân những anh hùng, người lính, mẹ liệt sĩ… để tìm nhân vật cho những trang sách của mình. Chị ghi dấu ấn đậm nét trong dòng văn học cách mạng hiện nay.
Xem thêm