TIN TỨC

Lê Khánh Mai – hồn thơ mây trắng

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2021-12-28 10:23:41
mail facebook google pos stwis
2179 lượt xem

(Vanchuongthanhphohochiminh.vn) – Đọc “Mật ngôn của tình yêu” của Lê Khánh Mai (NXB Hội Nhà văn, 2019), ta gặp những vần thơ giàu chất suy tưởng, đó là những trăn trở suy tư về sự sống, những chiêm nghiệm về cuộc đời hữu hạn và khát vọng vô biên, nỗi day dứt về tình yêu và chiến tranh, hạnh phúc và mất mát, khổ đau. Nổi bật là những bài thơ về tình yêu nhưng không phải là cảm xúc nồng nàn, say đắm của đôi lứa đang tình tự mà là “Mật ngôn của tình yêu”, là ẩn ức về một tình yêu đã trở thành kỷ niệm buồn thương từ hơn mười năm trước, một hồn thơ luôn hướng về nơi ấy, nơi “anh hoá thành mây trắng”. Tứ thơ đó trở đi, trở lại trong nhiều bài thơ với sự kết hợp những sắc thái cảm xúc yêu thương, mộng tưởng ái ân, buồn đau và cảm giác mất mát, hụt hẫng, cô đơn. Tứ thơ độc đáo và sự kết hợp những cảm xúc, suy tưởng sâu lắng đã tạo nên một giọng điệu khá đặc biệt và đầy ám ảnh trong tập thơ: giọng trữ tình buồn thương không dứt, không nguôi.


Nhà thơ Lê Khánh Mai.

Lần theo ký ức của nhân vật trữ tình, người đọc cảm nhận được tiếng vọng của tình yêu, của hồn người gắn với tiếng vọng của lịch sử từ thời kháng chiến chống Mỹ. Đất nước như con tàu bị cắt làm đôi, em và anh cũng đi về hai phía:

nhưng chúng ta đã đi ngược chiều nhau

em từ Nam ra Bắc

anh từ Bắc vào Nam

hai tinh cầu nhỏ bé trượt qua nhau lặng lẽ

chỉ không trung nghe được tiếng vọng thầm

(Tiếng vọng)

Trong bài thơ Em yêu anh, Khánh Mai thể hiện những cung bậc tình yêu qua hình ảnh cảm giác về sự vật, âm thanh và ánh sáng và người đọc mặc sức liên tưởng “hương vị” của những tia nắng ban mai, tiếng chim hót, mưa thu dịu lành, sóng tự ghềnh xa, phím đàn tuôn đổ âm ba, phía chói loà ngời sáng. Từ đó, chị ước nguyện một tình yêu vĩnh hằng:

em yêu anh

như tình yêu đầu tiên, như tình yêu cuối cùng

ta bên nhau hành trình không về đích, không giới hạn

chỉ ý nghĩ vươn về nhau bất tận

chỉ thơ nhạc cất lời cho khoảng lặng rung lên

em yêu anh và anh yêu em

(Em yêu anh)

Với người phụ nữ, tình yêu vốn đặc biệt nhạy cảm với những biến động của đời sống nên nhiều trắc trở và lắm âu lo, vì thế ngay cả trong phút giây tình tự hạnh phúc, Thuý Kiều đã linh cảm về những bất trắc: Bây giờ rõ mặt đôi ta / Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao (Truyện Kiều). Khánh Mai thể hiện những linh cảm của mình bằng những liên tưởng nhuốm màu siêu thực, những hình ảnh ảo giác, tiếng gọi của giấc mơ:

chiếc cầu gỗ chao đảo

em đứng bên này

anh phía bên kia

dưới chân ta dòng sông cuộn trào, chảy xiết

phải chăng ẩn mật thiên cơ chỉ mình em được biết?

(Linh cảm nghiệt ngã)

Và linh cảm đã thành hiện thực, dù là khát vọng tình yêu chung thuỷ, cuộn xiết nhau cùng nốt nhạc vần thơ, nhưng định mệnh tàn nhẫn, duyên phận phủ phàng đã đẩy lứa đôi cách xa về hai thế giới. Niềm đau của thi nhân đã gợi lên bao nỗi xót xa thương cảm:

nơi đường biên bầu trời trái đất

ta chia tay nhau

anh hoá thành mây trắng

em đơn độc cánh cò

áo tang trắng màu mây

(Mây trắng)

Bài thơ Người đàn bà đi tìm tiếng chuông có chuỗi hình ảnh ẩn dụ sắc nét và giàu ý nghĩa. Sự kết hợp giữa thực và ảo với những hình ảnh quả chuông câm, con nhện goá, chiếc lá vàng, vốn là những thực tại xa nhau nhưng đã được đặt trong cùng quan hệ với hình ảnh tiếng nói thầm phía sâu lồng ngực. Tất cả tập trung thể hiện tiếng chuông, cũng là hình tượng trái tim, tiếng chuông ấy phải chăng là tiếng lòng của người đàn bà, hồn thơ của nữ sĩ, một thời ngân nga trong thinh không rồi trôi đi vô tích, vùi sâu lòng đất, chìm đáy đại dương và im bặt giữa tầng mây trắng. Cảm nhận được cái phi lý của cuộc đời, day dứt vì sự tàn tạ, phôi pha theo năm tháng, đồng thời thể hiện niềm khát khao sống, khát khao giao cảm tâm hồn, thể xác và giấc mơ xuân trẻ, tiếng chuông ấy đã chuyển hoá thành những hình ảnh với nỗi buồn thương không dứt:

con nhện goá miệt mài giăng tơ

đan tấm lưới chiều buồn bã bâng quơ

vớt những âm thanh vọng tưởng

(Người đàn bà đi tìm tiếng chuông)

Đọc thơ Khánh Mai, thấy chênh vênh giữa hai bờ hư – thực, cái thực là một “cái tôi” đầy cá tính được thể hiện qua những hình ảnh vật thể và sự việc như được nhìn thấy trong giấc mơ, được xây dựng bằng những liên tưởng dựa trên những nghịch lý, bất ngờ, đập mạnh vào trí tưởng tượng:

em

từng đêm, từng đêm

hồn đi hoang, thoát khỏi căn phòng đơn lạnh

bức rèm hoa dây leo lay động

bầy côn trùng rầu rĩ giao hoan

mưa thu tí tách gọi tình

hạt sương quyên sinh trong niềm đau dâng hiến

gió thì thào lời yêu bất tận

lá reo mừng quấn quýt những bước chân

bầu trời đêm rất xanh

trăng sao thắp đèn quanh ngôi nhà mây trắng

(Mật ngôn của tình yêu)

Tác giả đã sử dụng những hình ảnh từ đặc điểm về hình thể, âm thanh của sự vật, hiện tượng: bầy côn trùng, mưa thu, hạt sương, gió, lá, bầu trời, trăng sao để bộc lộ niềm khát khao hạnh phúc của nhân vật trữ tình. Hàng loạt hình ảnh mộng mị, mê sảng được được gợi lên với nhịp điệu dồn dập, hối hả, làm liên tưởng một cuộc giao hoan đầy cảm giác ái ân trong đêm hoa đăng, không phải trong căn phòng chật chội mà giữa vũ trụ vô cùng vô tận, để trăng sao thắp đèn quanh ngôi nhà mây trắng. Đoạn thơ tiếp theo là sự cảm nhận hạnh phúc ái ân bằng những giác quan tinh nhạy và niềm đam mê đắm đuối:

đêm

căn phòng trống trải

bỗng ngập tràn mùi hương ân ái

cái mùi hương đi vắng đã mười năm

trở về

ướp lên mái tóc em

ủ thơm chăn gối

mơn man da thịt hồi sinh

nồng nàn hơi thở thương quen

riết róng vòng tay êm ấm

thảng thốt nụ hôn muộn mằn sau quên lãng…

(Mật ngôn của tình yêu)

Nhưng tất cả chỉ là ảo giác – ảo giác về một tình yêu hạnh phúc đã trở thành kỷ niệm, trở thành nỗi đau quặn lòng, vì giờ đây, người tình đã khuất xa, tất cả chỉ còn em đắm đuối ngắm hình bóng anh qua làn khói mỏng. Niềm khát khao ân ái, khát vọng hạnh phúc, chung tình trong hoàn cảnh mất mát đau thương, phải chăng là vùng ẩn mật của bản thể, là Mật ngôn của tình yêu mà nhà thơ muốn gửi gắm. Nhà thơ vận dụng những yếu tố siêu thực, kết hợp thực và ảo, diễn tả tiềm thức bằng cách trình bày các sự vật như được thấy trong giấc mơ với những hình ảnh thiên về cảm giác mơn man da thịt.

Khi đã ở tuổi xế chiều, cũng là lúc nhìn lại mình đời đã xanh rêu (Trịnh Công Sơn), người ta thường hồi tưởng về quá khứ, chiêm nghiệm về những được mất trong cuộc đời dâu bể với một nỗi niềm ngùi ngùi thương cảm, đó cũng là cảm hứng của Lê Khánh Mai trong bài Khi người ta già. Cùng với tháng năm, người ta càng già dặn, chín chắn chứ không còn bồng bột, nhiệt thành đến mức nóng nảy, động đến là xù lông như chú chim ngày xưa – thời trẻ trung sôi nổi:

những chiếc gai nhọn trên hình hài tù dần đi và rụng hẳn

đâu rồi chú chim bé nhỏ ngày xưa, động đến là xù lông

chiếc lưỡi mềm đã thấm mệt, chịu nằm ngoan

trong khoang miệng…

(Khi người ta già)

Hình ảnh ẩn dụ chú chim bé con ngày xưa là biểu tượng thể hiện một “cái tôi” đã hư hao qua năm tháng, qua những biến đổi thăng trầm trong cõi nhân sinh. Đó là sự tự ý thức về những được mất của một thời xuân trẻ. Con người đó đã ngấm đòn vì cái giá phải trả cho sự nhiệt thành và cả vô tâm, muốn kêu những tiếng đớn đau, uất hận, đòi rạch ròi đúng sai, phải trái  và  muốn nói lời xin lỗi những ai bị nó làm tổn thương. Ba câu thơ như một lời tự bạch, đã khái quát những nét bản chất rất đời, rất người của chú chim bé con với khát vọng và sự nuối tiếc vì  tất cả đều quá muộn. Khi đã “tri thiên mệnh”, biết phận người sắp đặt bởi duyên cơ, thi nhân  không muốn những nếp nhăn hằn sâu thêm nữa, vì thế mà buông bỏ, mặc cho sự đời trôi đi theo quy luật thời gian, để  lòng cất lên tiếng hát. Nói thế thôi, tưởng là buông, là bỏ để vui sống, mà trong miền sâu thẳm của tâm hồn vẫn thổn thức nỗi ưu tư chợt nhói đau nơi ngực trái rưng rưng. Bài thơ có những ẩn dụ khá độc đáo, gợi ra nhiều liên tưởng và có sức ám ảnh.

Trong nỗi cô đơn, mất mát và đau thương, khi người tình đã hoá thành mây trắng, nhà thơ vọng về thế giới bên kia, hồn theo mây trắng bay về phía anh, đến với cuộc tình vô cùng vô tận:

em đi về phía mưa nguồn chớp bể

cuộn vào anh thác xiết

hát ca lời biển khơi

cùng bay lên bầu trời

mây trắng.

Người đọc thương cảm sâu sắc với nỗi niềm của nhà thơ thể hiện qua những ấn tượng mơ hồ, huyền hoặc, những ảo ảnh chơi vơi, mong manh lướt qua tâm trí. Phải là một khát vọng tình yêu mãnh liệt, nồng thắm, chung thuỷ, cháy hết mình thì mới có cái ý nghĩ vĩnh hằng hoá tình yêu một cách lạ lùng đến như vậy. Hình ảnh mây trắng hư ảo cứ chập chờn, ẩn hiện trong hồn thơ thi sĩ, trở thành một ám ảnh trong lòng người đọc. Là người phụ nữ ở thế kỷ XXI, thi nhân không ngần ngại bộc lộ những miền sâu kín nhất của tâm hồn, cả ý thức lẫn vô thức, và người đọc ngày nay dễ đồng cảm với những rung động của trái tim người goá phụ, một con người nhạy cảm, tinh tế, yêu thương gắn bó, chung tình. Qua những bài thơ Mật ngôn, tác giả đã thể hiện cảm hứng về thân phận con người, thân phận tình yêu, một “cái tôi” với tâm thức cô đơn buồn thương, có khi “bị chặt đứt bởi mọi gốc rễ”, rơi từ sợ hãi này đến sợ hãi khác trong hành trình tìm kiếm chính mình (Trạng thái).

Phải chăng Cái cô đơn là đặc trưng cuối cùng của thân phận con người? Vì thế, “cái tôi” trữ tình  đào sâu vào bản thể, cô đơn trong cõi người và đi tìm tri kỷ trong thế giới nội tâm (Tri kỷ). Nỗi cô đơn như thường trực trong tâm hồn thi sĩ, người đọc gặp nhiều bài/câu thơ gợi trạng thái cô đơn trong ý thức và cả trong tiềm thức. Ngay cả lúc hai người tình còn bên nhau, nhà thơ vẫn cảm thấy:  như hai vũ trụ cô đơn/ gần nhau mà xa lạ (Linh cảm nghiệt ngã); khi lại cảm nhận cô đơn ở một không gian: con đường nay bỗng rộng rinh / bơ vơ còn lại một mình mình đi (Miền hoang tưởng); Có khi là một suy niệm: đi mải miết bên lằn ranh định mệnh / Hạnh phúc cô đơn đi về phía vô cùng (Bên lề đời nhau), một sự bừng ngộ: triền miên những cơn mơ ái ân dang dở / Cơn mơ bỏ đi rồi, trơ trọi một niềm riêng (Hành trình mùa xuân) và một khái quát có ý nghĩa triết luận: mỗi phận người một vũ trụ đơn côi (Vũ trụ đơn côi),vv…

Tập thơ Mật ngôn của tình yêu có những bài thơ hay được viết theo bút pháp hiện thực – lãng mạn truyền thống với những nét tả thực như Tiếng vọng, Ký ức ga Hàng Cỏ, Ba mươi tháng tưHành trình mùa xuân, nhưng chủ yếu là những bài thơ có sự vận dụng kết hợp biện pháp nghệ thuật thơ siêu thực ở chừng mực có thể chấp nhận được, tạo nên sự đa dạng trong phương thức thể hiện. Có thể thấy rõ điều đó trong các bài: Khi người ta đã già, Người đàn bà đi tìm tiếng chuông, Mật ngôn của tình yêu, Gió, Linh cảm nghiệt ngã, vv…Khánh Mai đã có những tứ thơ mới mẻ, nhiều sáng tạo trong việc xây dựng hình tượng thơ, những ẩn dụ khá độc đáo, những hình ảnh có ý nghĩa tượng trưng để miêu tả nội tâm ẩn mật của con người với vùng mờ vô thức, gợi nhiều liên tưởng bất ngờ và thú vị nơi người đọc. Tuy nhiên, một số bài có những suy tưởng trừu tượng, những liên tưởng quá xa làm người đọc khó khăn trong việc tiếp nhận (Khởi đầu, Khoảng trống, Miền hoang tưởng). Lê Khánh Mai không mấy lệ thuộc những hình thức thơ truyền thống như thể thơ, kết cấu, vần điệu. Chị viết thơ tự do, thường phá vỡ trật tự thời gian, không gian tuyến tính, ngắt giọng theo nhịp rung động của cảm xúc, sự mời gọi của tâm tưởng, bởi vì Chỉ có vần luật bên trong hoà hợp với nhịp đập con tim là có ý nghĩa [*]. Một số bài được cấu tạo như một chùm thơ ngắn (Hát một mình trong sương mù, Những mảnh vỡ của ngọc, Miền hoang tưởng), lại có những bài thơ văn xuôi, câu dài miên man tưởng không dứt (Chuyển dịch, Bản thể, Khoảng trống) và một bài lục bát lạc lối giữa vườn thơ hiện đại (Xa xăm). Phần lớn là những bài thơ không vần hoặc ít vần nhưng vẫn giàu nhịp điệu, rất ít dùng dấu câu (chỉ dùng dấu phẩy và dấu chấm kết thức bài). Lời thơ phóng khoáng, không cầu kỳ, trau chuốt, bóng bẩy nhưng giàu sáng tạo, có sức gợi hình gợi cảm, thể hiện bản lĩnh của một cây bút thơ đang ở độ chín.

N.P.H

[*] Dẫn theo M. Amaudov. Tâm lý học sáng tạo văn học, Nxb Văn học, 1978, tr 535.

 

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Đan Thanh - nghệ sĩ kết nối thi ca và hội họa
Với hiểu biết khiêm tốn của một nhà giáo hâm mộ văn học nghệ thuật, tôi được biết thầy giáo - nhà văn Nguyễn Thanh. Thầy Nguyễn Thanh tên thật là Nguyễn Tấn Thành sinh ra tại xã Tân Quới, quận Bình Minh, Cần Thơ (nay thuộc Vĩnh Long). Khi làm văn nghệ, thầy Nguyễn Thanh còn dùng những bút danh khác để viết cho nhiều thể loại bài khác nhau : Thanh Huyền, Ngũ Lang, Đan Thanh, Phương Đình, Tương Như, Diễm Thi, Minh Khuê, Minh Văn, Lan Đình, Chàng Văn… Thầy tốt nghiệp Đại học Sư phạm - Cử nhân Văn khoa và đã qua 3 năm chưong trình Cao học Văn chương và Ngoại ngữ tại Đại học Văn khoa Sài Gòn (1975).
Xem thêm
Giao hưởng Điện Biên – thành tựu mới của nhà thơ Hữu Thỉnh
Chiến thắng Điện Biên là một chiến thắng vĩ đại của chúng ta “Lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu” (Tố Hữu). Chiến thắng đó làm rạng danh nước Việt trên thế giới. “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi). Ngày 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thằng bay trên nóc hầm tướng Đờ cát, ngày 12 tháng 5 Bác Hồ đã có bài thơ dài đăng trên báo Nhân Dân : “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ”. Rồi sau đó Tố Hữu mới có bài thơ nổi tiếng “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Điện Biên còn được các nhà thơ, nhà văn Việt Nam nhắc đến nhiều trong các bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết. Điện Biên cũng được nhắc đến trong các cuốn sách của đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh, nhà báo của ta và phương Tây.
Xem thêm
“Chia lửa” với chiến dịch Điện Biên Phủ
Bài đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 122, thứ năm 2-5-2024
Xem thêm
Nhà thơ lê Đình Hòa chỉ thấy hoa phượng trắng
Bài viết của Lê Thiếu Nhơn về nhà thơ khiếm thị Lê Đình Hòa ở Phú Yên
Xem thêm
Lãng tử trong đời, chí thú trong văn
Bài viết về nhà văn Nguyễn Hoàng Thu trên báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Trong màu xanh Vàm Cỏ
Nhà văn Hào Vũ, sinh năm 1950. Quê quán: An Hải, Hải Phòng. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại 6/3 Cư xá phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984.
Xem thêm
Đỗ Thành Đồng và chuyển động đường thơ
Sau gần 15 năm đắm say đến điên cuồng với thi ca, nhà thơ Đỗ Thành Đồng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản 7 tập thơ.
Xem thêm
Chuyện tình khó quên của Trịnh Công Sơn
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Xem thêm
Nhà văn Di Li: Tôi bị hấp dẫn bởi người đàn ông nhân văn, tử tế
Tôi nghĩ rằng, là người văn minh thì phải chấp nhận sống chung với sự khác biệt, tuy nhiên, sự khác biệt đó nếu không tốt, muốn người ta thay đổi thì mình sẽ góp ý. Và cách góp ý của mình cũng khá hài hước nên người nghe không mấy khi khó chịu.
Xem thêm
Người tốt trại Vân Hồ
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, 1998 – 2000) với tiểu thuyết Lạc rừng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Xem thêm
Nhớ nhà báo Phú Bằng
Đọc bác Phú Bằng từ lâu, khi tôi còn trực tiếp cầm súng ở Trung đoàn 174 Sư đoàn 5 thời chống Mỹ. Lúc ấy bác Phạm Phú Bằng là phóng viên báo QĐND được tăng cường cho báo Quân Giải phóng Miền Nam.
Xem thêm
Nhà văn - dịch giả Trần Như Luận với tác phẩm “Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh - Mỹ kinh điển, lừng danh”
Tháng Sáu 2022, trên Báo Thanh Niên rồi Tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà báo Hà Tùng Sơn và nhà phê bình văn học Vân Phi giới thiệu tác phẩm thứ 7 của nhà văn Trần Như Luận (TNL): tiểu thuyết Gương Mặt Loài Homo Sapiens. Trước đó, anh từng gây tiếng vang nhờ giá trị đáng kể của bộ tiểu thuyết Thầy Gotama và 8000 Đệ Tử dày tới 1.200 trang, trình làng năm 2014. Chúng tôi cũng biết tới cả trăm tác phẩm dịch của anh, cả thơ và truyện, xuất hiện trên các tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ Quân đội, Non Nước, Sông Hương, v.v… Xuân Giáp Thìn 2024, nhà văn ra mắt một “dịch phẩm” hoàn toàn mới: Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh – Mỹ kinh điển, lừng danh. Sách dày 320 trang, bìa bắt mắt. Sách được Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Việt Nam thẩm định chất lượng và hỗ trợ kinh phí; NXB Hội Nhà văn cấp phép. Nhân một cuộc hẹn thú vị tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh, trong một quán cà phê tao nhã, không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Xem thêm
Nhớ anh Mai Quốc Liên
Bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nhà văn Trầm Hương: Sứ mạng nhà văn là đi tìm những ẩn số
Hàng chục năm nay, nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) vẫn âm thầm theo dấu chân những anh hùng, người lính, mẹ liệt sĩ… để tìm nhân vật cho những trang sách của mình. Chị ghi dấu ấn đậm nét trong dòng văn học cách mạng hiện nay.
Xem thêm