TIN TỨC
  • Lý luận - Phê bình
  • Lê Văn Thảo: “Khi viết tôi rất ít khi chịu áp lực của thời thượng

Lê Văn Thảo: “Khi viết tôi rất ít khi chịu áp lực của thời thượng

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-05-08 18:20:10
mail facebook google pos stwis
1055 lượt xem

CHỢT NHỚ VÀ KHÓ QUÊN

TÔ HOÀNG

Tiểu thuyết Cơn giông được NXB Trẻ ấn hành lần đầu vào năm 2002, NXB Hội Nhà văn tái bản năm 2006. Cũng năm ấy Cơn giông nhận Giải thưởng văn học Đông Nam Á. Có thể nói thẳng điều này: ở cả ba thời điểm  kể  trên Cơn giông không khuấy động được bao nhiêu dư luận của bạn đọc, của giới phê bình. Chuyện không có gì lạ khi thiên hạ đang nháo nhác, tất bật tìm kế mưu sinh mà bỗng trở nên ghẻ lạnh, xa lánh với văn hoá đọc.

Thành thử cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với nhà văn Lê Văn Thảo xung quanh Cơn giông hôm nay tựa như một sự vớt vát muộn màng đối với những hạt vàng đã vô tình để lọt qua kẽ tay...

“… đâu hồi năm sáu tuổi gì đó. Tôi đang ở dưới ghe, một cơn giông nổi lên,ba má không thấy đâu, chiếc ghe trôi đi tôi nằm bất tỉnh, có người cứu giúp nuôi tôi lớn lên,đời tôi cũng trôi giạt từ đó...Người đàn ông sau thành ông già nuôi, bán chiếc ghe lấy tiền nuôi tôi, thật ra gởi tôi chỗ này chỗ nọ,đem tôi lên chợ Cà Mau, lên thành phố,tôi lấy được vợ giàu làm giám đốc rồi đi tù ...”. Quá khứ của Bằng- nhân vật chính trong tiểu thuyết Cơn giông đã được nhà văn tóm tắt gọn gàng chừng ấy. Còn hiện tại của Bằng ư? Hiện tại ấy sẽ là 300 trang sách đang trong tay bạn. Mà cũng có thể tóm tắt một lần nữa như thế này: Bằng tìm về cội nguồn, giữa vùng sông nước Cà Mau để bắt đầu một cuộc sống như cha mẹ anh, như thuở anh mới chào đời. Mươi lăm trang đầu, Cơn giônghứa hẹn đưa chúng ta theo bước chân của một chàng Robinson hiện đại. Đọc tiếp thêm chục trang nữa, có cảm tưởng nhân vật khinh miệt cuộc sống bon chen, chụp giật nơi thị thành, muốn sống những năm tháng cuối đời ở nơi “cỏ sạch, nước trong”. Hay ông nhà văn muốn theo gương Nikos Kazntzaki để Bằng sẽ là một Alexis Zorba đi tìm những thú vui trần thế?

Trái với tất cả những dự liệu đó, Cơn giông khai lối đi riêng của mình. Và lối đi ấy đầy vẫy gọi, đầy hấp dụ! 

* Chúng ta hãy bắt đầu với chính Bằng... Nhân vật này có nguyên mẫu trong cuộc đời không?

- Nhân vật trong các truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết của tôi không bao giờ có nguyên mẫu. Hoặc nếu có nguyên mẫu thì đó là hàng trăm, hàng ngàn con người tôi đã từng gặp, từng sống, từng chia ngọt sẻ bùi. Trong chiến tranh chống Mỹ, dù không mặc áo lính, tôi như thuộc quân số của Trung đoàn Miền Tây của Sư đoàn 9. Trung đoàn này rặt lính nông dân quê ở miền Tây Nam bộ, chuyên tác chiến ở vùng sông rạch.Ngay từ thuở đó, dường như đã hình thành trong tôi những nét cơ bản thuộc tính cách của Bằng. Dĩ nhiên Bằng không trải qua chiến tranh. Nhưng khát khao vẫy vùng, ưa tự do, tính cách ngang tàng, bất cần; lòng thương người, sự thô nhám, ăn sóng nói gió...-nghĩa là những gì tiêu biểu cho bản chất của những người “dân ấp, dân lân”đi khai khẩn đất hoang ở Nam bộ-nổi bật ở những người lính miền Tây cũng như ở nhân vật Bằng. 

*Và trong độ đậm đặc, khái quát hơn là nhân vật ông già Sáu Thiên?

- Vâng, tôi không giấu anh,tôi rất thích nhân vật này. Trải qua cả hai cuộc chiến tranh. Về hưu không vợ con, không nhà cửa. Vẫn một bộ đồ lính, một chiếc ba lô lính. Vẫn hết lòng lo cho thiên hạ. Một kiểu Nagunốp trong Đất vỡ hoang của nhà văn Xô viết Mikhail Solokhov. Hết sức trong sáng mà cũng hết sức lông bông. Những xứ sở muốn làm “cách mạng thế giới” bao giờ cũng có rất nhiều những con người đáng yêu, đáng kính trọng như vậy! 

*Những tính cách ấy lại được đặt trên bối cảnh của sống rạch, rừng đước, rừng mắm Cà Mau...

- Tôi không cố ý chọn bối cảnh để tạo dựng nhân vật của mình đâu. Nói thế nào đây nhỉ? Đất ấy sinh ra người ấy mà! Nếu mảnh đất phía Nam mới có lịch sử hơn ba trăm năm khai thiên lập địa thì Cà Mau là vùng đất tiêu biểu nhất cho Nam Bộ. Vùng Năm Căn cho tới hôm nay hầu như vẫn chưa có đường bộ, biển bồi đắp phù sa tới đâu người dân tràn tới đó, mang theo tiếng chó sủa, tiếng gà gáy trưa... Vì thế bản tính là thích thiên di, không thích cái gì đã trở thành quen, thành cũ. Đáng tiếc rằng văn chương, phim ảnh của nước mình khai phá chưa nhiều mảnh đất và con người của xứ sở rất lạ này. 

* Trong Cơn giông ngoài Bằng, ông Sáu Thiên còn có ông già Trăm tuổi, ông già trông coi trại tù, cô Thùy và còn nhiều hình bóng khác hình như có chung một tính cách. Anh có sợ các nhân vật ấy cùng một “típ” người?

- Nếu bạn đọc cảm thấy như vậy thì đó có thể là sự non tay của tôi chăng? Nhưng thú thật tôi chỉ rành về những nhân vật mà mình yêu thương, tâm đắc. Hay nói thế này được không, nhà văn ví như thỏi nam châm chỉ hút vào mình thứ mạt sắt hợp với “tạng”của mình. Trong truyện ngắn và tiểu thuyết của tôi số đông nhân vật thường là những con người bé nhỏ, bị hắt hủi, gặp nhiều bất hạnh ở đời. Và đề tài tôi hay khai thác bao giờ cũng là cái tâm, cái thiện ẩn náu phía trong mỗi con người không may ấy. Tôi thích viết và tâm niệm phải viết như thế. Tôi ít khi bị áp đặt bởi thời thượng (kể cả thời thượng chính trị).

* Trong Cơn giông có những trận ẩu đả,  trộm cắp, có nhà tù... có cả một cơn giông như muốn giật sập đổ tất cả. Ấy thế nhưng ngòi bút nhà văn như muốn né tránh mọi sự dữ dằn,mọi mưu chước. Liệu phương pháp lựa chọn chất liệu như vậy có làm giảm cái thực của văn chương như nhà văn vẫn thường hướng tới? 

- Với Cơn giông tôi không nhắm tới cốt truyện cũng như sự phân tuyến thiện ác giữa các nhân vật. Tôi cũng không cố ý miêu tả tính chất quyết liệt, gay gắt của các mâu thuẫn xã hội. Tôi muốn viết một cách khác, mới mẻ hơn, lạ hơn, tránh thuyết giáo hơn – chí ít là so với những cuốn truyện trước của tôi. Tôi chỉ muốn miêu tả những tính cách lạ nẩy sinh trong những hòan cảnh lạ. Còn tại sao các nhân vật chính, phụ của tôi dù trải qua bao vùi dập, thăng trầm, nếm trải rất nhiều cay đắng của cuộc đời họ vẫn giữ được cái tâm, vẫn là những con người hướng  thiện ư? Anh có nhớ văn hào Pháp Romanh Rolăng đã nói về Macxim Gorki như thế nào không? Đời ông ta dã quá nhiều đau khổ, ông ta có quyền ác độc, vị kỷ đến tàn nhẫn, độc địa; ấy thế nhưng ông ta lại rất nhân ái, rất độ lượng, bao dung với mọi người. Tôi rất thích sự phát hiện ấy của Romanh Rolăng!

* Nhiều bạn đọc,đặc biệt là các bạn đọc trẻ, đã nói với tôi đọc đến trang cuối cuốn Cơn giông của anh họ muốn òa khóc. Không phải khóc vì xót thương số phận chìm nổi của các nhân vật đâu. Họ khóc vì giữa cuộc sống cái ác hình như đang được tháo cũi sổ lồng như hiện nay, tại sao tấm lòng nhà văn vẫn ấm áp, tin yêu đến thế để mà còn nhận ra, còn rung động và cổ súy cho lòng nhân ái, điều thiện căn?

- Xin cám ơn những bạn đọc nào đó đã dành sự ưu ái cho tôi. Không phải chỉ riêng tôi mà hầu như tất cả anh em cầm bút thuộc thế hệ tôi ngay từ khi dấn thân vào con đường cách mạng đã học được bài học đầu tiên - quần chúng lao động nghèo khổ không chỉ là cội nguồn của sức mạnh, của sức chịu đựng, hy sinh, mà còn là gốc rễ  của đạo đức, của lẽ phải và lòng bao dung, nhân ái. Xưa cũng thế mà nay cũng thế. Người cầm bút làm sao trượt xa khỏi đường rây đó được?

* Ấy vậy mà đã thấy xuất hiện những ý kiến hạ thấp giá trị của những cuốn tiểu thuyết thời chống Pháp, chống Mỹ. Lại cũng đã thấy đây đó một kiểu viết nhân vật hay khoe khoang nội ngọai của mình là những ông thông bà phán... Khi miêu tả chiến tranh thì nhân vật biện bạch chưa hề cầm súng hạ một địch thủ nào hoặc đã mấy lần ngấm ngầm thả tù binh của đối phương… Có người đã gọi đó là thứ “văn chương sám hối”.

- Có gì sai đâu mà phải sám hối! Trong chiến tranh chỉ có hậu phương và tiền tuyến; Ta và Địch, một nhiệm vụ duy nhất là đánh địch. Văn chương thời ấy có đơn giản một chút, “kêu gọi”một chút cũng là chuyện thường tình. Ngày nay, cuộc sống và tâm lý con người bộc lộ ra đa chiều, phức tạp hơn,lẽ dĩ nhiên nhà văn có thêm vũ đài để tử thí hơn lại cũng là chuyện thường tình. Tôi viết được những cuốn sách như ngày hôm nay vì tôi đã đọc Con trâu của Nguyễn Văn Bổng, Xung kích của Nguyễn Đình Thi... sau  này đọc tiểu thuyết của Nguyễn Thi, Phan Tứ, Anh Đức... Xét xa hơn nữa, còn là vì tôi đã đọc Lan Khai, Khái Hưng, Nhất Linh...; đọc Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên thời Thơ Mới. 

* Trở lại với tiểu thuyết Cơn giông, có thể nói như thế này: Chất trữ tình, lời kêu gọi hãy hướng tới vẻ đẹp của tâm hồn, của cuộc đời thấm đẫm từng trang. Mà cũng có thể coi Cơn giông là một bài thơ dài bằng văn xuôi. Rất nhiều chủ đề.  Rất nhiều điều muốn nói, ngập ngừng định nói mà bỗng như nghẹn lời...

Mà này nhà văn ơi, nẫy giờ gương mặt và nụ cười của nhạc sĩ Từ Huy bỗng nhiên cứ  ám  ảnh tôi. Bởi chính lời ca trong một bài hát của ông bạn mệnh yểu ấy lại khiến tôi hiểu ra cảm hứng của anh; cả cơn nhập đồng anh không tài nào cưỡng nổi khi viết Cơn giông. Đây nhé: “Thuyền anh đó em cứ cuốn đi, cứ cuốn đi...Thuyền anh đó con sóng cứ xô. Thuyền anh đó cứ mãi nhấp nhô. Giữa biển khơi không bờ không bến...”

Anh Bằng ơi! Anh may mắn lắm vì đã có cô Thùy đợi anh ở khu ruộng nuôi tôm rồi!

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tác giả trẻ chinh phục cuộc thi Thơ Hay!
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Xem thêm
Thấy gì qua một chùm thơ Tết?
Bài viết của nhà văn Lê Thanh Huệ trên Diễn đàn Văn nghệ của Liên hiệp các Hội VHNT Việt nam
Xem thêm
Cảm xúc hoài hương trong thơ Quang Chuyền
Bài viết của nhà thơ Trần Khoái
Xem thêm
Nhà thơ Nguyễn Văn Mạnh với Dấu thời gian
Dấu thời gian là tập thơ thứ hai của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Văn Mạnh. Ông hiện là Trưởng ban biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, kiêm Trưởng Văn phòng đại diện Thời báo VHNT tại Hải Phòng.
Xem thêm
Khúc biến tấu “Mặt nạ hương”
 Đọc thơ, như là phép hóa thân, tan chảy cảm xúc của mình cùng cảm xúc bài thơ. Người đọc lắng lòng theo con chữ, hòa điệu với nhịp điệu của ngôn từ. Tôi may mắn tìm thấy sự đồng điệu đầy hứng thú khi đọc thơ Nguyễn Thánh Ngã.
Xem thêm
Chỉ còn lại tháng Tư thiếu nữ | Thơ và lời bình
Thơ Mai Nam Thắng - Bình thơ: Phạm Đình Ân
Xem thêm
Người trẻ thử sức với phê bình
Được biết “Những phức cảm phận người” (NXB Hội Nhà văn, 2023) là tập phê bình văn học (PBVH) đầu tay của cây bút Lê Hương, nên tôi đọc với một tâm thế trân trọng và chờ đợi.
Xem thêm
Người chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Thiện Thuật - Mùa hoa ban đẹp mãi
Đối với mỗi người Việt Nam chúng ta hôm nay, cái tên Điện Biên Phủ đã như một dấu mốc luôn hiện lên sừng sững mỗi khi nhắc đến. Ai cũng rưng rưng xúc động bởi máu xương của cha anh, của nhân dân đã đổ xuống để làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là không thể đo đếm hết được.
Xem thêm
Những trang văn phảng phất mùi thuốc súng
Bài tham luận của nhà văn Đỗ Viết Nghiệm
Xem thêm
Di cảo thơ Chế Lan Viên: Khi thơ là thuốc, là lời kinh kệ
Chế Lan Viên là người mà sự nghĩ ngợi vận vào thơ như thể thơ cũng là thuốc, thơ chẩn ra được cái bệnh đau của kiếp người, và “Có vào nỗi đau mới có ích cho người”.
Xem thêm
Cảm hứng sinh thái trong thơ Đặng Bá Tiến
 Là một nhà báo, nhà thơ mấy chục năm gắn bó với vùng đất Đắk Lắk, Đặng Bá Tiến đã sáng tác thành công về thiên nhiên, con người và văn hoá Tây Nguyên với nhiều tác phẩm: Lời chân thành với cỏ (Thơ, 2009), Rừng cổ tích (Trường ca, 2012), Hồn cẩm hương (Thơ, 2017), Linh hồn tiếng hú (Thơ, 2020). Anh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Tây Nguyên đương đại, một nhà thơ “thứ thiệt”[1] có bản sắc riêng, thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo. Nổi bật trong sáng tác của anh là những tác phẩm viết về rừng, về sinh thái văn hoá và nhân văn.      
Xem thêm
Sức bền của ngòi bút
Nguồn: Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 116, ngày 21/3/2024
Xem thêm
Nguyễn Bính ở phương Nam
Nguyễn Bính (1918-1966), tên thật là Nguyễn Trọng Bính (có lúc tên Nguyễn Bính Thuyết), quê ở Nam Định nhưng sống khắp ba miền đất nước. Ông có phong cách một nhà thơ lãng tử, sáng tác về chủ đề tình cảm làng quê và tình yêu, tổ quốc. Thơ tình cảm mộc mạc của ông được rất nhiều người thuộc. Tác phẩm gồm 26 thi tập trong đó có : + 1 kịch thơ : Bóng giai nhân (1942): + 3 truyện thơ : Truyện Tỳ Bà (1942); Trong bóng cờ bay (1957); Tiếng trống đêm xuân (1958): + 1 vở chèo : Người lái đò sông Vỹ (1964) và rất nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được nhạc sĩ phổ thành ca khúc : Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc, Quốc Hương ca);  Cô hái mơ (Phạm Duy); Ghen (Trọng Khương), Cô lái đò (Nguyễn Đình Phúc); Chân quê (Minh Quang). Hiện nay, nhiều thành phố có những con đường mang tên ông. Nhà thơ Nguyễn Bính nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (2000) cùng với Hoài Thanh, Bùi Đức Ái, Nguyễn Quang Sáng, …
Xem thêm
“Đánh thức mình bằng chân lý vô ngôn”
Tôi biết Nguyễn Minh Thuận (nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk) làm thơ đã lâu, dễ hơn ba chục năm trước, thỉnh thoảng anh vẫn đọc cho tôi nghe và rải rác anh cho đăng trên facebook Trương Thị Hiền - vợ anh (TS, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên).
Xem thêm
Đọc “Thơ mười năm” của Hoàng Đình Quang
Bài viết của nhà thơ Trần Quang Khánh
Xem thêm
Hoàng hôn chín – chín mọng yêu thương
Về tập thơ in chung của Võ Miên Trường và Triệu Kim Loan
Xem thêm