TIN TỨC

Người ra đi, văn còn trong cõi người

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2021-12-09 21:34:23
mail facebook google pos stwis
1332 lượt xem

PHAN TÙNG SƠN

Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung, nguyên cán bộ Ban sáng tác, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đã trút hơi thở cuối cùng vào đầu giờ chiều ngày 10-9-2021 tại Bệnh viện Quân y 175, sau hơn 10 ngày nhiễm Covid-19. Dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng do sức đề kháng yếu, bệnh diễn biến nặng, anh đã không qua khỏi. Anh ra đi để lại nỗi bàng hoàng, thương tiếc cho gia đình, đồng đội, đồng nghiệp và bạn đọc thân thiết…

Tin nhắn cuối cùng anh Nguyễn Quốc Trung  gửi cho tôi qua zalo vào lúc 19 giờ 15 phút ngày 22-8-2021. Anh chỉ nhắn vẻn vẹn mấy chữ: “Bài thơ quá hay. Bình an nhé”. Đó là thời điểm anh đọc được bài thơ “Gửi vợ mùa cách ly” của tôi trên trang Facebook cá nhân. Anh là người chăm đọc, và mỗi khi đọc được tác phẩm hay của đồng nghiệp, anh thường nhắn tin cổ vũ, động viên như thế…

Đọc, viết và chia sẻ là niềm vui thường ngày của anh. Cả khi đang làm việc và khi đã nghỉ hưu. Tất nhiên là khi nghỉ hưu, anh viết chậm hơn và ít hơn.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung

Tiếc thương anh, vuốt điện thoại xem những tin nhắn của anh mà không cầm được nước mắt. Từ lúc đại dịch Covid-19 tái bùng phát, TP Hồ Chí Minh thực hiện cách ly xã hội, anh đã 9 lần nhắn tin cho tôi, 2 lần gọi qua zalo. Hộp thư mail của tôi vẫn còn 2 thư của anh tôi chưa đọc. Đó là những bài thơ anh viết ngẫu hứng, gửi tôi đọc chơi. Lần nào nhắn hay gọi, anh cũng bày tỏ lo ngại về tình hình dịch bệnh và dặn tôi, nghề báo phải đi nhiều, giao tiếp nhiều, em nhớ nhắc anh em phóng viên cẩn thận kẻo "dính" F0 thì khổ lắm.

Những tưởng con người hiền lành, hiền đến mức chả bao giờ cãi nhau với ai và lành đến mức chả ai cãi nhau với anh, sẽ được sống thọ, vậy mà anh phải đột ngột ra đi trong đau đớn, đơn độc.

Trưa 10-9, Đại tá, nhà báo Đào Văn Sử gọi cho tôi: “Chú tìm giúp thân nhân, gia đình anh Trung để phối hợp với bệnh viện lo hậu sự. Anh Trung không qua khỏi chú ạ”.

Bấy giờ tôi mới ngớ người. Bao năm nay làm việc, sống gần anh, ngay cả lúc đã nghỉ hưu, anh thỉnh thoảng vẫn ghé cơ quan thăm chúng tôi. Vậy mà không ai có số điện thoại, thông tin về thân nhân, gia đình, vợ con của anh. Nguyễn Quốc Trung là người kín tiếng. Anh hầu như không chia sẻ với ai về đời sống riêng tư. Chúng tôi tôn trọng cá tính của anh nên cũng không hỏi. Chỉ biết, anh sống một mình từ mấy chục năm nay.

Với sự giúp đỡ của anh chị em trong Hội đồng hương huyện Hương Sơn tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đã liên lạc được với người em trai, con rể và ông chú họ của anh, để cùng phối hợp lo hậu sự cho anh. Nói là lo hậu sự, nhưng tất cả đều trông chờ vào các lực lượng chức năng nơi tuyến đầu để mong gia đình, cơ quan sớm nhận được tro cốt của anh để đón về chăm lo hương khói.

Sự sống mong manh! Cuộc đời vô thường!

Mới biết tin anh vào Bệnh viện Quân y 175 điều trị Covid-19 từ ngày 31-8, vậy mà bây giờ anh đã là người của cõi thiên thu. Bữa ấy, thấy trong người khó ở, anh đến bệnh viện khám sức khỏe thì các bác sĩ phát hiện anh mắc Covid-19. Thế là anh phải ở lại bệnh viện điều trị. Mấy ngày trước anh vẫn trả lời tin nhắn, nói chuyện điện thoại với đồng nghiệp, giọng vẫn đầy lạc quan, còn hẹn nhau hết dịch thì gặp nhau ở đâu, làm gì. Chiếc xe gắn máy cũ anh chạy bao năm nay, vẫn còn dựng ở nhà xe Bệnh viện Quân y 175. Chăn màn trong giường ngủ vẫn chưa kịp gấp. Anh tính là khám bệnh xong về nhà mới dọn dẹp. Ai ngờ mọi việc diễn ra quá đột ngột. Anh chưa chuẩn bị bất cứ điều gì cho cuộc ra đi vĩnh hằng này.

"Người trong cõi người" , một trong những tập truyện ngắn của Nguyễn Quốc Trung
được bạn đọc yêu thích.

Nguyễn Quốc Trung sinh năm 1956 tại xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Anh nhập ngũ năm 1974 vào Sư đoàn 341, hành quân từ Quân khu 4 vào chiến trường Đông Nam Bộ tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau đó anh có hơn 10 năm cùng các đơn vị Quân đoàn 4 chiến đấu ở biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia. Nghề viết đã lựa chọn anh từ những năm tháng ám khói thuốc súng trên chiến trường. Thực tiễn chiến trường khốc liệt giúp anh có được vốn sống phong phú để trang trải với đời văn. Anh là cây bút đa năng, viết nhiều thể loại, cả thơ, văn và làm báo, nhưng thành công nhất vẫn là tiểu thuyết và truyện ngắn. Đề tài chủ lực của Nguyễn Quốc Trung là lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, trọng tâm là mảng chiến tranh biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Hơn 20 năm làm việc cùng nhau trong ngôi nhà 161-163 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP Hồ Chí Minh, anh đã cộng tác tích cực cho Báo Quân đội nhân dân, nhất là các bài viết trên nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng.

Nguyễn Quốc Trung có vóc người gầy gò, khắc khổ, da sạm đen. Có lẽ vì thế nên anh không phải là tuýp người ưa la cà, bù khú, dù với nghề văn, nhiều người coi đó là những thuộc tính. Phong cách nói chuyện của Nguyễn Quốc Trung cũng khắc khổ như chính vóc dáng con người anh. Dường như bao nhiêu tinh túy của cuộc đời, anh trải hết lên trang văn, dồn hết vào tác phẩm. Gia nhập Tạp chí Văn nghệ Quân đội hơn 30 năm nay, đến khi nhắm mắt xuôi tay, Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã để lại cho đời hàng chục tác phẩm có giá trị, đáng chú ý là những cuốn tiểu thuyết: “Biên giới”, “Bên rừng thốt nốt”, “Thời chúng mình yêu nhau”, “Người trong cõi người”, “Đất không đổi màu”, “Người đàn bà khóc mướn”… và các tập truyện ngắn: “Người đàn bà hồn nhiên”, “Trong tiết thanh minh”, “Đêm trừ tịch”, “Người đến từ nước Mỹ”, “Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu”… Cuốn sách cuối cùng của anh là tiểu thuyết Dòng sông bên chùa (NXB Văn học, 2019). Anh được trao Giải thưởng Văn học sông Mekong với hai tiểu thuyết “Người đàn bà khóc mướn” và “Đất không đổi màu”. Ngoài ra, anh còn sở hữu nhiều giải thưởng văn học giá trị trong nước và nhiều giải thưởng của Bộ Quốc phòng…

Những năm gần đây, các sáng tác của Nguyễn Quốc Trung thiên về khai thác, phản ánh, sẻ chia với những thân phận khốn khó trong xã hội. Văn của anh không than thân trách phận, không chỉ trích, ám chỉ, mà thường đi sâu vào những tâm tư, tình cảm, khát vọng của người trong cõi người. Anh rất giỏi tìm chi tiết, có tài khái quát và dựng cốt truyện rất nhanh. Đọc một mẩu tin về người con gái bất hạnh, bế tắc định tự tử , anh đã nghĩ ngay ra cốt truyện “Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu”. Ngồi uống trà buổi sáng với chúng tôi, thấy hình ảnh chị lao công quét rác trong tòa nhà, anh nghĩ ngay đến cái tứ cho truyện ngắn “Rác cao ốc”…

"Dòng sông bên chùa”, cuốn tiểu thuyết cuối cùng của nhà văn Nguyễn Quốc Trung.

Trùm lên các trang viết của Nguyễn Quốc Trung là cái nhìn nhân văn, đầy tình người. Anh thường nói, đừng cố gắng đổi mới văn chương theo cách đánh bóng con chữ, mà hãy tìm cách viết thế nào để văn đi vào lòng người, chạm đến trái tim của bạn đọc. Văn hay không phụ thuộc mới hay cũ, mà là văn neo được trong lòng bạn đọc. Càng giản dị càng tốt. Càng mang hơi thở đời sống càng hay…

Chiều hôm anh ra đi, con rể của anh gọi điện thoại cho tôi, nói, cháu đang đi chống dịch ở Đồng Nai. Em trai anh thì đang cách ly tại Vũng Tàu. Chú họ của anh (tôi nghe giọng nói có lẽ cũng đã lớn tuổi), nói, cũng đang cách ly tại nhà. Con gái anh nghe tin, không muốn tin là bố mình đã qua đời.

Vâng! Chả ai muốn tin cả!

 Nhưng sự thật thì anh đã đi rồi!

Cũng đành nói với nhau để tự an ủi, động viên nhau rằng, cái chết là đích đến cuối cùng của đời người. Ai rồi cũng đến nơi ấy cả, chỉ là người trước, người sau mà thôi. Tiếc và đau ở chỗ, biết đấy, thương anh đấy, nhưng không ai có thể tiễn anh, không có một đám tang nào cho những người tử vong do Covid-19 như anh…

Anh Trung ơi! Khi còn sống, anh hay đọc bài của em thì giờ đây, chắc anh vẫn đọc được.

Anh đi thanh thản nhé, anh Trung!

Nguồn: https://www.qdnd.vn/

Mời đọc Kỷ yếu NGUYỄN QUỐC TRUNG

Bài viết liên quan

Xem thêm
Giao hưởng Điện Biên – thành tựu mới của nhà thơ Hữu Thỉnh
Chiến thắng Điện Biên là một chiến thắng vĩ đại của chúng ta “Lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu” (Tố Hữu). Chiến thắng đó làm rạng danh nước Việt trên thế giới. “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi). Ngày 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thằng bay trên nóc hầm tướng Đờ cát, ngày 12 tháng 5 Bác Hồ đã có bài thơ dài đăng trên báo Nhân Dân : “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ”. Rồi sau đó Tố Hữu mới có bài thơ nổi tiếng “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Điện Biên còn được các nhà thơ, nhà văn Việt Nam nhắc đến nhiều trong các bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết. Điện Biên cũng được nhắc đến trong các cuốn sách của đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh, nhà báo của ta và phương Tây.
Xem thêm
“Chia lửa” với chiến dịch Điện Biên Phủ
Bài đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 122, thứ năm 2-5-2024
Xem thêm
Nhà thơ lê Đình Hòa chỉ thấy hoa phượng trắng
Bài viết của Lê Thiếu Nhơn về nhà thơ khiếm thị Lê Đình Hòa ở Phú Yên
Xem thêm
Lãng tử trong đời, chí thú trong văn
Bài viết về nhà văn Nguyễn Hoàng Thu trên báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Trong màu xanh Vàm Cỏ
Nhà văn Hào Vũ, sinh năm 1950. Quê quán: An Hải, Hải Phòng. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại 6/3 Cư xá phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984.
Xem thêm
Đỗ Thành Đồng và chuyển động đường thơ
Sau gần 15 năm đắm say đến điên cuồng với thi ca, nhà thơ Đỗ Thành Đồng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản 7 tập thơ.
Xem thêm
Chuyện tình khó quên của Trịnh Công Sơn
Bài viết của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Xem thêm
Nhà văn Di Li: Tôi bị hấp dẫn bởi người đàn ông nhân văn, tử tế
Tôi nghĩ rằng, là người văn minh thì phải chấp nhận sống chung với sự khác biệt, tuy nhiên, sự khác biệt đó nếu không tốt, muốn người ta thay đổi thì mình sẽ góp ý. Và cách góp ý của mình cũng khá hài hước nên người nghe không mấy khi khó chịu.
Xem thêm
Người tốt trại Vân Hồ
Nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, 1998 – 2000) với tiểu thuyết Lạc rừng. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Xem thêm
Nhớ nhà báo Phú Bằng
Đọc bác Phú Bằng từ lâu, khi tôi còn trực tiếp cầm súng ở Trung đoàn 174 Sư đoàn 5 thời chống Mỹ. Lúc ấy bác Phạm Phú Bằng là phóng viên báo QĐND được tăng cường cho báo Quân Giải phóng Miền Nam.
Xem thêm
Nhà văn - dịch giả Trần Như Luận với tác phẩm “Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh - Mỹ kinh điển, lừng danh”
Tháng Sáu 2022, trên Báo Thanh Niên rồi Tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà báo Hà Tùng Sơn và nhà phê bình văn học Vân Phi giới thiệu tác phẩm thứ 7 của nhà văn Trần Như Luận (TNL): tiểu thuyết Gương Mặt Loài Homo Sapiens. Trước đó, anh từng gây tiếng vang nhờ giá trị đáng kể của bộ tiểu thuyết Thầy Gotama và 8000 Đệ Tử dày tới 1.200 trang, trình làng năm 2014. Chúng tôi cũng biết tới cả trăm tác phẩm dịch của anh, cả thơ và truyện, xuất hiện trên các tạp chí Văn nghệ Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Văn nghệ Quân đội, Non Nước, Sông Hương, v.v… Xuân Giáp Thìn 2024, nhà văn ra mắt một “dịch phẩm” hoàn toàn mới: Tuyển tập 12 truyện ngắn Anh – Mỹ kinh điển, lừng danh. Sách dày 320 trang, bìa bắt mắt. Sách được Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật Việt Nam thẩm định chất lượng và hỗ trợ kinh phí; NXB Hội Nhà văn cấp phép. Nhân một cuộc hẹn thú vị tại Quận 7, TP Hồ Chí Minh, trong một quán cà phê tao nhã, không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Xem thêm
Nhớ anh Mai Quốc Liên
Bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Xem thêm
Nhà văn Trầm Hương: Sứ mạng nhà văn là đi tìm những ẩn số
Hàng chục năm nay, nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) vẫn âm thầm theo dấu chân những anh hùng, người lính, mẹ liệt sĩ… để tìm nhân vật cho những trang sách của mình. Chị ghi dấu ấn đậm nét trong dòng văn học cách mạng hiện nay.
Xem thêm