TIN TỨC
  • Truyện
  • Hai chị em – Truyện ngắn của Tạ Ngọc Điệp

Hai chị em – Truyện ngắn của Tạ Ngọc Điệp

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1360 lượt xem

Gác chân lên cửa sổ tôi đọc tiếp cuốn truyện dài tập hôm nọ chưa hết nhưng mở thêm trang mới trên giá sách, với lên, cuốn sổ màu đen rơi ra. Tôi tò mò, lật trang đầu tiên.

Ngày anh đi, 14.8…..

Chị gọi, có lẽ lại bàn về cái kết của một câu chuyện nào đó hay kể về những câu chuyện của chị như những người đàn bà bước ra từ sách. Chị.  Đàn bà tuổi Dần, đẹp, giỏi. Hầu như mụ đàn bà nào cũng vậy, cá tính quá, bản lĩnh quá thì đàn ông họ sợ. Họ đứng xa nhìn, tiếc rẻ, rồi tạm rút. Hồi ấy, chị không được đàn bà như tôi. Từ nhỏ mẹ đã ưu ái gọi tôi là con gái rượu vì tôi giống mẹ, còn bù lại chị  giống bố có mác “giống cha, giàu ba họ” giàu đâu chưa có chỉ thấy, gầy, cao, đen, khẳng khiu, con gái đến 18 tuổi vẫn trước sau như một, mặc áo lót lá đi học mà vẫn chưa có biểu hiện của xuân thì.

Nhà văn trẻ Tạ Ngọc Điệp

Còn tôi, lớp tám đã đỏ mặt khi bị anh lớp trưởng cùng lớp ghẹo, lớp chín đã có anh bạn học cấp ba trường huyện tặng hoa ngày Valentin bằng việc gói trong hộc bàn, trước giờ học tôi thò tay vào bàn cất cặp, đụng phải,  nhão nhoét,  lôi ra, một bó hoa có cánh hồng đã úa. Tôi đã giấu thằng Đồng ngồi bên cạnh nhưng mỗi lần cho tay vào gầm bàn vẫn thấy thích âm ỉ, rồi đỏ mặt, giờ ra chơi, thằng Đồng cao nghều hét toáng lên, cả lớp chuyên Anh lúc ấy được phen hoan hỉ. Tôi kiên quyết bảo rằng vô chủ, vô ý lượm được nhưng hội “tam sư” không tin, bắt đi ăn chè cóc Bà Dũng, mỗi nghìn một ly, ăn gần bứt cúc áo dài mới về. Vậy là bó hoa được nâng niu cho đến cửa nhà, rồi bỏ vào thùng rác trước khi nhấn chuông cho mẹ mở cổng. Thế mà chuyện bó hoa vẫn đến tai mẹ, mẹ truy ra đứa con của đồng nghiệp rồi cảnh cáo hắn. Sau đó hắn học nông lâm, làm cho quỹ phát triển rừng của một huyện vùng cao rồi mất hút. Tết về, hắn vẫn gọi mẹ là bu bu con con nhưng yêu thì không, hắn nói tình yêu đầu đời của hắn bị bu cứa phập một nhát vào tim. Mẹ hắn cho trận đòn, chưa mần ăn được chi thì đã được ăn roi dâu đau hơn hoạn. Rồi cả nhà cùng nẻ tràng  cười. Hắn lấy vợ năm ngoái. Vợ hắn kế toán, béo, mặt xinh nhưng không bằng gái bu. Hắn nói thế. Hắn nói tôi là tình yêu đầu đời mà hắn quý nhất vì chưa bao giờ nắm được những ngón tay gầy nhẳng, đầy gân xanh, con gái bây giờ nhiều đứa, cưới một tháng đã có chửa ba tháng mười ngày, chả còn như thời ngày xưa. Thi thoảng tôi vẫn nghe thằng bạn làm thuế tám rằng tụi học sinh đeo huy hiệu trường cấp ba cũ của tụi mình kéo nhau vào nhà nghỉ khi trời nhá nhem tối, miệng chồng, chồng, vợ vợ. Rồi mất hút sau cái vỗ tay vào mông nghe chan chát và đẩy nhanh nhau vào phòng. Một tiếng ra, móc những tờ Polyme màu xanh mặt hớn hở đi về kịp giờ tan học ca chiều. Chả thể trách tụi con gái, bây giờ cơ chế cởi mở hơn, tiếp xúc với nhiều loại văn hóa, trai gái được yêu đương hẹn hò tự do, có thời gian bên nhau, nhưng kiến thức cơ bản về giới tính, về tình yêu, tình dục những người lớn không dạy cho thì chúng phải tự tìm tòi. Họ sợ vẽ đường cho hươu, nhưng thực ra hươu chạy nhầm đường thì mất hút…

Ngay cả tôi cũng quan niệm thoáng về tình dục, rằng phải hợp nhau về tất cả mọi thứ thì mới hạnh phúc trong hôn nhân vậy mà tôi trinh tiết cho đến 24 tuổi. Chia tay cuộc tình thứ 2 với bao nhiêu công sức, tôi khóc chả phải tiếc cái màng trinh, mà tiếc vì những  gì vun đắp tự nhiên sụp đổ, sau một lời cãi vã. Đứa người yêu của tôi rạng ngời trong đám cưới với vợ nhỏ hơn 1 giáp. Tôi đau chứ, mắt long lanh dưới hàng mascara chuốt kỹ, mặc cái váy màu đen dài xồng xộc đi đám cưới với con bạn, đi cho biết đời. Đương sự người yêu cũ nhìn tôi cười, răng ám khói thuốc có nụ cười đen thui, tôi cũng cười, ghé vào tai chú rể nói thầm “anh vẫn nợ em lời xin lỗi”, rồi tôi đi về khi tiệc chưa bắt đầu. Cưới nhau 1 tháng, mẹ chồng hụt gọi điện cho tôi, kể lể, vợ lão chỉ được mỗi cái trẻ, thua đứt con bé hồi nọ. Tôi cười, chả phải hồi kia chê ngược tuổi, ngang tính, nếu tốt với nhau thì chắc cũng vun vén để tụi nhỏ thành đôi chứ. Lưỡi không xương, nói ngược cũng xong nhưng lòng thì nhói. Kính mắt nhòe, tôi nhắm mắt, hay lấy chồng cho xong, bao nhiêu con người trong lễ cưới ấy nheo mắt nhìn, cỡn bợt, cười đùa, tôi chạy đi như một kẻ thất bại toàn tập.

Chị an ủi, đàn ông chỉ khác nhau mỗi khuôn mặt, về bản chất là giống nhau. Chị đây này, có nghĩ là có ngày bị cắm sừng đâu, rồi cũng xong. Đời lại mới tinh như yêu lần đầu. Trinh nguyên.

Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng

Đang kể về chị, xấu lại cười hở lợi, cận 6 độ rưỡi. Đỗ đại học ngoại thương được nhận vào một công ty của Úc, chuyên làm về buôn bán  thịt bò, lương tính đến 8 con số. Mua chung cư khi mới học xong cao học hai năm. Lấy chồng, một đứa con thì chia tay. Phán rằng, đàn ông giờ giống nhau quá, thích vợ phải đẹp, phải giỏi nhưng phải khuyến mãi thêm phần ngu ngơ. Đàn bà có phải hề đâu mà diễn lắm vai thế.  Ông bà nói người đẹp vì lụa đố sai. Sau chục năm mòn mỏi đèn sách, kiếm bộn tiền của hội ngoại quốc và trải qua mấy cuộc tình với mấy lão đối tác. Rồi mụ bảo, chọn chồng Việt Nam, già chút, xấu chút, nghèo chút nhưng thương yêu nhau là được. Bạn học cùng đại học với nhau, lúc gặp lại thì mới ngỡ ngàng, chị quá đẹp, đẹp nhờ những thẩm mỹ đốt cháy bộn tiền cho những lần giảm giá tiếp theo, độn thêm mấy thứ cần thiết vào, rồi hàng hiệu, mua giá gốc từ nhà sản xuất, tủ đồ ngồn ngộn, phốp pháp, ngoài giờ làm, không hẹn hò là vào các trang uy tín về fashion để nghiên cứu cách làm đẹp, lại còn thành đạt.  Lão ấy choáng.  Lão nịnh bu thầy ngọt xớt, mua cho tôi cuốn từ điển Oxford dày cộm mà tôi mơ ước, rồi cưới chị. Ngày chị cưới, nhà tôi cũng vui, vì tiễn thành công quả bom nổ chậm ra khỏi nhà mà không hư hao, nhưng bố tôi đườm đượm buồn. Chị vào lại Sài Gòn, bố mẹ tôi đăm đắm, con bé bản lĩnh quá nhưng lại yếu đuối tình cảm, sợ thằng rể  chưa đủ sâu sắc để thông cảm rồi làm tổn thương. Ngày tiễn chị ra sân bay, thầy tôi nắm tay con rể “trăm sự nhờ cậu, được mụn con gửi cậu,có gì khó khăn thì báo gia đình tôi, vợ chồng liệu mà nhường nhịn và bảo ban nhau, tôi không có con trai, cậu như là con ruột tôi vậy”, lời nói của ông giáo già như tiên liệu. Năm tháng sau chị đẻ thằng cu Bim mũm mĩm.  Thằng Bim 11 tháng thì cô sinh viên thực tập hỏi thăm chung cư nhà chị rồi đưa thằng Bin đến, 3 tháng, múp míp, hồng hào. Cô ấy bảo rằng trót dại, và anh ấy hứa bỏ vợ. Gần đây anh ấy mất tích, em đã đến công ty chị và hỏi ra nhà. Chị suýt tăng xông, gọi tôi về. Chao ơi, thằng bé mới đáng thương, cô bé sinh viên văn hóa nghệ thuật ấy vẫn ngồi ở mép ghế, mắt còn trong trẻo, vạch ty cho con bú, ngực đầy những gân xanh. Cô ấy tầm tuổi tôi, nhưng xanh xao,  cổ cao nghều.

Ngày…

Lần đầu tiên chị khóc, chị kể rằng chỉ muốn tát vào cái mặt con bé ấy và đâm cho đứa tên chồng một nhát cho tiêu tan đau khổ, nhưng thằng bé  bú xong nhìn chị cười khành khạch, nhỏ hơn thằng Bim có mấy tháng thôi, chị cho nó ít tiền, xin lại số điện thoại, rồi bảo nó về. Chị không ăn tối. Kêu lão vào buồng hỏi chuyện. Lão bảo, một lần tiếp khách say,  ma quỷ dẫn lối, con bé ấy sinh viên làm thêm, tội nghiệp, lão trúng hợp đồng boa cho nó ít tiền, ai ngờ nó bám theo cám ơn, rồi mắt mờ, lão nhầm nhà nghỉ là nhà mình, rồi mấy lần sau, biết tin cô bé có bầu, lão đã cắt đứt quan hệ…Mụ nghe một vài tiếng lẻng kẻng, tiếng búa đập hai nhát chan chát, toàn bộ quần áo, tư trang vương vãi ra sàn, chị lấy cái chày giã tỏi trong bếp đập dẹp chiếc nhẫn cưới, ném cuốn sổ tiết kiệm của hai vợ chồng vễ phía lão và chỉ tay ra cửa “đi đi”. “Nhưng còn con”, lão hỏi lại “ coi như không có bố,  kẻ phản bội không xứng đáng làm cha con tôi” chị ngoảnh mặt vào tường, nói khô khốc.

Chị nổi tiếng khoáng đãng, chi tiêu phóng khoáng nhưng giờ bỗng trở thành người đàn bà chi li, tính toán, “anh cảm thấy cái gì trong nhà này xứng đáng là của mình thì cứ mang đi, còn của tôi một tờ giấy ticker cũng đừng có đụng vào, ngày mai tôi thay ổ khóa”. Ngày cuối cùng ở trong nhà của anh rể tôi ảm đảm, hai anh em không nói lấy một câu, lão nhìn vào tôi rồi khóc. “Gì biết không, chị cô bản lĩnh, chị cô có tất cả mà người khác thèm muốn nhưng không có sự yếu đuối, đàn ông chỉ thích làm cây cột để đàn bà dựa vào, nhưng chị cô sòng phẳng quá, lối sống đó đâu hợp với đàn ông và phong tục, đàn bà muôn đời vẫn nằm dưới, đàn bà mà cương quyết quá thì khổ thôi, gặp tôi chứ thằng khác cũng đi”. Lão thu vén đồ đạc gọn ghẽ, sau này tôi mới biết rằng, chị tôi đã ra quy tắc với chồng, chuyện gì cũng bỏ qua, trừ phản bội. Vậy là lão đi, facebook ngừng theo dõi nhau, lão có hỏi thằng Bim rồi thỉnh thoảng up hình thằng Bin lên. Nó chẳng máu mủ gì với tôi nhưng tôi thấy nó đáng yêu lạ, nếu là ba mẹ tôi sẽ không phân biệt được mất. Trong mắt tôi, đứa trẻ nào cũng na ná nhau. Chị suy sụp, rằng mình đã quá nhẫn tâm, cướp đi của con một người bố nhưng lại tự nhủ, có mà không ra sao thì thôi, bỏ, rồi tự nhủ phải bù đắp cho nó nhiều hơn, rồi thôi, khóc một đêm, mai lại đi làm như chưa có chuyện gì xảy ra. Cuối năm bố mẹ biết chuyện, chẳng ai trách ai. Chị tôi lại có tình yêu, tôi hỏi, không sợ người ta phản bội à. Chị bảo, ngu gì mà để cho nó có cơ hội phản bội, chẳng bao giờ ràng buộc hay cam kết, đàn ông giống nhau cả, thích đẹp nhưng sợ, sợ không giữ được, sợ nó giỏi hơn mình, sợ nó lãnh đạo mình, chỉ được cái vã mồ hôi trên giường rồi lăn ra ngủ quay tít, ngáy khò khi no đủ, ông nào cũng giống nhau, và chị đang biến thành đàn ông, một kẻ qua ngày, sống hời hợt, qua loa như vạn đàn ông mà chị cho là như thế.

Cuối tuần, tôi dẫn bạn trai về nhà giới thiệu, một kẻ mê sách, quen nhau ở hội chợ sách, nói năng lịch lãm, đầu tròn, mắt hí, đang làm nghiên cứu ở môt viện giống cây trồng. Chị giao nhà cho tôi. Thằng Bim gửi về nội nghỉ hè, đi lên miền cao, bảo rằng có hẹn hò với trai già trên đấy. Nghe bảo lão ấy cũng có chức vụ tầm cỡ ở tỉnh miền núi, mê chị từ hồi học cùng lớp tiếng anh buổi tối khi lão học cao cấp gì đó dưới này, chán vợ và hẹn hò. Tôi hỏi, chị có nghĩ chị đang phá hoại hạnh phúc của người khác hay không. Chỉ trả lời cụt lủn “của họ họ không quý thì mình quý gì”,  tôi chả phải loại ăn bánh trả tiền thấy thích thì đi”. Tôi nghĩ, chị theo bản năng thúc giục tìm kiếm những cái mới lạ.

Chuyến bay 17h hôm nay. Tôi biết không cản được mụ chị điên dại, nói là làm, nên im lặng. Đi qua cửa phòng, tôi gõ nhẹ, bảo rằng, lúc chiều bà nội gọi điện, thằng Bim đòi về với mẹ đấy. Chị cáu lên, dòng giống nhà họ mà nhớ nhung nỗi gì, tôi sống cho tôi nữa chứ. Tôi ghét câu nói đó, đó không phải là chị tôi. Ích kỷ. Tôi quyệt nước mắt, chị tôi đã thành con người khác. Im lặng, không khí căn nhà tĩnh mịch. Lão bạn trai của tôi vẫn chúi đầu vào tủ sách trong phòng tôi. “Vâng, em biết rồi,  cuối tuần này tụi em cũng đi Phan Thiết” tôi đáp. Nói với thêm câu trước khi đi khỏi cửa “chắc em cũng sống như chị, sẽ không cưới vì sợ phản bội”. Tiếng sách rơi nhẹ xuống sàn. Chị kéo vali xồng xộc, gọi taxi màu vàng chờ thẳng ra sân bay. Không nói gì thêm.

Buổi chiều óng ánh, những cơn mưa Sài Gòn đến rồi đi, nhẹ nhàng, bất chợt.  Tôi vẫn nằm gọn trong tay anh, hơi người lạ đôi lúc cũng âm ấm, dễ chịu. Ánh nắng ban chiều chiếu vào cửa kính của tầng 12 chung cư dịu nhẹ. Dụi đầu vào nách người đàn ông ham đọc sách mà tôi đã chọn, anh hỏi tôi “em có nghĩ là anh phản bội em không”. Tôi cười, tôi chưa bị phản bội bao giờ nên đâu có biết,  có khi mình phải thử chứ. Anh đưa tay bịt miệng, tay còn lại vẫn để trên ngực, cạ mấy cọng râu lúng phúng vào cái trán vừa dô vừa rộng của người đàn bà đã thuộc về anh hôm trước. Chuông cửa vang lên, chẳng ai đến vào giờ này?  Sửa lại dây chiếc váy mỏng, tóc bù xù, đối diện trước mắt tôi là chị, mắt trũng sâu, nhòe mascara sau đôi kính hàng hiệu được săn từ Ý. Đẩy vali vào nhà, chị bảo, bỗng thấy tụt hứng, hết ham trai già, sáng mai chị đón thằng Bim về. Tính sau. Chuông điện thoại của người tình trên núi nào đó đổ về dồn dập. Rằng anh ta đã xếp phòng ở khách sạn sang nhất tỉnh để đón người đẹp về. Chị cười khẩy, lại một giống phản bội, tay mơn man trên đùi người khác mà bảo đang họp với đối tác, bàn họp là chiếc giường trải ra trắng tinh, chỉ có hai người mắt long lanh, sòng sọc, lóng ngóng, thành thục, hổn hển, vật vã, mồ hôi nhễ nhại túa đầy ra giường, tìm tủ lạnh và tu nước ừng ực…

Sau cơn mưa, chị lại uống cà phê đen. Gái một con, mòn con mắt, chị vẫn đẹp, ngây thơ, khờ khạo, nét đẹp của người đàn bà bản lĩnh, tình trường, dày dặn. Chị chẳng còn nhìn đàn ông bằng nửa con mắt hay thèm thuồng mà nghĩ về một mối quan hệ nghiêm túc, chị nói với tôi sau cơn mưa có sấm chớp ầm ầm. Chị thấy mệt vì gồng lên sau những ngày dài, thấy mình cứng cỏi.

Cuốn sổ viết cho thằng Bim dày lên là tôi thấy chị tăng giờ tập thiền. Tìm về với gốc rễ của tâm linh, của đạo Phật. Chị siêng đi chùa, hai ngày, rồi bốn ngày một tháng. Rằm, chị đến chùa. Sư thầy bảo.  Đàn bà như chị đa đoan lắm. Nợ đời con trả  sắp xong rồi, số kiếp con đến đây là giải thoát, những ngày tới con sẽ có niềm an lạc mới. Lần thứ hai tôi thấy chị khóc, nước mắt rơi xuống tràng hạt vân vê trên tay. Đàn bà siêng đọc sách có ai sống hời hợt bao giờ, mà đàn ông cũng vậy.

Chị đã thủ thỉ với tôi cả tối qua về người đàn ông đã từng là chồng chị nhưng những trang viết này viết khác. Chị viết rằng, lúc đó chị đuổi anh đi vì hiếu chiến, vì giận mất khôn, sau đó đã định tha lỗi khi anh ta cầu xin, rằng thằng Bim cũng cần có bố nhưng nghĩ lại, cô bé kia quá ngây thơ, mắt trong veo, yếu đuối, đứa trẻ kia quá non nớt. Cô sinh viên kia sẽ không đủ điều kiện chăm cho con tốt bằng chị, chị hiểu điều đó hơn ai hết sau ngần ấy năm bôn ba, kiếm sống. Chị đã từng bị người ta rời bỏ vì nghèo nàn, xấu xí nên chị hiểu được triết lý đơn giản của cuộc sống.  Có thể anh đã cho rằng chị là một mụ đàn bà  nhẫn tâm, phũ phàng… Rồi vượt qua yếu đuối, chị lớn lên, mạnh mẽ, nhưng từ trong sâu thẳm chị vẫn là đàn bà, vẫn có những lúc chơi vơi mà không biết mình bị làm sao. Vì đơn giản, đàn bà là vậy. Chị thấy nhẹ nhàng, thanh thoát, sau bao nhiêu năm chị sẵn lòng yêu lại lần nữa. Tôi cười. Chợt nhớ lại câu nói của chị, “có mà yêu, đàn ông giống nhau cả đấy, đừng tin họ, đến rồi đi, kéo xong khóa quần là quên hết những thứ vừa xong, chỉ có kiếp đàn bà là tội nghiệp”.

Những trang viết chuyển tiếp sau mấy hôm ngưng lại vì chuyến đi dài ngày, “cuộc đời như những chuyến bay,  hầu hết là an toàn nhưng thi thoảng trời xanh vẫn thấy những cánh chim sắt chao nghiêng, rơi vỡ.  Sau mất mát người ta kinh hoàng, nhưng nếu trời xanh thiếu những chuyến bay thì tụi tiếp viên hàng không như em gái của chị sẽ thất nghiệp mà không biết bấu víu vào đâu”. Tôi cười khi nghĩ lại những dòng viết, rúc vào chăn gác chân lên người chị sau khi đã tăng độ điều hòa. Tròn 6 năm, đời sinh viên của tôi ném vào những câu chuyện không đầu không cuối của mụ chị, rồi tôi về, không chọn làm tiếp viên hàng không mà làm công việc hành chính nhà nước đơn giản, thoái mái, không áp lực về tiền hay thăng tiến mà vẫn sống no đủ (dù ngày nghèo vẫn viếng thăm thường xuyên) nhưng tôi biết rằng, nếu không có tôi, chị sẽ chẳng biết nói cùng ai sau những biến cố của cuộc đời, hay những cuốn sổ đẫm nước mắt sẽ chất cao trên nóc giá sách…

Cuộc đời với chị là những trang viết, chị đã viết bằng con tim, lý trí, bản lĩnh,  và nhạt nhòa nước mắt dưới những đôi kính lấp lánh. Những trang viết có lúc sáng rõ, có lúc nhòe đi nhưng khi mở cuốn sổ màu đen, những dòng chữ chảy đều. Tôi sẽ thú tội như thế nào khi những trang viết đã ăn sâu vào đầu tôi, khi nó xuyên qua cặp kính rồi đi thẳng vào mắt làm mắt tức căng, nhòe nước.

TẠ NGỌC ĐIỆP

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Đồng trăng – Truyện ngắn của T.Diên Lâm
Mặt trời nhả màu đỏ quạch lên mảnh đá đầu làng, tỏa màu huyết dụ, gã đưa tay nâng điếu tẩu cũ mèm, bám đầy những cợn bã thuốc lâu ngày không cọ rửa, làn khói vẩn đục cuộn trọn quanh mặt gã rồi tản lạc mờ dần, ánh mắt gã nhìn xa xăm, hiện qua làn khỏi mỏng, những mảng da sần sùi, thô nhám chi chít rổ, hằn một vết sẹo dài trông nặng đến khó nhìn.
Xem thêm
Con đò lặng lẽ - Truyện ngắn Lê Thị Việt Hà
Bao giờ cơn gió trở về, mùa mưa nặng hạt, những dòng mương ăm ắp phù sa, cho dòng sông thấp thoáng bóng con đò…
Xem thêm
Cá sấu báo thù – Truyện ngắn của Hồng Chiến
 Những cây gỗ hương cao lừng lững, đứng thành hàng như được xếp vào ô bàn cờ, trải dài trước mắt gần như vô tận. Ngửa mặt nhìn lên không thấy gì ngoài lá và cành cây. Dưới mặt đất chỉ có một con đường mòn dày đặc dấu chân trâu rừng đi giữa các hàng cây.
Xem thêm
Đứa con không về | Truyện ngắn của Bích Ngân
Người sung sướng nhất hẳn là nội tôi. Thoạt đầu bà không tin người đàn ông cao lớn, để ria, mang kính cận đang ôm chầm lấy bà lại chính là thằng Sang sún, người tròn như củ khoai đã rời bà lên tàu ra Bắc khi vừa lên tám.
Xem thêm
Cánh hoa mai | Truyện ngắn của Đặng Đình Cung
Một truyện ngắn thấm đẫm nhân văn về đề tài 30-4 và Thống nhất đất nước.
Xem thêm
Ký ức chiến tranh - Truyện ngắn Trần Thế Tuyển
Thế là lại lỡ một lần nữa. Cả tuần nay, Giang không ra sân được. Giang vào phòng thay đồ rồi vội bấm thang máy xuống phòng cấp cứu.
Xem thêm
Mẹ | Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Tác phẩm Giải thưởng Truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội.
Xem thêm
Tiếng chuông muộn màng – Truyện ngắn của Trần Minh Ánh
Đêm đã khuya, mọi cảnh vật đã chìm vào giấc ngủ, tiếng điện thoại tôi đổ chuông, bên kia đầu dây là một giọng đàn ông tiếng Quảng Nam nhưng rất lạ: Alo có phải anh Minh không?
Xem thêm
Nguyễn An Bình - Chùm thơ dự thi (Chùm 2)
Buổi chiều cơn mưa nhỏ qua đâyMang theo cánh cò quay về chốn cũCầu Ba Son in bóngRực rỡ trong ánh chiều tàSoi từng nhịp yêu thươngNối khu đô thị mới Thủ Thiêm bao năm cách trởXanh lục bình vừa trôi vừa nởĐêm bừng lên ánh điệnLấp lóa dòng xe xuôi ngược.
Xem thêm
Nguyễn Đức - Chùm thơ dự thi
Tôi ngồi ngẫm lại đời tôiNợ bao ánh mắt nụ cười thân thươngNợ tóc mây bên kia đườngBồng bềnh theo gió, hương sang bên này
Xem thêm
Xuân bên cửa trời
Truyện đăng Văn nghệ Công An
Xem thêm
Tóc xanh, má thắm, môi hồng – Truyện ngắn Nguyễn Hải Yến
Người đàn bà kéo con vào lòng, che chiều gió hắt, hỏi Thụy chờ ai? Có phải cũng đợi chồng? Thụy cười, bảo không, em tìm thấy người yêu rồi, tận chiến trường miền Đông, cũng đã đón được anh ấy về… Em ở đây chờ một người. Khi bạn ấy về, em trả lại lời hứa mười tám tuổi…
Xem thêm
Mê muội - Truyện ngắn Nguyễn Thị Bích Vượng
Một hôm, trời về chiều, mưa bụi lây phây, vẫn như mọi ngày tan giờ làm việc, Lan qua chợ mua thức ăn, rồi hai vợ chồng cùng về, mới đến đầu ngõ, chị nhìn thấy bố chồng đang đứng ở cổng.
Xem thêm
Người đàn bà bên kia sông – Truyện ngắn của Văn Giá
Làng tôi nằm sát con sông Thương. Từ chân đê vào làng đi qua một con đường đất nhỏ, hai bên trồng phi lao, cắt qua cánh đồng. Khoảng cách từ làng ra sông không quá xa. Người lớn ở trên đê, mỗi khi có việc gì gấp, gọi vọng vào trong làng vẫn có thể nghe thấy, nhất là khi gặp gió xuôi thì rõ mồn một.
Xem thêm
Rome còn thơm mùi Oải hương - Truyện ngắn của Thu Trân
Chuyên mục Đọc truyện ngắn hay trên báo Văn nghệ
Xem thêm
Cọng rơm - Truyện ngắn của Bùi Thị Huyền
Trở về thăm làng sau mấy chục năm tha phương cầu thực, Mỳ vui và hân hoan như chưa hề xảy ra những biến cố trong cuộc đời mình. Nói là về thăm làng nhưng thực ra cái làng Trà đó không phải nơi chôn nhau cắt rốn của cô. Nó là quê, cái nơi cách đây đã lâu lắm rồi, Nhân - một nửa của Mỳ ngày nào, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Trà, ngọn núi chơ vơ giữa vùng đồng bằng duyên hải.
Xem thêm
Tìm cha - Truyện cực ngắn của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Thế giới mới (1993 – 1994)
Xem thêm
Bông hoa của bản – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Trang
Tiếng khóc thút thít của Mai vọng từ phía buồng lại, xóa tan sự tĩnh lặng của đêm. Páo ngồi bên bếp, nồi nước đang sôi ùng ục bốc khói, tay Páo cầm thanh củi cời những viên than hồng rực, ánh mắt vô định nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy cũng như lòng Páo lúc này đang không yên. Páo muốn đi vào trong phòng Mai, nói với Mai rằng hãy đứng dậy và bỏ đi cùng anh. Hãy bỏ lại tất cả cuộc sống hiện tại để đến một nơi khác bắt đầu cuộc sống mới như đôi chim cu tự xây tổ mới cho mình, như đôi hoẵng chạy vào rừng sâu sống cuộc sống yên bình… Từ nhỏ Páo đã chứng kiến Mai khổ quá rồi, giờ nếu tiếp tục để Mai chịu khổ hơn nữa anh thấy mình càng vô dụng như khúc gỗ dưới sàn nhà, như cây lá han trong rừng.
Xem thêm
Yêu nhau ở đất lửa
Truyện ngắn của NGUYỄN XUÂN VƯỢNG
Xem thêm
Làng quê đang trôi
Khoan giếng trên đồi. Giở mảnh giấy ghi nhì nhằng những cuộc hẹn nhận qua điện thoại, hắn rút bút bi gạch ngang, tay co giật, run run, đường gạch ngoằn ngoèo. Hắn khựng lại, gãi gãi tai, nhưng rồi cũng lên đường.
Xem thêm