Nhà văn ANH ĐỨC
Nhà văn Anh Đức, tên thật là Bùi Đức Ái (1935 – 2014), là một nhà văn Việt Nam từng được trao giải thưởng Hồ Chí Minh do những đóng góp cho Văn học Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam.
Bùi Đức Ái rời gia đình, vào chiến khu của lực lượng kháng chiến ở miền Nam Việt Nam hoạt động từ khi còn trẻ. Năm 1953, ông được điều về làm ở báo Cứu quốc Nam Bộ. Ông được trao giải thưởng văn nghệ Cửu Long trong giai đoạn này. Người đầu tiên được coi là đã phát hiện ra năng khiếu văn học của Bùi Đức Ái là nhà văn Đoàn Giỏi. Vào những năm 20 tuổi, khi mới bắt đầu nghề văn, Anh Đức từng đề nghị Đoàn Giỏi, một nhà văn đàn anh, xem và nhận xét những tác phẩm của mình [1].
Sau đó, Bùi Đức Ái tập kết ra miền Bắc. Trong thời gian ở miền Bắc, ông viết với bút danh Bùi Đức Ái. Thời gian này ông được gặp và tiếp xúc với nhiều nhà văn lớn cùng thời tại Hà Nội. Theo phân công của Hội nhà văn Việt Nam, mỗi nhà văn có kinh nghiệm giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm, đọc và góp ý bản thảo cho một cây bút trẻ tập kết. Người được giao kèm cặp Bùi Đức Ái là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng [1].
Ngoài ra, Bùi Đức Ái đi thực tế nhiều nơi, viết một số truyện ngắn nhưng không thật nổi bật cho đến khi ông gặp bà Nguyễn Thị Huỳnh, một phụ nữ từng hoạt động trong lực lượng kháng chiến ở miền Nam Việt Nam. Nhờ cuộc gặp gỡ này, ông viết Một truyện chép ở bệnh viện. Tập truyện được đón nhận rộng rãi và trở thành một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi của ông sau này.
Năm 1962, Bùi Đức Ái trở lại chiến trường miền Nam Việt Nam ngay trong đợt đầu tiên của văn nghệ sĩ. Các nhà lãnh đạo văn hóa tư tưởng và văn nghệ có vẻ đánh giá rất cao khả năng của Anh Đức. Đích thân Trưởng ban tổ chức trung ương miền Bắc Việt Nam Lê Đức Thọ đã gặp Anh Đức và dặn dò: "Vào trong đó cậu nên tập trung thời gian mà sáng tác, đừng làm việc hành chính mất thời gian, việc đó nhiều người làm được" [1].
Trở lại miền Nam Việt Nam, ông bắt đầu lấy bút danh mới là Anh Đức. Trải qua thời gian rèn luyện nghề văn tại miền Bắc Việt Nam, khi tiếp cận với thực tế cuộc chiến ở chiến trường miền Nam, Anh Đức viết một loạt hồi ký, được chú ý nhất là loạt ký sự Bức thư Cà Mau. Dưới hình thức trao đổi văn học qua thư với nhà văn Nguyễn Tuân, Anh Đức phản ánh thực tế sống và chiến đấu của lực lượng kháng chiến tại Cà Mau và nhiều vùng khác của miền Nam Việt Nam. Cũng trong thời gian này, ông đến Kiên Giang và viết tác phẩm có lẽ là nổi tiếng nhất của ông, tiểu thuyết Hòn Đất. Hòn Đất đã mang về cho Anh Đức giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu.
Sau năm 1975, Anh Đức về sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ông viết một số truyện ngắn như Người khách đến thăm vườn nhà tôi, Cái bàn bỏ trống, Miền sóng vỗ. Ở các cương vị làm quản lý, trong giai đoạn chiến tranh, Anh Đức từng nắm giữ các chức vụ: tổng biên tập tạp chí Văn nghệ giải phóng, ủy viên Ban thư ký Hội nhà văn Việt Nam. Sau năm 1975, có thời gian Anh Đức là ủy viên Ban thư ký Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh; tổng biên tập tạp chí Văn, ủy viên Đảng đoàn các khóa 2 và 3, đại biểu quốc hội khóa 7...[2]
Thời gian cuối đời Anh Đức cư ngụ tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông mất tại nhà vì tuổi cao, bệnh nặng vào ngày 21 tháng 8 năm 2014[3].
Giải thưởng:
- Giải Văn nghệ Cửu Long Nam bộ năm 1952; Giải nhất truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ (1958); Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (truyện, 1965).
- Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000.
Các tác phẩm:
- Biển động (1952), tập truyện ngắn
- Lão anh hùng dưới hầm bí mật (1956), truyện ký
- Một chuyện chép ở bệnh viện (1958), tiểu thuyết, được lấy làm kịch bản cho phim truyện Chị Tư Hậu (1962).
- Biển xa (1960), tập truyện ngắn
- Bức thư Cà Mau (1965), tập truyện, bút ký
- Hòn Đất (1966), tiểu thuyết, được lấy làm kịch bản cho phim truyện Hòn Đất (1983)
- Giấc mơ ông lão vườn chim (1970), tập truyện ngắn
- Đứa con của đất (1976), tiểu thuyết
- Miền sóng vỗ (1985), tập truyện ngắn.
Các tác phẩm được đưa lên mạng:
...
Bài đã đăng lên website: