- Tin tức - Hoạt động Hội
- Hội Nhà văn TP HCM tổ chức trại sáng tác tại Phú Yên
Hội Nhà văn TP HCM tổ chức trại sáng tác tại Phú Yên
Từ ngày 22-4 đến 29-4, Hội Nhà văn TP HCM đã tổ chức tại sáng tác văn học tại khu du lịch sinh thái Sao Việt - Đồi Thơm, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Chiều 23-4, trại làm lễ khai mạc và ra mắt sách "Đất Phú trời Yên". Tham dự sự kiện có GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú và phu nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Công ty Sao Việt; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật; nhà thơ Phan Hoàng, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam; các nhà văn Trần Quốc Cưỡng và Huỳnh Thạch Thảo, Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên; đại diện các sở ngành của tỉnh Phú Yên; đoàn cán bộ giảng dạy Đại học Phú Yên và đoàn cán bộ giảng dạy từ các trường đại học ở TPHCM…
Đoàn chủ trì hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng
Đoàn của Hội Nhà văn TPHCM có nhà văn Bích Ngân, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM; nhà văn Bùi Anh Tấn, phó chủ tịch Hội, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ TPHCM và 30 nhà văn tham gia trại viết.
Trong lời khai mạc, GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú chúc mừng đoàn nhà văn TPHCM và các khách mời từ Hà Nội, TPHCM. Theo ông, đây là một sự kiện có ý nghĩa của Hội Nhà văn TPHCM, Công ty Sao Việt vui mừng được đồng hành, hỗ trợ Hội Nhà văn TP HCM trong các hoạt động.
Hội Nhà văn TP HCM trao bức tranh bìa sách “Đất Phú trời Yên” cho đại diện tỉnh Phú Yên
Phát biểu khai mạc trại viết và ra mắt sách "Đất Phú trời Yên", nhà văn Bích Ngân bày tỏ lòng tri ân đối với đất và người Phú Yên. Vùng đất này đã tạo nguồn cảm xúc sáng tạo cho văn nghệ sĩ, cho người cầm bút. Khu du lịch Sao Việt của Phú Yên là điểm đến của nhiều nhà văn, nhiều văn nghệ sĩ của cả nước và quốc tế. Hội Nhà văn TP HCM đã 2 lần tổ chức trại sáng tác tại đây.
Hội Nhà văn TP HCM đã tập hợp các tác phẩm của các nhà văn đã dự trại viết hai lần trước, cùng sáng tác của những nhà văn tiền bối như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Võ Hồng, Nguyễn Mỹ…và thế hệ nhà văn nối tiếp là người Phú Yên hoặc gắn bó với mảnh đất Phú Yên như: Y Điêng, Ngô Phan Lưu, Đào Minh Hiệp, Trần Quốc Cưỡng, Huỳnh Thạch Thảo, Huỳnh Văn Quốc, Phương Trà, Bùi Văn Thành, Nguyễn Hòa…, trong đó có thơ của nhà thơ Văn Công, một lão thành cách mạng của Phú Yên, có truyện ký của TS Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên…
Các sáng tác gồm thơ và văn, đều lưu lại cảm xúc và ký ức khó phai nhạt với "Đất Phú trời Yên". Sự hấp dẫn của tác phẩm có lẽ là cảm xúc chân thực, là những sự việc thực, người thực đã và đang góp phần làm cho vùng đất này ngày thêm phú, thêm yên.
Sáng 24-4, đoàn của Hội Nhà văn TP HCM đã cùng lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam dự lễ khánh thành Nhà Truyền thống và thư viện xã An Chấn, huyện Tuy An. Hội Đồng hương tỉnh Phú Yên đã tài trợ cho xã xây dựng công trình này (kinh phí 2 tỉ đồng) và xây thêm 6 phòng học cho Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Thọ (kinh phí 5 tỉ đồng). Nhân dịp này, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TP HCM đã tặng sách cho thư viện.
Nhà văn Bích Ngân (trái) tặng sách cho thư viện xã An Chấn
Chiều cùng ngày, đoàn tham dự hội thảo quốc gia kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng, một người con của đất Tuy An, tỉnh Phú Yên, dạy học tại Phú Yên và Khánh Hòa, là nhà văn viết nhiều thể loại: truyện dài, truyện ngắn, tùy bút và thơ, với văn phong giản dị, nhẹ nhàng mà đi vào lòng người đọc nhiều thế hệ. Hơn 60 tham luận được in thành kỷ yếu, một số được trích lược, trình bày tại hội thảo đem lại nhiều góc nhìn mới về con người và sáng tác của ông.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: "Văn chương đương đại đang mất đi những phẩm cách quan trọng. Chưa bao giờ con người bị đe dọa như bây giờ, cuộc sống có nhiều bất trắc, con người cần được bảo vệ. Khi con người bị đe dọa trong đời sống và nghệ thuật thì giá trị của văn chương, của văn hóa cần hơn bao giờ hết. Con người đang tàn phá con người, tàn phá nhân tính với những mưu mô, tranh giành, ích kỷ, hận thù. Văn chương, văn hóa phải tìm cách giữ lại những điều tốt đẹp, những phẩm hạnh quý giá. Nhà văn Võ Hồng đã góp phần giữ lại cho chúng ta điều đó".
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (thứ năm từ phải qua) với các nhà văn dự hội thảo
Cũng theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: "Nhà văn Võ Hồng đưa chúng ta trở về những giá trị mới, xuyên qua thời đại. Người làng Chùa quê tôi từng viết: Không có ăn thì không thể bước đi. Không có chữ thì không thể thấy đường. Điều đó cho thấy chiều kích tâm hồn, giá trị sáng tạo của nhà văn Võ Hồng. Văn của ông chạm đến cái đẹp mà cái đẹp thì luôn vĩnh hằng".
Nguồn: https://nld.com.vn/