TIN TỨC

Ánh sáng cuối chiều và ký ức người lính thi sĩ

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2025-07-26 17:21:33
mail facebook google pos stwis
333 lượt xem

Tập thơ Giọt nắng cuối chiều của Trần Ngọc Phượng là một tuyển lựa tâm huyết, ghi lại hành trình sống và cảm từ một đời người từng trải: từ trận mạc đến hậu chiến, từ ký ức cá nhân đến thế sự chung. Với giọng thơ trữ tình – thế sự – nhân hậu, tác phẩm mang giá trị như một bản tổng kết tinh thần của một người lính – người thi sĩ – người công dân đang đứng giữa ánh hoàng hôn của đời mình. Văn chương TP. Hồ Chí Minh trân trọng giới thiệu bài viết sau đây của nhà văn Nguyễn Văn Hòa về tập thơ này.

NGUYỄN VĂN HÒA

(Nhân đọc tập thơ Giọt nắng cuối chiều của Trần Ngọc Phượng, Nxb Hội Nhà văn, 2025)

Giọt nắng cuối chiều (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2025) là tập thơ thứ 6 của nhà thơ Trần Ngọc Phượng. Tập thơ gồm 139 bài, tập hợp hầu hết những bài thơ của anh viết từ những năm tháng tuổi trẻ, tham gia chiến đấu ở chiến trường cho đến những bài thơ sáng tác rải rác sau đó và cả những bài thơ anh mới viết trong thời gian gần đây. Có thể xem Giọt nắng cuối chiều như bản nhật ký về hành trình sống, hành trình cuộc đời vô cùng phong phú, đa sắc màu của Trần Ngọc Phượng. Ở đó mọi ký ức, niềm vui, nỗi buồn được nhà thơ giãi bày một cách chân thành, hồn hậu.

Giọt nắng cuối chiều, ngay tên tập thơ đã gợi nên những ám ảnh và đậm chất suy tư. Phải chăng Trần Ngọc Phượng đã rất ý thức trong việc chọn nhan đề này để đặt tên cho tập sách nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của mình. Giọt nắng cuối chiều gợi lên cho người đọc hình ảnh những tia nắng cuối ngày, khi ánh sáng bắt đầu yếu dần chuyển về thời khắc hoàng hôn. Đó là sự kết thúc một ngày, về sự tàn phai của thời gian, sự già nua của tuổi tác. Cái hay là nhà thơ đã chọn giọt nắng chứ không phải là tia nắng, ánh nắng. Giọt nắng: rất tinh tế và giàu sức gợi, là biểu tượng cho những điều nhỏ nhặt nhưng có ý nghĩa trong cuộc sống; cuối chiều là thời khắc kết thúc, chuyển giao của một giai đoạn. Giọt nắng cuối chiều vì thế tạo nên sự sâu lắng, nhẹ nhàng, gợi cảm giác mong manh và ý thức trân quý trong từng khoảnh khắc.  Trần Ngọc Phượng thấm thía sự được - mất của kiếp người nên với anh mọi khoảnh khắc của đời sống đều có ý nghĩa. Điều quan trọng không phải là những tháng ngày tồn tại dài hay ngắn mà ý nghĩa cuộc sống đôi khi chỉ bùng lên ở một giây phút, một khoảnh khắc ngắn ngủi của cuộc đời.

Chỉ còn giọt nắng cuối chiều/ Đổ dài chân dốc, liêu xiêu bóng hình/ Nắng rơi ngay trước chân mình/ Hoàng hôn tím lịm chùng chình chờ ai// Ta gom giọt nắng vơi đầy/ Người xưa cảnh cũ chiều nay hiện về/ Vàng hoe vạt nắng triền đê/ Cánh diều lộng gió, đò quê neo chờ// Chuông chùa buông tiếng bâng quơ/ Ngày về tóc đã bạc phơ mái đầu/ Rì rào gió thổi hàng cau/ Ếch kêu ộp oạp cầu ao sau nhà// Về đây rau đậu tương cà/ Lá chanh, muối ớt, gà ta nuôi vườn/ Bên nhau tình nghĩa quê hương/ Thuốc lào rít điếu, khói vương nắng chiều (Giọt nắng cuối chiều).

Ở vào tuổi 80, Trần Ngọc Phượng ý thức sâu sắc về giá trị của thời gian, sự sống, đời người. Do vậy, với anh mọi khoảnh khắc của đời sống này đều rất đáng quý, cần phải nâng niu và gìn giữ. Trần Ngọc Phượng ý thức sâu sắc rằng chặng đường anh đã đi qua là một hành trình với bao buồn - vui; được - mất. Nhà thơ nhận ra được ý nghĩa của cuộc đời, hiểu được những triết lý chân thực của cuộc sống về sự sống - cái chết, hạnh phúc - khổ đau... Và dẫu vui hay buồn, dẫu bình yên hay sóng gió, tất cả cũng đều tạo cho anh thêm động lực, niềm tin, bài học để mà sống và tồn tại với đời.

Có gì đâu mà sao chộn rộn/ Khi đời ta chạm tuổi tám mươi/ Muốn rướn người cho lưng thẳng đứng/ Mà tháng năm cứ đè gập thân người.// Đã nhủ lòng cần chi vội vã/ Cứ an nhiên thong thả mà trôi/ Nhưng trái tim vẫn không buông thả/ Chậm nhanh theo cung bậc buồn vui// Giữ thói quen đi bộ đi bơi/ Vui bạn bè cà phê quán cóc/ Dù chân bước đã bắt đầu khó nhọc/ Thơ vẫn còn le lói chiều hôm.// Tám mươi năm chìm nổi thăng trầm/ Quên đi những vô thường được mất/ Hãy nâng niu phần đời đang có thật/ Bên vợ con bè bạn gia đình.// Sống vui cùng đất nước yên bình/ Đang vươn mình sang kỷ nguyên giàu có/ Gắng đuổi theo thời công nghệ số/ Để cháu con cất cánh bay cao (Bước vào tuổi tám mươi).

Rời quê, tham gia vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam và có 10 năm gắn bó ở chiến trường, Trần Ngọc Phượng đã nếm trải đủ mọi cung bậc cảm xúc. Người lính trẻ như anh trải qua những biến cố lớn như thế mà vẫn vững tin để sống, chiến đấu đến ngày đất nước hòa bình và cống hiến sức mình cho đất nước cho đến lúc nghỉ hưu thì thật đáng trân trọng.

Bao nỗi niềm về quê hương, về gia đình, bạn bè, về những người thân yêu, về đồng chí, đồng đội được Trần Ngọc Phượng chuyển tải vào thơ của mình như sự trải lòng. Đó chính là tiếng nói, tình cảm bộc lộ từ sâu thẳm trái tim anh.

Nam Định là nơi mà Trần Ngọc Phượng có những năm tháng tuổi thơ, lớn lên và học hành ở đó. Vì thế, hình ảnh của đất và người quê hương Thành Nam luôn hiện diện trong tâm thức của nhà thơ. Chính mảnh đất này đã trở thành cội nguồn sinh dưỡng, chỗ dựa tinh thần vững chắc để cho Trần Ngọc Phượng vững tâm sống, chiến đấu, làm việc cho đến ngày hôm nay. Vì thế dù có đi đâu, làm gì, dù có rời xa “chốn cũ” nhưng tận trong sâu thẳm tâm can anh vẫn luôn hướng về nơi đó bằng một tình cảm thân thương đến lạ. Nhà thơ nhớ tất cả hình ảnh quê nhà với từng con người, cảnh vật, góc phố, con sông, cánh đồng…

Nam Định những phố xưa/ Trải dài theo nỗi nhớ/ Len lỏi vào giấc mơ/ Nỗi lòng người xa xứ// Hàng Nâu liền Hàng Bát/ Hàng Mâm nối Hàng Song/ Đi học qua Hàng Cót/ Vào chợ qua Hàng Đồng/… Tuổi trẻ sống vô tư/ Thả diều nơi Gốc Mít/ Tập bơi hồ La Két/ Đá bóng sân Khoái Đồng// Thành phố như bàn tay/ Ta ấp vào lồng ngực/ Đường phố như chỉ tay/ Dọc ngang trong ký ức (Nam Định những phố xưa).

Chính vì lẽ đó mà Trần Ngọc Phượng có nhiều bài thơ nhắc đến tên đất, tên làng và những gì có liên quan đến Thành Nam: Sông Đào, Chiều đông phố quê, Viếng mộ cụ Tú, Ký ức sông Đào, Bến xưa, Bên hồ Vị Xuyên, Trở lại trường xưa, Tiếng vọng Thành Nam, Dệt xưa, Đâu chỉ có thế thôi, Đêm tháng Bảy…

Đặc biệt là những người thân yêu của anh, nhất là hình ảnh người bà, người cha, người mẹ, người chị, người em… Trong hành trình làm người, khi đã ý thức được sự yêu thương, mối quan hệ ruột rà, máu mủ thì nhà thơ chưa bao giờ nguôi quên đến họ. Để rồi, khi đã đi qua bao dâu bể, sương gió của cõi người Trần Ngọc Phượng lại càng trân quý, càng yêu thương hơn gấp bội phần. Tiếc rằng, tuổi thanh xuân phải đi chiến đấu, nên anh không có thời gian, không có điều kiện để chăm sóc cho Cha và những người ruột thịt của mình. Để giờ đây anh cảm thấy như mình có lỗi, cảm thấy hụt hẫng, ăn năn. Hình ảnh “Nơi bậu cửa Cha ngồi” đã ăn sâu vào tiềm thức của đứa con xa quê như anh. Vì thế, khi trở về quê cũ, việc đầu tiên là Trần Ngọc Phượng “tìm lại” ngôi nhà xưa với bao nhiêu ký ức của cả gia đình gắn liền ở đó. Con về quê/ Tìm lại ngôi nhà xưa/ Nơi bậu cửa/ Cha ngồi/ Chờ đàn con trốn nhà, đi bơi, đá bóng/ Ba ngồi lặng yên/ Trong buổi chiều ảm đạm/ Chúng con về/ Len lét sợ đòn roi/ Bữa cơm nghèo/ Cha chống đũa nhìn/ Những đứa con vô tư/ Khua nồi vét đĩa/ Mẹ ra đi khi ba còn trẻ/ Một mình ba gà trống nuôi con/ Ăn học nên người/ Ba nhìn đâu, về phía chân trời/ Nơi ấy một thời khá giả/ Nơi ấy con ra đi/ mười năm trời,/ Ba ngồi chờ đợi/ Đón con về/ Mấy tấm huân chương/ Ba lô rỗng tuếch/ Ba thắp nén nhang lên bàn thờ Mẹ/ Mừng đứa con từ cõi chết trở về/ Ba nói cứ vui đi/ Mặc đời đói nghèo tem phiếu thiếu ăn/ Chúng con ăn năn/ Chưa lo cho Ba được phút giây thanh thản/ Cả đời người chìm nổi trầm luân/ Trong xã hội một thời binh đao khói lửa/ Người ra đi/ Nước nhà vẫn còn nghèo khổ/ Nhưng an lòng/ Với bốn đứa con/ Nên người tử tế/ Trong đất nước cựa mình đổi thịt thay da/ Nén nhang này/ Con xin tạ lỗi/ Với đất trời/ Với cả Mẹ con/ Mâm cúng đủ đầy/ Cháu con đủ mặt/ Mà lòng sao quặn thắt vô cùng/ Cha Mẹ hãy về phù hộ cháu con.

Trần Ngọc Phượng nhớ tất cả từ khi mình bước chân vào Nam cho đến lúc đất nước hoàn toàn độc lập: anh đi những đâu, làm những gì, gặp những ai… và cả những băn khoăn, trăn trở, day dứt, xót thương về những điều đã xảy ra, những thứ đang hiện hữu ở hiện tại. Tất cả được anh ghi lại rất cụ thể, chi tiết bằng những lời tâm tình rất đỗi tự nhiên, lối nói nhẹ nhàng, chững chạc nhưng cũng rất dứt khoát, chân tình.

Ký ức Mậu Thân, Ngã ba Cây Cầy, Bên nấm mộ vô danh, Mười cô gái ngã ba Đồng Lộc, Cái ba lô con cóc, Chiều núi Ông, Sốt rét, Đêm mưa, Tiền phương, Anh báo vụ, Đứng gác đêm trăng, Tháng Tư Long Khánh, Họp mặt sư đoàn, Bến không chồng, Chiều nghĩa trang Trường Sơn, Gió tháng Tư, Trận địa bến sông, Bà Rịa thân thương, Cảm xúc tháng Tư, Dọc đường miền Trung, Lời thề ấy đi cả đời chưa trọn…

Là người sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, từng là một người lính trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường nên nhà thơ càng thấu rõ những gian khó, vất vả, thiệt thòi. Trong những lúc khó khăn nhất, nguy hiểm nhất, cái chết cận kề nhưng không thể làm cho anh chùn bước. Niềm tin và ý thức của một người lính bộ đội cụ Hồ đã tiếp cho anh sức mạnh. Giữa mưa bom, bão đạn những đồng chí, đồng đội của anh có người đã hy sinh không kịp nói lời từ biệt. Chứng kiến những cảnh bi thương ấy làm cho Trần Ngọc Phượng không khỏi day dứt, nghẹn ngào. Có những bài thơ anh chép vào nhật ký mà cho đến tận bây giờ anh vẫn còn cất giữ. Nhà thơ xem đó là những kỉ vật của đời mình.

Trần Ngọc Phượng có nhiều bài thơ cảm động viết về người đồng chí, đồng đội của của Trần Ngọc Phượng đã đi qua bao gian khó, vất vả và cả những hy sinh mất mát. Đây là những tình cảm thật, được viết ra bởi một con người đã từng đi qua hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh. Nỗi đau ấy vẫn dai dẳng, đau đáu khôn nguôi cho đến thời hậu chiến. Bởi chiến tranh là đi kèm với đau thương và chết chóc. Cái chết không từ một ai, mới vừa gặp nhau nói cười đó thì cũng có thể ra đi vĩnh viễn.

Đất nước hòa bình, người cựu binh năm nào may mắn trở về vỡ òa trong niềm hạnh phúc tột cùng. Đứa con gọi mẹ trong niềm hân hoan bằng lời thông báo: “Con sống rồi mẹ ơi!”. Đọc bài thơ người đọc không khỏi rưng rưng, xúc động với những gì mà đứa con giãi bày. Tiếng gọi mẹ trong niềm vui trào dâng nhưng đằng sau đó cũng là nỗi xót xa khi những người bạn, người đồng chí của mình đã ra đi mãi mãi.

Con sống rồi/ Tưởng không ngày trở lại/ Tưởng như thật như mơ/ Đất nước reo vui đỏ rợp sắc cờ/ Tiếng reo đầu tiên/ Con xin dâng cho Mẹ/ Và có lẽ phía bên kia cũng thế/ Người lính hàng binh./ Vất quân trang vũ khí xuống đường/ Cũng chắp tay gọi Mẹ…// Con gục đầu vào Mẹ/ Mà không dám reo vang/ Bao bà Mẹ mất con/ Bao người vợ mất chồng/ Nước mắt nhòa bảng Tổ quốc ghi công/ Khói nhang bay trên nấm mồ Liệt sĩ/ Ai biết hòa bình/ Bao máu xương phải trả?/ Con của mẹ sống rồi/ Trong đất nước trường sinh!

Đất nước hòa bình, anh tiếp tục cống hiến, góp phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển chung của đất nước. Những ngày lễ, các dịp Tết đến, xuân về, các buổi hội họp… làm cho anh càng thương nhớ hơn những người đồng chí, đồng đội của mình năm nào. Chứng kiến những đổi thay, phát triển và cả những mặt trái của đời sống cũng làm cho Trần Ngọc Phượng trăn trở, suy tư. Ở đó vừa thấm đẫm niềm tin, khát vọng vừa có điều gì đó tiếc nuối, xót xa.

Được gặp lại bạn bè, người thân, đồng chí, đồng đội của mình sau bao nhiêu năm xa cách. Gặp lại người đồng đội cũ sau 50 năm, Trần Ngọc Phượng không giấu được sự vui mừng, xúc động: Năm mươi năm, mới gặp nhau/ Chúng mình giờ đã bạc đầu gió sương/ Bên nhau ôn chuyện chiến trường/ Một thời gian khó, bão giông hiện về/…/ Dấu chân trên đất Thủ Biên/ Vượt qua Sông Bé đường lên Cây Cầy/ Dốc Năm Cua tựa khuỷu tay/ Bao nhiêu đồng đội đến nay không về// Em cười đôi mắt đỏ hoe/ Cảm ơn trời đất chở che đến giờ/ Cứ an nhiên sống như xưa/ Mặc nhìn chiếc lá vật vờ cuối thu (Gặp em vào buổi thu tàn).

Với một người lính như Trần Ngọc Phượng, anh cho rằng những năm tháng ở chiến trường đó là những năm tháng không thể nào quên. Bởi ở đó gắn liền với bao kỷ niệm, mà mỗi lần nhắc đến lòng lại rưng rưng:

Có thể nào anh lại quên em/ Như quên đi một thời trai trẻ/ Kỷ niệm xưa như bông hoa mới hé/ Cả đời ta chưa khép lại bao giờ/ Em nhớ không buổi tối mùa mưa/ Anh lội qua những hố bom chi chít/ Để được nghe giọng em tha thiết/ Tiếng quê hương giữa đất miền Đông/ Anh thương em giữa chiến trường ác liệt/ Mong manh sao phận gái thân gầy/ Giữa muỗi vắt bom mìn sốt rét/ Em làm sao trụ nổi nơi này/ Mới gặp nhau đã vội chia tay/ Anh xa em đi về phía trước/ Em ở lại nơi đầy quân Mỹ Úc/ Bám trụ ngày đêm chăm sóc thương binh/ Thư gửi nhau thấm máu giao liên/ Vượt lộ băng rừng qua sông qua suối/ Lá thư nào gửi anh em cũng hỏi/ Anh còn sống không ráng đợi ngày về/ Giải phóng rồi không tìm thấy em tôi/ Thư anh gửi như lời hẹn ước/ Khi gặp nhau mái đầu tóc bạc/ Mắt lệ rơi trên trang giấy nhạt nhòa… (Có thể nào quên).

Trở về sau chiến tranh, sống trong những năm tháng đất nước hòa bình, độc lập nhà thơ có điều kiện đi đến nhiều nơi trên dải đất cong cong như hình chữ S này. Dấu chân Trần Ngọc Phượng đã in dấu trên mọi miền đất nước, từ địa đầu phía Bắc - Lũng Cú đến cực Nam - Mũi Cà Mau. Là người tinh tế, nhạy cảm nên nơi nào anh đi qua cũng đều để lại những dấu ấn riêng. Điều này được Trần Ngọc Phượng ghi lại bằng những bài thơ cụ thể ở từng vùng đất mà anh đã đến như: Lũng Cú, Từ tận cùng chữ S, Nụ cười Thành Cổ, Hòn Chồng, Du lịch Đắc Lắk, Tết Đà Lạt, Hải Đăng Kê Gà, Cà Ná, Về quê em, Cà Mau…

Sau Đại thắng mùa xuân 1975 cho đến hôm nay, trong các dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm lớn Trần Ngọc Phượng có dịp “về nguồn” và gặp lại những người đồng đội, đồng chí của mình. Về thăm nghĩa trang Trường Sơn, về Thành Cổ Quảng Trị, về Ngã ba Đồng Lộc, Long Khánh, Bà Rịa… Rồi những buổi họp mặt Sư đoàn, họp mặt cuối năm, những buổi cà phê, trà lá… Niềm vui xen lẫn nỗi buồn, vui vì thấy mình may mắn còn sống, được sống hạnh phúc bên gia đình, vợ con, cháu chắt; vui vì được gặp mặt những người bạn một thời vào sinh ra tử để hàn huyên trò chuyện; nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều nỗi buồn len lỏi tạo nên những nỗi day dứt khôn nguôi. Những người đồng chí đồng đội, sau mấy mươi năm vẫn chưa tìm được hài cốt; những người may mắn còn sống trở về có người lại sống trong bệnh tật do di chứng của chiến tranh và khó khăn vào tuổi xế chiều; họp mặt mỗi năm điểm danh lại thiếu vắng… Bên cạnh đó, nhà thơ còn mang một nỗi buồn lớn đó là phải đối mặt với nhiều bất trắc của thời hiện tại mà anh đang sống.

Quá khứ đồng hiện cùng với hiện tại và cả những dự cảm về tương lai trở thành thủ pháp nghệ thuật chủ đạo trong thơ Trần Ngọc Phượng. Đó không chỉ là sự nhắc nhớ, lòng biết ơn sâu sắc với quá khứ, biết quý trọng hiện tại và sống có lý tưởng, trách nhiệm với tương lai.

Nhà thơ hồi tưởng, tìm về những năm tháng tuổi trẻ, những năm tháng ác liệt ở chiến trường. Thời gian qua đi, kéo theo sự thay đổi của vạn vật, những địa danh năm nào gắn với bao nhiêu trận đánh, bao chiến công hiển hách cùng với đó là những người đồng chí, đồng đội của anh đã ngã xuống… Giờ đây, những nơi đó đã đổi khác. Nơi cửa ngõ anh nằm (viết nhân kỷ niệm 3 năm thành lập Thành phố Thủ Đức) là một trong số những bài thơ đầy xúc động, gợi nhắc về quá khứ đã qua và thực tại cuộc sống hôm nay.

Nơi cửa ngõ anh nằm/ Cầu Rạch Chiếc, Ngã ba Cát Lái/ Đường tiến quân xưa/ Dòng đời vẫn chảy/ Sông Sài Gòn hối hả, ngược xuôi// Anh nằm đây/ Trẻ mãi tuổi hai mươi!/ Cách đích đến chỉ vài gang tấc/ Máu xương anh tan vào lòng đất/ Kết tụ thành Linh khí Quốc gia// Đồi không tên xưa/ Thành Nghĩa trang Liệt sĩ*/ Các Anh về quây quần/ Quanh Mẹ Việt Nam/ Đường sắt trên cao như dải lụa vắt ngang/ Đây Đại học Quốc gia* căng tràn sức trẻ/ Kia Khu Công nghệ cao tinh hoa trí tuệ/ Viết tiếp thay anh/ Những ước mơ dang dở/ Cuộc sống chuyển mình/ Công nghệ số tương lai// Nơi anh nằm/ Bãi cỏ hoang mọc lên/ Những tòa nhà hiện đại nguy nga/ Ánh đèn đêm như vạn ánh sao sa/ Cầu Ba Son* giương cánh buồm khao khát/ Thủ Thiêm* như cô gái bao năm giấu mặt/ Nay hiện dần vóc dáng tươi xinh!// Hương khói bay.../ Khu Tưởng niệm Vua Hùng*// Về bên mộ anh/ Muôn vàn thương nhớ/ Nửa thế kỷ đi qua/ Mỗi bước đi, bao ngọt bùi cay đắng/ Chậm hay nhanh?/ Dài hay ngắn?/ Vẫn chưa hết đâu những tham nhũng bất công/ Nhưng niềm tin như sắc nắng ửng hồng/ Như tiếng trẻ reo vui/ Bên Suối Tiên* thác đổ/ Thủ Đức chợ hoa, mai vàng rực rỡ/ Nơi cửa ngõ anh nằm/ Thành phố mới** vào xuân!

Điều dễ nhận thấy trong nhiều bài thơ của Trần Ngọc Phượng là dù viết về điều gì bao giờ anh cũng có sự nuối tiếc về thời gian - khi mình đã không còn trẻ nữa, niềm tin tưởng vào tương lai của đất nước. Tự thức sâu sắc điều này nên anh đã sống và làm theo cách của riêng anh bằng tinh thần trách nhiệm của một công dân trước thời cuộc.

Nhà thơ đi sâu vào thể hiện những chủ đề, khía cạnh khác nhau bằng cảm xúc trữ tình của thời đại mình đã và đang sống. Những sự kiện lịch sử, những biến cố thời đại, những cảnh đời dâu bể… qua sự thẩm định, trải nghiệm, giàu suy tư và khát vọng làm cho tiếng thơ đau đáu và nhân bản hơn. Những kỷ nguyên đất nước là một trong số những bài thơ hay của anh. Bởi ở đó, Trần Ngọc Phượng đã giãi bày được rất nhiều điều mà trong hành trình sống, chiến đấu, làm việc đến khi nghỉ hưu và cả những năm tháng tuổi già này anh đúc rút được. Cái đau đáu nhất với anh vẫn là làm thế nào để cho dân được sống trong no ấm, văn minh, hòa bình và nhân văn nhất có thể...

Cả đời ta tắm mình trong kỷ nguyên đất nước/ Khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập/ Đất nước đứng lên phá vỡ xiềng gông/ Ba mươi năm chinh chiến bão giông/ Bao thế hệ hy sinh, bao máu xương đã đổ/ Để Tháng Tư về rợp trời cờ đỏ/ Người ôm nhau nước mắt vỡ òa// Khi non sông đã thuộc về ta/ Cái đói cái nghèo cứ bám theo dai dẳng/ Đổi mới ra đời từ khát vọng vươn lên/ Những lý luận giáo điều vứt sang một bên/ Thi nhau làm dân giàu nước mạnh/ Các tỷ phú ra đời, các công trình đồ sộ/ Hàng Việt Nam rạng rỡ bốn phương/ Kinh tế thị trường đủ thứ bán buôn/ Người tốt nhiều và kẻ gian cũng lắm/ Bán lương tâm mua quan bán chức/ Quan triều đình cũng rơi rụng như sung/ Chỉ có tình dân rộng mở đến vô cùng/ Chở che nhau qua bão giông lũ lụt// Đất nước nay/ Chuyển mình vào công nghệ số/ Trong trái đất mong manh như quả cầu dễ vỡ/ Giữa thời thế đảo diên /Giết nhau bằng pháo bom siêu thanh tọa độ/ Ta quý sao đất nước bình yên/ Chọn con đường vươn lên giàu có/ Chọn cơ hội, xin đừng bỏ lỡ/ Kinh tế xanh, kinh tế sạch tuần hoàn/ Tương lai như quả ngọt trên cành/ Cho dân mình nhân ái thông minh.

Sài Gòn chính là mảnh đất chôn nhau cắt rốn của nhà thơ Trần Ngọc Phượng và sau chiến tranh nhà thơ đã sống và gắn bó sâu nặng với thành phố này.  

Yêu Sài Gòn, tự hào về Sài Gòn nên nhà thơ luôn dõi theo và quan tâm đến những đổi thay của thành phố thân yêu. Ấn tượng và thiết thực nhất là việc giải tỏa những ngôi nhà ổ chuột, cải tạo dòng kênh ô nhiễm, đem lại môi trường trong lành cho thành phố: Hơn bốn mươi năm rồi/ Em ơi còn nhớ/ Con kênh đen giữa lòng thành phố/ Bạt ngàn những túp lều khốn khổ/ Chông chênh mấy cột cây/ Ngập tràn rác rưởi/ Anh ngỏ lời đến thăm/ thương mắt em bối rối/ Cái “ổ chuột” này đây sao dám gọi là nhà/…/ Tháng năm nào quên/ Một thời ngụp lặn/ Tuổi trẻ ta ngâm mình nạo vét/ Con cái ta/ Thiết kế dựng xây./ Con kênh giờ in bóng hàng cây/ Đàn cá về tung tăng bơi lội (Bên dòng kênh Nhiêu Lộc); Chiều nay bên dòng kênh Nhiêu Lộc/ Dòng nước xanh in bóng hàng cây (Gió tháng Tư).

Gia đình là chỗ dựa vững chắc nhất đối với nhà thơ Trần Ngọc Phượng. Vì thế lúc còn nhỏ, đến khi trưởng thành, lập gia đình và cả khi về già nhà thơ vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt với tất cả những người ruột thịt. Ngoài tình cảm thiêng liêng dành cho ông bà, cha mẹ, anh, chị, em thì Trần Ngọc Phượng vẫn dành tình cảm ấm áp, sự quan tâm chở che dành cho vợ và con cháu của mình (Tặng vợ, Gửi con, Nắng và Gió, Thiên thần bé nhỏ…).

Nhà thơ tự ý thức được chính mình, khi đã ở vào cái tuổi gần về “cuối dốc”. Rồi đây về cuối con đường/ Nắng chiều sắp tắt, khói hương sắp nhòa/ Rồi đây còn chót tuổi già/ Cứ mơ trăng gió như là còn xuân/ Rồi đây rệu rã bước chân/ Cứ vui những lúc quây quần bên nhau/ Rồi đây sóng cả, sông sâu/ Cứ thơ lục bát bắc cầu mà đi/ Rồi đây đời lắm thị phi/ Cứ quên như chẳng cần gì mang theo/ Tháng năm còn được bao nhiêu? Xin đừng hiu hắt liêu xiêu cuối đời (Rồi đây).

Gặp lại người đồng đội cũ với những mảnh đời khác nhau. Có người may mắn có cuộc sống hạnh phúc bên gia đình, con cháu. Nhưng cũng có những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, cảnh ngộ đáng buồn như câu chuyện mà nhà thơ chuyển tải trong bài thơ Chuyện của Dè: Mười năm là chiến sĩ thông tin/ Quen trèo dừa nên giỏi mắc ăng ten/ Lo đánh giặc đâm ra ít học/ Chữ nghĩa không qua lớp đánh vần.// Sau giải phóng trở về làm dân/ Huân chương dũng sĩ cất trong hòm/ Không nghề, không chữ, không ruộng đất/ Lại đi làm mướn để nuôi thân.// Chê nghèo vợ bỏ con nheo nhóc/ Không đứa nào học đến cấp hai/ Biết vậy nên đành xin ra Đảng/ Đã dốt lại nghèo lãnh đạo ai?

Hiện thực cuộc sống sau chiến tranh, đặc biệt là ở thời kỳ hội nhập vô cùng bộn bề, phức tạp; các giá trị bị đảo lộn. Ý thức trách nhiệm công dân, bản lĩnh của người cựu chiến binh đôi lúc làm cho Trần Ngọc Phượng cảm thấy chạnh lòng với bao nỗi trăn trở, suy tư. Bởi bao bất cập của đời sống vẫn đang tồn tại và diễn ra trước mắt. Không chỉ có bất công, đói nghèo mà còn bao mối nguy khác luôn thường trực và trở thành nỗi lo canh cánh:

Đất nước hòa bình/ Nhưng nào đã bình yên/ Giặc ngoại xâm, nội xâm đe dọa/ Biển trước mặt phơi đầy xác cá/ Rừng sau lưng trơ trọi gốc cây/ Trẻ đến trường/ Phải lội suối, leo dây/ Tàu ngư dân/ Bị đâm từ tàu lạ… (Chiều Nghĩa trang Trường Sơn).

Đồng tiền với sức mạnh ghê gớm của nó đã làm chao đảo nhiều thang bậc giá trị. Đồng tiền có thể mua quan, bán tước; đồng tiền có thể thay trắng đổi đen; lương tâm con người trở thành món hàng trao đổi…

Bây giờ lắm của nhiều tiền/ Lương tâm đổi chác, chức quyền bán mua/ Nhớ không? Còn nợ ngày xưa/ Cốt xương liệt sĩ vẫn chưa tìm về (Ngày xưa).

Câu hỏi đầy nhức nhối, đánh thức lương tri và trách nhiệm của những người đang sống hôm nay, nhất là những người đang giữ những vị trí, chức vụ chủ chốt của các cấp, các ngành…

Nhà thơ Trần Ngọc Phượng luôn có một niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng, sự tiến bộ, phát triển đi lên từng ngày của đất nước. Đó là niềm vui, sự hân hoan của một người có tuổi như anh khi nhìn thấy sự đổi thay và phát triển đi lên từng ngày của đất nước, nhất là trong thời công nghệ số. Vì thế, khi chạm tuổi hoàng hôn nhà thơ vẫn còn niềm lạc quan, yêu đời, bất chấp sự già nua của tuổi tác, thậm chí anh như thấy lòng mình đang trẻ lại. Trần Ngọc Phượng vẫn cứ bình tâm, thản nhiên phóng bút làm thơ và xem như là thú vui của bản thân ở tuổi xế chiều. Gặp mình, tìm mình, tự vấn, tự thoại với chính mình bằng tất cả những nỗi niềm, suy tưởng, dự cảm, chiêm nghiệm về con người và cuộc đời bằng một cái nhìn nhân hậu, bao dung.

Khi chạm tuổi hoàng hôn/ Đừng ngại chiều tắt nắng/ Đừng sợ đêm thăm thẳm/ Đừng buồn vắng trăng sao// Hãy dướn người lên cao/ Đón gió reo, lá hát/ Đón nắng vàng như mật/ Ngào ngạt sáng xuân về// Nhộn nhịp tiếng người xe/ Bên cháu con vui vẻ/ Thấy lòng mình đang trẻ/ Ríu rít tiếng Xuân cười// Chẳng dốc nào chơi vơi/ Đỉnh cao mình đã vượt/ Chẳng sông nào êm trôi/ Mà không qua ghềnh thác// Cứ nhủ lòng thảnh thơi/ Giữ bập bùng ngọn lửa/ Thơ cứ thả lên trời/ Dốc Xuân trôi thong thả (Dốc xuân).

Yếu tố thời thời gian được Trần Ngọc Phượng nhắc nhiều trong hầu khắp các bài thơ. Thời gian trong trong thơ anh không chỉ là thời gian diễn ra theo quy luật tuần hoàn của tạo hóa mà sự đan cài, đồng hiện giữa quá khứ - hiện tại - tương lai. Ở tuổi xế chiều của đời mình, trước thềm năm mới Trần Ngọc Phượng lại có những cảm xúc, sự nhìn nhận tinh tế và rất đỗi chân thành.

Mặc thân già rệu rã tuổi hoàng hôn/ Theo con tàu bước vào năm mới/ Vẫn náo nức những chân trời vẫy gọi/ Tiếng còi tàu thôi thúc những sân ga// Tàu băng qua những đồng lúa bao la/ Những thảm cỏ ta ngã mình ngày trước/ Những ngọn núi chon von ta đã trèo lên được/ Và dòng sông thác đổ những đêm mưa.// Mỗi ngày qua đi, thay đổi đến không ngờ/ Những thành phố nguy nga, những công trình đồ sộ/ Tàu lướt qua bao mặt người rạng rỡ/ Nụ cười tươi trong sắc nắng bình minh.// Cảm ơn người cho đất nước bình yên/ Trong thế giới giết nhau bằng pháo, bom tọa độ/ Ta gắng chạy theo thời công nghệ số/ Để cháu con vùng vẫy bay cao// Những đau buồn hãy để lại phía sau/ Còn trăn trở lúc nào chẳng có/ cứ an nhiên, con đường, ai cũng đi tới đó/ Ta bước vào năm mới thế rồng bay (Con tàu năm mới).

Giọt nắng cuối chiều thể hiện rõ nét cái tôi đời tư, thế sự của Trần Ngọc Phượng. Nhà thơ đã trải lòng mình với con người, cuộc đời để cảm nhận thấu đáo, sâu sắc hơn về cuộc sống. Từ sự chiêm nghiệm, nghĩ suy tận đáy sâu tâm thức của mình, Trần Ngọc Phượng đã giúp cho bạn đọc soi mình qua những triết lý nhân sinh thấm đẫm tinh thần nhân văn, nhân ái.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà thơ Xuân Trường – mẫn cán và lãng tử
Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm viết về “Hai vệt nắng chiều”, thơ Xuân Trường, NXB Hội Nhà Văn 2018
Xem thêm
Đặc trưng giọng điệu nghệ thuật trong truyện ngắn
Bậc thầy truyện ngắn Nga A.P.Chekhov (1860 - 1904) từng cho rằng: “Muốn đánh giá một nhà văn, hãy xem giọng điệu văn chương của anh ta”. Như vậy, giọng điệu văn chương (hay giọng điệu nghệ thuật) là một yếu tố rất quan trọng trong tác phẩm, nhất là trong truyện ngắn, vì những đặc điểm riêng biệt của nó.
Xem thêm
Về một truyện ngắn vừa đoạt giải Nhì của báo Văn nghệ (phần 2)
Sau phần đầu khiến giới văn chương phải xôn xao, TS Hà Thanh Vân tiếp tục “lên tiếng” bằng phần 2 – nhiều dẫn chứng, thuyết phục hơn và không kém phần lôi cuốn…
Xem thêm
Về một truyện ngắn vừa đoạt giải Nhì của báo Văn nghệ (phần 1)
Bài viết dưới đây của TS. Hà Thanh Vân là một góc nhìn thẳng thắn về chất lượng một truyện ngắn vừa đoạt giải Nhì báo Văn nghệ.
Xem thêm
KHÁT để biển khơi và CHÁY để mặt trời!
Tự ngẫm rồi thương mình từng múa may theo tiếng kèn hư danh/ Tâm biển khơi hóa ao tù, thi tài mặt trời thành đom đóm.
Xem thêm
Bài thơ ANH QUÊN của nhà thơ Phạm Đình Phú
Bài của nhà thơ Nguyễn Đình Sinh
Xem thêm
Dưới gầm trời lưu lạc – Bản ngã nhà báo trong vỏ bọc nhà văn
“Dưới gầm trời lưu lạc” không chỉ là tựa đề một tập sách bút ký xuất sắc của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, mà còn là một hành trình tinh thần đầy trăn trở giữa lằn ranh của báo chí và văn chương.
Xem thêm
Người thơ mang áo blouse
Bài của Đại tá nhà văn Nguyễn Minh Ngọc
Xem thêm
Xuân Trường mưa mai trong nắng chiều
Bài viết của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng
Xem thêm
Nụ hôn – biểu tượng của ký ức và lòng nhân hậu
Qua lăng kính bình thơ của hai nữ nhà thơ Minh Hạnh và Nguyễn Thị Phương Nam, người đọc có thể cảm nhận được những “nụ hôn” mang hình dáng đất nước
Xem thêm
Văn chương và những ngộ nhận đáng buồn
Tôi đã đọc một số bài thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từ những năm trước, nó như có tính “dự báo”, “dọn đường” cho trường ca “Lò mổ” ra đời tạo được tiếng vang. Và thi ca với sứ mệnh thiêng liêng của nó, qua trường ca “Lò Mổ” cũng sẽ vượt qua biên giới của lý trí để tới với bạn bè năm châu bốn biển.
Xem thêm
Vai trò của chúa Trịnh với thương cảng Phố Hiến
Suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, địa danh Phố Hiến vừa thân thương vừa thân thuộc trong trí nhớ mọi người. Phố Hiến từng là một thương cảng lớn sầm uất và quan trọng bậc nhất của xứ Đàng ngoài (miền Bắc Việt Nam).
Xem thêm
Những nụ hôn chữa lành
Đọc tập thơ Ấm lòng những nụ hôn như thế của Phạm Đình Phú
Xem thêm
Trở lại cánh đồng thơ của nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh
Nhà thơ Y Phương ở miền non nước Cao Bằng đã từng tâm niệm: “Thơ cũng giống như tình yêu. Không có sự run rẩy thì không có thơ“. Quả thực, thơ ca thực sự là kết tinh, là ngọc đọng, là phiến Kỳ nam trong rừng trầm hương, là hạt minh châu trong biển hạt trai, là tinh hoa trong vườn phương thảo.
Xem thêm
“Những nụ hôn như thế” – từ ngọn lửa yêu thương đến ngọn nguồn hy sinh
Cảm nhận về bài thơ cùng tên trong tập thơ của Phạm Đình Phú – Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM
Xem thêm
Bước đầu tìm hiểu 50 năm thơ Bình Định (1975-2025)
Bình Định – vùng “Đất võ trời văn” – không chỉ nổi tiếng với truyền thống thượng võ, mà còn là mảnh đất đã sản sinh và nuôi dưỡng nhiều thế hệ thi sĩ tài hoa.
Xem thêm
Sự hồi quang ký ức trong “Bài thơ cánh võng”
Bài viết của nhà thơ Đặng Huy Giang
Xem thêm
Văn học Bình Dương – 50 năm một hành trình lặng lẽ và bền bỉ
Bài viết công phu của tác giả Nguyễn Quế không chỉ khắc họa hành trình văn học của vùng đất Thủ suốt 50 năm qua...
Xem thêm
5 sắc thái của một giọng thơ lạ trong “Ru say muợn tỉnh – Ru tình mượn nhau”
Bài viết của Lương Cẩm Quyên sẽ đưa bạn đọc khám phá một hồn thơ đầy bản lĩnh, dám giễu đời...
Xem thêm