TIN TỨC

Chuyện về một quẻ Dịch trên Quốc lộ 1A

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-02-04 18:02:28
mail facebook google pos stwis
1885 lượt xem

LÂM HÀ

Từ đất Miễu
 

Miễu Bà Chúa Xứ Thủ Đức[1] có từ bao giờ thì xem ra chỉ có bốn cây vên vên đại thụ trồng theo tứ trụ của dịch lý mới trả lời chính xác được. Nhưng vào năm 1971, người ta trồng mới một cây vên vên tại chỗ để đối chiếu. Sau 50 năm, cây vên vên mới vẫn chỉ có chiều cao và đường kính thân lớn bằng 1/8 so với cây vên vên có sẵn trước miễu. Phép suy đoán cho thấy bốn cây vên vên trước miễu phải có niên đại hơn 300 năm. Miễu nhỏ chỉ chừng 8 mét vuông, chính giữa là bàn thờ Địa Mẫu, bên trái là tủ xăm, bên phải là hòm công đức. Miễu đơn giản vậy nhưng trang trọng như tấm lòng cư dân thờ phụng. Nhìn về hướng chính diện, ra xa lộ Hà Nội là thấy đồi Tăng Nhơn Phú. Theo Dịch lý, đứng ở trước miễu có nội quái là Khôn (Thổ) và ngoại quái là Cấn (đồi Tăng Nhơn Phú) thành quẻ Địa Sơn Khiêm - một trong những quẻ tốt cho người quân tử. Miễu không có sắc phong của triều đình, không thờ tiên hiền mà thờ tổ mẫu. Khi đặt ra vấn đề về nguồn gốc miễu, nhiều người nêu rằng tại sao miễu không đặt trên đồi cao để khách thập phương bái vọng, lại ở lưng chừng đồi, đối mặt với đồi cao. Có lẽ chính diện tích nhỏ bé của miễu đã lý giải được nguồn cội. Trước khi Nguyễn Hữu Cảnh lập phủ Tân Bình 40 năm, quân của chúa Nguyễn đã phải 2 lần hành quân vào Nam dẹp giặc Mô Xoài - Bà Rịa (vào năm 1658) và loạn Hoàng Tiến (xung đột với Trần Thượng Xuyên, cả hai đều là người Minh Hương được chúa Nguyễn cho phép cư trú). Hành binh cần có đồn binh. Mà đã có đồn binh thì buộc phải có điền thổ đi kèm cho quân binh cùng dân binh hậu cần sản xuất lúa gạo -quân lương. Danh từ đồn điền cũng như chính sách đồn điền của nhà Nguyễn cũng xuất phát từ bối cảnh này. Xưa không có đường quốc lộ mà chỉ có lối mòn cho xe bò, xe ngựa di chuyển. Đồi Tăng Nhơn Phú trở thành một đồn tiền tiêu - đài quan sát lợi hại, còn khu đất miễu bà lại bằng phẳng thích hợp cho việc vận chuyển. Theo đúng binh pháp xưa, nơi này thích hợp làm căn cứ hậu cần quân lương. Theo đồn điền là dân binh, là cư dân nông nghiệp. Khi căn cứ hậu cần không còn, thì cộng đồng dân cư tại đó lại lập miễu. Miễu vừa thể hiện sự tôn thờ đấng tổ mẫu với nguyện cầu “an cư lạc nghiệp”, cho tình làng nghĩa xóm như cùng chung mẹ - yếu lý nhân tố chính của tinh thần dân tộc Việt; vừa là dấu ấn khoanh vùng xác định vùng cư dân đó của dân tộc Việt nhằm đối ứng với cộng đồng người Chân Lạp địa phương cũng như người Minh Hương di tản đến đất này cư trú. Lập xong miễu, cư dân người Việt đã trồng cây theo lối tứ trụ Đông -Tây- Nam- Bắc để đánh dấu giữ đất. Trên bản đồ địa chính năm 1836 của thời vua Tự Đức thì tại làng An Nhơn - tổng An Thủy - tỉnh Gia Định xưa, nay là khu phố 5 phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức đã có “ngôi miễu cùng khu đất thờ cúng”. Ngôi miễu cùng khu đất diện tích xưa 16.320 mét vuông này lần lượt được đánh dấu ghi nhận trên các bản đồ địa chính năm 1926 (thời Pháp thuộc) thuộc về sở đất đứng tên ông Nguyễn Văn Đây và vào năm 1933, 30 vị kỳ lão ở làng Tân Nhơn quyết định hùn tiền mua lại thửa đất này để hoàn toàn thành đất tín ngưỡng tôn giáo thuộc cộng đồng thổ miễu… Sau đó, miễu mới được trùng tu lại như hiện trạng lần cuối cùng năm 1945.

Thửa đất cùng ngôi miễu nằm sâu trong xóm ấp Gò Cát, bao quanh là rừng chồi, rồi tiếp nối là rừng cao su. Miễu là nơi quy tựu tinh thần cộng đồng cư dân người Việt và cũng là nơi mà Mặt trận Việt Minh tập hợp dân làng Tân Nhơn cùng công nhân cao su để phát động tổng khởi nghĩa vào tháng Tám 1945. Theo lời cụ Dương Văn Đẩu - cán bộ cách mạng lão thành ở Khu phố 5 phường Linh Trung kể lại thì Miễu Bà Chúa Xứ Thủ Đức cũng chính là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ. Một nhánh của Địa đạo Thủ Đức khi đào đã vô tình làm đứt rễ cái của một cây vên vên trước miễu khiến thám báo ngụy đánh hơi được nơi này. Sau đó là cuộc hành quân càn quét bằng chiến xa cấp tiểu khu đánh vào khu vực Gò Cát cho mục tiêu Tìm- Diệt. Tiểu đoàn 4 Thủ Đức của Mặt trận Giải phóng Miền Nam được bảo toàn, nhưng rất nhiều du kích, đồng bào địa phương đã hy sinh cùng tổn thất không sao bù được là hệ thống địa đạo Thủ Đức bị san bằng không còn dấu vết.

Máu và thịt xương người yêu nước hòa trong cát xóm ấp Gò Cát, trong rừng chồi, rừng cao su để giữ an bình cho miễu Bà vẫn tổ chức lễ Kỳ Yên, cùng nhau củng cố tình làng nghĩa xóm để tiếp tục cuộc đấu tranh đòi thống nhất.

Và một kỳ duyên từ năm 1971 đã đến, để Miễu Bà Chúa Xứ Thủ Đức được gọi bằng cái tên mới: Miễu Bà Vườn Lan.

Cổng vào miễu Bà Chúa Xứ với tường rào mới năm 2015.

Đến Vườn Lan
 

Người đến thuê đất Miễu Bà vào năm 1971 là thương gia Trần Kim Khử, sinh năm 1932, cựu thiếu tá nhiệm chức[2] của quân ngụy Sài Gòn - nguyên quận trưởng kiêm chi khu trưởng Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa. Do chống đối lại chủ trương “chỉnh lý cách mạng”để kéo dài chiến tranh của Nguyễn Khánh, ông Khử bị tước lon thiếu tá nhiệm chức và cho về hưu non ở tuổi 41. Ông Khử hiểu rõ vùng đất mà mình thuê, nhưng ông chọn nơi này vì bình độ khí hậu cũng như thời tiết thích ứng với loại hình trồng trọt của mình: Phong lan. Với sự tinh nhạy của một doanh nhân cùng với sự cần cù của nhà nông, ông Khử đã thành lập Vườn Sài Gòn Hoa Lan, biến phần diện tích sau miễu Bà thành vườn lan với đủ các giống loài sưu tầm được trong rừng Việt Nam mà ươm cấy cho mục tiêu xuất cảng ra nước ngoài. Miễu Bà trong bốn năm sau đó không chỉ là nơi mà dân địa phương đến để khấn niệm cầu xin, hay nơi ẩn nấp của cán bộ cách mạng với tư cách dân địa phương làm thuê chăm sóc phong lan theo thời vụ mà còn là nơi gặp gỡ tiếp xúc của các thành viên lực lượng thứ Ba mà đứng đầu là tướng Dương Văn Minh với đại diện của Khu ủy Sài gòn - Gia Định. Cuộc họp đầu tiên mà Luật sư Trần Ngọc Liễng tiến hành với nội các chính phủ mà tướng Dương Văn Minh sẽ thành lập vào năm 1975 đã diễn ra chính tại Vườn Lan này. Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, trong lúc ông chủ Vườn Sài Gòn Hoa Lan Trần Kim Khử còn đang suy nghĩ “phải làm gì”sau khi học tập cải tạo 3 ngày xong, thì Vườn Lan Miễu Bà lại tiếp một vị thương gia mới, chính là vị Trưởng Ban Tài chính đặc biệt Trung ương cục Miền Nam (N 2683) Nguyễn Văn Phi, tức Mười Phi, hay còn gọi là Mười Thăng Long, cũng là Giám đốc Sở Ngoại thương TP.HCM. Ông Mười Phi nói rõ nhiệm vụ của mình là thi hành theo chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng “Ngành Lan miền Nam phải tồn tại”, bởi trong hoàn cảnh khó khăn từ cuộc cấm vận - bao vây do Mỹ dẫn đầu, Việt Nam đang cực kỳ thiếu vốn ngoại tệ, mà Lan lại là mặt hàng xuất khẩu giá trị cao do chỉ có giới thượng lưu mới đủ điều kiện. Mà Vườn Sài Gòn Hoa Lan lại đã kết nối được thị trường Mỹ - Pháp - Anh - Nhật - Thái Lan qua hoạt động mua lan giống, bán lan rừng. Ngoài việc nối lại thị trường cũ, Sở Ngoại thương TP.HCM có nhiệm vụ tiếp cận thị trường Đông Âu và Liên Xô. Vườn Sài Gòn Hoa Lan giờ trở thành Cơ sở Liên hợp Lan mẫu xuất khẩu thuộc công ty Thủ công Mỹ nghệ Xuất khẩu TP.HCM của Sở Ngoại thương, đảm nhận vai trò đi đầu ngành Hoa Lan Việt Nam và gia đình ông Trần Kim Khử trở thành bộ phận kỹ thuật thực hiện phát triển và công tác thị trường hoa lan. Đó là giai đoạn mà mỗi lần xuất bản, Báo Ảnh Việt Nam đều phải dành 4 trang màu cho các giống lan mà Vườn Sài Gòn Hoa Lan sản xuất, là việc các phu nhân nguyên thủ trên thế giới mãn nguyện hài lòng khi nhận được chậu phong lan Việt Nam với cái tên riêng được đặt từ tên mình trước khi được cấy giống mà bán ra trên thị trường cũng như miễu Bà trở thành điểm du lịch sinh thái Lan rừng Việt Nam đối với du khách. Hai cái đầu kinh doanh của người chỉ huy N 2683 và viên cựu sĩ quan chế độ cũ nổi tiếng thẳng thắn đã cùng bên nhau cho sự nghiệp thu hút ngoại tệ vì lợi ích Việt Nam. Đến năm 1983, địa chính- địa danh thửa đất miễu Bà được đổi từ lô số 117 của bản đồ địa chính năm 1926 sang lô số 86 bản đồ địa chính Tăng Nhơn Phú theo Chỉ thị 219/TTg, theo hướng dẫn thì chỉ có người đang trực canh mới được đăng ký xin sử dụng đất, nhưng ông Khử đã cương quyết không đăng ký với lý do “Chủ đất thực sự là cộng đồng thổ miễu. Tôi chỉ là người thuê đất!”Vào năm 1985, Huyện Thủ Đức gửi thư mời Công ty Thủ công Mỹ nghệ Xuất nhập khẩu và ông Khử - Chủ nhiệm Cơ sở Liên hợp Lan mẫu xuất khẩu (Artex - Sài Gòn - Orchids) đến để được hướng dẫn đăng ký quyền sử dụng đất, nhưng ông Khử lại một lần nữa chối từ với lý do “Hợp đồng dân sự 15/4/ 1971 giữa cộng đồng thổ miễu dưới tên tôi vẫn có hiệu lực và tôi vẫn chỉ là người làm thuê. Tôi không thể đăng ký cũng như không thể đồng ý cho Công ty Thủ công Mỹ nghệ xuất khẩu đăng ký quyền sử dụng đất miễu Bà.”. Có thể ông Khử đã sống hết mình với mảnh đất này, dẫu cái lý “ai canh tác thì mới là chủ đất”cũng là cái lý mà nhiều người bám theo vào để tranh đoạt lợi ích đất đai, nhưng cách thể hiện hơi cực đoan khiến cả công ty Thủ công Mỹ nghệ xuất khẩu lẫn cơ sở của ông đều ít nhiều thương tổn và ông rời pháp nhân nhà nước để quay về với tư cách một cơ sở tư nhân như trước từ ngày 01 tháng 01 năm 1989. Vườn Sài Gòn Hoa Lan vẫn tiếp tục xuất khẩu Lan ra nước ngoài thông qua ủy thác công ty Đặc sản rừng Naforbird và thành công với cuộc triển lãm Hoa Lan tại Tokyo - Nhật Bản năm 1995. Cho đến năm 2006, tài sản của Vườn Lan là 276 giống Lan rừng Việt Nam và 17 giống Lan ngoại nhập với số cây trị giá hơn 5 tỷ rưỡi đồng.

Đất miễu đâu có phụ công người gìn giữ. Và cộng đồng thổ miễu nơi này xem ông Khử như người trong tộc họ…

Qua cơn lốc
 

Khi mua lại sở đất 1,6 ha này của ông Nguyễn Văn Đây vào năm 1933, 30 vị kỳ lão cũng đã dự liệu những phiền toái ở tương lai khi giao cho ông Nguyễn Văn Chấn đại diện đứng bộ và khai thuế bằng cách lập giao ước cụ thể ngay trong tờ bán đất “Nay chúng tôi bằng lòng bán đứt hết số đất này cho trong họ tộc mua đặng làm đất thổ miễu (…) trong họ mua để tên Nguyễn Văn Chấn 38 tuổi cũng ở trong làng Tân Nhơn, tên này đứng giấy giữ gìn, mỗi năm chỉ đóng thuế đất mà thôi. Còn giao ngày sau tên này và con cháu không đặng buôn bán đất này.”Sau khi ông Chấn chết, con ông là Nguyễn Văn Hữu thay cha làm công việc đứng tên và đóng thuế. Cũng chính ông Hữu lập hợp đồng cho thuê đất lập Vườn Lan với ông Khử, nhưng sự trung tín với cộng đồng thổ miễu của người trong tộc họ này đã không thể bền vững trước cơn lốc đô thị hóa. Có ba cháu gái gọi ông Chấn là ông nội đã bắt đầu lao vào giành quyền sử dụng đất miễu vườn lan ngay khi quốc lộ 1 A và xa lộ Hà Nội mở rộng để cho khu đất miễu Bà nằm giữa gò cát Linh Trung phát lộ vươn ra  thành đất mặt tiền đường. Lấy cớ ông nội đứng bộ và đóng thuế, những người này đòi quyền thừa kế khu đất bắt đầu từ năm 1991 (khi còn là Huyện Thủ Đức). Sau những nhùng nhằng điều tra, thư đi công văn lại từ huyện đến thành phố, ngày 21 tháng 11 năm 1995, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Trương Tấn Sang đã ký quyết định 7838/QĐ-UB-NC về giải quyết khiếu nại đã bác đơn yêu cầu xin lại 16.320 mét vuông đất miễu - vườn lan. Quyết định giao lại cho Ủy ban Nhân dân huyện Thủ Đức quản lý, khi có kế hoạch sử dụng khu đất này phải có sự phê duyệt của Ủy ban Nhân dân TP.HCM và giải quyết những tồn tại theo đúng quy định hiện hành của nhà nước. Đây là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng với yêu cầu của các bà. Theo đó, Ủy ban Nhân dân Huyện Thủ Đức vẫn giữ nguyên hiện trạng miễu Bà Chúa Xứ với Vườn Lan. Việc thờ cúng vẫn được tổ chức bình thường. Tiếc thay, với trăm ngàn lý do, kẻ tham lại liên tục quấy rối và từ năm 2000 đến năm 2010, các Phó Chủ tịch của Ủy ban Nhân dân TP.HCM lần lượt ký các quyết định 4948/ QĐ - UB - TĐ ngày 27 /7 /2000, quyết định 4962/QĐ -UB ngày 10/8/2001, quyết định 718/QĐ -UB ngày 19 /2/2003 và 4752 ngày 15/10/2010 với những nội dung “tréo cẳng”nhau: khi thì chia nửa diện tích 16.320 mét vuông này cho những người khiếu kiện, một nửa còn lại cho người trực canh là ông Trần Kim Khử, khi thì cưỡng chế thu hồi toàn bộ đất miễu vườn lan, lúc thì giao riêng cho một gia đình trong nhóm khiếu kiện 1.000 mét vuông đất… Những quyết định này không chỉ gây chia rẽ cộng đồng thổ miễu mà còn khiến vườn lan của ông Khử lâm vào cảnh đình đốn hoạt động dẫn đến tiêu điều. Dân Gò Cát - Khu phố 5 Linh Trung cùng gia tộc 30 kỳ lão mua đất ngày xưa giờ lại khiếu kiện vì miễu Bà Chúa Xứ Vườn Lan là tài sản chung hợp nhất không thể phân chia của cộng đồng dân cư. Thanh tra chính phủ vào cuộc và đến tháng 9 năm 2011, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh ra kiến nghị với Ủy ban Nhân dân TP.HCM với nội dung “Giữ Nguyên Quyết định 7838 ngày 21/11/1995 mà Chủ tịch UBND TP.HCM Trương Tấn Sang đã ký 16 năm về trước. Đồng thời hủy bỏ các quyết định trái ngược về vụ việc này sau thời điểm đó, công nhận tài sản chung hợp nhất không phân chia của cộng đồng dân cư Khu phố 5 - Linh Trung. Nếu có phát sinh tranh chấp gì với phần đất Miễu Bà thì thẩm quyền giải quyết thuộc về tòa án và áp dụng điều 126 Luật Đất đai năm 2004”

16 năm đơn thư tố cáo, giải quyết cho triệt để những kẻ quấy rối để cuối cùng cách hợp lý nhất - đúng pháp luật nhất là quay về quyết định ban đầu: Bác bỏ!

Với cộng đồng thổ miễu, với vườn lan và cả với chính quyền, đây là một bài học quá xót xa. Với những người gìn giữ đất này, kết quả tốt đẹp nọ đầy nước mắt. Ông Trần Kim Khử, người thuê đất đã 2 lần từ chối quyền sử dụng hợp pháp mảnh đất này đã từ trần vì bạo bệnh ngay đầu tháng Giêng năm 2012, trước cả khi Ủy ban Nhân dân TP.HCM ra thông báo cuối cùng.

Cuối năm 2021, gần tròn 10 năm sau đó, tôi về lại Miễu Bà Chúa Xứ Vườn Lan. Vòng rào, cổng đã được trùng tu lại trang nghiêm mà đơn giản. Vườn Lan mẫu xưa còn đó, nhưng giống loài lan giờ chỉ còn gần 100 và hoạt động mua bán không còn nhộn nhịp như trước nữa. Cũng phải thôi, hơn 15 năm trời không thể hoạt động vì lệnh giải tỏa của các quyết định oan trái kia, vườn lan đã đánh mất cơ hội vươn ra giới thiệu mình tại Pháp vào năm 2005, các khoản đầu tư sưu tầm giống mới đều đã đi theo đơn từ, kiện tụng giữ đất…Và cũng nên thừa nhận rằng mỗi thời mỗi khác đi nhiều rồi. Xưa, cố chủ tịch hội đồng bộ trưởng Phạm Văn Đồng xem Hoa Lan như một cơ hội đi đường tắt thu ngoại tệ. Nay đường tắt ấy đã nhiều người đi và Thủ Đức - thành phố mới phía Đông của Thành phố Hồ Chí Minh đã phải đi theo con đường mới để đón đầu tương lai: con đường công nghệ kỹ thuật. Miễu Bà với Vườn Lan vẫn còn đấy như một cái neo Thủ Đức với lịch sử, như một điểm du lịch, như một điểm tựa truyền thống văn hóa Việt. Thắp hương trong điện thờ Bà Chúa Xứ và ra Vườn Lan thắp hương cho bác Trần Kim Khử xong, tôi nhìn về hướng đồi Tăng Nhơn Phú để tự nghiệm rằng “Quẻ Địa Sơn Khiêm có lẽ là đây chăng? Khiêm cung đứng sau cho việc chung?”

Nhưng trước mắt tôi giờ là đường cao tốc, ba làn phân giới lại tạo thành 3 vệt liền nhau (tam liên)[3] tức quẻ Càn. Đứng ở trên đất miễu với nội quái là quẻ Khôn, giờ ngoại quái là quẻ Càn. Một quẻ còn tốt hơn nhiều so với quẻ Khiêm quá khứ mà tiền nhân để lại.

Quẻ Thái![4]

Quẻ khởi đầu cho Thành Phố Thủ Đức của tôi.

Từ hôm nay!

Bốn cây vên vên đại thụ trồng theo tứ trụ trước miễu (cây nhỏ hơn mới 50 tuổi được trồng để đối chứng và thay vào vị trí cây vị chết do đứt rễ cái vì địa đạo Thủ Đức)

Chính diện gian điện thờ Bà.


[1] Tọa lạc ở số 1080 Quốc lộ 1 A, khu phố 5, phường Linh Trung, Thành phố Thủ Đức

[2] Do chức vụ mà mang cấp bậc Thiếu tá, chứ không phải thiếu tá thực thụ. Khi bị giải nhiệm thì chỉ là Đại úy.

[3] Ba hào dương

[4] Địa Thiên Thái. Quẻ tốt mở đầu một thời kỳ mới yên bình, sung túc. Đầu năm được quẻ này thì người nhận xem như đại phúc.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Sức quyến rũ của sự chân thành
16 giờ ngày 14.4.2024, Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức buổi gặp gỡ giao lưu giữa tác giả - Tiến sĩ Lê Kiên Thành (con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn)
Xem thêm
Sông chảy bên đời – Tuỳ bút của Nguyễn Thị Thu Thủy
Một đời người đã đi qua biết bao dòng sông, bao nhiêu ngã rẽ, khúc cua; mỗi dòng sông đều để lại bao luyến lưu, vương vấn, để lại những kí ức luôn tươi xanh mỗi khi nhớ về. Sông vẫn cứ chảy như thời gian trôi đi mải miết vì vậy “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”.
Xem thêm
Rặng Diên Vĩ - Tản văn của Quốc Tuấn
Gió vẫn thổi, mái tóc thơm tuột khỏi giây buộc, quấn quanh đầu như vòng hoa nâu thẫm, vô tình quất bỏng môi người. Mùi hương đó, quen quá. Mùi tóc mẹ, hương quê vị quán. Tựa như làn nước lung linh, hơi thở chị uyển chuyển theo nhịp điệu không gian. Đôi mắt và đôi môi vẫn mỉm cười nhưng đã có chút tiếc nuối. Chính nỗi buồn ẩn chứa trên khuôn dung đã khiến chị trở nên hấp dẫn, pha lẫn sự hồn nhiên, ngây thơ tạo nên một tổng thể đẹp đến khó tin.
Xem thêm
Trần Bảo Định - Thú thưởng ngoạn văn chương qua tác phẩm “Đọc thơ bạn”
Có thể nói Trần Bảo Định là một hiện tượng văn học Việt Nam hiện đại: Chỉ trong vòng khoảng hơn 10 năm trở lại đây, từ khi về hưu anh đã cho ra đời 6 tập thơ, hơn 10 tập tản văn, truyện ngắn và 3 tập tiểu luận phê bình trong khi phải chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác...
Xem thêm
Canh cá rô đồng – Tản văn của Châu Duyên
Tôi biết về món canh cá rô đồng đã lâu theo lời kể của cô bạn đang ở thành phố mang tên Bác, toàn những tin nhắn như là: Ê! Trưa nay tớ đang ăn canh cá rô đồng nè.
Xem thêm
Sài Gòn như nhà, như mẹ, như quê… – Tản văn của Triệu Vẽ
Ở Sài Gòn, không có ranh giới trọng khinh giữa dân “Sài Gòn” hay dân “tỉnh lẻ”, dân “phố” hay dân “phèn”. Trong huyết quản sâu xa của người Sài Gòn có ruộng đồng, bờ bãi, con trâu, con gà.
Xem thêm
Ơi mùa hoa ban! – Bút ký của Nguyễn Huy Bang
Chiếc máy bay VJ 299 từ Tân Sơn Nhất (sau 2 giờ 5 phút) bay qua không phận 3 nước.
Xem thêm
Tháng Ba hoa gạo – Tản văn của Bằng Lăng Tím
Đào phai, mai vàng là sự kì diệu của tháng giêng. Chúa của các loài hoa tháng ba chính là hoa gạo. Xuân sắp sửa đi qua, hạ lấp ló ở đầu ngõ. Hoa gạo đẹp theo nét riêng và tùy vào thời tiết. Hôm nào trời quang hoa đỏ thắm, ngời sắc trong khoảng không. Ríu rít đàn chim, lao xao ong bướm. Hoa như đốm lửa thắp sáng cả bình minh. Hôm nào sương dày đặc, nhìn hoa như ánh lửa đêm đông, lập lòe mang đến sự ấm áp lạ thường.
Xem thêm
Nhớ hoa đào - Tùy văn của Nguyễn Linh Khiếu
Mỗi năm khi sắp tết bao giờ mình cũng mua hoa đào. Hà Nội không có hoa đào làm sao gọi là tết. Dù là bích đào bạch đào hay đào phai thì hoa đào bao giờ cũng mang tết đến mỗi ngôi nhà thân thương. 
Xem thêm
Giữa những mùa hoa nở - Bút ký Nguyễn Xuân Thủy
Từ Yên Khương, thuộc huyện Lang Chánh chúng tôi đi theo đường tuần tra biên giới lên Đồn Biên phòng Bát Mọt, thuộc huyện Thường Xuân. Đường tuần tra biên giới chập chùng uốn lượn giữa núi non, len lỏi giữa màu xanh của rừng. Càng lên hướng Cửa khẩu Khẹo càng có cảm giác đang đi về nơi thâm sơn cùng cốc. Cũng đúng, Bát Mọt là tuyến cuối của dải biên giới xứ Thanh, nơi có cột mốc 378 là nơi tiếp giáp biên giới giữa Thanh Hóa và Nghệ An. Những nơi cuối đất cùng trời bao giờ cũng gợi cho người ta sự rưng rưng về những niềm thương nỗi nhớ.
Xem thêm
Lửa Cát Bi, ngọn trao truyền khí chất Hải Phòng
“Ơi Hải Phòng cửa biển quê hương/ Tổ quốc đang ghi những trang lịch sử/ Của Hải Phòng viết trên sóng bão Thái Bình Dương”. Với vị thế địa lý của Hải Phòng, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, nơi đây luôn là miền đất tiền tiêu quan trọng, cửa ngõ chiến lược. Bởi kẻ thù thường tiến hành xâm lược Hải Phòng đầu tiên, lấy đó làm bàn đạp để đánh chiếm Thăng Long – Hà Nội. Khi thất bại, chúng cũng thường chọn Hải Phòng là một trong những tuyến đường rút chạy cuối cùng. Hải Phòng là địa phương luôn “đi trước về sau”, có vị trí xứng đáng, giữ vai trò quan trọng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc cũng như các cuộc kháng chiến của cách mạng Việt Nam, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố Cảng trung dũng, quyết thắng”.
Xem thêm
Mùi Tết vương dấu chân xa – Tản văn của Đặng Tường Vy
Mỗi độ xuân về, người con xa xứ không tránh khỏi rưng rức, chạnh lòng. Nỗi nhớ trong lòng người tha hương rất lạ: sâu lắng, dịu dàng, chôn kín. Như gái đôi mươi thầm thương trộm nhớ một ai đó, âm thầm, mãnh liệt, nồng nàn,  tha thiết.
Xem thêm
Mùi hương thảo - Tản văn Quốc Tuấn
Chị mười tám, hay hai lăm tuổi. Tôi cũng chẳng biết và không cần biết, chỉ cần trong tôi đã bận lòng trước vẻ đẹp thuần khiết của loài cúc lam đồng thảo ấy. Nơi đáy mắt thể hiện những đốm lửa vui, những nét cong, nếp gấp mong manh nơi khóe miệng, bờ môi thể hiện sự phong phú nơi nhiệt tâm.
Xem thêm
Phép màu đã không đến với chị, chị Hồng Oanh ơi!
Chia sẻ của nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Xem thêm
Vào vườn hương
Thành phố Cần Thơ đất rộng người thưa không chỉ có gạo trắng nước trong để níu chân người và du khách bốn phương. Tây Đô còn là mảnh đất văn hiến với không hiếm những trang anh hùng hào kiệt yêu nước và nghệ sĩ phong lưu tài hoa nhân cách. Kế thừa truyền thống văn chương của Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt … và các bậc văn nghệ sĩ đàn anh: Kiều Thanh Quế, Lưu Hữu Phước, Hoài Sơn, Mai Văn Bộ, Trần Kiết Tường, …đã có không ít thế hệ đàn em kế thừa xứng đáng trên lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Xem thêm
Suy ngẫm về “chữ” của “một thời vang bóng”_ Tản mạn của Quốc Tuấn
Người xưa, dẫu không biết chữ nhưng khi thấy một mẫu giấy có vết mực sẽ lượm lên, mang về cất giữ. Điều đó thể hiện sự “sùng chữ” (trân trọng giá trị của văn chương, chữ nghĩa) của ông cha. Những người không biết chữ đã biết đối xử với con chữ bằng tấm lòng trân quý như thế, thì dễ hiểu các trí giả đời trước họ sống với chữ nghĩa sâu sắc đến độ nào.
Xem thêm
Má tôi
Bài đăng báo Người Lao động Xuân Giáp Thìn 2024
Xem thêm
Xuân yêu thương - Tết sum vầy
Phút giao thừa, nhìn ngắm dòng người “tống cựu”, “nghinh tân”, cảm nhận trong mắt mỗi người lấp lánh ánh nhìn hạnh phúc, nhất là khi trên bầu trời đêm pháo hoa rực rỡ...
Xem thêm
Ngày cuối năm... - Tản văn Lê Thiếu Nhơn
Kẻ tha phương dù mải mê danh lợi cũng bất giác bần thần trước mênh mông tiếng gọi quê nhà ngày Tết. Tháng Chạp bao giờ cũng vội vàng trong mắt kẻ tha phương. Tháng Chạp bao giờ cũng hấp tấp trong lòng kẻ tha phương. Vì vậy, càng nhiều tuổi, tôi càng thấy sốt ruột khi thời gian nhích dần vào khoảnh khắc tất niên mà mình chưa kịp trở về ngôi nhà thơ ấu.
Xem thêm