TIN TỨC
  • Lý luận - Phê bình
  • Nhân vật nữ trong tập truyện ‘Cánh đồng bất tận’ của Nguyễn Ngọc Tư

Nhân vật nữ trong tập truyện ‘Cánh đồng bất tận’ của Nguyễn Ngọc Tư

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng: 2022-06-18 16:50:40
mail facebook google pos stwis
13445 lượt xem

Nguyễn Công Thanh – Đinh Thị Phương Anh

 Nguyễn Ngọc Tư thuộc thế hệ nhà văn sinh sau ngày đất nước thống nhất, trưởng thành từ đầu thế kỷ XXI. Từ tác phẩm đầu tay Ngọn đèn không tắt (2000) đến nay chị đã xuất bản 23 tập truyện và tản văn, trong đó có 5 tác phẩm đạt giải thưởng. Tập truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” xuất bản năm 2005, đạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006 và Giải thưởng văn học ASEAN năm 2008. Trong quá trình tìm kiếm cho mình một phong cách nghệ thuật riêng, Nguyễn Ngọc Tư luôn dị ứng với kiểu viết công thức, rập khuôn theo những lối mòn quen thuộc. Dù là truyện hay tản văn, chị luôn tạo một lối viết riêng.

Khi nữ sĩ bắt đầu cầm bút, nền văn học Việt Nam đã đổi mới được gần hai thập kỷ, nhiều tác phẩm đặc sắc đã ra đời nhưng văn chị vẫn có giọng điệu riêng không lẫn với ai. Chính giọng văn hồn nhiên, có phần “tưng tửng”, mang  đậm màu sắc Nam Bộ đã góp phần quan trọng tạo nên phong cách nghệ thuật văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung phân tích nhân vật nữ trong tập truyện Cánh đồng bất tận của nữ sỹ.


Truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” được chuyển thể thành phim điện ảnh và gây được tiếng vang lớn.

1. Nhân vật nữ luôn khao khát tình yêu, hạnh phúc và mái ấm gia đình

Khát khao tình yêu, hạnh phúc là một trong những biểu hiện nổi bật của người phụ nữ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Trong tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận, nhân vật nữ luôn ấp ủ mối tình đơn phương và khao khát hạnh phúc với người mình yêu thương.

Chị Hảo trong Hiu hiu gió bấc là người phụ nữ điển hình như thế. Chị dành trọn tình yêu cho anh Hết, nhưng anh lại hững hờ vì vẫn chưa nguôi ngoai tình cảm với người yêu cũ. Cho dù thấu hiểu nỗi lòng của chị, song anh cũng không thể đến với chị. Chị quý anh, yêu anh bởi chị biết anh là người sống có nghĩa, có tình, có trước, có sau. Anh một lòng, một dạ yêu chị Hoài nhưng khi mẹ chị Hoài can ngăn, anh đã nén tình cảm, chấp nhận lời đề nghị của bà. Bởi với anh “nợ sữa là món nợ lớn nhất đời người”. Kể cả chị Hoài lấy chồng, anh cũng chẳng thể quên được chị, trong lòng anh vẫn không thôi nhớ thương, mong ngóng mối tình xưa cũ. Chính lòng chung thủy, “yêu một người mãi không thôi” của anh Hết đã làm cho trái tim chị Hảo rung động. Chị yêu anh bằng trái tim của một người đàn bà từng trải. Tình yêu ấy không vồn vã, vồ vập, nồng cháy, bùng nổ mà đó là tình yêu bình dị, mộc mạc, âm thầm qua những cử chỉ rất đỗi bình thường: “Buổi chiều, lúc mặt trời vừa khuất sau vườn chuối, anh Hết hay ghé lại để mua một ngàn mỡ nước, năm trăm bột ngọt, năm trăm tỏi, năm trăm tiêu. Chị cố bán thật rề rà để nhìn anh lâu nữa, coi bữa nay chắc anh đi vác lúa đằng nhà máy chà gạo, trên tóc còn vương trấu. Nhìn vậy thôi chớ không nói gì hết. Con trâu không nói sao cái cọc nói được”, nhưng cũng không kém phần ấm áp, thân thương. Bởi thế, khi anh Hết bị cha vác gậy rượt đánh, chị đã công khai bộc lộ tình cảm của mình, vô cùng lo lắng cho anh: “Chị Hảo chạy lại vẹt đám con nít ra, đưa anh chai dầu Nhị Thiên Đường, miệng xuýt xoa hỏi anh đau chỗ nào, giọng như người thân thiết trong nhà”.

Cứ thế, chị ôm ấp trong mình một mối tình, một khát vọng hạnh phúc và chấp nhận chờ đợi, “chờ người ta xức dầu Nhị Thiên Đường của chị mà hết đau, chờ người ta đánh cờ mà trong tâm Viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh niết bàn, chờ người ta thôi buồn khi đưa chốt qua sông”, chờ đến ngày anh quên mối tình cũ để sẵn sàng vui vẻ đón nhận tình cảm của chị.

Khác với tình yêu của một người phụ nữ từng trải như chị Hảo, tình yêu của Nga với bác sĩ Văn trong Thương quá rau răm được thể hiện một cách hết sức ngây thơ, trong sáng. Nhưng đây cũng là tình yêu đơn phương. Văn là bác sĩ thứ sáu về làm việc ở trạm xá cù lao Mút Cà Tha. Năm người trước đã ra đi. Đi vì không chịu nổi thiếu thốn và buồn bã. Cái xứ Mút Cà Tha hẻo lánh, hoang vu nghe tên đã biết không giữ nổi chân của những người thành phố. Thậm chí cả đám trẻ cù lao sau khi rời quê lên thành phố học hành thành đạt cũng chẳng quay về. Trưởng ấp Tư Mốt lo sợ Văn cũng như những người ấy, sẽ bỏ cái đất cù lao nghèo nàn này mà đi nên “ông nghĩ không có gì sâu nặng bằng tình cảm người với người”. Và Nga quen Văn cũng bởi lí do ấy. Cô là con gái trưởng ấp Tư Mốt, trưởng ấp sợ Văn buồn nên thường sai con gái đem thức ăn đến trạm xá cho Văn. Rồi dần dần quen nhau. Tình cảm Nga dành cho Văn rất mực trong sáng, hồn nhiên và có phần e ấp, ngượng ngùng của cô thiếu nữ cù lao. Những ngày chủ nhật, khi Văn mượn xe đạp chở Nga đi chơi lòng vòng cù lao, cô thường ngồi khép nép, sượng sùng, sợ ai đó nhìn thấy. Nhưng khi gặp đám bạn của Văn, Nga có phần bạo dạn “xăm xăm đi trước dẫn đường, tong tả xộc vào phòng sau của trạm y tế xã, cằn nhằn cử nhử, sao anh Văn bày tùm lum như vầy (cho tụi kia biết, ta đây đã thân thuộc với anh ấy đến mức nào)”.

Như những người con gái khác, Nga cũng có những khát khao yêu đương, khát khao hạnh phúc cho riêng mình, để rồi khi Văn theo đám bạn bỏ về thành phố không một lời chào tạm biệt, cô cũng khờ dại, ngốc nghếch như những người con gái ấy, đứng chờ mãi, đợi mãi một tình yêu đơn phương, vô vọng.

May mắn hơn chị Hảo và Nga, tình yêu của Huệ trong Huệ lấy chồng đã được đơm hoa kết trái. Thi-người yêu Huệ-là một thầy giáo trẻ có chí hướng, chín chắn và quan trọng là anh rất yêu thương cô. Quen nhau từ khi còn nhỏ, tình yêu của hai người cứ thế lớn dần lên theo năm tháng. Bắt đầu là những lần Huệ đi họp phụ huynh cho đứa cháu – học sinh của Thi: “Huệ đi họp phụ huynh hoài. Vô đó, không phát biểu gì, thẹn thò ngồi cuối dãy bàn, cũng không để ý coi Thi nói gì, chỉ nhìn Thi cười. Trời đất quỷ thần ơi, người gì cười hiền thấy thương quá”. Tiếp đến là những buổi tối đi xem phim bộ Hồng Kông. Có lần coi bộ phim kiếm hiệp Thiên Long Bát Bộ, tới đoạn A Châu chết, Huệ nước mắt rưng rưng, chắc lưỡi nói với Điềm: “Ước gì trên đời nầy có ai thương tao như ông Kiều Phong thương A Châu, chắc tao sướng tới chết luôn quá”. Đáp lại mong ước chân thành, dễ thương ấy của Huệ, khi về, “Thi thả chầm chậm theo tới chỗ quẹo qua nhà Huệ, Thi mới níu tay Huệ lại, nói rằng: Ông Kiều Phong đó mà nhằm gì, có người còn thương Huệ hơn…”. Cũng như bao cô gái mới lớn, Huệ cũng khao khát yêu, khao khát hạnh phúc. Khao khát, mong ước của Huệ giản đơn, dịu dàng như chính tấm lòng của người con gái miền Tây, “nó mơ tới một mái nhà sớm chiều khói tỏa, buổi sáng nó rang cơm cho Thi lót lòng đi dạy, trưa đón Thi về chăm chút nồi canh chua bông súng ăn với cá sặc kho khô”.

Đặc biệt, trong Cánh đồng bất tận, nhân vật Sương, dù trải qua thân phận làm gái bán hoa nhưng chị vẫn khát khao hạnh phúc, khát khao một mái ấm gia đình. Sương gặp và quen cha con Nương trong một trận cuồng ghen của những mụ đàn bà có chồng trăng hoa. Nhờ hai chi em Nương, Điền cứu giúp kịp thời mà Sương mới thoát khỏi sự hành hạ tàn bạo, dã man của những con người ấy. Sau trận đòn ghen, thân xác chị tả tơi như một nhúm ghẻ rách: “Môi chị sưng vểu ra, xanh dờn. Và tay, và chân, và dưới cái áo mà tôi đã đắp cho chị là một cái áo khác đã bị xé tả tơi phơi những mảng thịt người ta cấu nhéo tím ngắt”. Chị quyết định ở lại sống cùng gia đình Út Vũ trên chiếc ghe nhỏ, lang thang trên những cánh đồng bất tận bởi tình cảm chân thành của những đứa trẻ và hơn thế trong sâu thẳm tâm hồn, chị mong muốn có “bến đỗ”, được sống bình yên sau bao sóng gió cuộc đời.

Những người phụ nữ trong tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận từ Diễm Thương-cô gái phục vụ quán nhậu ở ngã Ba Sương trong Cải ơi!, tới Nga trong Thương quá rau răm, chị Hảo trong Hiu hiu gió bấc, Huệ trong Huệ lấy chồng, người phụ nữ bị bỏ rơi trong Cái nhìn khắc khoải, Út Nhỏ trong Nhà cổ, dì Thấm trong Mối tình năm cũ, đào Hồng trong Cuối mùa nhan sắc, hai chị em Giang, Thủy trong Nhớ sông hay hai người vợ trong Dòng nhớ, Xuyến trong Duyên phận so le, Hậu trong Một trái tim khô và Nương, Sương trong Cánh đồng bất tận, dù có thân phận và hoàn cảnh khác nhau: giàu hay nghèo, đẹp hay xấu, già hay trẻ, ngoan hay hư nhưng đều có điểm chung là luôn khát khao cháy bỏng về tình yêu và hạnh phúc gia đình.

2. Nhân vật nữ có số phận bất hạnh

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du vô cùng đau đớn thốt lên:

Đau đớn thay phận đàn bà,

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung!

Dường như, số phận bất hạnh thường gắn liền với người phụ nữ. Từ văn học dân gian, văn học trung đại đến văn học Việt Nam hiện đại, nhiều người phụ nữ luôn hiện lên với số phận éo le, ngang trái. Vũ Nương trong Người con gái Nam Xương, Nhị Khanh trong Truyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu của Nguyễn Dữ, Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố,… đều gặp nhiều bất hạnh, đắng cay. Các tác gia văn học đương đại cũng thể hiện sự đồng cảm của mình đối với bi kịch của người phụ nữ như Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, I am đàn bà (Y Ban ); Hậu thiên đường, Phù thủy (Nguyễn Thị Thu Huệ); Bàn tay lạnh (Võ Thị Hảo)…

Hòa cùng dòng chảy chung đó, Nguyễn Ngọc Tư trong Cánh đồng bất tận đã khắc họa bi kịch của người phụ nữ với sự đồng cảm chân thành sâu sắc. Nhiều nhân vật trong trang văn của chị là số phận của những đứa trẻ chịu nhiều bất hạnh. Diễm Thương trong Cải ơi! bị cha mẹ bỏ rơi, sống lưu lạc, vật vờ ở ngã ba Sương, đã nghẹn ngào “còn tui, người ta quăng ở đây mười tám năm, mà không ai trở lại tìm, tui chờ hoài…”. Bị cuộc đời đẩy đưa, Diễm Thương phải tự kiếm sống bằng cái nghề phục vụ quán nhậu không mấy “trong lành”, để rồi có lần khi công an ập tới, quay phim, chụp hình. Trong lúc “đám tiếp viên che mặt, ôm đầu”, còn “Diễm Thương điềm nhiên trơ mắt ngó” với hi vọng được lên ti vi, cha mẹ sẽ nhận ra và đến đón cô về: “Phóng sự phát lên ti vi, cái nhìn đó như dấu hỏi nao lòng, tôi đây nè mà ba má ở đâu? Có nhận ra tôi không? Có nghe đau lòng?”. Thế nhưng, đời không giống như giấc mơ. Điều trớ trêu đã đến với cô khi Thàn-người yêu cô-đưa về nhà, cả gia đình chàng nhận ra Diễm Thương là cô gái trên ti vi bữa nọ: “Cả nhà Thàn hết hồn vía dồn lại ngó nhau, nhận ra đứa con gái này lên ti vi hôm trước, và Diễm Thương ngạo nghễ cười, hỏi bác ơi, mấy giờ có chuyến tàu ra thị xã”. Chính số phận khắc nghiệt đã biến Diễm Thương trở thành một cô gái chai sạn. Đằng sau nụ cười ngạo nghễ ấy là cả một nỗi buồn tủi mênh mang trong sâu thẳm tâm hồn người con gái nhỏ dại bị dập tắt tia hy vọng làm lại cuộc đời vừa được nhen nhóm.

Giang và Thủy trong Nhớ sông cũng vậy, hai chị em mồ côi mẹ từ năm Giang mười tuổi, má Giang chết bởi sự nổi giận của thiên nhiên. “Hôm đó, trời mưa nhỏ nhưng gió nhiều, gió bạt tay chèo liêu xiêu. Nước từ vàm sông cuồn cuộn đổ ra. Chiếc ghe bạt nước tấp vô xà lan chở cát…Giang thấy rõ ràng, lúc cây sào trong tay má đang chỏi vào thành xà lan trượt hướt lên, má ngã xuống, đầu má đập vào cái gờ sắt, đôi chân còn bíu vào ghe. Rồi má cong lại như chiếc võng, hụp vào sông…”. Cái chết của má, Giang không bao giờ quên được “Giang không hiểu sao mình nhớ hoài, nhớ ràng ràng cái ngày đó”. Thiệt thòi vì không có má, chị em Giang phải tự học cách chăm sóc nhau, và điều đó cũng khiến Giang vừa làm chị, vừa làm má. Cha con Giang cứ thế sống lênh đênh trên sông nước, trôi dạt hết con kênh này tới con kênh kia. “Không ai nói với ai, nhưng cả nhà ông đều nghĩ, chắc là sống như vầy hoài, như vầy mãi thôi”.

Cũng như chị em Giang, Nương trong Cánh đồng bất tận phải sống trong cảnh cơ cực, thiếu bàn tay chăm sóc của người mẹ từ thời thơ ấu. Đau đớn hơn, chị em Nương phải sống trong sự ghẻ lạnh, dửng dưng của người cha mang đầy lòng hận thù đang ngày đêm lênh đênh theo con nước, trôi dạt trên những cánh đồng bất tận để mưu sinh và trả thù đàn bà.

Nương và Điền phải tự học tất cả mọi thứ trên đời. Chúng học cách “định hướng bằng mặt trời, bằng sao đêm, bằng gió, bằng ngọn cây…” sau những trận đi lạc tưởng không đường về, học cách phân biệt vết rắn cắn sau trận thập tử nhất sinh, học cách chấp nhận đòn roi của cha “chỉ vì là con của má”, học cách biết được cảm giác của người khác bằng trải nghiệm “mảng da non trên bàn tay nó bỏng đỏ nhừ, tươm máu” khi bôi keo dán sắt lên tay.

Chứng kiến cảnh mẹ ngoại tình và bỏ đi theo người đàn ông khác còn cha thay đổi tâm tính trở thành một con người đáng sợ, chị em Nương chỉ còn biết nương tựa vào nhau mà sống. Những lời độc thoại đầy trăn trở, day dứt của Nương khiến chúng ta không cầm được nước mắt: “Cha vẫn thường đánh chị em tôi, thường đánh khi ngủ dậy…Và tôi tự nhớ lại coi hồi sáng nầy, hồi trưa nầy mình đã làm gì giống má, kho cá bỏ quá nhiều tiêu? Hay vì tôi buộc tóc nhong nhỏng? Hay tại tôi ngồi bắt chí cho thằng Điền?”; “Tôi không còn muốn chữa mắt cho Điền. Bởi Điền khóc suốt (giống hệt tôi), dù vẻ mặt nó rất bình thản (tôi cũng vậy, khác là nước mắt tôi khô rốc trong lòng)…”.

Không chỉ vậy, hai chị em còn hi vọng tình máu mủ ẩn chứa trong lòng cha sẽ trỗi dậy khi giả cho thằng Điền chết đuối: “Có lần, khi đi trên sông, thằng Điền giả đò té chìm nghỉm mất tăm, tôi giả đò kêu la chói lói…” nhưng vô vọng. Hai chị em Nương không thể làm cho trái tim vô cảm, hận thù của người cha lay động mà trái lại, khoảng cách giữa ba cha con ngày một xa dần, “dường như cách giao tiếp ngấm ngầm của tôi và Điền cũng trong chuỗi bất thường, nó làm cho mối quan hệ với cha thêm rời rạc”.

Sau lần giải cứu cho Sương thoát khỏi cơn cuồng ghen của những người đàn bà và cho chị ở lại cùng gia đình, chị em Nương mới biết được “hơi ấm” của người mẹ. Sự chăm sóc tận tình của Sương đã thổi bùng lên nỗi khát khao được yêu thương, được đùm bọc của hai đứa trẻ. Thế nhưng, hạnh phúc không mỉm cười với họ, sự bạc bẽo, vô cảm của người cha đã khiến Sương phải thốt lên: “Má cưng ác một, nhưng người cha nầy của cưng ác tới mười” và gạt nước mắt lầm lũi ra đi sau khi cứu cho cả nhà thoát khỏi cảnh chết đói vì đàn vịt không bị tiêu hủy. Chỗ dựa duy nhất của Nương là thằng Điền cũng bỏ đi tìm Sương. Chỉ còn lại một mình cô sống với người cha có trái tim băng giá.

Bất hạnh chưa dừng lại ở đó, trong một lần ẩu đả với đám người ăn trộm vịt, cha Nương đã bị những tên côn đồ đánh tả tơi, rồi đè nghiến bắt chứng kiến cảnh chúng nó thay nhau hãm hiếp con gái ông giữa đồng. Nỗi đau đớn về thể xác cùng với sự chới với về tinh thần đã khiến Nương như chết nửa đời người. Nhưng trong giây phút đau đớn, ê chề, nhục nhã đến tột cùng, Nương vẫn nghĩ đến tương lai cho đứa trẻ nếu như mình có con: “Đứa bé đó, nhất định nó sẽ đặt tên là Thương, là Nhớ hay Dịu, Xuyến, Hường … Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”. Đó chính là tia sáng đầy chất nhân văn lóe lên trong cảnh tối tăm, mù mịt đầy hận thù của thiên truyện Cánh đồng bất tận.

Không chỉ viết về số phận của những đứa trẻ chịu nhiều bất hạnh, Nguyễn Ngọc Tư còn miêu tả về cuộc đời của những cô đào yêu nghề, đam mê với nghề nhưng phải gánh chịu bi kịch của nhan sắc tàn phai. Đào Hồng trong Cuối mùa nhan sắc là người phụ nữ như thế. Cô đẹp, đẹp tới mức chàng công tử Chín Vũ-cháu nội đích tôn của hội đồng Nguyên, giàu có khét tiếng xứ Bạc Liêu-phải bỏ nhà, bỏ phú quý đi theo: “Người đâu mà đẹp quá chừng, đẹp tới đứng tim người ta”. Thế nhưng, hồng nhan bạc phận! Đẹp làm gì để rồi hẩm hiu như nắng quái chiều hôm. Sau bao năm lưu lạc, để khi gặp lại, Chín Vũ không còn nhận ra nàng “mặt nhăn nhúm, nám đen, cái cổ cao ngày trước bây giờ gần như đổ gục vì cái gánh tâm tư mà cuộc đời chồng chất”. Chẳng lẽ số phận của những đào hát một thời làm thổn thức trái tim bao chàng trai hào hoa phong nhã cuối cùng phải vậy sao?

Nhân vật nữ trong trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư thường là những người phụ nữ chân chất, mang một mối tình đơn phương như chị Hảo trong Hiu hiu gió bấc, chị Nga trong Thương quá rau răm hoặc cả tin đến khờ dại như người đàn bà trong Cái nhìn khắc khoải. Họ sẵn sàng trao thân, trao tài sản cho một người làm công không biết quê quán, gốc gác: “Chị quê Cây Khô, lỡ thời, thương thằng (xin lỗi!) thợ gặt miệt Bình An đổ xuống. Không biết gốc gác, cội nguồn người ta mà thương gì ác nhơn vậy không biết…Vậy mà cái thằng đó (xin lỗi!) tệ, làm ít, nhậu nhiều. Tới đây, nhậu nhẹt, nợ nần, chị ra gánh trả. Nợ nhiều quá, mấy cái quán tạp hóa đòi lấy xuồng, nửa đêm chồng chị trốn đi, bỏ chị lại. Không biết quê chồng, không về được quê mình, chị ra bờ sông ngồi khóc”.

Hậu trong Một trái tim khô quá tin yêu chồng nên để ngoài tai mọi lời đồn đại chồng ngoại tình của thiên hạ, chỉ đến khi bị chính người chồng đầu ấp môi kề thuê người giết mình, Hậu mới đau đớn nhận ra bản chất thật của gã chồng đốn mạt: “Ngay sau khi thằng cha giết mướn run rẩy bảo: Đừng oán tôi nghen, có oán hận thì oán chồng bà. Trong một thoáng Hậu xâu chuỗi các sự kiện lại. Chồng mình. Khoản tiền thất thoát. Cô kế toán trưởng chi nhánh miền Tây…Hậu nghe tim mình vỡ bục ra, giãy đành đạch rồi nín luôn”.

Xuyến trong Duyên phận so le, cũng vì tin vào những lời đường mật của người tình mà phải nếm cảnh bất hạnh, bơ vơ năm mười tám tuổi: “Mười bảy tuổi cô yêu một người, yêu đến nỗi bỏ cha mẹ theo tình. Mười tám tuổi thằng nọ phụ phàng, bỏ cù bơ cù bất giữa chợ. Lúc ấy đã không còn đường về nhà nữa…”. Cứ như thế, tình yêu làm cho người phụ nữ mù quáng, không biết phải trái, đúng sai, chỉ một mực tin tưởng, yêu thương người đàn ông của mình để rồi nếm trái đắng của sự bội bạc, giả dối, bất lương…

Và biết bao người phụ nữ nhẹ dạ, cả tin đã bị Út Vũ quyến rũ, lừa tình trong Cánh đồng bất tận. Ông “tính toán rất vừa vặn, sao cho vừa đủ yêu, vừa đủ đau, vừa đủ bẽ bàng và bỏ rơi họ đúng lúc”; ông “mang họ đi một quãng đường, vừa đủ để người đó nhìn rõ chân dung của sự phản bội, sau đó người đàn bà bị hắt lên bờ. Con đường quay về bị bịt kín”.

Số phận của những người phụ nữ “bán trôn nuôi miệng” trong Cánh đồng bất tận vừa đáng giận vừa đáng thương. Sương là một gái “bán hoa” trôi dạt từ thị thành về vùng sông nước. “Chị, cũng giống như họ, chớm tàn tạ, đói rã ruột ở thị thành mới chạy xuống quê, cất cái quán nhỏ, giả đò buôn bán bánh kẹo lặt vặt, thực chất là làm nghề…”. Chị làm “nghề” bị xã hội khinh ghét, lên án, coi thường nhưng sâu thẳm trong tâm hồn chị vẫn chất chứa tình người, tình đời và khát khao cuộc sống gia đình êm ấm. Bị đánh ghen một cách khủng khiếp, tàn bạo nhưng Sương vẫn cắn răng chịu đựng: “Ăn trên mồ hôi nước mắt của người ta nên lâu lâu bị đánh cũng đáng đời, hen mấy cưng?”. Sau khi được giải thoát về sống cùng cha con Út Vũ, chị mong muốn được làm lại cuộc đời. Chị dồn tình cảm cho gia đình ấy. Tiếc thay, tình cảm chân thành, cảm động của chị không cảm hóa được trái tim băng giá, đầy hận thù của người đàn ông bị vợ bội tình nên cuối cùng phải cay đắng ra đi.

Ngay cả người đàn bà xinh đẹp “có cái cười lấp lánh cả khúc sông” được Út Vũ “nhặt” về làm vợ cũng là một người phụ nữ bất hạnh. Không những chị bị người yêu cũ bỏ rơi, bơ vơ giữa cõi đời, định quyên sinh nơi sông nước mà cuộc sống khổ cực, thiếu thốn khi làm vợ Út Vũ luôn hành hạ chị, luôn nhói lên trong lòng sự thèm khát ước ao một bữa cơm ngon, một manh áo đẹp. Vì muốn khoác “những khúc vải rực rỡ lên người” chị đã phải “bán mình” cho gã thương hồ và rời xa chồng con mãi mãi. Ở phương trời xa, hẳn lòng chị có quên được người đàn ông đã mở rộng vòng tay nhân ái cứu vớt mình? Hẳn chị có quên được người chồng “hết lòng yêu thương, gánh hết sự kiếm sống nhọc nhằn”? Hẳn chị có quên được hai đứa con ngoan ngoãn, xinh tươi như tiên sa mà chị đã đứt ruột sinh ra và nuôi nấng sáu bảy năm trời đằng đẵng?

3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật nữ trong Cánh đồng bất tận

Nhiều tác phẩm trong tập truyện Cánh đồng bất tận, người kể chuyện là nhân vật xưng tôi (Cái nhìn khắc khoải, Dòng nhớ, Cánh đồng bất tận, Lý con sáo sang sông, Ngổn ngang…), đã giúp nhân vật bộc bạch hết suy nghĩ, nỗi niềm của mình. Điển hình là nhân vật Nương trong Cánh đồng bất tận. Câu chuyện về một gia đình tan vỡ, hai đứa con cô đơn, bất hạnh, người cha thay đổi tâm tính trở nên tàn nhẫn, độc ác sau khi bị vợ phản bội được nhìn dưới con mắt của cô bé từ năm 6 tuổi đến 17 tuổi. Nhờ đó mà người đọc lĩnh hội đầy đủ diễn biến câu chuyện và thấu hiểu cả những suy tư, trăn trở trong tâm hồn của nhân vật trong truyện.

Một số truyện, nhà văn đặt nhân vật vào những tình huống, những biến cố “có vấn đề” để nhân vật tự chiêm nghiệm, tự suy ngẫm, nhận ra sai lầm, nhận ra những chân lý của cuộc đời. Với những tình huống tự nhận thức, Nguyễn Ngọc Tư đã để cho nhân vật tự đối thoại, tự đẩy mình đến tận cùng những cảm xúc, tự thức tỉnh và điều tiết hành động của chính mình. Điển hình là nhân vật Sương trong Cánh đồng bất tận. Từ một gái điếm, bị đánh ghen tàn nhẫn nhưng sau khi được hai đứa con Út Vũ cứu thoát, yêu thương như người thân trong gia đình, chị đã thay đổi hoàn toàn tâm tính. Không những chị trở thành con người đầy trách nhiệm trong gia đình (chăm sóc hai đứa nhỏ bằng tình yêu của một người mẹ, cứu cho cả nhà thoát khỏi cảnh chết đói vì đàn vịt không bị tiêu hủy) nhưng cũng đầy lòng tự trọng (bỏ đi khi bị Út Vũ sĩ nhục).

Ngôn ngữ nhân vật nói chung và ngôn ngữ nhân vật nữ trong tập truyện Cánh đồng bất tận là ngôn ngữ đời thường của người dân sống ở thôn quê, ruộng vườn Nam bộ cho nên cách diễn đạt thường nôm na dễ đọc, dễ hiểu. Điều đó không chỉ khẳng định nhà văn luôn hòa mình vào dòng đời người dân sông nước Cà Mau mà còn biểu hiện ý thức tìm tòi, làm mới ngòi bút, làm đa dạng các phương thức diễn đạt. Từ đó “tạo nên giọng văn dung dị mà sâu lắng, trữ tình nhẹ nhàng, mềm mại. Cái nhẹ nhàng, thủ thỉ của chất trữ tình dường như thấm trong từng câu chữ, cất lên từ những lời tâm sự, trong những hoài niệm về quá khứ của nhân vật” [3].

Nhân vật nữ trong tập truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư chủ yếu là những cô gái trẻ, khát khao yêu đương, khát khao hạnh phúc gia đình. Họ sẵn sàng bỏ nhà bỏ cửa, bỏ cha bỏ mẹ đi theo tiếng gọi của tình yêu. Họ chấp nhận tất cả để được sống với người mình yêu. Nhưng phần lớn những người phụ nữ ấy có số phận éo le, bất hạnh. Đó là thân phận của những đứa trẻ không có mẹ, phải sống trong sự ghẻ lạnh của người cha đầy hận thù; là bi kịch tình yêu đơn phương của những cô thôn nữ cả tin hoặc kiếp đời nhỏ bé, luôn bị chà đạp cả thể xác lẫn nhân phẩm của những cô gái điếm. Tất cả đã tạo nên một bức tranh muôn màu, muôn vẻ về thân phận người phụ nữ Nam Bộ nói riêng, người phụ nữ Việt Nam nói chúng trong thời mở cửa dưới góc nhìn của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư.

N.C.T-Đ.T.P.A

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đinh Thị Phương Anh, Nhân vật nữ trong “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, Khóa luận tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Ngữ văn, trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk-2015.

[2] Nhiều tác giả, Văn học Việt Nam sau 1975 những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy (Nguyễn Văn Long, Lã Nhâm Thìn đồng chủ biên), NXB Giáo dục, Hà Nội-2006.

[3] Nguyễn Thị Phương, Đặc điểm sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh-2012

[4] Nguyễn Ngọc Tư, Cánh đồng bất tận (Tập truyện ngắn), Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh-2005.

 

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng tìm chi tiết nhỏ cho cuộc đời lớn
Tham luận viết cho Hội thảo Nguyễn Quang Sáng - cuộc đời và sự nghiệp
Xem thêm
“Dòng sông thơ ấu” như là dòng chảy cuộc đời của nhà văn Nguyễn Quang Sáng
Tham luận đọc tại Hội thảo “Nhà văn Nguyễn Quang Sáng – Cuộc đời và sự nghiệp”
Xem thêm
Nhà thơ Thanh Hoàng lặng lẽ chiết gieo thơ vào đất mẹ
Bài viết của nhà văn Kao Sơn về tập thơ Vẽ nhớ của Thanh Hoàng
Xem thêm
Tìm hiểu lý luận phê bình văn học miền nam 1954-1975
Đọc chuyên luận Lý luận - Phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận & Ứng dụng của PGS.TS Trần Hoài Anh
Xem thêm
PGS.TS Ngô Minh Oanh - phu chữ âm thầm
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành
Xem thêm
Đinh Nho Tuấn, trao em một mảnh vô thường
Ngô Đức Hành đọc tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên”, NXB Hội Nhà văn năm 2024 của nhà thơ Đinh Nho Tuấn
Xem thêm
Miên man Xuân Lợi
(Đọc tập thơ Nghiêng phía miên man của Xuân Lợi, NXB Hội Nhà Văn, 2024)
Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm