- Lý luận - Phê bình
- Những nụ hôn chữa lành
Những nụ hôn chữa lành
Nhà thơ NGUYỄN THỊ THANH LONG
(Đọc tập thơ Ấm lòng những nụ hôn như thế của Phạm Đình Phú)
Có những câu thơ chỉ cần đọc một lần đã in dấu trong lòng. Có những nụ hôn chỉ trao một lần trong đời, nhưng cháy mãi trong thơ. Tập thơ Ấm lòng những nụ hôn như thế của nhà thơ Phạm Đình Phú là một trường hợp đặc biệt: một người lính từng vào sinh ra tử, một bác sĩ lăn lộn nơi đạn bom, chữa lành hàng ngàn vết thương, nay trở về chắt lọc cảm xúc đời mình thành những vần thơ dịu dàng, thiêng liêng và đẹp đến ngẩn ngơ.
Nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long
Không chọn những chủ đề hùng tráng, nhà thơ đi vào một hình ảnh nhỏ: nụ hôn – tưởng chừng riêng tư, mềm yếu, nhưng lại ẩn chứa sức mạnh tinh thần sâu sắc, như chính cuộc đời ông: một đời lính, một đời thầy thuốc lặng thầm, một đời yêu thương.
Ngay từ những bài đầu, ông đã dựng lên hình tượng nụ hôn thiêng liêng giữa chiến trường – nơi cái đẹp và cái chết cùng hiện diện:
"Liệt sĩ Anh hùng - nữ cứu thương
Thơm lừng ‘nụ gió’ ướt môi hường…" (Cháy mãi)
Nụ hôn ấy không phải để chiếm hữu, mà là lời tiễn biệt cuối cùng, là nghĩa tình vượt qua ranh giới sống - chết. Hình ảnh "nụ gió" nhẹ như hơi thở, nhưng chính là phép thiêng giữ lại chút ấm áp cuối cùng nơi người nằm xuống. Câu thơ giản dị mà khắc khoải nao lòng.
Cũng trong mạch cảm xúc ấy, nhà thơ thăng hoa bằng những liên tưởng táo bạo mà vẫn dịu dàng như lời thì thầm bên tai người yêu:
"Miên man ánh mắt chập chờn
Môi mím chặt nhưng không ghì được sóng" (Anh hư thế)
Ở đây, "sóng" không chỉ là ẩn dụ cho cảm xúc dâng trào, mà còn là đam mê, khao khát được sống và được yêu, dù đang giữa chiến hào đầy chết chóc. Môi mím chặt, nhưng vẫn không thể kìm nén cơn sóng lòng. Câu thơ mang vẻ đẹp của sự kềm nén và bùng vỡ, của cái lặng thầm rất lính và cái da diết rất người.
Một trong những câu thơ đẹp nhất tập thơ về nụ hôn là:
"Cho nhận cháy nhau quá đỗi ngọt ngào
Hơi thở phập phồng nghe lòng hoang dại" (Yêu em đi)
Nhà thơ nói thay lời một vong hồn nữ liệt sĩ, nhưng lại chan chứa sự sống. Tình yêu ở đây vượt qua ranh giới vật lý và thời gian. "Cháy nhau" – cách diễn đạt mạnh mẽ, đầy nhục cảm nhưng không hề dung tục, ngược lại, chạm tới sự thần thánh hóa của tình yêu và đức hy sinh.
Nhà thơ còn có những câu nhẹ nhàng hơn, nhưng chứa đựng chiều sâu của sự chờ đợi và hồi tưởng:
"Vành môi chín mọng nguyên trinh
Anh như chết lặng
Nghe tình lên ngôi!" (Nụ xuân)
Tình yêu ở đây không ồn ào, không gào thét. Nó đến trong khoảnh khắc ngỡ ngàng, khi vẻ đẹp chín đúng lúc khiến trái tim phải cúi đầu quy phục. Câu "Nghe tình lên ngôi!" là sự lên ngôi của vẻ đẹp thuần khiết, của xúc cảm chân thành không tô vẽ.
Tình yêu trong tập thơ này không chỉ là cảm xúc đôi lứa. Đó còn là tình đồng đội, tình quê, tình đất nước:
"Chiến trường hiện về trong ánh mắt
Tổ quốc trên vai
Quê hương gửi gắm chí trai…" (Dang dở)
Hay:
"Bạn đồng môn
Biền biệt cách xa…
Má kề môi thay lời sẻ chia thầm thì thân ái" (Ấm lòng những nụ hôn như thế)
Nụ hôn trong thơ Phạm Đình Phú không giới hạn trong một "kiểu yêu". Đó là biểu tượng của kết nối, của niềm tin, của một thời rất thật đã đi qua. Và mỗi nụ hôn như thế, dù là của mẹ, người yêu, đồng đội hay chính Tổ quốc, đều ấm lòng, đều thiêng liêng.
Không quá lời khi nói rằng, nhà thơ Phạm Đình Phú đã xây nên một tượng đài thơ bằng chất liệu "nụ hôn". Ở tuổi 80, ông không chọn hồi ký, không chọn khẩu hiệu, mà chọn một cách tiếp cận tinh tế, đầy thi ca và nhân văn. Trong cách viết ấy, ông không hô khẩu hiệu mà thủ thỉ; không áp đặt mà khơi gợi; không bi lụy mà thấm đẫm yêu thương.
Ấm lòng những nụ hôn như thế không chỉ là hành trình thi ca, mà còn là bức khắc họa bằng ngôn ngữ đậm tính nhân văn về tâm hồn người lính, về tình yêu và sự sống giữa lằn ranh sinh tử. Ông không "phô diễn kỹ thuật", nhưng những câu thơ ngấm vào người đọc bằng chính sự từng trải, trung thực và tinh tế.
Một tập thơ đáng đọc. Đáng nhớ. Và đáng trân quý.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 7 năm 2025
NTTL
NHỮNG NỤ HÔN
Kính tặng nhà thơ Phạm Đình Phú
Cuối chiều - Tìm lại - Nụ xưa
Ngất ngây - Khao khát – Cơn mưa dại khờ
Nụ xuân - Không phải trong mơ
Dành riêng anh để - Đôi bờ - Còn không
Nụ em chiêm trũng - Ấm nồng
Lần theo đốm lửa - Sang sông - Bến đò
Hãy ngủ đi và ước mơ
Niềm thiêng - Dang dở - Tình xưa ùa về
Yêu em đi ! - Ánh trăng quê
Tại anh hư thế - Lối về còn vương
Gửi cho anh - Cháy - Nụ hường
Niềm xưa - Thương nhớ yêu thương lạ kỳ
Đợi anh! Nụ gió đương thì
Cận kề chưa kịp gửi đi - Hỡi người!
Nụ hôn - Thế hệ chúng tôi
Ấm lòng như thế - một thời đạn bom
Trời cho, Ai mất ai còn
Cờ sao - Khát vọng - Các con chuyện trò
Hương tình - Kỷ niệm trong mưa
Nụ Xuân trọn vẹn Tháng Tư - nhớ người.
NTTL
Ghi chú: Những cụm từ in đậm là tên những bài thơ trong tập thơ.