- Lý luận - Phê bình
- Thấy gì qua một chùm thơ Tết?
Thấy gì qua một chùm thơ Tết?
CHÙM THƠ TẾT CỦA NGUYÊN HÙNG
Số xuân, các báo và tạp chí đặt bài cho các nhà thơ nổi tiếng để dùng thi ca tô vẽ cho trang báo, nhằm cân bằng với nội dung đã chuẩn bị từ lâu do đó ít đi tính thời sự…
Năm nay, Người Lao động Xuân Giáp Thìn 2024; Tạp chí Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Xuân Giáp Thìn 2024; Tạp chí Shipping Times Xuân 2024… đăng một số bài thơ của tác giả Nguyên Hùng; khi gộp lại, ta có dòng thời gian được tác giả nén lại tạo hiệu ứng, cống hiến cho độc giả một mùa xuân mang sắc mầu siêu thực, quá khứ, hiện tại hòa vào nhau vẫn giữ được miền sinh thái đậm tình người Việt Nam…
***
NGỌT NGÀO THÁNG HAI
Tháng hai đầy ắp màu xuân
dâng tràn bầu mật tình nhân ngọt ngào
vườn xuân rạng rỡ mai đào
em ngồi em đứng xôn xao lá cành
Tháng hai tâm sáng lòng thành
ta đi cầu phúc cầu lành cầu may
cầu em xinh đẹp mỗi ngày
mãi là gió sớm nắng mai dịu dàng
Tháng hai dắt díu về làng
hương hoa thưa mẹ, khói nhang ngậm ngùi
cầu xin lòng mẹ luôn vui
để con mãi được bên người con thương.
Bài đăng Người Lao động Xuân Giáp Thìn 2024
Khởi đầu bài thơ là thiên nhiên giao hòa: “Tháng hai đầy ắp màu xuân”. Trong đó có mùa của tình yêu “dâng tràn bầu mật tình nhân ngọt ngào” có “mai đào” làm rạng rỡ vườn xuân và có nhân vật em: “em ngồi, em đứng” đều tạo ra hiệu ứng “xôn xao lá cành”. Nếu đối chiếu với từ “Màu xuân”, thì có vẽ đây như là màu thời gian của quá khứ nên nhuốm mầu hư ảo được tạo ra trong tâm tưởng con người trong hiện tại…
Đi tiếp mạch nguồn của quá khứ là tháng hai của tâm linh: “Tháng hai tâm sáng lòng thành”.
Lập luận: Tết âm lịch vào tháng giêng, là lúc người Việt về quê đón tết. Tuy nhiên các lễ hội tâm linh tháng nào cũng có... Vậy tháng hai là từ đại diện, khi vào tâm trí người đọc sẽ thành tháng 3, tháng tư... ứng với hoàn cảnh câu thơ vận vào theo nghĩa "tâm sáng lòng thành". Theo quy luật về mối liên hệ giữa tư duy những lúc con người có suy nghĩ, cảm nhận trong sáng sẽ đúng đắn hơn do đó mang lại sự hòa hợp với thiên nhiên, con người xung quanh. Từ đó, được hồi đáp để có sự thanh thản yên bình chứ bản thân tâm sáng mà có người đập thẳng vào mặt mình thì lòng nổi loạn. Đó là khám phá của nhà khoa học về mối liên hệ tư duy với tình cảm: tâm sáng – lòng (mới) thành (tâm). Quy luật đó được thi sỹ diễn giải bằng ngôn từ dân giả...
Tháng hai có nhiều lễ hội để “đi cầu phúc cầu lành cầu may”. Nhưng khi đặt cuối khổ thơ, lại có “em” trong đi cầu: “cầu em xinh đẹp mỗi ngày / mãi là gió sớm nắng mai dịu dàng”.
Em vừa là gió sớm, em cũng là nắng mai trong khung cảnh tâm linh như là hình bóng không thay đổi và bay trong không gian của nhớ thương thuộc miền ký ức. Khổ thơ cuối bắt đầu từ bóng dáng người mẹ đã mất đang ở giữa quê hương:
“Tháng hai dắt díu về làng/ Hương hoa thưa mẹ” nhưng “khói nhang ngậm ngùi” có cho riêng mẹ không?!...
Thường thì người Việt Nam cầu mẹ ngậm cười nơi suối vàng “cầu xin lòng mẹ luôn vui” và đáng lẽ cầu mẹ phù hộ cho con cháu; nhưng câu kết của bài thơ lại cầu khác thông lệ: “để con mãi được bên người con thương”. Vậy thì em ở đây đang ở bên mẹ và hầu hạ mẹ nơi suối vàng nên mới có việc cầu xin mẹ như thế.
Thoảng trong màu sắc của mùa xuân, không khí tâm linh tỏa ra muôn nơi và nén hương thắp ở nghĩa địa quê nhà là hình bóng người vợ hiền đã đi xa, lung linh, ảo diệu và tâm nguyện của người lớn tuổi muốn đoàn tụ nơi cỏi vĩnh hằng, lời thì thầm nhắn gửi của lòng thủy chung…
Chúng ta rưng rưng khi con chữ của bài thơ khép lại mùa xuân thực để bắt đầu một mùa xuân ảo của vĩnh hằng, nơi mọi người sẽ được gặp lại nhau sau hàng chục năm xa cách; vẫn không nguôi nhớ, không nhạt thương; dù đi giữa cuộc đời ồn ào bon chen, không còn có chỗ an toàn trong âm dương cách biệt…
Nó cũng giống như giả sử chúng ta đi trước nhà thơ và ai đó tập hợp, chắt lọc lại các lời bình của tất cả chúng ta trên mạng internet về các bài thơ của Nhà thơ Nguyên Hùng, nó sẽ là làn sương khói đưa con chữ về với chúng ta ở miền quên lãng và phần thực sẽ còn lại ở trên đời “như gió sớm, nắng mai” tạo thành hai đường thẳng song song gặp nhau ở đường chân trời siêu thực, chân trời có tên uống nước nhớ nguồn, nhớ tổ tiên, mẹ cha, người thân đã mất, sự thủy chung vô bến bờ…
QUA CẦU MỸ THUẬN
Đất xưa dậy sóng Rạch Gầm
Người xưa có Nguyễn Hữu Huân dẫn đầu
Người nay nối những nhịp cầu
Đất không thể hóa con tàu ngủ yên!
Dưới chân sóng sánh sông Tiền
Nhớ ngày rồng rắn đợi phiên qua phà
Tìm người, người vẫn vời xa
Qua cầu Mỹ Thuận, sóng va lòng mình!
Đọc 2 câu kết:
"Tìm người, người vẫn vời xa
Qua cầu Mỹ Thuận, sóng va lòng mình!"
Sau đó đọc ngược lại 2 câu thơ đầu khổ cuối:
“Dưới chân sóng sánh sông Tiền
Nhớ ngày rồng rắn đợi phiên qua phà”.
Ta chú ý khoảng cách (không gian) hai bờ sông Tiền Giang ở vị trí cầu Mỹ Thuận và bến phà năm xưa (ở gần đó) vẫn không thay đổi. Tuy nhiên để đạt vận tốc cao hơn cho phương tiện giao thông, con đường phải uốn lượn hình sinh theo phương đứng nên dài hơn con đường của chuyến phà.
Bến phà không dùng vẫn còn được bảo vệ phòng khi thiên tai địch họa làm hỏng cầu. Chỉ là thời gian ngắn lại khi qua sông và theo đó nó uốn cong cây cầu lên cao phía bầu trời để ngắn lại hành trình về mặt thời gian, nhưng theo con đường phải đi qua lại dài hơn. Kết quả là có thêm sự chia xa lòng người khi so sánh họ phải qua sông bằng phà; bên nhau râm ran chuyện trò cùng những người bán hàng rông.
Đó không chỉ là tâm trạng của nhà thơ, mà cũng là cảnh báo về quy luật muôn thưỡ: được cái này, sẽ phải mất cái kia, hay còn gọi là quy luật đánh đổi. Bài thơ còn chỉ ra cho đến nay, loài người chưa khắc phục được mặt trái của phát triển.
KHI XA EM
Anh về quê tiễn đưa năm
Để em ở lại xa xăm cuối trời
Bay qua ngàn dặm rối bời
Cõng theo chút nắng, đánh rơi lúc nào
Chỉ còn nỗi nhớ cồn cào
Ngấm vào đêm thức, lặn vào ngày mơ
Hóa thành tiếng pháo giao thừa
Hòa cùng tiếng sóng vỗ bờ gọi em.
Bài thơ có 2 chiều thời gian cùng tồn tại với nhau trong tâm tưởng tác giả.
Bắt đầu là câu thơ tả thực về quê ăn tết: “Anh về quê tiễn đưa năm”. Và do không đi cùng vợ nên “Để em ở lại xa xăm cuối trời”. Có vẻ như là nơi ở của vợ rất xa quê nên chuyến đi “Bay qua ngàn dặm” trong tâm “rối bời”. Tuy nhiên “Cõng theo chút nắng, đánh rơi lúc nào” là việc không thể làm được khi di chuyển trong không gian thực, thời gian thực bằng bất cứ phương tiện nào. “Chỉ còn nỗi nhớ cồn cào” nhưng nỗi nhớ đó không theo tâm trạng bình thường; nỗi nhớ theo quy luật: “Ngấm vào đêm thức, lặn vào ngày mơ”.
Theo tính ngưỡng dân gian, đêm của cỏi âm là ngày của chúng ta, do đó “đêm thức”. Và đêm của họ lại là “ngày mơ”. “Hóa thành tiếng pháo giao thừa”… Đọc đến đây, chúng ta biết chuyến đi của quá khứ xa xăm, khi tết đến còn được phép đốt pháo. “Hòa cùng tiếng sóng vỗ bờ gọi em”. Vậy “gọi em” ở đây là gọi em ở cỏi âm.
Chuyến du hành của nhà thơ Nguyên Hùng đi về quá khứ và rơi vào cỏi âm nơi người vợ, những người thân vẫn ngày đêm nghe tiếng sóng vỗ bờ ru giấc ngủ ngàn thu. Đây là bài thơ có phần nổi là người chồng về quê và mang theo nỗi nhớ vợ mênh mang. Phần siêu thực, sẽ do độc giả cảm nhận và vẽ ra cho mình. Bởi lẽ câu thơ hay không bao giờ đơn nghĩa, bài thơ hay không chỉ có một chủ đề... Câu từ sẽ làm nên cảm nhận và tình cảm của độc giả với khung cảnh, âm thanh, hành động được độc giả vẽ ra cảm nhận riêng có trong tâm khảm nơi bài thơ lưu trú vào...
XIN LÀM MỘT BÓNG CÂY
Xuân đã tới kìa, én liệng bay
Đất trời lãng đãng gió mây say
Người về với biển hồn xanh biếc
Em đến bên ta má đỏ hây
Nỗi nhớ xô bờ bao chất chứa
Niềm thương dâng sóng bấy đong đầy
Đan tay dang rộng nên vòm lá
Xin tặng cuộc đời một bóng cây.
Bài thơ có nhiều câu thơ siêu thực đan xen thực tế mùa xuân đã về:
“Xuân đã tới kìa, én liệng bay
Đất trời lãng đãng gió mây say”.
Trong bầu không khí xuân, tác giả hồi tưởng:
“Người về với biển hồn xanh biếc”
Cớ sự vì đâu biển nỗi sóng: “Nỗi nhớ xô bờ bao chất chứa”? Có vẽ khi hồi tưởng quá khứ, tác giả không quên mang hạnh phúc hiện tại gắn vào quá khứ buồn: “Em đến bên ta má đỏ hây”. Do đó mà tình cảm trở nên bất định trong dòng thời gian thực: “Niềm thương dâng sóng bấy đong đầy”.
Cách xữ lý tốt nhất là 3 con người, một đại diện cho quá khứ, một cho hiện tại và một (là tác giả bài thơ) tự đưa mình vào vị trí đứng chông chênh giữa 2 mãng thời gian chạy song song nhưng chắc chắn không gặp nhau hoặc như định lý các đường thẳng song song, sẽ gặp nhau ở vô cùng. Nhưng tác giả cho rằng tất cả hãy vì cuộc sống hiện tại và tương lai nên cùng nhau:
“Đan tay dang rộng nên vòm lá
Xin tặng cuộc đời một bóng cây”.
Đến đây, độc giả cảm nhận được cây thời gian mọc ở bờ tâm tưởng được sóng biển nâng niu do đó tất cả luôn hiện hữu trong thơ Nguyên Hùng.
ƯỚC GÌ NÍU LẠI NGÀY QUA
(Họa “Cánh chim xa”)
Nửa đời neo đậu bến sông xa
Thuyền phủ xanh rêu, lởm chởm hà (*)
Tết đến càng thương mành lưới mẹ
Xuân về thêm nhớ cánh buồm cha
Mong đền ơn mẹ, chiều đang nhạt
Muốn đáp nghĩa cha, nắng đã tà
Tóc bạc trắng đầu còn trẻ dại
Ước gì níu lại tháng ngày qua!
Đọc lại bài thơ: “Cánh chim xa” của Hồ Hoàng Tạo, cho thấy chẳng có sự liên quan giữa 2 bài thơ cùng viết về xuân xa xứ ở cách xa nhau về thời gian sinh 2 bài thơ, khác nhau về bút pháp.
Hãy so sánh câu kết thơ Nguyên Hùng: “Ước gì níu lại tháng ngày qua!” cho thấy thời gian của cả cuộc đời dồn nén lại. Dồn nén đến mức “Thuyền phủ xanh rêu, lởm chởm hà” - con hà là sinh vật sống bám vào vỏ thuyền, không bao giờ chuyển động nên gần như hóa đá, như cuộc sống ngưng đọng lại do kết quả thời gian bị níu giữ, nén chặt đến mức mọi thứ đang sống đang hoạt động trở nên bất động. Từ đó, lòng yêu thương biết ơn cha mẹ mới có điều kiện nâng lên gần như đạt mức sẽ chia (như cách thường thấy trong hiện tại với các mạng xã hội) cho 2 lớp người xa cách về thời gian, không cùng sống trong một không gian, vào thời điểm người con đã bạc đầu.
Và câu kết thơ Hồ Hoàng Tạo “Ta còn biền biệt cánh chim xa” là câu thơ tả thực; đủ thấy tuy cũng là bài thơ hay nhưng không phải là nền để bài thơ Nguyên Hùng làm điểm tựa, gọi là họa lại.
Độc giả hãy làm phép toán đơn thuần như sau:
Bài thơ “Cánh chim xa” gọi là A.
Bài thơ: “Ước gì níu lại ngày qua” gọi là B.
Nếu dùng công cụ toán học phổ thông để so sánh chất lượng, thi pháp… ta có một kết quả trong 3 trường hợp sau:
A > B.
A = B.
A < B.
Vì mỗi bài thơ sinh ra ở một thời và hay một kiểu, có đóng góp cho thi ca theo cách khác nhau nên không ứng với một trong 3 mệnh đề trên.
Lối tư duy trắng và đen, mang tai họa khi áp dụng vào thi ca; tuy nhiên, cách làm trên lại đúng với các bài thơ không phải là thơ. Với các bài thơ đúng niêm luật và hay, thường có hơn một trường hợp ứng với nó.
Do đó khi ghép 2 bài thơ vào cạnh nhau cho thấy bài thơ họa thường chỉ gần giống nhau về vần điệu âm hưởng nhưng có sự khác biệt về nội dung, thi pháp.
Bài thơ làm rõ quy luật: theo thời gian, tuổi người con tiệm cận với tuổi mẹ cha, sự đồng cảm tăng lên và lúc đó nghĩ suy gần lại bất kể trình độ học vấn và thời đại họ trưởng thành, sinh sống khác nhau. Từ đó tình yêu cha mẹ lớn dần lên, làm nảy sinh cảm giác mình đã làm chưa đủ cho mẹ cha để trả hiếu nghĩa trong khi cha mẹ không còn. Cuối cùng là cảm thức về thời gian cho thấy mình cũng đang dần đi ngược về phía mẹ cha và mong gặp lại sau điểm đến cuối cùng.
Đoàn VNS Thành phố Hồ Chí Minh trong chuyến về nguồn đến Côn Đảo, 9-11 tháng 9 năm 2024.
CHUNG MỘT LỜI HỨA
Một chuyến về nguồn chan đầy cảm xúc
Bởi tình thân không phân biệt trẻ già
Trăm con tim ngập tràn hạnh phúc
Khi bên nhau hòa nhịp hát ca.
Đến Côn Sơn ta thêm yêu Tổ quốc
Càng thấm ơn thiêng bao thế hệ cha anh
Không tiếc máu xương giữ gìn hồn Nước
Để giang sơn liền một dải yên bình.
Nơi nghĩa trang Hàng Dương bạt ngàn bia mộ
Nén nhang thơm không đủ tỏa hương trầm
Cúi đầu xin anh linh tiền nhân lượng thứ
Chuyến thăm này chưa đủ để tri ân…
Ta nắm tay nhau bên tượng đài bất tử
Dưới tán lê-ki-ma, chị Sáu chợt mỉm cười
Trăm lòng thành chung một lời thầm hứa:
“Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi!”
(Tạp chí Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Xuân Giáp Thìn 2024).
Khổ đầu của bài thơ tả thực hành trình về nguồn của các thế hệ văn nghệ sỹ Sài Gòn. Không khí của đoàn:
“Trăm con tim ngập tràn hạnh phúc
Khi bên nhau hòa nhịp hát ca”.
Khổ thơ thứ hai tả thực đoàn “Đến Côn Sơn” là đảo lớn nhất trong quần đảo Côn Đảo, cũng là tên cũ của quần đảo nơi có địa ngục trần gian giam giữ các chiến sỹ cách mạng và đa số họ đã thành liệt sỹ.
Hai khổ thơ cuối cùng là tâm điểm nghĩa trang Hàng Dương. Sau hai khổ thơ tả thực, lại tiếp câu thơ tả thực thứ 9: “Nơi nghĩa trang Hàng Dương bạt ngàn bia mộ”. Do đó, dù có thắp bao nhiêu nhang cũng không đủ cho phần mộ thấy được và những mảnh xương cốt bị bão cát, các dòng nước mưa cuốn mất rồi.
“Nén nhang thơm không đủ tỏa hương trầm”.
Người đi viếng nghĩa trang Hàng Dương rất đông và không phải tất cả mọi người cùng đến thắp hương với mục đích như nhau. Đa số thắp hương để tỏ lòng biết ơn các liệt sỹ. Có người thắp cho người thân có mộ.
Cho đến hiện nay, chưa có một đại dự án tìm kiếm tất cả các mảnh xương và xét nghiệm ADN tạo thành kho dữ liệu khổng lồ phục vụ việc truy tìm đa số liệt sỹ và trả lại tên cho họ. Theo năm tháng ADN trong xương cốt sẽ bị biến chất khiến tất cả trở về với tự nhiên, không còn khả năng xác định danh tính các liệt sỹ. Nó đòi hỏi sự đóng góp của toàn dân dưới sự tổ chức của Nhà nước ta. Do đó, đa số đến thắp hương cho mộ gió của người thân của mình.
Có một số ít người đến bên mộ chị Võ Thị Sáu, thắp hương để cầu khấn linh hồn chị phù hộ cho công cuộc làm ăn thành công, hoặc được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn. Vài người thắp hương theo mọi người và họ chẳng mảy may nghĩ gì.
Nó là một xã hội thu hẹp của xã hội lớn trải qua nhiều năm tháng, thăng trầm. Và trong đó, có những lời cầu xin rất thực tế về những ước muốn nhỏ nhoi khiến các liệt sỹ mệt mỏi đau lòng.
Nhưng mọi thứ sáng lên khi có một thi sỹ, một nhà khoa học đến thắp hương và bằng sự hồn nhiên thay mặt tất cả mọi người: “Trăm lòng thành, chung một lời thầm hứa:” Hứa gì?!. Câu thơ kết lại lời hứa rõ ràng: “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi”.
Đó là dự cảm tuyệt vời của thi sỹ và là nhà khoa học về người Việt luôn đoàn kết sát cánh cùng nhau; sẳn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh khi ngoại xâm tiến vào bờ cỏi, xâm lược giang sơn. Để Tổ quốc còn, chúng ta còn, con cháu còn và tương lai tươi sáng. Đó chính là thắp nén tâm nhang mà các liệt sỹ rất mong chờ.
***
Thơ của Nguyên Hùng chỉnh về vần điệu, đẹp về hình ảnh, sống động âm thanh và chan chứa tình cảm quê hương của người con xa xứ, tình yêu thiên nhiên, cuộc đời nên có hàng chục ca khúc dùng làm ca từ.
Nhưng do Nguyên Hùng là tiến sỹ khoa học kỹ thuật nên thơ ông có mạch ngầm của khoa học thấm vào trong và nếu chịu khó liên tưởng, so sánh, suy nghĩ những gì con chữ gợi ra, chúng ta thấy một thế giới hòa hợp giữa văn chương và khoa học như là một thực thể sống, là cống hiến rất riêng của nhà thơ mang học hàm tiến sỹ khoa học.
Thơ Nguyên Hùng có nhiều bài mang hình hài siêu thực đã sáng tạo ra một cỏi tâm linh nhuốm nỗi buồn đẹp lung linh chỉ có ở quê hương nơi những con người bình dị đi vào cỏi hư vô để trở thành bất tử nên chỉ có thể dùng cảm nhận để đọc, nhận biết./.
Ghi chú: Hà hay hà biển là một loại động vật chân khớp đặc biệt (do chân đã tiêu biến), có họ hàng với cua và tôm hùm. Hà chỉ sống ở vùng nước mặn, thường là vùng nước nông và thủy triều. Hà là loài sống bám trên các vách đá, vỏ tầu gỗ, sắt, bê tông bến cảng… không di chuyển trong suốt cuộc đời.