TIN TỨC

Nhà văn, GSTS Nguyễn Văn Hạnh trong công cuộc đổi mới văn học

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-11-23 15:55:37
mail facebook google pos stwis
780 lượt xem

Nhà văn, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh sinh năm 1931, quê tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông là nhà giáo, nhà lý luận, phê bình nổi tiếng, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu được bạn đọc cả nước chú ý. Ông cũng là vị thầy khả kính của nhiều thế hệ học trò thành đạt, nhiều người sau này đã trở thành những nhà văn, nhà lý luận phê bình có uy tín trong đời sống văn học nước nhà

Do tuổi cao sức yếu, nhà văn, giáo sư Nguyễn Văn Hạnh đã từ trần vào hồi 22h30’ ngày 19/11/2023, tức ngày 07/10 năm Quý Mão, hưởng thọ 93 tuổi. Văn chương TP. Hồ Chí Minh xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình, đồng nghiệp và bạn hữu của Nhà văn - Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh và trân trọng giới thiệu dưới đây bài viết của nhà văn Phạm Phú Phong.
 

NGUYỄN VĂN HẠNH TRONG CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI VĂN HỌC

PHẠM PHÚ PHONG

Sau “cú đúp” lấy hai bằng cử nhân và tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Lômônôxốp Matxcơva (1957-1963), nếu không tính thời gian làm chủ nhiệm bộ môn lý luận văn học Đại học Sư phạm Hà Nội (1963-1975) chưa có gì nổi trội, thì sự nghiệp giáo dục và hoạt động văn học của Nguyễn Văn Hạnh nổi bật vào thời kỳ gắn liền với công cuộc đổi mới, có thể đã manh nha từ thời làm Trưởng Ban điều hành (Viện trưởng) Viện Đại học Huế (1975-1977) và sau đó, bắt đầu từ khi ông rời chức vụ Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Huế (1977-1981), ra làm Phó trưởng Ban Văn hóa - Văn nghệ Trung ương (1981), rồi chuyển về làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục (1983), đến năm 1987, Nguyễn Văn Hạnh cũng thôi không ở Bộ Giáo dục nữa, ông trở về Ban Văn hóa - Văn nghệ, từ bỏ cương vị công tác có thể được coi là “đức cao vọng trọng” trong ngành giáo dục lúc này tương đối còn êm ả, để lao vào “điểm nóng” của sự nghiệp đổi mới và có đến mười năm lăn lộn, gắn bó, chịu bao nhiêu “hòn tên mũi đạn” với khát vọng góp phần xây dựng một nền văn hóa văn nghệ lành mạnh, dân chủ, nhân văn. Tư tưởng và khát vọng đổi mới đã có từ cốt tính trong con người ông, thể hiện rõ nhất qua từng trang viết, nhất là về mặt tư duy lý luận. Ông đến với công cuộc đổi mới, trước hết với phẩm chất mẫn cảm của người nghệ sĩ và ý thức của một công dân khi đất nước cần/ đòi hỏi, sau đó mới đến trách nhiệm của người được tin giao trọng trách. Ở cương vị là một trong những người lãnh đạo cao nhất về tư tưởng, ông luôn tâm niệm rằng: “Làm công tác tư tưởng nói chung và làm văn học nghệ thuật nói riêng mà lẩn tránh sự thật, không dám nói lên được sự thật, thì không thể nào biết mình đang là ai, đang đứng ở đâu, phải làm gì và tiến lên như thế nào…”. Ông lật lại các vấn đề đã cũ nhưng yêu cầu nhận thức không hề cũ, đã từng có những ý kiến trái chiều gây không ít những cuộc tranh luận sôi nổi và âm thầm, như mối quan hệ giữa hiện thực và nghệ thuật, nội hàm và ý nghĩa của chủ nghĩa hiện thực, nhà văn và tự do sáng tạo, sự cần thiết phải mở rộng các chức năng của văn học, mối quan hệ giữa ngôn từ và ngôn ngữ, tác phẩm và người đọc... trong đó có cả việc khẳng định ý nghĩa của văn chương trong thời kỳ hiện đại là nhằm đến đặc trưng nghệ thuật... Đặc biệt, ngay từ đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước (1972), khi lý thuyết về mỹ học tiếp nhận mới được hai giáo sư Hans Robert Jauss và Wolfgan Iser ở Đại học Konstanz thuộc Cộng hòa liên bang Đức vừa mới đặt những bước nhân thăm dò đầu tiên trước đó vài năm, thì ông đã quan tâm đến vai trò của người đọc, khi đặt vấn đề cần “nhấn mạnh vai trò của người tiếp thu nghệ thuật, nó xem chân lý nghệ thuật không đơn thuần chỉ là sự phù hợp giữa tác phẩm và hiện thực, giữa hình tượng và đối tượng phản ánh, mà còn trùm lên cả hành động sáng tạo và hành động “thưởng thức”/ Lưu ý đến quan hệ giữa tác phẩm và người đọc trong tình hình nghiên cứu hiện nay vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có ý nghĩa chính trị…”. Gần ba mươi năm sau, trong không khí đổi mới của đất nước, ông lại tiếp tục khẳng định vai trò của người tiếp nhận, coi đó là một thành tố làm nên đời sống nghệ thuật: “Không vì bất cứ lý do gì mà coi thường ý kiến người đọc trong tiếp nhận, thưởng thức tác phẩm văn học. Trong lĩnh vực này, nhiều khi kinh nghiệm sống và tấm lòng chân thành, trong sáng giúp người ta đi đến lẽ phải đúng và nhanh hơn trình độ học vấn...”.

Là một người đứng ở tuyến đầu, trước ngọn gió đổi mới, thổi tung tất cả những ao tù nước đọng lưu cữu quá lâu, tất nhiên Nguyễn Văn Hạnh phải là một trong những người đầu tư suy nghĩ, tìm tòi khám phá, viết nhiều, nói nhiều về đổi mới, cả nói và viết đều với một tinh thần trách nhiệm cao: Về quá trình đổi mới văn học hiện nay, Tạo không khí tranh luận bình thường, lành mạnh trong sinh hoạt văn học, Về tiến trình hiện đại hóa văn học, Trở lại vấn đề đặc trưng của văn học, Suy nghĩ về một số vấn đề phương pháp luận nghiên cứu văn học... Đặc biệt là cùng với hàng loạt bài viết của các cây bút cự phách lẫy lừng thời bấy giờ như Hoàng Ngọc Hiến trước đó, rồi đến Nguyễn Minh Châu, Lê Ngọc Trà, Ngô Thảo, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Khải, Xuân Cang... in trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam vào thời điểm bắt đầu công cuộc đổi mới, Nguyễn Văn Hạnh cũng có bài Đổi mới tư duy, khẳng định sự thật trong văn học nghệ thuật (Văn nghệ, số 33, ngày 15/8/1987) thể hiện rõ cương lĩnh của công cuộc đổi mới là nhìn rõ sự thật, nói đúng sự thật trên tinh thần dân chủ thật sự, trước khi khẳng định một thực tế không thể chối cãi rằng: “Đổi mới là một đòi hỏi khách quan, tất yếu của đất nước ta, là nguyện vọng tha thiết của nhân dân ta từ lâu, đặc biệt là từ sau năm 1975. Chủ trương đổi mới đã thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống của đất nước và thật sự đã mang lại niềm phấn khởi và hy vọng cho văn nghệ sĩ và những ai quan tâm đến văn học nghệ thuật…”. Trong tham luận tại Hội nghị lý luận phê bình văn học do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Tam Đảo (ngày 14-15/8/2003) có tiêu đề Tạo không khí tranh luận bình thường, lành mạnh trong sinh hoạt văn học, ông khẳng định vấn đề cốt tử của tinh thần đổi mới là “trước hết phải làm sao tạo được một môi trường sống và làm việc trung thực, nghiêm túc, có nhân cách, có trách nhiệm, một luồng không khí văn học mà trong đó người nghiên cứu cũng như người sáng tác được yên tâm…”

Nhà văn, trước hết là nhà văn hóa, kể cả người hoạt động sáng tác (văn chương tưởng tượng) lẫn người nghiên cứu lý luận phê bình (văn chương lý trí). Nguyễn Văn Hạnh còn là nhà văn hóa giáo dục. Ông từng là tác giả của công trình Lý luận văn học, vấn đề và suy nghĩ (viết chung với Huỳnh Như Phương, 1995, tái bản 1999) sau đó lại tiếp tục cho ra đời Văn học và văn hóa, vấn đề và suy nghĩ (2002). Dường như trong hệ hình tư duy của Nguyễn Văn Hạnh lúc nào cũng có/ đặt “vấn đề” cần/ buộc phải “suy nghĩ”. Thái độ ứng xử văn hóa trước thời cuộc, nhất là trong giai đoạn đất nước đang chuyển mình trong sự đổi mới, tất yếu là có lắm điều cần phải trăn trở, nghĩ suy… Với tính cách cứng cỏi, người Quảng Nam sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thách thức, có thái độ phản ứng mạnh mẽ sự bất công, áp bức, ông nói cứ như “suy từ bụng ta”. Chính con người ông là tấm gương phản chiếu cho những điều ông kiến giải... Nhạy cảm với những buồn vui, thăng trầm, số phận của đất nước. Nhạy cảm với thiên nhiên, cây cỏ, với cái đẹp. Nhạy cảm với những cái mới. Nhạy cảm trước những dự báo. Nhạy cảm trước những đổi thay. Và, tất nhiên, nhạy cảm luôn gắn liền với sự khám phá, phát hiện cái mới và luôn ở vị trí tiên phong trong những đổi mới. Nguyễn Văn Hạnh là một trong những con người có không ít những phẩm chất và bản lĩnh văn hóa ấy.

Văn hóa Việt Nam không nặng về văn hóa tư tưởng mà thiên về văn hóa ứng xử, trong tất cả các mối quan hệ, từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Do vậy, nói đến văn hóa luôn gắn liền với giáo dục và bắt đầu từ giáo dục gia đình… Trong quá trình mở cõi về phương Nam, chúng ta đã kịp thời xây dựng cho mình một đời sống văn hóa riêng. Vì vậy, bao nhiêu cuộc xâm lược kéo dài hằng nghìn năm, nhưng kẻ thù vẫn không thể nào đồng hóa nổi. Khái quát vấn đề này, nhà văn hóa giáo dục Nguyễn Văn Hạnh cho rằng: “Tinh thần Việt Nam, tính cách Việt Nam luôn có thiên hướng, có khả năng kết hợp các mặt khác biệt, đối lập: cái cũ và cái mới, quá khứ, hiện tại và tương lai, cộng đồng và cá thể, tình và lý, nhân và nghĩa, tinh thần và vật chất, cương quyết và kiên trì, cứng và mềm, tự nhiên và xã hội”. Trong sự dung hợp nhiều yếu tố/ phẩm chất, có khi tương đồng, có khi đối lập mà vẫn xuyên thấm lẫn nhau để tạo nên sức mạnh ấy, ông cho rằng hoàn toàn dựa vào một phẩm chất nền tảng làm cốt tử, nó đã được sản sinh từ trong truyền thống dựng nước và giữ nước, cần phải được giữ gìn và phát huy trong công cuộc đổi mới…  

Là một giáo sư văn học được đào tạo một cách chính quy, chuẩn mực, ông lại mang cốt tính của văn hóa quê ông, nên tuy ông trung thực, ngay thẳng, bộc trực và trung thực với chính sự ngay thẳng, bộc trực ấy, nhưng ông lại có cả phẩm chất mô phạm của một nhà giáo, vì vậy, ông nói có người nghe và nhiều người chịu nghe ông nói. Đối tượng trực tiếp của ông là giới trẻ, là học trò, lớp người mới, thế hệ của tương lai. Ông luôn đặt mình vào vị trí của người tiếp nhận để giãi bày, thuyết phục với sự đồng cảm sẻ chia…

Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh không chỉ khẳng định nhân cách và ngòi bút của mình trên văn đàn mà còn luôn sừng sững, sâu đậm trong tâm tưởng nhiều thế hệ học trò trong cả nước.

Nguồn: Trang điện tử Báo Văn nghệ.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Khơi nguồn văn hóa Việt qua xuất bản sách
Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc - ASEAN 2024 diễn ra tại thành phố Nam Ninh (Trung Quốc) từ ngày 16 - 19.11. Tại đây, 2 đầu sách về văn hóa VN đã được giới thiệu với bạn đọc ngoài nước.
Xem thêm
Hội Nhà văn Việt Nam mời dự Đại hội
Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ XI (2025-2030) - Chi hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh
Xem thêm
Thể lệ Cuộc thi viết và ảnh Đánh thức những miền đất
Tạp chí Đầu tư Tài chính tổ chức Cuộc thi viết và ảnh với chủ đề Đánh thức những miền đất dành cho mọi công dân Việt Nam
Xem thêm
Danh sách các tác giả vào Vòng chung khảo Cuộc thi Nhân nghĩa đất phương Nam lần 2
Công bố Danh sách các tác giả có thơ được chọn đăng trong tập thơ Tay người đô thị đầy dấu nắng khuya (trong đó 33 tác giả vào Vòng Chung khảo cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam
Xem thêm
Cần Thơ: Tọa đàm “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học hiện đại”
Cần Thơ: Tọa đàm “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học hiện đại”
Xem thêm
Trí tưởng tượng bay bổng và những bài học quý
Đọc sách “Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo” của Trần Hà Yên
Xem thêm
Mỗi nhà văn nên giữ một trái tim thanh xuân
Hội nghị người viết trẻ TPHCM lần thứ 5 đã khai mạc tại trụ sở Hội Nhà văn TPHCM. Ngoài 100 đại biểu góp mặt, sự kiện còn quy tụ nhiều cây bút nổi tiếng, có sức ảnh hưởng với văn đàn thành phố và cả nước.
Xem thêm
Hội nghị những người viết trẻ: Đồng hành khát vọng phương Nam
Chúng tôi những người lính tuổi U80 đến dự Hội nghị những người viết văn trê lần thứ 5 do Hội Nhà văn TP HCM tổ chức.
Xem thêm
HTV đưa tin về Hội nghị những người viết trẻ TP.HCM lần 5
Sáng 4.10, BCH Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức họp báo, thông tin về Hội nghị những người viết trẻ TP.HCM lần 5. c
Xem thêm
Thơ Văn Liêm và những khao khát biển bờ!
Bài của Nguyễn Văn Hòa về nhà thơ Văn Liêm
Xem thêm
Giao lưu và ra mắt 2 tác phẩm Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa chân dung thơ của nhà thơ Nguyên Hùng
Sáng ngày 02/ 10/ 2024, Hội trường B lầu 2 số 81 Trần Quốc Thảo, Quận 3, TP HCM, nhà thơ Nguyên Hùng đã ra mắt bạn đọc 2 tác phẩm Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa 81 chân dung văn học.
Xem thêm