- Tin tức - Hoạt động Hội
- BTV Hội Nhà văn Việt Nam gặp gỡ hội viên khu vực TPHCM, trao các giải thưởng cá nhân và trao quyết định kết nạp hội viên
BTV Hội Nhà văn Việt Nam gặp gỡ hội viên khu vực TPHCM, trao các giải thưởng cá nhân và trao quyết định kết nạp hội viên
(Vanchuongthanhphohochiminhvn) – Sáng 21/2, Ban thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức buổi gặp gỡ hội viên khu vực TP.HCM nhân dịp xuân Nhâm Dần và trao các giải thưởng cá nhân, quyết định kết nạp hội viên mới tại Hội trường Hội Nhà văn TP.HCM.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại buổi gặp gỡ. Ảnh: NGUYỄN HÀ.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ sự vui mừng khi có thể gặp mặt các cây bút của Hội Nhà văn TP.HCM và ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các hội viên cũng như Hội Nhà văn TP.HCM trong thời điểm TP.HCM căng mình chống dịch. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã bày tỏ lòng cảm ơn và tri ân nhà thơ khu vực TP.HCM đã không ngại gian khó, hiểm nguy xông vào tâm dịch hỗ trợ những túi quà, suất ăn… đến với người dân, lực lượng tuyến đầu. Những hành động nhân văn đó đã lan tỏa mạnh mẽ và gây xúc động trong cộng đồng, góp phần điểm tô cho giới văn chương-văn nghệ – không chỉ làm đẹp cho đời bằng những trang văn trang thơ hay, mà họ còn thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 khó khăn nhất.
Nhân dịp này, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải “Nữ nhà văn ấn tượng” cho 2 nhà thơ là Mai Hường và Huệ Triệu thuộc Hội Nhà văn TP.HCM vì có nhiều đóng góp trong công tác thiện nguyện.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều phát biểu cho rằng: Giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng “là giải thưởng đẹp nhất của Hội Nhà văn Việt Nam, nhằm ghi nhận những nỗ lực thiện nguyện của hai nhà thơ trong đợt đại dịch COVID-19 năm 2021 vừa qua”.
“Những nhà văn nhà thơ nữ tại TP.HCM đã lặng lẽ đi trong đại dịch đang căng thẳng, mang từng bó rau, ký gạo, viên thuốc cho bệnh nhân COVID-19… Chính Huệ Triệu và Mai Hường đã viết nên những trang đời lộng lẫy, viết một cuốn sách khác những cuốn mà ta đã biết, để mang đến cho cuộc sống những điều tử tế”, ông Nguyễn Quang Thiều ghi nhận.
Mỗi nhà văn đoạt giải được nhận bằng chứng nhận kèm 10 triệu đồng.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cùng nhà thơ Huệ Triệu (bên trái) và Mai Hường. Ảnh: NGUYỄN HÀ.
Cũng trong dịp này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng Văn học thiếu nhi năm 2021 cho đại diện gia đình cố nhà văn Lê Văn Nghĩa với tác phẩm Mùa tiểu học cuối cùng (NB Kim Đồng).
Nhà thiết kế Minh Hạnh (giữa) thay mặt cố nhà văn Lê Văn Nghĩa nhận giải thưởng Văn học thiếu nhi từ Hội Nhà văn Việt Nam.
Theo nhận xét của Hội Nhà văn Việt Nam, Mùa tiểu học cuối cùng “mang một cách kể giản dị nhưng xúc động bởi tính chân thực và một giọng văn phù hợp với các nhân vật ở lứa tuổi. Những câu chuyện thường nhật của những đứa trẻ được nhà văn biến thành ký ức không thể quên trong tâm hồn một con người. Những ký ức đó đã làm hiển lộ tâm hồn trẻ thơ và với tâm hồn tươi trẻ, trong sáng ấy, chúng sẽ lớn lên để làm con người tử tế”.
Nhìn nhận từ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Văn học thiếu nhi vốn vắng bóng trong cơ cấu các giải của Hội Nhà văn Việt Nam hơn chục năm nay, lần này giải được bỏ phiếu trở lại cũng chính là một kỳ vọng các tác phẩm văn học thiếu nhi sẽ tiếp tục góp mặt.
Ban Thường vụ Hội Trao quyết định kết nạp hội viên cho 4 nhà văn
Tại buổi gặp mặt đầu năm này, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng đã thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam tiến hành trao thẻ hội viên cho ba nhà văn khu vực phía Nam vừa được kết nạp là Nhật Chiêu, Phương Huyền (TP.HCM) và Hoàng Ngọc Điệp (Đồng Nai).
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chụp ảnh lưu niệm cùng các hội viên khu vực TP.HCM.
Không chỉ vậy, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng thông báo một số chương trình dự kiến sắp tới sẽ tổ chức, như hội thảo tổng kết văn học Việt Nam 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, hoặc Văn học TP.HCM với nội dung và sứ mệnh.
Bên cạnh đó là kế hoạch xây dựng một Ngày văn hóa Nguyễn Du; và kế hoạch dịch tác phẩm văn học Việt Nam một cách tổng thể, toàn diện “để nước ngoài hiểu một nền văn học, một nền văn hóa, một thể chế không bị méo mó đi” – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết.
Phùng Hiệu