TIN TỨC

Thiên thần – Truyện ngắn Nguyễn Thị Thanh Bình

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1201 lượt xem

Dù “kể tội” bố mẹ nhưng lại như thể nó đang kể chuyện của ai đó bằng giọng trong trẻo, tâm thế bình tĩnh, thậm chí hài hước chứ không phải trách cứ, giận hờn.

Con bé nhổm người, tụt từ trên ghế xuống đất, cẩn thận xỏ chân vào dép, bước thêm một bước, áp bụng vào bàn rồi mới khẽ cúi xuống cái ống hút trong ly sinh tố. Nhìn con bé khẽ khàng rất ra vẻ, anh thấy buồn cười. Con bé khôn hơn tuổi, nói năng già dặn, lâu lâu lại bẹt bẹt cái miệng rồi lắc lắc đầu khi nói đến chuyện gì không vừa lòng thuận ý.

Con bé làm anh nhớ đến mẹ. Mẹ anh rất hay dùng điệu bộ, cử chỉ thay cho lời nói. Có khi, thay vì phản bác lời bố, mẹ chỉ đứng bĩu môi. Bố thấy mẹ im lặng thì ngạc nhiên lắm, quay sang nhìn thì thấy mẹ vừa bĩu môi vừa lắc đầu như bà mẹ bất lực trước đứa con ngỗ nghịch. Cảnh tượng ấy làm bố phì cười. Ngay lập tức, bố nhận được cái nguýt háy dài hàng ngàn cây số của mẹ.

Bố rất hay kể lại chuyện đó, còn bảo nhìn mẹ khi ấy hay hay. Mẹ vốn chẳng biết phải đối đáp sao nhưng không chịu thua nên bày ra vẻ mặt rất ư là… phụ huynh, lại kiểu hờn dỗi. Bố nói, khi ấy bố chẳng nghĩ được gì nữa, trước đó có chuyện gì thì cũng nhanh chóng xóa trắng. Từ đó về sau, bố chẳng mấy khi to tiếng với mẹ, có gì không nên không phải bố cũng tìm cách nói nhẹ và giảng giải cho mẹ hiểu.

“Hồi còn ở chung, bố mẹ cháu mỗi người một hướng. Sáng ra khỏi nhà, tối mịt mới về. Ngay từ khi học lớp Hai cháu đã phải đi bộ về nhà, vì có chờ cũng không ai đón. Chú nhìn vết sẹo này đi. Cháu bị chó đuổi nên ngã đấy. Hai con chó con đang vật nhau, cháu đi qua, hù chúng nó một cái, thế là chúng nó đồng lòng quay sang đuổi cháu. Cháu bỏ chạy thục mạng và ngã, máu chảy rất nhiều. Khi ấy cháu còn bé nên đâu biết hai con chó con thì làm gì được, tại sao phải chạy cho nó đuổi. Chính bác chủ nhà của hai con chó chở cháu ra trạm y tế băng bó vết thương cho cháu và chở cháu về nhà. Thế mà khi biết chuyện, mẹ lại đòi làm ầm ĩ lên bắt đền bác ấy. Rõ buồn cười. Mẹ tưởng mẹ hung dữ ra vẻ bảo vệ cháu thì cháu sẽ ngoan hay sao?”.

Con bé dừng lại, hút thêm một ngụm sinh tố, vẻ mặt thỏa mãn vì sinh tố xoài là món nó thích nhất. Anh nghe con bé nói “khi ấy cháu còn bé” mà cảm thấy buồn cười. Chứ giờ nó đã lớn với ai? Cái khi ấy của nó chỉ cách nay hai năm thôi, nhưng nhìn vẻ mặt đầy hoài niệm kiểu bà cụ non của nó, anh im lặng.

“Bố cháu thì luôn hứa sẽ cho cháu đi chơi đây đó. Bố hứa đưa đi Đầm Sen bốn lần, đi Suối Tiên sáu lần và đến tận bây giờ cháu chưa từng đi hai nơi ấy” – con bé nói xong thì bật cười giòn tan. Anh không tìm thấy nét buồn bã nào trên mặt hay trong lời kể của nó. Dù “kể tội” bố mẹ nhưng lại như thể nó đang kể chuyện của ai đó bằng giọng trong trẻo, tâm thế bình tĩnh, thậm chí hài hước chứ không phải trách cứ, giận hờn.

Anh vươn tay xoa đầu con bé và bật cười theo. Con bé chín tuổi và hiểu chuyện đến kinh ngạc. Kinh ngạc hơn nữa là mới chừng một giờ trước, nó vừa gào lên nói chú đừng xen vào chuyện của mẹ con cháu và đuổi anh ra khỏi nhà, thế mà giờ nó đã ngồi trước mặt anh, ngoan như một con mèo nhỏ.

***

Trưa nay, lúc anh đang nấu cơm thì hai mẹ con nó nói chuyện gì đó và anh nghe có tiếng cãi nhau. Dạo này anh thấy Hoài, mẹ con bé, hay lo lắng, nhiều khi bần thần. Hẳn tin tức về bệnh tình của Phú làm Hoài bất an. Dù họ đã ly hôn nhưng làm sao cấm cản được tâm trí họ hướng về nhau. Sau giờ làm, Hoài thường đến nhà chồng cũ, nấu cho Phú bữa tối rồi mới về nhà.

Hoài áy náy với anh nhưng anh gạt đi, nói Hoài cứ làm những gì cô thấy đúng và để lòng mình nhẹ nhõm. Thật sự, lúc này, anh nhìn Hoài như nhìn cô em út, sẵn sàng che mưa nắng cho cô, hoàn toàn không phải là người anh đang tìm hiểu để về chung một nhà.

Khi hai mẹ con to tiếng, anh lên tiếng nói Hoài đừng la con thì con bé quay ngoắt nhìn anh, quát to:

– Chuyện của mẹ con cháu, chú đừng xen vào! Chú đi ra.

Để tránh cảnh hai mẹ con khó xử, anh đã ra quán cà phê ngồi. Thế nhưng, một lúc sau, con bé đã tìm đến, xin một ly sinh tố xoài và ngồi ngoan trước mặt anh. Rất tự nhiên, nó kể chuyện nhà mình:

– Có lẽ vì là con bố mẹ cháu nên cháu cũng buồn cười như vậy. Cháu đang ở trong nhà chú nhưng lại đuổi chú ra khỏi nhà. Thật vô lý, nhưng, tại sao chú lại đi?

Thật lòng lúc ấy anh rất muốn xen vào câu chuyện của hai mẹ con họ. Khi nhìn thấy Hoài tát con gái, anh đã sốc. Anh lao vào, nghĩ sẽ cho con bé một cái ôm nhưng không ngờ con bé lại đuổi anh đi. Hẳn nó không muốn anh chứng kiến lúc nó nhếch nhác, xấu xí.

Lúc ấy, anh thoáng nghĩ đến Phương, nghĩ nếu hai mẹ con Phương vượt qua cửa tử, liệu Phương có đánh con như thế khi con gái bướng bỉnh cãi lại. Lúc nhìn thấy dấu tay Hoài in trên mặt con bé, anh đã đau đớn, nỗi đau rất thật. Anh đã không suy nghĩ gì, chỉ muốn bảo vệ con bé. Cho đến khi con bé quát lên, anh mới sực tỉnh.

Từ ngày mẹ con Hoài về ở nhà anh, con bé trầm lắng hẳn. Thi thoảng, anh thấy con bé ngắm ảnh bố nó, có khi nó hỏi Hoài:

– Mẹ còn nhớ bố không?

Anh biết Hoài không trả lời, có lẽ vì sợ anh buồn.

Con bé truy hỏi Hoài có phải mẹ đã quên bố rồi đúng không, mẹ quên bố nên mới bán đi căn nhà cũ mình từng ở… Dù là trẻ con nhưng nó cũng biết mẹ nó sắp lấy anh và thắc mắc rằng mẹ lấy chú, tại sao con phải đi cùng. Anh không hiểu tại sao Hoài lại không muốn con bé nhắc đến bố nó. Hoài lo sợ điều gì? Phú là bố con bé thì con bé nhớ là chuyện rất bình thường. Chuyện người lớn còn hay hết tình cảm đâu liên quan gì đến con trẻ.

Anh lờ mờ đoán, bệnh tình của Phú không mấy khả quan. Hoài muốn con gái nhớ đến hình ảnh bố mạnh khỏe, tươi tắn. Nửa năm nay, Phú lấy cớ đi công tác xa thành phố nên không đến thăm con. Hoài nào biết, Hoài càng giấu giếm thì tình thương trong con bé càng lớn. Họ là cha con, làm gì có cách chia cắt được thứ tình cảm thiêng liêng này. Sự thật nào có thể giấu mãi?

Hoài nhắn tin nói sang thăm Phú một chút. Anh nói cô cứ đi đi, anh sẽ để mắt đến con bé. Anh cũng nói Hoài nên nghĩ lại, không có lý do gì để Hoài cấm cản hai bố con họ gặp nhau. Già trẻ, yếu khỏe hay xấu đẹp, Phú vẫn là bố con bé.

Phụ nữ một lần đò, phải chăng ai cũng thấp thỏm như Hoài, nhất là Hoài lại mang theo con gái. Hoài chưa có kinh nghiệm làm mẹ, làm vợ cũng không. Qua một cuộc hôn nhân lạnh nhạt chỉ biết công việc, Hoài rút kinh nghiệm rất sâu sắc rằng vì Hoài lạnh nhạt nên cuộc hôn nhân đó mới chóng hết hạn sử dụng. Nay Hoài dụng tâm hơn, gần như nhìn sắc mặt anh để sống. Không biết Hoài có mệt mỏi không khi cứ phải ép bản thân. Anh thương Hoài, thương con bé con nhạy cảm, khôn sớm. Anh hoàn toàn không muốn thay thế vị trí của Phú. Anh biết dù mình có làm mọi cách thì con bé cũng biết đâu mới là ruột thịt.

– Mai kia chú có em bé. Chú đừng hứa gì nhé. Chỉ khi làm được mới nói ra. Hứa mà không thực hiện thì tệ lắm.

– Chú sợ sẽ không làm được người cha tốt, nhất là với những cô con gái.

– Thế thì chú đẻ em trai đi. Bọn con trai dễ bảo hơn.

Con bé xòe bàn tay ra, kể về những đứa con trai trong lớp. Bạn Tuấn rất ngoan và rất nghe lời, khi cháu muốn giặt khăn lau bảng thì Tuấn luôn là người xung phong. Bạn Khánh hay cho cháu kẹo, mấy lần Khánh đi học về mà muốn rẽ vào chỗ chợ lô tô, cháu quát bảo đi về là Khánh quay về ngay. Còn bạn Hùng, sau một lần quên trực nhật, bị cháu mắng, những lần sau Hùng luôn đi sớm và làm rất cẩn thận…

Anh phì cười. Không nghĩ có ngày mình sẽ ngồi với một con bé con và bàn chuyện nuôi dạy con trai con gái mình sau này.

– Cháu đừng giận mẹ, mẹ cháu chỉ là quá lo lắng. Cháu biết vì sao hai mẹ con cháu lại đến ở nhà chú không?

– Vì chú với mẹ cháu sắp làm đám cưới.

Anh định hỏi nó biết đám cưới là gì không, lại sợ con bé biết thì tội cho nó. Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình khiếm khuyết thường rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Ngay bản thân anh, từ khi mất vợ và con gái, cứ nhìn thấy mái tóc dài là anh lại nhớ Phương. Tóc Phương dài và đen như dải lụa. Lúc có thai, Phương cứ đòi cắt tóc cho nhẹ đầu, anh phải động viên mãi, còn nhận trách nhiệm gội đầu, sấy tóc cho Phương, cô mới chịu thôi. Anh nhớ mãi lúc nhìn Phương nằm im lặng đó, mái tóc đen của cô cũng thôi óng ánh, chỉ còn lại một màu đen da diết, sâu thẳm.

Cũng từ đó, khi nhìn thấy bé gái nào, anh lại tự hỏi nếu con gái anh còn thì nó lớn chừng nào rồi, biết làm gì rồi, giống Phương hay giống anh. Nếu giống Phương, hẳn sẽ là cô bé bướng bỉnh nhưng lại hay dỗi, giống anh hẳn sẽ ít nói ít cười. Nên khi thấy Hoài và con bé, anh đã mềm lòng. Anh không biết tình cảm anh dành cho hai mẹ con Hoài là gì nhưng cứ phải bảo bọc họ đã.

Anh không hiểu vì sao vợ chồng Hoài lại ly hôn trong khi Phú hiền và thương yêu vợ con. Hai người ly hôn hơn nửa năm anh mới biết. Đó cũng là lúc anh vừa tỉnh dậy sau cơn đau chia lìa. Anh nhìn thấy Phú u ám và Hoài héo hắt, thấy tiếc cho cả hai. Những tưởng sau gần chục năm bên nhau, họ đã hiểu và thông cảm cho nhau.

Hoài cười buồn, là quen quá hóa nhàm anh ạ. Nhìn Phú làm gì em cũng thấy không vừa ý. Phú cũng chẳng coi em là vợ. Anh ấy có thể thản nhiên xộc vào phòng tắm khi em đang ở bên trong, thản nhiên dùng nhà vệ sinh như thể mình đang tàng hình. Anh hay đọc sách, có thể anh cho đó là hành động rất ngôn tình gì đấy nhưng với em thì không. Em đã nói nhỏ, nói to, thậm chí gào lên nhưng anh ấy chỉ cười hề hề rồi bỏ ngoài tai.

Chuyện rất nhỏ và vớ vẩn nhưng lại có sức tàn phá ghê gớm lắm. Mỗi lần vào nhà tắm, em luôn vội vàng chốt cửa. Mỗi lần nhìn thấy anh ấy, em lại nhớ cảnh anh ấy ngoáy mũi, vo viên rồi búng ra ngoài cửa sổ. Em cũng có nghĩ đến ngày đang yêu, anh ấy vượt 20 cây số để chạy đến đưa em ly trà sữa, vượt 20 cây số để chở em về giữa cơn mưa tầm tã… Em cũng nhớ nhiều lắm, nhưng ký ức ấy không át được.

Anh thở dài, biết chắc là mình không thể đưa ra lời khuyên nào. Lời khuyên nói ra thì dễ, bản thân mình đôi khi còn không làm được, nói gì người khác. Khi Hoài bán nhà, anh đã đề nghị hai mẹ con về nhà anh ở thay vì thuê trọ.

***

Từ ngày ở nhà anh, Hoài dần như hồi sinh. Cô bớt u buồn, có những khi anh không hỏi gì cô cũng kể. Nhất là những đêm khi con bé ngủ say, Hoài cuộn người trong góc sofa và trôi trong dòng sông ký ức. Có những khi anh không tập trung nghe, Hoài cũng không bận tâm. Hoài chỉ muốn kể, muốn nhắc, có thể như vậy Hoài sẽ nhẹ lòng hơn. Anh nói chuyện với Phú, cậu ta nói em giờ thân mình còn lo chưa xong, mẹ con Hoài đành nhờ anh vậy.

Trước khi mẹ con Hoài về, anh đã xin phép hai mẹ con Phương. Nhà ở không sợ chật, chỉ sợ lòng người hẹp. Sẽ không ai có thể thay thế được hai mẹ con Phương trong anh. Nếu anh có ai khác, họ sẽ nối tiếp chứ không thể che khuất. Mẹ con Phương là một phần đời không thể thiếu của anh, vĩnh viễn ở đó.

Ở gần rồi anh mới biết con bé khôn lanh. Hoài gần như bất lực với con. Người như Hoài đã quen được chăm sóc, nay phải đưa vai ra gánh vác mới thấy chông chênh.

– Mẹ cháu đến nấu cơm cho bố cháu ạ? Chú này, có khi nào bố mẹ cháu quay lại với nhau không?

– Có thể lắm chứ. Đó sẽ là một tin mừng.

Con bé làm một hơi dài, ly sinh tố trơ đáy. Con bé kiễng chân ngồi lên ghế, từ nãy giờ nó leo lên tụt xuống không biết bao nhiêu lần. Nó nhìn anh, có vẻ rối rắm:

– Nếu mẹ cháu về ở với bố thì chú làm sao bây giờ?

Anh phì cười, câu hỏi thật hóc búa, chắc chắn là vậy nên con bé mới đăm chiêu thế. Hai hàng lông mày nó nhíu lại gần chạm nhau khiến anh lại nhớ đến con gái. Hẳn con gái anh cũng sẽ nhíu mày như thế, cũng sẽ dẩu môi giống như bà nội. Có khi con gái anh sẽ gặp con bé này, chúng nó sẽ là chị em, con bé này hẳn sẽ khéo léo và chiều chuộng em gái lắm. Có phải con gái sợ anh buồn nên đã cầu xin thượng đế và thượng đế đưa con bé này đến bên anh, để anh chăm sóc và thương yêu nó.

Chiều muộn, anh nhắc con bé nên đi về, nó gật đầu, còn ngoan ngoãn xòe bàn tay nhỏ ra với anh. Anh vui vẻ nắm lấy, bàn tay mềm mịn và mát, hẳn là bàn tay của thiên thần. Lúc con bé đang dung dăng dung dẻ với anh, đột nhiên nó dừng lại, nghiêm túc:

– Thì để bố mẹ cháu ở với nhau. Cháu sẽ ở với chú.

Theo PNO

Bài viết liên quan

Xem thêm
Khơi nguồn văn hóa Việt qua xuất bản sách
Tuần lễ văn hóa sách Trung Quốc - ASEAN 2024 diễn ra tại thành phố Nam Ninh (Trung Quốc) từ ngày 16 - 19.11. Tại đây, 2 đầu sách về văn hóa VN đã được giới thiệu với bạn đọc ngoài nước.
Xem thêm
Hội Nhà văn Việt Nam mời dự Đại hội
Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ XI (2025-2030) - Chi hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh
Xem thêm
Thể lệ Cuộc thi viết và ảnh Đánh thức những miền đất
Tạp chí Đầu tư Tài chính tổ chức Cuộc thi viết và ảnh với chủ đề Đánh thức những miền đất dành cho mọi công dân Việt Nam
Xem thêm
Danh sách các tác giả vào Vòng chung khảo Cuộc thi Nhân nghĩa đất phương Nam lần 2
Công bố Danh sách các tác giả có thơ được chọn đăng trong tập thơ Tay người đô thị đầy dấu nắng khuya (trong đó 33 tác giả vào Vòng Chung khảo cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam
Xem thêm
Cần Thơ: Tọa đàm “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học hiện đại”
Cần Thơ: Tọa đàm “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học hiện đại”
Xem thêm
Trí tưởng tượng bay bổng và những bài học quý
Đọc sách “Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo” của Trần Hà Yên
Xem thêm
Mỗi nhà văn nên giữ một trái tim thanh xuân
Hội nghị người viết trẻ TPHCM lần thứ 5 đã khai mạc tại trụ sở Hội Nhà văn TPHCM. Ngoài 100 đại biểu góp mặt, sự kiện còn quy tụ nhiều cây bút nổi tiếng, có sức ảnh hưởng với văn đàn thành phố và cả nước.
Xem thêm
Hội nghị những người viết trẻ: Đồng hành khát vọng phương Nam
Chúng tôi những người lính tuổi U80 đến dự Hội nghị những người viết văn trê lần thứ 5 do Hội Nhà văn TP HCM tổ chức.
Xem thêm
HTV đưa tin về Hội nghị những người viết trẻ TP.HCM lần 5
Sáng 4.10, BCH Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức họp báo, thông tin về Hội nghị những người viết trẻ TP.HCM lần 5. c
Xem thêm
Thơ Văn Liêm và những khao khát biển bờ!
Bài của Nguyễn Văn Hòa về nhà thơ Văn Liêm
Xem thêm