- Tin tức - Hoạt động Hội
- Giao lưu văn chương Việt – Hàn lần 3: Thi ca làm cầu nối văn hóa
Giao lưu văn chương Việt – Hàn lần 3: Thi ca làm cầu nối văn hóa
Bài và ảnh: NGUYÊN HÙNG
Chiều 18/7/2025, tại Hội trường Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM (81 Trần Quốc Thảo, Quận 3), đã diễn ra chương trình Giao lưu văn chương Việt – Hàn lần thứ 3 với chủ đề “Gặp gỡ thi ca Việt – Hàn”, do Hội Nhà văn TP.HCM phối hợp với Trường Đại học Văn Lang và Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc tổ chức.
Sự kiện quy tụ các nhà thơ, nhà văn, dịch giả, học giả và bạn đọc yêu văn chương hai nước, trong đó có các gương mặt đại diện được đông đảo bạn yêu thơ biết tới như nhà thơ Nguyễn Khánh Chi, nhà thơ-nhà văn Hàn Quốc Ra Hee Duk, dịch giả – TS Nguyễn Thị Hiền (Hiền Nguyễn), nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cùng nhiều nhà văn nhà thơ và sinh viên, học viên ngành văn học và ngôn ngữ Hàn Quốc.
Tham dự sự kiện này còn có: Bà Choi Kyung Ju, Tổng lãnh sự quán Đại Hàn dân quốc tại TP. HCM; Ông Ahn Ji Bok, Giám đốc Tạp chí Life Plaza, Hội Hàn kiều tại TP. HCM và nhiều vị khách Hàn Quốc đang làm việc tại Việt Nam.
Bà Choi Kyung Ju, Tổng lãnh sự quán Đại Hàn dân quốc tại TP. HCM phát biểu chào mừng.
Thi ca là chiếc cầu đưa văn hóa đến gần nhau
Nhà văn Bích Ngân– Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM phát biểu khai mạc.
Phát biểu khai mạc chương trình, nhà văn Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM – khẳng định: “Quá trình giao lưu và hội nhập văn hóa mà văn học giữ vị trí quan trọng, không chỉ nhằm cho các nhà văn gặp nhau, mà còn đưa các quốc gia đến gần nhau qua tác phẩm, qua số phận con người, vẻ đẹp tâm hồn và giá trị nhân văn.”
Bà cũng nhấn mạnh hiệu quả từ chuỗi hoạt động hợp tác suốt 3 năm qua giữa Hội Nhà văn TP.HCM, Trường ĐH Văn Lang và Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc (KLTI), trong đó có các chương trình dịch thuật, tọa đàm và workshop văn học định kỳ.
Những cuộc gặp đầy thi vị và trải nghiệm sâu sắc
Phần giao lưu chính là cuộc đối thoại thi ca giữa hai nhà thơ nữ tiêu biểu: Nguyễn Khánh Chi (Việt Nam) và Ra Hee Duk (Hàn Quốc) – hai cây bút thuộc thế hệ sinh đầu thập niên 60, cùng trải qua thời kỳ chuyển mình của văn học Đông Á và có nhiều điểm tương đồng trong hành trình sáng tác.
Nhà thơ Khánh Chi.
Nhà thơ Nguyễn Khánh Chi chia sẻ: “Tôi từng sang Hàn Quốc và cảm nhận một không khí thơ rất đặc biệt, tinh tế nhưng đầy chiều sâu nội tâm. Thi ca Hàn mang tính nữ tính cao, giống như những vạt lụa nhẹ mà dai dẳng cảm xúc”. Trả lời câu hỏi của MC nhà văn Phương Huyền tại sao chị chuyển sang làm báo sau khi tốt nghiệp Trường viết văn Gorky, nhà thơ bộc bạch rằng: “Tôi làm thơ từ nhỏ, cả một thời tuổi trẻ là đi học, sau đó lại đi du học tiếp ở Nga, nên tôi không tự tin với vốn sống của mình để sáng tác. Vì vậy, sau khi học xong chương trình đại học ở Moskva, tôi về nước xin làm báo. Và chính công việc của một nhà báo đã giúp tôi tích lũy vốn sống để tôi sáng tác thời gian sau này”
Nhà thơ Ra Hee Duk (người cầm mic) chia sẻ.
Trong khi đó, nhà thơ Ra Hee Duk – từng nhận hơn 10 giải thưởng văn học lớn của Hàn Quốc – bày tỏ xúc động: “Việt Nam để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Ở đây, tôi thấy thơ không chỉ được viết, mà còn được sống – được thốt lên từ trái tim”. Chị sang Việt Nam lần này là lần thứ tư và chị vẫn còn muốn tiếp tục đến những lần sau để có cơ hội tìm hiểu Việt Nam và giao lưu cùng các đồng nghiệp Việt Nam, mong góp phần làm cho hai nền văn học Việt – Hàn sớm xích lại gần nhau.
Vai trò của dịch thuật và xúc tác giao lưu văn học
TS. Nguyễn Thị Hiền – Trưởng Khoa Ngôn ngữ & Văn hóa Hàn Quốc, Đại học Văn Lang, đồng thời là dịch giả nhiều tác phẩm văn học Hàn nổi tiếng – khẳng định: “Dịch giả không chỉ chuyển ngữ mà còn là người truyền cảm. Nếu không có họ, thơ sẽ không thể ‘sống đời thứ hai’ nơi xứ người. Nhưng dịch thơ luôn là công việc đầy thử thách”.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho biết, Hội Nhà văn TP.HCM đang đẩy mạnh các chương trình giao lưu thơ, đặc biệt là thơ trẻ và thơ nữ với các quốc gia châu Á: “Chúng tôi mong muốn mở rộng hơn nữa những sân chơi thi ca – nơi văn học không chỉ được trưng bày mà được tương tác, thảo luận, và đồng hành”. Theo nhà thơ, hiện nay sự tương tác giữa văn chương Việt – Hàn mới chỉ ở mức giao lưu, vì chúng ta chưa có những tuyển tập thơ, những tập thơ của các tác giả được dịch để phục vụ độc giả. Để tìm hiểu một tác giả hay một trào lưu thơ thì không thể chỉ dựa vào mấy tập thơ văn mà trong đó mỗi tác giả chỉ có một bài.
Đọc thơ - quà tặng tinh thần lúc mở màn chương trình và trước giờ chia tay
Nhà văn Trầm Hương đọc thơ
Mở đầu chương trình, nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, đã đọc bài thơ mà bà đã viết trong một chuyến đi Hàn Quốc mấy năm trước.
Khép lại chương trình là phần ngâm thơ của chính hai nhân vật chính của cuộc giao lưu là hai nhà thơ – Nguyễn Khánh Chi và Ra Hee Duk – như một lời tiễn biệt ngọt ngào. Những câu thơ vang lên trong sự lắng đọng đã làm dịu lại không gian, như để ghi nhớ rằng văn chương luôn bắt đầu từ xúc cảm – và kết thúc bằng sự đồng cảm.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH ẤN TƯỢNG TỪ CHƯƠNG TRÌNH
2 ảnh cuối: Đậu Thanh Sơn
Chương trình là một phần trong chuỗi hợp tác giữa Hội Nhà văn TP.HCM và các đơn vị văn học quốc tế, nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa, dịch thuật và sáng tác. Giao lưu mùa thứ tư đã được lên kế hoạch tổ chức vào năm 2026.