- Tin tức - Hoạt động Hội
- Đại tá, nhà thơ Phạm Đình Phú ra mắt tập thơ “Ấm lòng những nụ hôn như thế”
Đại tá, nhà thơ Phạm Đình Phú ra mắt tập thơ “Ấm lòng những nụ hôn như thế”
Bài và ảnh: NGUYÊN ANH
Sáng ngày 19/7/2025, tại TP. Hồ Chí Minh, Hội Thơ Phương Nam đã trang trọng tổ chức buổi ra mắt tập thơ “Ấm lòng những nụ hôn như thế” – tác phẩm mới nhất của Đại tá, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú, nhà thơ Phạm Đình Phú.
Đến dự sự kiện, ngoài đông đảo hội viên Hội Thơ Phương Nam, còn có sự góp mặt của các nhà văn, nhà thơ là bạn nghề thân thiết của tác giả đến từ Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn Việt Nam: Các nhà thơ nhà văn Nguyên Hùng, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Minh Ngọc, Phan Hoàng, Tố Hoài, Trần Quang Khánh… cùng nhiều bạn bè văn chương khác.
TÁC GIẢ – NGƯỜI LÍNH CẦM BÚT VỚI HƠN NỬA THẾ KỶ VIẾT VĂN, VIẾT THƠ
Phạm Đình Phú là một trường hợp đặc biệt trong giới văn chương phương Nam. Trên hành trình nghệ thuật của mình, ông đồng thời là một đại tá quân y, một bác sĩ tận tụy và một người thơ đích thực – với lối viết thấm đẫm nhân văn và từng trải. Ông hiện là Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
Các tác phẩm đã xuất bản của ông gồm:
- Có thể nào quên (thơ, 2009)
- Hạt giống cha gieo (thơ, 2009)
- Thương nhớ người dưng (thơ, 2013)
- Ngoảnh lại mùa đông (thơ, 2016)
- Blouse màu lá (truyện ký, 2016)
- Lời ru xanh (thơ, 2019)
- Bông nở trái mùa (thơ, 2021)
- Và mới đây nhất, Ấm lòng những nụ hôn như thế (thơ, 2025).
NHỮNG CẢM NHẬN ĐẦY TRÂN TRỌNG DÀNH CHO TÁC GIẢ VÀ TẬP THƠ
Sự kiện ra mắt sách không chỉ là buổi gặp mặt thân mật của bạn bè văn chương mà còn là dịp để những người yêu thơ chia sẻ cảm nhận sâu sắc về tập thơ mới này. Dưới đây là một số ý kiến tiêu biểu:
Phát biểu mở đầu chương trình, nhà thơ Xuân Trường, Chủ nhiệm Hội Thơ Phương Nam, đã bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho tác giả. Theo ông, việc một nhà thơ ở tuổi bát tuần lại viết hẳn một tập thơ chuyên về "nụ hôn" quả thật rất đáng khâm phục và tác giả đã rất thành công.
Nhà thơ Xuân Trường, Chủ nhiệm Hội thơ Phương Nam.
Bài viết và phát biểu của Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc đã phác họa một chân dung đầy xúc động về Phạm Đình Phú – một chiến sĩ, một bác sĩ và một nhà thơ. "Từ chiến trường khốc liệt đến bệnh viện nhân đạo, và cuối cùng là thế giới thi ca – cuộc đời ông là bản hùng ca của sự chính trực và vượt lên số phận. Sức mạnh của ý chí và vẻ đẹp của văn chương đã làm giàu thêm hồn dân tộc – qua một người bác sĩ cầm bút."
Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc.
Nhà thơ Minh Hạnh và nhà thơ Nguyễn Thị Phương Nam, thông qua bài viết của mình, đã nhận định: Những "nụ hôn" trong thơ ông không chỉ gợi yêu thương đời thường mà còn mang hình hài đất nước – từ "hương cau tuổi học trò", "khói bom chiến địa", đến những giây phút đoàn tụ sau hòa bình. Riêng nhà thơ Nguyễn Thị Phương Nam đã diễn đạt cảm nhận của mình bằng thơ.
Thay mặt Ban chấp hành và Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, nhà thơ Nguyên Hùng đã gửi lời chúc mừng Đại tá, nhà thơ Phạm Đình Phú. Phát biểu về tập thơ, ông chia sẻ: “Mỗi trang thơ là một nốt nhạc tâm hồn. 'Gửi lại cho rừng' là bản tráng ca lặng thầm, giàu sử thi và tình người – về hành trình tìm hài cốt liệt sĩ, về lòng thủy chung son sắt của đồng đội… Bài thơ không bi lụy mà giàu chất trữ tình, như một nén tâm hương tri ân sâu sắc, nhắc nhở chúng ta về giá trị của hòa bình và lòng biết ơn vô hạn đối với những người đã ngã xuống vì Tổ quốc thân yêu. Những bài thơ như Người xưa ơi, Còn không, Trò chuyện cùng các con, Hương tình trong mưa, Anh hư thế... thể hiện rõ nội tâm của một người từng trải, khi hoài niệm và lý tưởng sống hòa quyện trong những câu chữ giản dị mà sâu sắc”.
Nhà thơ Nguyên Hùng
Một trong những bài thơ ngắn mà giàu dư vị nhất trong tập là “Anh quên” – một tứ tuyệt giản dị nhưng lắng sâu, được bạn đọc và giới chuyên môn đánh giá cao. Về bài thơ này, nhà thơ – nhà giáo Nguyễn Đình Sinh đã có những nhận định tinh tế: “Tình yêu trong thơ ông đến tự nhiên, không cưỡng cầu, chẳng cần lý do – chỉ cần một khoảnh khắc thôi, không hẹn mà gặp, đã đủ làm xuyến xao cả tâm hồn. Bài thơ khép lại trong sự tiếc nuối nhẹ nhàng, nhưng gợi mở một không gian cảm xúc rộng lớn – nơi mỗi ánh mắt, mỗi lời chưa nói cũng trở thành một "nụ hôn thiêng" để giữ ấm lòng người giữa bến đò chiều đông”…
Đại tá nhà thơ Trần Quang Khánh
Trong bài phát biểu “Những nụ hôn trong khói lửa”, nhà thơ Trần Quang Khánh bày tỏ sự ngạc nhiên và cảm phục trước tập thơ “Ấm lòng những nụ hôn như thế” của Phạm Đình Phú – một tác giả đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn giữ được tâm hồn thi sĩ trẻ trung và trái tim cháy bỏng yêu thương. Trần Quang Khánh đã làm sáng tỏ một góc nhìn đầy bất ngờ về tập thơ "Ấm lòng những nụ hôn như thế" của Đại tá, bác sĩ, nhà thơ Phạm Đình Phú. Tác giả đã tinh tế khám phá những "nụ hôn" không chỉ là tình yêu đôi lứa mà còn là lời tiễn biệt bi tráng, khát vọng hạnh phúc ẩn sâu trong tâm hồn người lính giữa khói lửa chiến tranh, cũng như tình đồng đội, đồng bào thiêng liêng. Tập thơ vì thế là sự gom nhặt đầy cảm động về những nụ hôn của một thế hệ anh hùng, rực lửa.
NHỮNG NỤ HÔN CHỮA LÀNH – MỘT BIỂU TƯỢNG THƠ
Nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long đã tham gia bằng một bài cảm nhận và một bài thơ. Theo chị, điều đặc biệt nhất trong tập thơ là việc tác giả chọn một hình ảnh rất "mềm" – nụ hôn – làm biểu tượng xuyên suốt. Nhưng qua tay ông, "nụ hôn" không chỉ là hành động thân mật, mà còn là: Lời tiễn biệt trong chiến tranh; Niềm khao khát sống và yêu giữa chiến trường; Sự dâng trào của cảm xúc thuần khiết; Tình đồng đội, tình đất nước.
Nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long
"Không quá lời khi nói rằng, nhà thơ Phạm Đình Phú đã dựng nên một tượng đài thơ từ những 'nụ hôn' – nhẹ nhàng, thầm thì mà đầy sức mạnh".
Ấm lòng những nụ hôn như thế không chỉ là tập thơ – mà là một cuốn biên niên ký cảm xúc về tình yêu, chiến tranh, sự sống và lòng biết ơn. Một tập thơ đáng đọc, đáng nhớ và rất đáng trân trọng.
Văn chương TP. Hồ Chí Minh trân trọng giới thiệu một số hình ảnh về buổi ra mắt tác phẩm mới này: