- Tin tức - Hoạt động Hội
- Viết văn, điều khó nhất là nuôi dưỡng cảm xúc
Viết văn, điều khó nhất là nuôi dưỡng cảm xúc
Từ ngày 1 đến ngày 3-12-2023, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức chuyến thực tế sáng tác tại ÐBSCL, với sự tham gia của khoảng 30 nhà văn, nhà thơ nổi bật hiện nay. Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn TP Cần Thơ cũng phối hợp tổ chức tọa đàm về văn học trẻ. Dịp này, phóng viên Báo Cần Thơ có cuộc trao đổi với nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh.
Vì sao Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh chọn ÐBSCL cho chuyến thực tế sáng tác đợt này, thưa nhà văn ?
- ÐBSCL vẫn thường là sự lựa chọn khi tổ chức những chuyến đi thực tế sáng tác của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh trong 42 năm qua, kể từ ngày thành lập Hội. Thứ nhất, những nhà văn tên tuổi với nhiều tác phẩm góp phần không nhỏ cho nền văn học Việt Nam được vùng đất ÐBSCL góp phần nuôi dưỡng tâm hồn và tài năng. Nhà thơ Nguyễn Ðình Chiểu với câu thơ: "Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Ðâm mấy thằng gian bút chẳng tà" như tuyên ngôn sáng tác đã ảnh hưởng đến nhân sinh quan của người cầm bút. Nhiều thế hệ nhà văn tiếp nối càng cho thấy rõ ÐBSCL sản sinh nhiều văn tài, có thể kể: sau Nguyễn Chánh Sắt, Hồ Biểu Chánh… đến Ðoàn Giỏi, Phi Vân, Sơn Nam, Trang Thế Hy, Trần Kim Trắc, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Lê Chí, Anh Ðộng… Ðội ngũ nhà văn thành công tiếp nối có thể kể: Lương Hiệu Vui, Trịnh Bửu Hoài, Ngô Khắc Tài, Văn Ðịnh, La Quốc Tiến, Song Hảo, Lê Ðình Trường, Nguyễn Lập Em, Phạm Trung Khâu, Kim Ba, Vũ Hồng, Lê Ðình Bích, Ðinh Thị Thu Vân, Trúc Linh Lan, Mai Bửu Minh, Phan Trung Nghĩa, Trương Trọng Nghĩa, Thu Trang, Lê Thanh My, Nguyễn Thị Diệp Mai, Nguyễn Trung Nguyên… Và những tài năng sinh sau ngày thống nhất đất nước với sự xuất hiện chói sáng của Nguyễn Ngọc Tư và tiếp theo như Trương Thị Thanh Hiền, Võ Diệu Thanh, Lê Minh Nhựt, Nguyễn Thị Việt Hà, Huỳnh Thúy Kiều, Võ Tấn Cường, Trần Dũng… Rồi đội ngũ nhà văn hộ khẩu thường trú ở TP Hồ Chí Minh nhưng quê gốc miền Tây: Lê Giang, Thanh Giang, Lê Thành Chơn, Nguyễn Bính Hồng Cầu, Kim Quyên, Phan Ngọc Thường Ðoan, Bích Ngân, Thu Nguyệt, Trầm Hương, Tiểu Quyên, Huỳnh Trọng Khang…
Thứ hai, ÐBSCL với lịch sử, văn hóa, địa lý khác biệt, độc đáo với những lở - bồi của thiên nhiên và những biến thiên của lịch sử đấu tranh, tồn tại và phát triển đã tạo nên những dấu ấn đặc biệt góp phần làm nên khí phách của một vùng đất và tạo nên tính cách văn hóa, nhân cách sống của người miền Tây. Có lẽ chính điều này đã âm thầm thôi thúc chúng tôi, những người cầm bút sinh ra từ sông nước ÐBSCL luôn muốn quay về vùng đất vẻ đẹp luôn mời gọi sự khám phá…
Thêm nữa, là Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ nhiệm kỳ trước là nhà thơ Trúc Linh Lan và đương nhiệm là nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên, là những người bạn thân quý. Chúng tôi gặp nhau, gần nhau, âm thầm hỗ trợ, "lên dây cót" tinh thần cho nhau trong công việc và cả trong ước muốn làm sao để những hoạt động của Hội nghề nghiệp có thể làm được những "cú hích" cho những cây bút trẻ, bởi họ chính là tương lai của văn học Việt Nam, của văn hóa Việt Nam.
Ðược biết, trong khuôn khổ chuyến thực tế này, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn TP Cần Thơ sẽ phối hợp tổ chức tọa đàm "Tiềm lực văn chương và người viết trẻ". Nhà văn có nhận định gì về lực lượng tác giả trẻ của văn học ÐBSCL?
- Văn chương là một hành trình nhọc nhằn đòi hỏi sự đam mê, sức bền của trí tuệ và cảm xúc. Nhiều năm qua, một số cuộc thi thơ, truyện ngắn đã góp phần phát hiện nhiều cây bút trẻ giàu nội lực văn chương. Tuy nhiên, trụ lại được với văn chương và có những bước đi dài thì dường như không nhiều. Cà Mau, An Giang, TP Cần Thơ đang nuôi dưỡng được một đội ngũ viết văn triển vọng. Hấp lực văn chương của Nguyễn Ngọc Tư có sức lan tỏa rộng. Cà Mau đang âm thầm nuôi dưỡng nhiều cây bút trẻ đam mê văn chương, Trần Ðức Tín là một điển hình. Cần Thơ gần đây có các cây bút trẻ vươn lên đang nỗ lực khẳng định tài năng, như Phát Dương, Hoàng Khánh Duy, Mặc Yên… Xôm tụ nhất là vùng đất Bảy Núi, nhiều tác giả trẻ sớm khẳng định tên tuổi và kiên trì bước tiếp như Nguyễn Ðức Phú Thọ, Vĩnh Thông, Nguyễn Thị Trúc Ly, Lê Quang Trạng và gần đây là cây bút sinh năm 2001 Võ Ðăng Khoa…
Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn TP Cần Thơ họp chuẩn bị cho chương trình đi thực tế sáng tác. Ảnh: CTV
Theo nhà văn, với người sáng tác trẻ, điều gì là cần nhất?
- Viết văn, ngàn năm trước và ngàn năm sau, có lẽ vẫn ngần ấy ký tự và dù với những nỗ lực cựa quậy, xê dịch kiếm tìm thủ pháp mới, thi pháp mới, kể cả thế giới phẳng 4.0, 5.0... hay sự bành trướng của trí tuệ nhân tạo và vô vàn những đổi thay, những tác động không ngừng của những Chat GPT… thì hồn vía của tác phẩm sáng tạo vẫn là cảm xúc. Thiếu cảm xúc, vô hình trung chủ thể sáng tạo đã bắt tay thỏa hiệp và nhường dần thiên đường sáng tạo cho sự tấn công của máy móc, của những robot siêu phàm nhưng lại thiếu trái tim được dưỡng nuôi bằng máu nóng.
Và dù ở thời đại kỹ thuật số, tác phẩm sáng tạo của nhà văn, dù độ dày mỏng khác nhau, giá trị và tuổi thọ không giống nhau, nhưng đều phải được ấp ủ và dưỡng nuôi bằng cảm xúc của trái tim và cảm xúc của trí tuệ. Vậy nên, điều khó nhất, có lẽ là sự tự thân nỗ lực để đủ sức đối diện với thực tế, với khó khăn và giữ cho trái tim không khô cằn. Tác giả trẻ bây giờ được sáng tạo trong không gian văn minh cởi mở, trong môi trường văn hóa tôn trọng cá tính sáng tạo và khao khát đổi mới, trước hết là đổi mới chính mình, vượt qua chính mình bằng tác phẩm, góp phần làm sâu sắc hơn giá trị tư tưởng, giá trị văn hóa mà mình được thụ hưởng, kế thừa và tiếp tục làm cho giá trị cốt lõi sâu sắc hơn, nhân văn hơn.
Xin cảm ơn nhà văn!
Thực hiện: ĐĂNG HUỲNH (https://baocantho.com.vn/)