TIN TỨC

Chạm vào bóng tối để biết yêu thương vĩnh hằng

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-06-21 16:24:35
mail facebook google pos stwis
532 lượt xem

Văn chương TP. Hồ Chí Minh: Sáng 20/6/2024, Nhà thơ Hương Thu cùng bạn bè đã tổ chức ra mắt cuốn tự truyện “Chạm vào bóng tối” với sự góp mặt của nhiều bạn văn chương trong Hội Nhà văn TPHCM, các CLB thơ cùng gia đình và người thân. Đây là tác phẩm thứ 6 của chị, sau 4 tập thơ (Cổ tích Anh và Em, Từ hai phía mặt trời, Nước mắt của Kiều, Giữa những vàng bay) và một tập ký.

"Chạm vào bóng tối" là một cuốn sách xúc động, đọc lôi cuốn vì tính chân thực về chính cuộc đời tác giả, một phụ nữ giỏi giang và bao dung. Tại buổi ra mắt sách, đã có nhiều phát biểu chia sẻ của bạn bè đồng nghiệp: Nguyễn Bính Hồng Cầu, Bích Ngân, Bùi Phan Thảo, Triệu Loan, Huỳnh Văn Lập, Nguyên Hùng, Nga Vũ… Văn chương TP. Hồ Chí Minh xin giới thiệu dưới đây một bài thơ tặng tác giả, bài tựa cuốn sách mới và clip hình ảnh về sự kiện này.


 

1. Bài thơ Viết tiếp chuyện tình của Nguyên Hùng


 

2. Clip hình ảnh về buổi ra mắt sách


Ảnh và dựng clip: Nguyên Hùng
 

3. Bài tựa “Chạm vào bóng tối để biết yêu thương vĩnh hằng” của Bùi Phan Thảo

 

“Một năm, 365 ngày, chưa ngày nào em quên anh”.

Trong những dòng đầu tập tự truyện “Chạm vào bóng tối”, NXB Hội Nhà văn, 2024, nhà văn Hương Thu đã viết như vậy. Cuốn sách để tưởng nhớ người chồng của chị; người cha, người ông của các con, cháu, đã một năm từ giã cõi đời.

Một người vợ yêu chồng, ngày nào cũng tưởng nhớ chồng, điều đó là hiển nhiên. Bởi đó là nghĩa vợ chồng sâu nặng, cùng nhau đi qua buồn vui sướng khổ cuộc đời, chung tay tạo dựng cuộc sống gia đình, nhìn con cháu lớn lên, trưởng thành, hạnh phúc đã từng nhân lên dưới mái nhà. Nhưng mất mát là không có gì sánh nổi, nên câu chữ như từ máu thịt rút ra, tiếng kêu đau từ trong trái tim, nỗi niềm chắt lọc từ suy tư phận người, đớn đau khi số phận xướng tên người về miền mây trắng… Những cảm xúc đó trong tự truyện “Chạm vào bóng tối” của Hương Thu như nỗi lòng chôn chặt, như nén hương thơm dâng lên hương linh người chồng đã rời xa chị và các con cháu, đi vào cõi vĩnh hằng…

Trong giới nhà văn TP HCM, Hương Thu là một tác giả có nhiều hoạt động sôi nổi. Chị là Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu Văn chương Việt Nam, chị hăng hái tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa. Ai cũng thấy năng lượng thật dồi dào ở người đàn bà – nhà văn nhỏ nhắn, tuổi đời không còn trẻ này nữa, luôn đầy nhiệt huyết trong tim và tình yêu thi ca, tình yêu cuộc sống. Cộng thêm sức mạnh nội tại của chị và sức mạnh từ chính những người thương yêu, trong đó có người chồng, tiếp thêm cho chị.

Không gian truyện mở ra từ cơn ho lúc 2 giờ sáng của anh Nguyễn, chồng chị, vào năm trước.  Từ đó là những tháng ngày anh rời nhà vào bệnh viện, từ bệnh viện quận 2 đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch rồi Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 và từ giã cõi đời. Chị luôn bên anh trong cuộc hành trình, trong cuộc chiến chống lại bệnh tật, với nỗ lực cùng anh chiến thắng tử thần. Nhưng anh đã không qua khỏi, không có phép mầu nào sau những yêu thương, chăm sóc tận tình, hết lòng hết dạ… Nỗi đau vắt kiệt nhà văn, nén lại vào những câu chữ để biết rằng, anh ra đi mà còn mãi bên đời…

Tháng 7-2023, Hương Thu ra mắt tập thơ “Giữa những vàng bay”. Tập thơ được in xong vào tháng 6 - 2021, nhưng tất cả các kế hoạch ra mắt đều gác lại vì đại dịch và sau đó là người bạn đời lâm trọng bệnh, chị phải vào bệnh viện chăm sóc chồng cho đến khi anh qua đời. Tại buổi ra mắt sách, số tiền bán sách và ủng hộ của bạn văn, bạn đọc đã được Hương Thu chuyển hết vào “bếp ăn không đồng” để hỗ trợ những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang lâm vào khốn khó.

Lần này, tự truyện kể lại những tháng ngày chăm sóc chồng, hành trình 4 tháng ròng rã trong các bệnh viện. “Chạm vào bóng tối” là tập tự truyện em viết trong những ngày ấy, em đã lật lại từng trang ký ức, gặp lại từng số phận, từng con người, từng khoảnh khắc vui buồn…Nó cho phép em được trở lại với quá khứ, được sống một lần nữa cùng anh, được cười và cũng được rơi nước mắt cùng anh qua từng khoảng hồi ức đớn đau của đời người”.

Là tự truyện nên tính chân thật thể hiện rõ nét, nhà văn đưa bạn đọc đến từng góc khuất của câu chuyện, đời người. Đôi khi chỉ là những nét chấm phá, bên cạnh thủ pháp đặc tả, khung cảnh các bệnh viện hiện ra gần gũi, sinh động. Những phận người ngỡ trôi qua trang sách nhưng lại khó phai trong tâm trí người đọc. Tại bệnh viện quận là câu chuyện của chị Hạnh, một người đàn bà đơn thân, cả đời hy sinh cho những người thân. Song cuối đời mắc bệnh nan y thì lại một mình chống chọi và với bản tính quen cho đi, chị không muốn làm phiền người thân hao tốn tiền của thuốc thang, công sức chăm sóc, chị chọn về nhà để chờ tử thần đến rước đi.

“Chị Hạnh có vẻ trầm tư một chút, rồi nói: Chắc tui buông chị à. Cả hai không nói gì thêm nữa, cái chữ “buông” chị Hạnh nói nhẹ bâng, mà sao cả không gian căn phòng dường như bị kéo xuống, nặng nề, khó thở”.

Những đoạn nhà văn tả cảnh đưa chồng đi khám, chực chờ, mệt mỏi, thất vọng, âu lo, phiền muộn, ai trải qua mới thấu cảm. “Một sự chờ đợi thật khó chịu và bức bối. Lại một tuần! Riết rồi cái từ “một tuần” cứ như một nỗi ám ảnh với cả tôi và Nguyễn”…

Nhưng ở nơi sống chết cách nhau gang tấc, tình người được bộc lộ chân thành. “Xã hội nơi tôi và Nguyễn bắt đầu cho cuộc định cư nơi ở mới của mình là vậy, rất thân thiện và gần gũi, khác với xã hội rộng lớn ganh đua ngoài kia”. Trước hoàn cảnh một người mẹ trẻ không có tiền đóng cho con, tác giả “mở ví, nhưng tiền lẻ thì không đủ ba trăm, vậy là tôi đưa chị tờ năm trăm và ân cần nói: Chị cầm đi đóng tiền đi để cho cháu nhập viện, thằng nhỏ có vẻ mệt lắm rồi đó. Người phụ nữ nhìn tôi như thể chưa kịp hiểu điều gì đang xảy ra. Tôi cười, nhét tờ tiền vào tay chị: Cầm đi chị, đi đóng tiền cho cháu đi”…

Lòng tốt luôn hiện hữu trên đời, quanh những phận người đang sống. Nhà văn lý giải thêm: “Nhưng từ khi Nguyễn bệnh, tôi bỗng nhận ra một điều, mọi thứ ở cõi nhân gian này đều vô nghĩa, có đó rồi mất đó, đến sức khỏe cũng không tự mình giữ được, cũng phải phó thác cho trời, cho cái mà người ta gọi là “định mệnh”. Vậy thôi, cứ sống mà thương nhau, mà trải tình với nhau, giúp một ai đó qua cơn ngặt nghèo, cho họ một chút hy vọng, một chút hạnh phúc có phải hơn không”.

Qua 4 tháng chăm sóc chồng, tự truyện ăm ắp những tình cảm yêu thương chồng vợ. Những hồi ức đan xen cho thấy sâu nặng ơn nghĩa phu thê, nhất là đoạn anh Nguyễn quay trở lại không đi vượt biên, đoạn anh cặm cụi sửa quần cho vợ. “Tôi biết Nguyễn đã cực khổ như thế nào khi may bằng tay. Những việc như thế chỉ có yêu nhau ghê lắm mới làm được”.

Hành trình gian nan nhất là ở Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, nơi chồng chị phải xạ trị và chất phóng xạ hủy hoại những phần cơ thể anh, lúc anh chống chọi với tử thần những ngày cuối đời trong đau đớn. Tại đây cũng phơi bày cảnh khổ của người bệnh và gia đình, như khi chờ xin cơm từ thiện. “Ngày nào tôi cũng thấy những hàng người xếp hàng như vậy dưới cái nắng của Sài Gòn. Trong số họ, tôi biết, có những người trước đây ruộng đất, nhà cửa, tiền bạc không thiếu, nhưng họ đã mất đến đồng bạc cuối cùng với một hy vọng mong manh – chiến thắng kẻ thù – những tế bào ác tính đang tàn phá cuộc sống của người thân họ. Cuộc sống quả là cùng khổ”…

Tại nơi làm thủ tục, có quá đông người bệnh, phải chấp nhận chờ. Người có tiền thì làm dịch vụ, nhanh hơn, chỉ thương người nghèo. Bạn đọc càng thấy rõ trái tim nhân hậu của nhà văn: “Bỗng nghĩ và thấy mình may mắn, hạnh phúc quá đỗi, ít nhất là hơn một núi người trong những danh sách chờ đợi dài xọc kia. Họ đã phải khăn gói cõng theo con bệnh trong người lần về quê hương, chờ ngày lên làm xét nghiệm. Và biết đâu, trong ngần ấy ngày họ đã bị các tế bào ác tính kia quật ngã và không còn cơ hội để trở lại chiến đấu cùng nó?”

Khi nhà văn Hương Thu đem hết tiền ủng hộ vào “bếp ăn không đồng”, ai cũng đồng cảm với chị nhưng không nhiều người hiểu hết ngọn ngành. Chỉ khi đọc “Chạm vào bóng tối”, mới càng thấm thía ý nghĩa nhân văn. Tôi đọc tự truyện này và không cầm được nước mắt. Tôi hiểu hơn về chị, tâm nguyện chị làm sau khi anh mất, chứ không phải anh vượt qua như chị đã mong: “Những lần như thế tôi đã tự hứa với lòng, nếu một ngày nào đó Nguyễn của tôi lành bệnh trở về, tôi sẽ làm những bữa cơm không đồng để tặng những gia đình bệnh nhân ở bệnh viện này. Tôi sẽ làm thật tử tế, hộp cơm sẽ có những ngăn đựng cơm và thức ăn riêng, sẽ trao cho bà con mình với tất cả sự sẻ chia, và những ngày thứ bảy hay chủ nhật bà con mình sẽ không còn bị đói lòng. Đó là ước nguyện chân thành của riêng tôi khi hằng ngày đối diện với bao nhiêu điều cơ cực ở nơi đây”…

“Chạm vào bóng tối” đem đến không chỉ thông điệp văn chương mà nhiều thông điệp về cuộc sống, tình yêu chất chứa trong tự truyện này. Hương Thu cũng khắc họa nên một xã hội thu nhỏ trong phòng bệnh. Có những chuyện không thể tin nhưng vẫn đã xảy ra, từ ông chồng đến cả lúc cận kề cái chết vẫn còn đối xử vũ phu với vợ hiền; chuyện hai người đi chăm chồng và vợ ung thư giai đoạn cuối, đã phải lòng nhau, bỏ chồng và vợ lại bệnh viện, cùng nhau trốn đi. “Liệu cuộc chạy trốn ấy có đem lại cho họ hạnh phúc, hay sẽ là một nỗi ám ảnh không thôi khi họ đã gieo cái mầm ác nghiệt trong cuộc sống của chính họ. Cả bốn cuộc đời, bốn số phận sao lại quá nghiệt ngã dường kia”.

Trong bức tranh đời, đã bày biện số phận của Hoàng, của Thy, chuyện tình của Kim và Thành, đến được với nhau thì Kim đã ung thư giai đoạn cuối, mang giọt máu của Thành trong bụng và chỉ mong phép mầu đến với hai mẹ con trước khi Kim từ giã cõi đời…

“Chạm vào bóng tối” có cái kết đau đớn nhưng đầy ý nghĩa nhân sinh. Lá thư của Thành cho biết Kim sinh con trai. Mừng cho Thành, vậy là cuối cùng điều kỳ diệu đã đến với họ, nhưng chỉ sau 10 ngày sinh em bé, Kim đã qua đời. Đó là lúc bên ngoài cửa sổ, giữa bầu trời đêm có một ngôi sao nhỏ đang nhấp nháy, sáng rực. Một cuộc sống mới đang bắt đầu. Nhưng cũng là lúc tác giả đầy lo âu khi cuộc sống người chồng như chiếc bấc lụi tàn dần. “Cả anh và em, chúng ta đều đang cố chịu đựng nỗi đau vì một tia hy vọng quá mong manh, bởi nó đang bị bào mòn dần từng ngày, từng ngày… Ngày mai! Tự nhiên em sợ những ngày mai phía trước, bởi em không biết điều gì nữa đang chờ đợi chúng ta”.

Nắng đã lên đầy khoảng sân nhà, một chút xuân còn nắm níu trên những cành mai biếc xanh, mà sao vẫn đầy nước mắt vậy chị Hương Thu?

Yêu thương, không thể nắm níu mãi nhưng luôn ở bên đời sống của ta, trong nỗi nhớ của ta. Phải đối diện và chấp nhận sự thật. Đặt tên tự truyện “Chạm vào bóng tối”, là những tháng ngày nhà văn sống bên chồng. Những ánh sáng của cuộc sống mỗi ngày đã rời xa dần, nhường chỗ cho bóng tà huy, rồi màn đêm buông xuống. Và đến một ngày, bóng tối là khoảng trống mênh mông người vợ cảm nhận được, chạm vào được, là lúc mất mát điều quý giá nhất của đời mình. “Khi chạm vào bóng tối, trái tim em đã quen dần với những nỗi đau được tôi luyện hằng đêm bằng nước mắt nhòe cả gối, và bây giờ em đã có thể đối diện với sự thật, rằng anh đã không còn nữa bên em, em cũng đã thôi thảng thốt khi đêm nằm quờ tay về bên phải và chạm vào một khoảng trống đến mênh mông! Em biết, biết thật rõ, anh đã không còn ở đó”…

Con người có bản năng quên mới có thể đi tiếp trong đời. Quên là một cách nói thôi, chứ cố mà quên tức là còn nhớ. Từ đó mới có tự truyện, mới có những giot nước mắt âm thầm rơi trên gối từng đêm, hay trên trang sách giữa một chiều trầm ngâm, giọt nắng ngoài hiên đã rụng tự lúc nào…

Tháng 2-2024
B.P.T.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nhà văn Trần Công Tấn qua đời
Nhà văn Trần Công Tấn là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
Xem thêm
Phượng Hồng - Tiếng thơ sâu nặng ân tình nhà giáo
Sáng 07/8/2024, CLB Thơ Ca của Hội Cựu giáo chức quận Gò Vấp đã tổ chức ra mắt tập thơ “Phượng Hồng”. Đây là tập thơ đầu tay của CLB, gồm 29 tác giả với 120 bài thơ. Một cuốn sách xinh xắn và có chất lượng.
Xem thêm
Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong Lục bát chân mây
Tôi thích thơ Lục bát của Miên Trường từ khi còn chưa biết chị. Những vần thơ Lục bát êm mượt với cấu tứ lạ và cách sử dụng ngôn từ đặc biệt khi diễn tả cảm xúc của chị đã cuốn hút tôi. Sau này khi đã có dịp tiếp xúc và hiểu nhau, tôi lại càng thán phục chị hơn ở nghệ thuật sử dụng con chữ khi viết về cuộc đời và con người, viết về chính thân phận mình, người đàn bà đa đoan. Và tất cả những suy tư, trải nghiệm, những buồn vui về thân phận cuộc đời của người đàn bà làm thơ ấy được khắc họa rõ nét trong tập thơ mới nhất của chị là Lục bát chân.
Xem thêm
Ra mắt tập thơ ‘Lục bát chân mây’ của nhà thơ Võ Miên Trường và những ghi nhận
Sáng ngày 4/9/2024, tại số 81 Trần Quốc Thảo, Q3, TPCM, Ban Nhà văn nữ Hội Nhà văn TPHCM đã tổ chức buổi ra mắt tập thơ “Lục bát chân mây” của nhà thơ Võ Miên Trường.
Xem thêm
Dấu ấn 3 nhà văn TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Sài Gòn Giải phóng
Xem thêm
Nhà thơ Trần Quang Châu qua đời
Nhà thơ Trần Quang Châu qua đời, thọ 82 tuổi
Xem thêm
Ra mắt tập sách “Ba ngàn thế giới thơm” – “Nhật Chiêu viết những điều phức tạp nhất nhưng giản dị nhất”
Ngày 3.8, tại ĐHKHXHNV - ĐHQG TP.HCM, Khoa Văn học phối hợp với Nhã Nam tổ chức buổi ra mắt sách Ba nghìn thế giới thơm của nhà văn - nhà giáo Nhật Chiêu.
Xem thêm
Giao lưu cùng nhạc sĩ, nhà thơ Trương Tuyết Mai nhân buổi ra mắt tập thơ “Hòa âm đêm”
Sáng ngày 7-8, tại Hội trường Liên Hiệp Các Hội VH-NT TPHCM, nhạc sĩ, nhà thơ Trương Tuyết Mai ra mắt tập thơ Hòa âm đêm (NXB Hội Nhà văn) nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 và đón nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2023.
Xem thêm
Tưởng nhớ TBT Nguyễn Phú Trọng
Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi tôi từ báo Quân khu 7 về làm báo QĐND thì đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Uỷ viên Ban Biên tập rồi làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản - Cơ quan lý luận chính trị của BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy chúng tôi có dịp gặp nhau trong các sự kiện chính trị đặc biệt của đất nước và của nghềnghiệp.
Xem thêm
7 tác phẩm văn học tranh Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7
Nhà xuất bản Văn học vừa công bố 7 tác phẩm gửi tham dự Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7.
Xem thêm
Thông báo của Ban tổ chức Cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” lần 2
Ban tổ chức Cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” đã thống nhất rút ngắn thời gian 2 tháng
Xem thêm
Hình ảnh ra mắt tập thơ “Lục bát ru em” và... Yêu em nữa cho khờ dại thôi
Sáng 30/7/2024, Hội Nhà văn TPHCM phối hợp cùng nhà thơ Từ Xuân Lãnh tổ chức ra mắt tập thơ Lục bát ru em (NXB Tổng hợp TPHCM, 2024).
Xem thêm
Tổng thống Joe Biden mượn thơ Nguyễn Du tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tại cuộc gặp với Chủ tịch nước Tô Lâm, Ngoại trưởng Mỹ đã chuyển lá thư chia buồn của Tổng thống Joe Biden bày tỏ tiếc thương và trân trọng đóng góp của Tổng Bí thư trong củng cố, vun đắp quan hệ Việt Nam – Mỹ.
Xem thêm
Hội hỗ trợ gia đình Thương binh liệt sĩ TPHCM: Nhiều hoạt động thiết thực, lan tỏa tinh thần đền ơn đáp nghĩa
Hội Hỗ trợ gia đình Thương binh liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập theo Quyết định số 1445/QĐ-UBND ngày 29 tháng 4 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Điều lệ của Hội được UBND TP.HCM phê duyệt tại Quyết định số 3266/QĐ-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2020; ghi rõ: “Hội Hỗ trợ gia đình Thương binh liệt sĩ TP.HCM là tổ chức xã hội của các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng hỗ trợ các gia đình liệt sĩ, tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”; mục đích hoạt động của Hội là hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tiếp cận, thực hiện và thụ hưởng các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước; tìm kiếm hài cốt liệt sĩ còn thất lạc hoặc thiếu thông tin chưa xác định được danh tính; hỗ trợ tri ân liệt sĩ và gia đình liệt sĩ.
Xem thêm
Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam họp mở rộng chuẩn bị cho Đại hội XI
Ngày 18.7, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam tiến hành cuộc họp mở rộng chuẩn bị cho công việc tổ chức Đại hội lần thứ XI dự kiến diễn ra vào tháng 4.2025, nhân dịp kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất.
Xem thêm
Hồ Huy Sơn ra mắt tập thơ về trẻ em với sự trong trẻo, nhẹ nhàng
Tập thơ “Mùa hè ra biển” (NXB Hà Nội) giống như một khúc hát lí lắc, đáng yêu và ngọt ngào dành cho các bạn nhỏ từ 0+ trở lên.
Xem thêm