- Tin tức - Hoạt động Hội
- Dị nhân – nhà thơ Văn Thùy về cõi hư vô
Dị nhân – nhà thơ Văn Thùy về cõi hư vô
Phùng Hiệu
Nhà thơ, dị nhân Văn Thùy - người có biệt danh "Bùi Giáng thứ hai" - đã từ trần vào lúc 3 giờ sáng ngày 13/12/2022, do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 82 tuổi.
Dị nhân, nhà thơ Văn Thùy
Thông tin nhà thơ, dị nhân Văn Thùy qua đời khiến giới văn chương không khỏi ngỡ ngàng và xót xa. Theo cáo phó, tang lễ của cố nhà thơ được tổ chức tại tư gia, sau đó được đi hỏa táng tại nghĩa trang Phước Lạc Viên - Bình Dương vào ngày 14/12/2022.
Có những ngôi sao trước khi lịm tắt chợt lóe sáng trên bầu trời. Trong làng văn chương Việt Nam đầu thế kỷ 21, Văn Thùy là một điển hình.
Văn Thùy bước vào làng thơ khi đã ngoài 60 tuổi nhưng tác phẩm của ông nhanh chóng có mặt ở nhiều nơi, từ trường học, văn phòng, công sở đến ruộng cày, bàn nhậu… Gặp ai ông cũng rút tập thơ chép tay, tự khâu gáy ra tặng.
Điều người ta ấn tượng với Văn Thùy ngay từ cái nhìn đầu tiên là dáng người gầy guộc, tóc dài búi tó, râu để dài như các cụ ngày xưa, răng khấp khểnh cái còn cái mất; thoạt nhìn cứ tưởng Bùi Giáng tái thế. Có lẽ hình hài và những ngôn từ làng quê qua tay nhào nặn của Văn Thùy, phần nhiều là những từ ngữ bình dị, giản đơn nhưng khá “lắt léo” và thêm chút khẩu ngữ kỳ dị, tếu táo nên người đời đặt cho ông bút danh dị nhân Văn Thùy.
Lúc sinh thời, khi được hỏi cơ duyên đến với thơ ca, dị nhân đã cho biết: "Tôi luôn có động cơ duy nhất là làm thơ để trải lòng mình ra, để người ta hiểu thêm về mình trước các vấn đề của xã hội, trong khi tâm sự bất ngờ nghe lỏm được các tình huống của con người, tôi lập tức có đánh giá, và cấu trúc thành bài thơ của mình. Đó là nói hộ người khác. Nới lòng ra, bè bạn hiểu được quan điểm của mình - mình nhẹ người. Tôi chưa bao giờ có những bài thơ châm sử dụng ngôn từ ác hiểm. Nếu có bài thơ nào ở nội dung châm, chữ nghĩa cũng cẩn trọng, và hầu như nhẹ nhàng, hướng về ngộ nghĩnh, hài hước, hóm hỉnh".
Các tập thơ ông đã xuất bản, hoặc những tập thơ chép tay photo, phần nhiều là những bài thơ nói về tình yêu. Ngay cả chốn cửa thiền ông cũng tán tỉnh: "Em ăn mày Phật cửa chùa /Tôi thành hành khất bốn mùa yêu chay…/ Yêu đương chọn gió cuối mùa/Ngày dưng cũng chọn góc chùa thỉnh kinh… / Em nguyền khổ hạnh ăn chay / Tôi thề uống cạn đắng cay cõi trần…/ Phải tay này gặp Thị Mầu /Chẳng sưng đầu mõ cũng nhàu vú chuông…/ Cổng chùa xin tiểu lỏng then… / Kẻ trần tục dễ lẻn lên thăm chùa…
Văn Thùy cùng tác giả tại quán cóc nơi vỉa hè Sài Gòn
Sự tương phản về hoàn cảnh, chữ nghĩa phù phép đã đẩy câu thơ bay lên về khát vọng tình yêu trong hoàn cảnh trớ trêu.
Trong bối cảnh nào Văn Thùy cũng đắm đuối và bông đùa được. Có lẽ trời phú cho Văn Thùy giỏi khoa tán gái bằng thơ, trái ngược với thân xác ông lếch thếch: "Sao đành làm gái một con / Để cho phỗng đá liếc mòn con ngươi… / Cho tôi sờ áo một lần / Đêm nay bất chấp tử thần gọi tên… / Áo gì cứ mỏng mòng mong / Thế này thì đến phải lòng mất thôi/ Rủi mai hóa cát bụi rồi / Hú hồn đốt mã cho tôi áo này…".
Cả những khi ông tếu táo, độc giả phải phì cười về thơ kiểu khẩu ngữ của Văn Thùy mà chẳng dám chê trách ông: "Em đi mấy bước nữa rồi/ Dẫm chồng lên vết hôn hồi mới yêu… / Vừa ban thông điệp yêu đương / Bỗng dưng cả bộ dát giường động kinh… / Có gì mạnh đến lạ thường / Yêu suông đến bốn chân giường còn hai…".
Vì miếng cơm manh áo, cả cuộc đời bon chen chốn thị thành. Cuối đời Văn Thùy về căn nhà dưới chân dốc cầu Đìa thị trấn Ân Thi tỉnh Hưng Yên. Căn nhà bé tẹo, mái nhà mấp mé mặt đường; trước nhà có giàn hoa giấy, đường vào nhà là một con dốc thẳng đứng như sườn đê sông Hồng. Từ căn nhà này anh đã chiêm nghiệm những việc đời từng trải. Mượn những lời dân dã làng quê thành thơ theo phong cách Văn thùy; nói lên cảm nhận của mình về mình: "Nửa đời bám gió leo mây / Hôm nay ngồi phệt mặt đầy rong rêu… / Từ ngày đốc chứng làm thơ /khôn ngoan vốn mỏng ngẩn ngơ càng dầy…/ Bao nhiêu chữ nghĩa hương hoa / Cũng bay về phía thật thà ngày xưa…".
Nhưng khi viết về người Mẹ, Văn Thùy đã làm ta phải rưng rưng: "Sợi đen năm cũ đâu rồi / Còn phơ phơ lại tơi bời gió sương… / Con xuôi ngược nửa kiếp người / Vẫn quanh lọn tóc rã rời mái gianh …/ Nén nhang tro trắng đội đầu / Gọi hồn tóc rối rủ nhau hẹn về …/ Người mua tứ xứ nay đâu / Răng đen nhuộm tích trầu cau vắng rồi…".
Thế là từ nay những người yêu thơ Văn Thùy sẽ không còn được đọc những vần thơ độc đáo từ ông. Thôi thì theo quy luật tự nhiên có sinh ắt có tử, nhưng trong đáy lòng mỗi người yêu thơ Văn Thùy cũng còn in hằn ít nhiều những vần điệu thơ ông:
Bóng ta đổ dưới chân ta
Nào ai đã bước nổi qua bóng mình...
Hào quang đánh bẫy nhân sinh
Khói nhang an ủi tâm linh mịt mù...
Ngợi ca thần thánh đẩu đâu
Thế nào rồi cũng nát nhàu câu thơ...
P.H