TIN TỨC

“Nghiêng” đã làm nên thương hiệu thơ Hồ Bá Thâm

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2024-05-15 07:34:54
mail facebook google pos stwis
1288 lượt xem

NGUYỄN VĂN HÒA

Hồ Bá Thâm vốn là một Tiến sĩ Triết học, làm khoa học và giảng dạy là công việc chính, nhưng làm thơ cũng là một nhu cầu tự thân, như một thú vui tao nhã của ông sau những giờ làm việc căng thẳng, nó bất chợt đến như một “người tình”. Nên thơ còn là một người bạn tình, một người bạn đời, bạn tâm giao để cùng chia sẻ, tâm sự buồn vui , trở trăn nhân thế với mình và với người...

Ông không chỉ là một nhà thơ có tài mà còn là một trí thức mẫn cảm trước thời cuộc. Thơ làm cho triết gần đời hơn, xanh hơn mà triết lại lắng đọng vào thơ ngời lên ánh ngọc trong bể đời bãi dâu… Vì thế, khi đọc thơ của Hồ Bá Thâm, người đọc nhận ra chất trữ tình, lãng mạn và cả những chiêm nghiệm sâu sắc về thế sự nhân sinh, những thông điệp từ trái tim mà ông muốn ký gửi.


Tác giả Nguyễn Văn Hòa và Tiến sĩ - nhà thơ Hồ Bá Thâm

Đúng là với Hồ Bá Thâm, thơ chính là người bạn tri âm để ông gửi gắm nỗi niềm, sau bao buồn vui của cuộc sống. Ta biết nói gì với mai sau/ Thời gian vun vút thổi qua đầu/ Câu thơ còn lại cùng ta hát/ Nốt nhạc đời xanh góp một gam màu.

Đến thời điểm này, Hồ Bá Thâm đã xuất bản 13 tập thơ dày dặn với nhiều góc nhìn, cảm trí và cảm xúc. Có trữ tình về tình yêu đôi lứa, về quê hương đất nước, về đồng đội một thời khói lửa đau thương và anh dũng, trữ tình chính luận, triết luận về thời cuộc. Nhưng nhắc đến Hồ Bá Thâm người ta biết đến nhiều nhất và ấn tượng nhất vẫn là bài thơ dài: Nghiêng. Đúng là nhiều nhà thơ xưa này đã viết nhiều bài thơ có từ NGHIÊNG, nhưng nghiêngsay, nghiêng… lạ đến như Hồ Bá Thâm thì quả là hiếm có, phải nói là “có một không hai” như có người đã viết bài bình luận!

Nghiêng của Hồ Bá Thâm là một bài thơ đặc biệt, độc đáo. Bài thơ gồm 11 liên khúc, với 288 câu thơ và có đến 296 từ Nghiêng, dòng thơ nào cũng có từ nghiêng, thậm chí hai từ Nghiêng. Chính sự đặc biệt, độc lạ này mà khi nhắc đến bài thơ là người ta nhớ đến ông và ngược lại nhắc đến ông thì người ta nhớ ngay đến bài thơ. Nghiêng đã làm nên thương hiệu thơ của Hồ Bá Thâm. Và ông đã được trao Bằng Kỷ lục gia Việt Nam, người sáng tác thơ có nhiều từ "nghiêng" nhất vào năm 2012.

Tôi lấy làm lạ, nên đọc đi đọc lại bài thơ nhiều lần, càng đọc càng thấy hay vì có nhiều thông điệp ẩn hiện, thấp thoáng ẩn hiện từ chiều sâu từ ngữ, âm điệu, sắc thái, thâm ý, ý tại ngôn ngoại mà tác giả muốn chuyển tải, gửi gắm. Tôi cũng vô cùng khâm phục lối tư duy và cách dùng từ độc đáo của nhà thơ Hồ Bá Thâm để chuyên chở, phản ánh, bày tỏ quan điểm, thái độ của mình trước những vấn đề đã, đang và sẽ diễn ra trong đời sống.

Đọc hết bài thơ Nghiêng, hiển hiện một thế giới đa sắc màu, đa điệu đàng, mọi góc cạnh, mọi phương diện của đời sống được Hồ Bá Thâm khéo léo chuyển tải vào trong từng hình ảnh, lời thơ vừa dân gian vừa bác học trong sự hài hòa tâm trí. Ở đó có vui, buồn, được mất, nhân ái, bao dung và cả những bất cập, những điều không hay, không tốt, nếu không muốn nói là “xấu xa” đang hiện hữu trong mọi hoạt động của đời sống.

Khi chưa gặp và chưa trò chuyện với Hồ Bá Thâm, tôi cứ tưởng bài thơ được ông sáng tác trong một thời gian khá dài, qua nhiều lần chỉnh sửa mới có một bài thơ giàu trữ lượng “thông tin”, thi ảnh, đầy ắp và ẩn chưa “kiến thức” trong sự xâu chuỗi, liên tưởng độc đáo như thế. Chính tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần để chọn in trong tập Thơ Bạn Thơ 1, do vợ chồng nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên làm Chủ biên.

Nhưng may mắn là trong một lần gặp Tiến sĩ Hồ Bá Thâm tại Sài Gòn, suốt hơn mấy giờ đồng hồ trò chuyện với ông, tôi mới hiểu rõ hơn về con người, tính cách cũng như phong thái làm việc của một trí thức chân chính, nghiêm cẩn như ông. Điều đặc biệt, Hồ Bá Thâm say sưa nói về từ Nghiêng, bài thơ Nghiêng và những cảm xúc của mình khi sáng tác. Ông bảo cũng có đôi dòng thơ nghiêng đã viết vô tình khá lâu, nhưng bài thơ Nghiêng này nhớ lại rồi viết một mạch, hết vỉa này đến vỉa khác, từ chiều này đến góc kia… cứ tuôn chảy. Cảm xúc cứ tuôn trào, ông cứ thế mà viết, và những câu chữ cùng với các thi ảnh vụt hiện, như sự tích tụ từ lâu giờ bỗng tuôn chảy. Hồ Bá Thâm hoàn thành bài thơ Nghiêng chỉ trong thời gian ngắn (viết và hoàn chỉnh trong vòng một tuần (về sau có chỉnh sửa đôi chút). Bài thơ lúc đầu đăng trên Website của Hội Nhà văn Việt Nam là 10 khúc thơ Nghiêng sau điều chỉnh lại là 11 khúc. Từ đó mọi thắc mắc của bản thân tôi dần được sáng tỏ. Được diện kiến ông, nghe ông kể chuyện đời, chuyện người, kể về những năm tháng ông đã trải qua trên hành trình cuộc đời đầy chông gai, lắm thử thách của chính mình. Vì thế, tôi càng trân trọng và ngưỡng mộ ông hơn.

Bàn về thơ và công việc sáng tác thơ, Hồ Bá Thâm cho rằng: “Thơ là kết tinh và thăng hoa cả cảm xúc và trí tuệ bằng ngôn ngữ, hình ảnh và có nhạc điệu trong một cảnh huống của đời người, muốn bày tỏ tấm lòng và thông điệp. Thơ phản ánh cuộc đời nhưng nó là thế giới khác của cuộc đời vừa thực, vừa ảo, vừa buồn, vừa vui, vừa hoài niệm, vừa hy vọng. Thơ là bất chợt nhưng thực ra đã nung nấu dài lâu. Làm thơ cả đời viết nhiều hay viết ít nhưng được bài thơ như ý và được bạn đọc đón nhận dài lâu là rất ít! Thơ có nhiều dạng, loại ngắn, dài, nặng về cảm xúc hay trí tuệ, giản dị hay cầu kỳ, dễ hiểu hay khó hiểu, nói thẳng hay vòng vo, kín đáo hay bộc lộ, triết lý hay giãi bày, trí cảm hay xúc cảm... Nhưng nói chung phải có chiều sâu, đa nghĩa, hạn chế thơ mặt phẳng, cố gắng thơ đa không gian và ý tại ngôn ngoại càng hay! Viết thơ cho ra thơ không dễ chút nào. Làm được thơ cho ra thơ là khó! Tìm được tứ lạ, ngôn ngữ lạ, hình ảnh lạ là rất hiếm! Thơ phải có xúc cảm và trí cảm. Nhưng không phải khi nào cũng viết được như thế”. Ông yêu thơ và làm thơ từ thời còn ở chiến trường. Khi đi học đại học, sau khi từ Trường Sơn trở về, ông tìm hiểu nhiều, đọc nhiều về thơ và phê bình tiểu luận thơ. Rồi ông làm thơ nhiều về thời chiến trường và tình quê hương đất nước khi có cảm xúc, với những hồi ức, suy tư, nhung nhớ, dẫu lúc đó việc học là chính mà lại học khoa học triết học và lý luận chính trị.  Khi ra trường rồi lao vào làm việc, tất cả vì “miếng cơm manh áo”. Sau này, nhất là khi đã lớn tuổi, ông có nhiều chiêm nghiệm và trải đời nên thích làm thơ. Nhưng việc chính, cái say chính vẫn là nghiên cứu viết sách triết học và chính trị xã hội. Đôi khi bất chợt, bất ngờ thi hứng đến thì ông viết thơ, tâm tình cùng “nàng thơ”. Thơ là ngẫu hứng. Ông có bài thơ Bất chợt, hơn 30 câu và hầu như câu nào cũng có từ bất chợt. Câu cuối là: “Tôi viết bài thơ hát về bất chợt/ Thêm hiểu cuộc đời từ những thẳm sâu/ Từ những trăn trở dài lâu…”.

Ý thức và cảm nhận sâu sắc được về thơ, công việc làm thơ, đặc trưng thi pháp thơ... nên Hồ Bá Thâm đã cần mẫn thực hành theo cách của riêng mình và ông đã rất thành công ở bài thơ Nghiêng. Bài thơ với lối tư duy logic, biện chứng tự nhiên từ bên trong câu chữ, tình ý nhưng không kém phần lãng mạn, tinh tế và tài hoa. Có lẽ với vốn sống, vốn văn hóa, sự trải nghiệm và lối tư duy ẩn chứa triết học, minh triết nên Hồ Bá Thâm mới có thể viết một mạch bài thơ dài mang tính trữ tình triết lý độc - lạ, viết một mạch với điệp từ nghiêng dày đặc mà lãng mạn, nhuần nhị và có ý nghĩa sâu xa, thâm thúy như thế. Với 288 câu thơ, 296 từ nghiêng, câu nhiều nhất có 2 chữ nghiêng nhưng được dùng một cách uyển chuyển, hợp lý, hợp tình. Cái hay của Hồ Bá Thâm là dù đưa từ nghiêng vào một cách liên tục, dày đặc, cứ tưởng sẽ khiên cưỡng, khô khan, trùng lắp và làm mất đi sự tinh tế, lãng mạn nhưng ngược lại làm tăng thêm giá trị và sự độc đáo của bài thơ.

Nghiêng trong bài thơ được Hồ Bá Thâm sử dụng một cách linh hoạt ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trong nhiều góc độ, nhân tình thế thái của đời sống và cảm thức.

Nhà ai nghiêng sườn núi

Tiếng khèn nghiêng lứa đôi

Bé cười nghiêng vú mẹ

Tình say nghiêng một đời!

 

Đường về nghiêng lối cũ

Em đi nghiêng chốn nào?

Bâng khuâng nghiêng nỗi nhớ

Nao nao nghiêng mình tôi!

 

Nỗi buồn nghiêng một nửa

Niềm vui nghiêng cả hai

Mặt trời nghiêng qua núi

Cháy nghiêng nỗi sầu đời

Nghiêng với hàm ý sâu xa, đa sắc màu, giàu tính triết luận: “Trời nghiêng đất vô tận/ Đất nghiêng trời bao la/ Âm dương nghiêng vũ trụ/ Ta ôm nghiêng thiên hà” trong câu kết. Khép lại mà mở ra một thế giới Thiên - Địa - Nhân hợp nhất, dung thông... Nó vừa cổ điển vừa hiện đại như một sự liên kết lượng tử tức thời, nhanh hơn tốc độ ánh sáng kiểu thần giao cách cảm. Có lẽ câu thơ, tứ thơ này được gợi mở bằng trí tưởng tượng triết học thi ca hay đi trước Triết học lượng tử của ông hôm nay?

Không chỉ thế. Thơ Nghiêng của ông nhiều lúc cũng gần gũi, dễ hiểu, dễ lay động, tạo nên sự trắc ẩn, thú vị từ chiều sâu văn hóa và mang đậm chất dân ca… Thực mà mộng, mộng mà thực làm sao? Ai đã và sẽ còn đọc mấy câu thơ này trong những tiệc liên hoan gặp gỡ hay hò hẹn bạn bầu, đôi lứa tỏ tình:

Ly rượu nghiêng làn môi

Gió thổi nghiêng bầu trời

Trăng nghiêng dòng suối nhỏ

Mắt em nghiêng lòng tôi…

Và ngày xưa lại về từ khúc dân ca nghiêng ba miền đất nước:

Yếm đào nghiêng quan họ

Vọng cổ nghiêng ghe chiều

Bài thơ nghiêng nón Huế

Ca trù nghiêng liêu xiêu..

Nghiêng được dùng, được hiểu, được thấm, được cảm linh hoạt trong từng hoàn cảnh, không gian, thời gian, chiều kích...của lòng nhân thế mà lại rất tự nhiên như cuộc sống vậy. Thơ không còn là… thơ nữa mà lại rất… thơ:

Quần hồng nghiêng cánh đu

Cù quay nghiêng mắt trẻ

Hoa nở nghiêng e lệ

Cánh bướm nghiêng ao làng…

 

Hội về nghiêng đô vật

Con cờ nghiêng sân chơi

Lì xì nghiêng túi nhỏ

Tết nghiêng lời chào mời

 

Lưng trâu nghiêng tiếng sáo

Ai trèo nghiêng ngọn dừa

Nàng hứng nghiêng bao quả

Chàng nghiêng trái gió đưa?

 

Bờm nghiêng cái quạt mo

Phú ông nghiêng trâu bò

Bờm cười nghiêng cười ngửa

Cục xôi nghiêng đói no!

 

Trạng nghiêng bao mưu lược

Võng vua nghiêng băng hà!

Tiền nào nghiêng sự nghiệp

Nghiêng sấp ngửa dối lừa

Nghiêng là cách để Hồ Bá Thâm cảm nhận, chia sẻ, tỏ bày những trăn trở, day dứt của ông trước hiện thực đa dạng, đa chiều của đời sống.

Thư ký nghiêng áo ngực

Ghế giám đốc nghiêng theo

Lả lơi nghiêng trời đất

Lập trường nghiêng cheo leo

 

Lợi nhuận nghiêng công lý

Giá cả nghiêng thị trường

Sự thật nghiêng từ gốc

Đạo đức nào ngả nghiêng

 

Tiền nghiêng lách cửa hậu

Bao quan bà nghiêng lòng

Làm quan ông nghiêng ghế

Tay quan ông nghiêng còng!

 

Ngả nghiêng trong bão tiền

Bao quan ông nghiêng khám

Chế độ có ngả nghiêng?

Nghiêng ngã tay chèo chống!

 

Nghiêng vũ trường chung thủy

Ích kỷ nghiêng nghị trường

Em nghiêng tai nhắc khéo

Nghiêng đất đai mưa dầm

Dân dã là thế mà bác học cũng là thế! Ta có cảm giác không phải tác giả “làm thơ” mà là tâm tình bằng thơ từ cõi lòng mình!

Hiện thực cuộc sống, trong cảm nhận, sự quan sát tinh tế để đưa vào thơ như ở 5 khổ thơ trên là điều đáng để mỗi người trong chúng ta mãi thổn thức, suy ngẫm.

Ngả nghiêng trong bão tiền

Bao quan ông nghiêng khám

Chế độ có ngả nghiêng?

Nghiêng ngã tay chèo chống!

Thực tế, đã có biết bao vị quan to đã vì tiền, vì lợi ích, vì tư lợi cá nhân mà bất chấp luật pháp, coi thường nhân dân. Họ đã vào vòng lao lý vì đã làm tổn thất đến đất nước, đến nhân dân. Hồ Bá Thâm đặt ra câu hỏi đầy lo lắng trước sự tha hóa, biến chất của cán bộ từ hơn 15 năm trước (bài thơ viết năm 2009) mà đến bây giờ vẫn còn có ý nghĩa thời sự. Dân sẽ mất niềm tin, chế độ sẽ thế nào?

Chế độ có ngả nghiêng?

Nghiêng ngã tay chèo chống?

Hồ Bá Thâm sáng tạo thơ bởi sự thôi thúc tự nhiên đến của con tim, của những khắc khoải, ẩn ức chuyển hóa thành cảm hứng nghệ thuật.

Bao nỗi đau nghiêng ngửa

Trang giấy nghiêng sinh thành

Máu nghiêng từ ruột đất

Nghiêng một màu xanh xanh

 

Đắng cay nghiêng cả đời

Mồ hôi nghiêng đồng ruộng

Con trâu nghiêng luống cày

Mùa vàng nghiêng cánh nhạn

 

Bút xoay nghiêng chế độ[1]

Bài thơ nghiêng nhân tình

Nốt nhạc nghiêng thời thế

Em hát nghiêng đời anh!

Nghiêng được dùng với nghĩa hàm ẩn, đa nghĩa, bóng gió, như thật, như đùa, như có, như không. Nghiêng được cảm thức với nhiều khía cạnh đa nhịp, đa thanh, đa tình, đa cảnh, đa chiều, rất phong phú và sâu sắc... Do vậy nghiêng không chỉ đơn giản là tính từ hay động từ… theo nghĩa thông thường mà nghiêng trở thành nỗi ám ảnh, mối lo âu, trăn trở khôn nguôi, chất chứa tình ý đối với bao người. Đôi lúc có sự bông đùa, dí dỏm, giăng mắc vào lòng người những hoài niệm, suy tư nhưng lại rất chân thành. Tác giả đã dùng rất nhiều câu hỏi tu từ đan xen khó nói.  

Bạc đâm nghiêng nh nghĩa

Trắng đen nghiêng tiền nào

Cán cân nghiêng phải trái

Công lý nghiêng vào đâu?

 

Bao trò chơi nghiêng ngửa

Thật giả nghiêng chính tà

Dại khôn nghiêng đâu hết

Bao lần nghiêng vào ta?!

Hồ Bá Thâm đã không ngừng trăn trở, suy tư, thẩm thấu NHỮNG TRIẾT LUẬN NGHIÊNG - một sự liên thông, tác động lẫn nhau, ảnh hưởng, thẩm thấu lẫn nhau của vạn vật và vạn nhân sinh, con người và vũ trụ, đẹp xấu, dở hay, cao sang, thấp hèn, hiện tại quá khứ và tương lai hòa vào như một, mà hai, mà ba… Nhưng là qua những dòng thi ca sâu sắc về cuộc đời, về tình yêu, thế sự trong những mối tương quan đa dạng, phức tạp bằng cảm thức nghệ thuật thơ. Nhà thơ đã ký thác được nhiều cung bậc, sắc màu… khác nhau của đời sống, của trái tim từ sự lắng đọng/ đúc kết của bản thân, từ những chiêm nghiệm, khám phá từ miền sâu thẳm trong tâm hồn con người và thời cuộc tạo nên một thế giới thực - ảo trong thơ.

Nghiêng như lời tự sự đậm chất trữ tình, nhấn nhá, cắt cứa vào tâm hồn người đọc với đầy đủ mọi sắc thái trí cảm.

Em nghiêng gầu tát nắng

Bông lúa nghiêng chín vàng

Nhớ nghiêng mồ hôi chảy

Múc ánh vàng nghiêng trăng

 

Mở đường nghiêng Trường Sơn

Nụ cười nghiêng bên suối

Hoa chuối nghiêng nghiêng chào

Quân đi nghiêng mặt trận.

 

Nghiêng mình trước nghĩa trang

Thiêng liêng nghiêng hương khói

Hướng dương nghiêng như nói

Ánh sáng nghiêng soi đường

 

Nhớ trăng nghiêng đỉnh dốc

Em nghiêng đầu bên anh

Hương sả nghiêng sao xanh

Nghiêng trái tim tình tự…

 

Trường Sơn nghiêng mùa lũ

Vai ta nghiêng đẩy xe

Trời ghen nghiêng một nửa

Cười nghiêng ngửa bạn bè

 

Em về nghiêng trên đồng

Lưng cháy nghiêng chân rạ

Nụ cười nghiêng vất vả

Hội ca nghiêng lời em…

 

Trăng về nghiêng bên mộ

Hương thơm nghiêng thưở nào

Hồn anh nghiêng nao nao

Lòng bên anh nghiêng mãi…

Cái gốc rễ sâu xa tạo nên hồn thơ bay bổng và trầm lắng Hồ Bá Thâm nói chung và ở bài thơ Nghiêng nói riêng, đó chính là ở chiều sâu ý thức, quan điểm, thái độ sống, sự ngân vọng của những lớp trầm tích văn hóa được thẩm thấu, tinh lọc qua con mắt tinh đời, trái tim nhân hậu dễ cảm của nhà thơ.

Đã có rất nhiều lời nhận xét, đánh giá rất cao về “sự tìm tòi khám phá mới” (từ của nhà thơ Mai Quỳnh Nam) ở bài thơ Nghiêng của các nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhà văn, bạn đọc và cả những người bạn thân thiết của Hồ Bá Thâm. Tất cả đều dành những lời ngợi khen, thán phục về Nghiêng. Nghiêng như “súng hai nòng”, Một cách tiếp cận kiểu "súng hai nòng" rất độc đáo và thú vị” (Nhà thơ, nhà nghiên cứu Tuấn Đỗ Minh ngày 08 tháng 9 năm 2013). Đúng là Hồ Ba Thâm đã tạo ra một thế giới thơ nghiêng đầy sống động, “thách thức những người cầm bút”. Bởi Hồ Bá Thâm đã viết Nghiêng bằng cả tấm lòng, sự suy tư, chiêm cảm, minh triết của một con người giàu trắc ẩn, có thiên phú “tư duy triết học”; ở đó còn hiện lên chân dung của một nhà khoa học, nhà triết học uyên bác, góc cạnh, có phần “quẫy đạp về ngôn từ” (nhà thơ Phan Trung Thành) mà chỉn chu; một nhà thơ tài hoa, tinh tế và lãng mạn.  Cũng có bạn đọc nói “sao nghiêng nhiều thế”, sao lại lẫn cả thơ trữ tình yêu đương và trữ tình thế sự vào một bài…? Nhưng rõ ràng nhà thơ Hồ Bá Thâm đã rất thành công với bài thơ Nghiêng. Thế giới thơ nghiêng như thế giới thơ say và bất chợt… thế thôi! Nó bắt đầu và tự kết thúc như là một sự có sẵn, không có sự đặt bày của trí cảm, hay dở, dài ngắn như tự nhiên vậy! Bài thơ Nghiêng như từ trên trời rơi xuống, như một quả tặng của tạo hóa vậy!

Hồ Bá Thâm đã làm nên kỷ lục trong thơ Việt Nam đương đại - “Bài thơ có nhiều chữ nghiêng nhất”. Ông làm hàng trăm bài thơ, có bài thơ cũng đã phổ nhạc nhưng đời thơ với một bài thơ Nghiêng như thế cũng đủ là thi sĩ để đời, còn nhớ, còn đọc, còn nghe như gió, như nắng, như âm vang đất trời… 

Nhà thơ dùng thể thơ 5 chữ truyền thống (trong dân ca Ngệ Tĩnh) để thuận lợi trong diễn tiến nội dung sự việc diễn ra một cách tự nhiên không gượng ép. Nhưng có lẽ không phải ông chọn mà nó chọn ông ở bài thơ Nghiêng độc lạ và rất hiện đại này. Nội dung thơ bắt nguồn từ hiện thực với những hình ảnh của cuộc sống thông qua cách diễn đạt phong phú, đặc sắc của Hồ Bá Thâm. Trong bài thơ, thi sĩ Hồ Bá Thâm có đến 24 lần dùng dấu chấm cảm (!), 16 lần dùng dấu ba chấm (...), 7 câu hỏi tu từ (?) ... Mạch cảm xúc, cách diễn ngôn của của trí cảm hấp dẫn, thể hiện rõ nét một tâm hồn nhạy cảm trước cuộc sống, một cách nhìn thông thái, sắc sảo mà kín đáo thâm trầm của thi nhân. Bài thơ NghiêngThơ tình triết học (in trong tập thơ cùng tên, Nhà xuấ bản Thanh Niên, 2009).

Đến như nhà thơ tài hoa, rất khắc khe về từ ngữ và yêu cầu mới lạ về thơ như nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm hay nhà thơ Nguyên Hồ vậy mà khi đọc bài thơ Nghiêng cũng đã phải thốt lên: “Bài thơ Nghiêng hay và có nhiều chi tiết thú vị, độc đáo”.

Khi ra mắt tập Thơ Tình triết học, nghe đọc bài thơ Nghiêng, một người bạn của ông đã làm ngay bài thơ ngắn với lời đề tặng: Thân tặng Tiến sĩ /Thi sĩ Hồ Bá Thâm:

Đồng tiến sĩ xuất thân

Quan trường hàng ngũ phẩm

Đủ cả phúc cả phận

Còn thêm phần thi nhân!

Thơ làm mềm câu triết

Triết làm nhuận ý thơ

Chơi chữ hàng thượng thừa

Ba trăm lần nghiêng ngã…

Nghiêng thế thì chào thua!

Nhưng đừng say sưa quá

Cái gì cũng nghiêng ngả!

….

Vững nền là nhân văn!            

(10-2011, Nguyễn Như Biên)

Có lẽ bài thơ của Nguyễn Như Biên viết tặng Hồ Bá Thâm như là lời tổng kết đầy đủ và đã nói lên tất cả!

Cũng cần nói thêm rằng Hồ Bá Thâm làm bài thơ Nghiêng không phải dể phô diễn hay thuần túy chơi chữ mà là để tri ân cả vũ trụ, tri ân cuộc đời, tri ân đồng đội, bạn bè, quê hương, đất nước, tri ân quá khứ, tri ân hiện tại và cả tương lai, tri ân tình thương yêu, nghĩa khí và tất cả, trên hết là người Mẹ của mình, vì đó cũng là người Mẹ Việt Nam:

Trời một lần nghiêng cốc

Rót nghiêng sữa tình đời

Như mẹ nghiêng bầu vú

Nuôi tôi nghiêng cả đời…

Thế thì còn mãi…

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tiểu thuyết “Trưng Nữ Vương” – Bản tráng ca về những Nữ Vương đầu tiên của đất Việt
Bà Trưng quê ở Châu Phong,Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.Chị em nặng một lời nguyền,Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Xem thêm
Về nương bậu cửa kiếm tìm an yên
Bài viết cho cuộc ra mắt tập thơ “Lục bát chân mây” của Võ Miên Trường
Xem thêm
Nguyễn Minh Tâm với ‘Ấm lạnh pháp đình’
Bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Hòa
Xem thêm
Bồi hồi, thổn thức, bâng khuâng…
Bài viết cảm nhận của nhà thơ Hoa Ngọc Dung
Xem thêm
Bàn về tính lý luận trong các bài giảng của thầy và bài viết của trò hiện nay
Lý luận văn học Lý luận văn học (LLVH) là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện lý thuyết khái quát nhằm tìm ra những quy luật chung nhất về văn học. Trong đó bao gồm sự nghiên cứu bản chất của sáng tác văn học, chức năng xã hội-thẩm mỹ của văn học, đồng thời xác định phương pháp lý luận và phân tích văn học. Lý luận văn học tồn tại như một môn học độc lập ở một số trường đại học; nó cũng là một phân môn cho sinh viên và học sinh THPT thế hệ trước. Cho dù độc lập hay là phân môn của môn Ngữ văn thì vai trò của LLVH là vô cùng lớn.
Xem thêm
“Lời của gió” - Lời của nước mắt, nụ cười
Tôi may mắn được người anh, người đồng nghiệp quý mến - Nhà thơ, Nhà báo Trần Thế Tuyển gửi bản thảo trường ca “Lời của gió” với tin nhắn giản dị, mộc mạc “Gửi chú đọc và thẩm cho anh”. Đọc thì đương nhiên rồi, nhưng không dám “thẩm”. Mấy lời sau đây tôi viết với tư cách là bạn đọc, là người em của Nhà thơ Trần Thế Tuyển.
Xem thêm
Không gian thiền tịnh và buông xả trong thơ Nguyễn Thị Sơn
Chùm thơ 4 bài: Thiền, Tịnh, Buông, Nhàn của nhà thơ Nguyễn Thị Sơn đã khái quát một không gian thơ mang tính tâm linh cho riêng mình, ở đó mỗi bài đều chứa đựng những tầng ý nghĩa sâu sắc về tâm trạng và trải nghiệm của con người. Những bài thơ này thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, giữa thiên nhiên và tâm hồn. Mỗi bài thơ là một khía cạnh khác nhau của sự tìm kiếm sự an lạc và bình yên trong cuộc sống.
Xem thêm
Dòng sông tâm thức của Elena trong “Hạt bụi lênh đênh”
Trong những câu chuyện đan xen giữa thể loại tùy bút và truyện ngắn và tôi chọn 7 bài viết trong “Hạt bụi lênh đênh” để nói về “dòng sông tâm thức” của Elena đã trải qua .
Xem thêm
Nỗi buồn trổ bông và tình mẹ trong thơ Nguyễn Minh Ngọc Hà
Nguyễn Minh Ngọc Hà sinh năm 1985 tại vùng đất An Sơn thuộc thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nơi đây vốn là chiến khu cách mạng hào hùng trong hai cuộc kháng chiến và là một phần của Vườn trái cây đặc sản Lái Thiêu nổi tiếng. Có lẽ đặc điểm, truyền thống quê hương đã sớm chắp cánh cho hồn thơ của chị. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong đầu cô cựu học sinh lớp chuyên toán của trường trung học phổ thông chuyên Hùng Vương luôn phảng phất âm điệu của thi ca. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng tại trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh rồi vào làm việc tại một ngân hàng lớn chưa bao lâu, như duyên phận đã định trước, Nguyễn Minh Ngọc Hà “rẽ bước”, chọn nghề tự do để có thời gian dành cho văn chương nghệ thuật
Xem thêm
So sánh bài thơ Cây đánh đu của Lê Thánh Tông và bài thơ Đánh đu của Hồ Xuân Hương
ĐÁNH ĐUTám cột khen ai khéo khéo trồngNgười thì lên đánh kẻ ngồi trôngGiai du gối hạc khom khom cậtGái uốn lưng ong ngửa ngửa lòngBốn mảnh quần hồng bay phấp phớiHai hàng chân ngọc duỗi song songChơi xuân đã biết xuân chăng tá?Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không
Xem thêm
Chân dung đẹp từ nét vẽ của thơ
Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật, ngày 22/8/2024
Xem thêm
Nhịp điệu của sức bền
1. Trong nhiều tác phẩm và bài viết trao đổi, Mai Văn Phấn thường nhắc đến quan niệm viết (và sáng tạo nghệ thuật nói chung) như một hành động kiến tạo không gian khác – khác với người khác và khác với chính mình, xem đấy như kim chỉ nam cho quá trình tìm tòi của ông. Đấy là một ý tưởng dễ được chia sẻ (và dễ biến thành các tuyên ngôn to tát) nhưng rất khó để hiện thực hoá, bởi nó buộc người viết phải ý thức đầy đủ về bản chất sáng tạo, biết liên tục đổi mới, hoặc nói cách khác, biết phủ định và tự phủ định. Càng ngày, khi càng đi xa và đạt nhiều thành tựu hơn, Mai Văn Phấn càng thấy rõ áp lực của việc phải khác trong thực hành sáng tạo. Nhưng đồng thời, việc viết trong áp lực (chủ yếu xuất phát từ đòi hỏi của ông với chính bản thân) đã hình thành ở tác giả này một tinh thần và thái độ thực tế mà ta có thể nói đơn giản như sau: muốn viết khác thì phải đọc sâu, đọc rộng. Có lẽ vì vậy, sau nhiều tác phẩm thơ liên tiếp xuất bản trong và ngoài nước, Mai Văn Phấn chọn nhịp bước chậm lại và rẽ sang phê bình với tập Không gian khác (2016) và mới đây nhất, là Nhịp điệu vẽ lối đi (2024).
Xem thêm
Hoa thơm, trái ngọt của lòng yêu thương
Nguồn: Thời báo Văn học - Nghệ thuật số ra ngày 15/8/2024
Xem thêm
Đọc thơ Trần Mai Hường
Bài viết của nhà văn Tuấn Trần
Xem thêm