- Tin tức - Hoạt động Hội
- Tôi nghĩ đã đến lúc phải có con đường tên Hải Như ở thành phố Hải Phòng
Tôi nghĩ đã đến lúc phải có con đường tên Hải Như ở thành phố Hải Phòng
"Tôi nghĩ đã đến lúc phải có con đường tên Hải Như ở thành phố Hải Phòng”, PGS.TS Phùng Quý Nhâm đề xuất tại tọa đàm 'Nhà thơ Hải Như, một thế kỷ suy tư'.
Nhà văn Bích Ngân (thứ hai từ trái qua) trao hoa cho con trai của nhà thơ Hải Như tại buổi tọa đàm Nhà thơ Hải Như, một thế kỷ suy tư - Ảnh: Hồ Lam
Sáng 20-12, tại trụ sở Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP.HCM đã diễn ra buổi tọa đàm Nhà thơ Hải Như, một thế kỷ suy tư, để tưởng nhớ nhà thơ Hải Như và giới thiệu tập Hải Như - Thơ và Tiểu luận.
Tập sách xuất bản nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ, do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành.
Tác phẩm được xem như một phác thảo sơ lược về sự nghiệp văn chương và thơ ca mà ông để lại cho công chúng.
Cần con đường tên Hải Như ở Hải Phòng
Theo nhà văn Bích Ngân, lời thơ của Hải Như đã tạo ra dấu ấn riêng biệt cho thành phố cảng: “Chào phố biển lam lũ nhưng sống có chiều sâu / Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu”.
Chính vì những tình cảm sâu nặng của Hải Như dành cho thành phố Hải Phòng mà rất nhiều ý kiến đồng tình rằng đã đến lúc nên có một con đường mang tên ông ở thành phố này.
Nhà thơ Hải Như được nhiều người biết đến với tư cách tác giả phần lời của hai ca khúc Như hoa hướng dương (nhạc Tô Vũ) và Thành phố hoa phượng đỏ (nhạc Lương Vĩnh).
Nhạc sĩ Tuyết Mai chia sẻ về những kỷ niệm khi bà làm việc cùng nhà thơ Hải Như - Ảnh: Hồ Lam
Nhạc sĩ của bài hát nổi tiếng Huế, tình yêu của tôi Trương Tuyết Mai cũng là một trong những người cộng tác với ông. Bà nói việc phổ nhạc từ lời thơ của ông là không dễ.
Bà tâm tình về những kỷ niệm của bà khi làm việc cùng ông:
“Với tôi, Hải Như là một người quá đặc biệt. Trong suốt thời gian tôi làm nghề, anh là người duy nhất động viên, quan tâm, hỏi han tôi rất nhiều khi tôi cộng tác với anh. Đó là một niềm hạnh phúc của tôi”.
Nhờ một cụm ca khúc trong đó có Nơi ấy điểm hẹn dựa trên lời thơ của Hải Như, nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Ông Trần Quốc Cường - bí thư Tỉnh ủy Điện Biên - bày tỏ: “Tôi tin chắc rằng tất cả người dân Hải Phòng khi lớn lên và nghe bài hát về thành phố hoa phượng đỏ được phổ từ thơ của vị thi sĩ thì cái tên Hải Như đã trở thành tên đường trong trái tim của họ rồi”.
Nhân cách thơ ca khiêm nhường, đức độ
Trong suốt hành trình dài trong sự nghiệp, nhà thơ Hải Như đã luôn kiên định với sứ mệnh của mình: “Thơ của anh viết ra không để cho người lười suy nghĩ đọc / Anh không thuộc dòng thù tạc - sân chơi / Nhiệm vụ thơ ca với anh phải có ích cho đời / Em xem đó, con người vẫn còn bị con người xúc phạm”.
Nhà văn Bích Ngân nói Hải Như đã có một đời lặng lẽ miệt mài cầm bút để gửi tặng cho người những vần thơ, tập sách hay.
Nhà thơ Hải Như bắt đầu sự nghiệp của mình bằng ngòi bút của nhà báo và sau đó dấn thân vào nghiệp văn chương, thơ ca bởi theo ông: “Báo chí mang tính thời sự, còn thơ ca thì có tính thời đại”.
Tập Hải Như - Thơ và Tiểu luận xuất bản nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ, do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành - Ảnh: Hồ Lam
Nhiều ý kiến tại buổi tọa đàm cho rằng Hải Như là một trong những nhà thơ viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh có nét riêng nhất. Đến nay, ông đã sáng tác hơn 100 bài thơ về Bác.
Nhà thơ viết về Bác Hồ nhưng không thần thánh hóa, mà cố gắng khai thác đời thường giản dị của Người qua những vần thơ: “Đừng dệt nhé chuyện thần kỳ về Bác / Chữ thần kỳ, Bác riêng tặng nhân dân”.
“Với tôi, văn là người, Hải Như cũng chính là người như trong thơ của ông. Không chỉ là một thế kỷ, vị thi sĩ này sẽ sống mãi trong lòng hậu thế với những tác phẩm của mình”, nhà văn, nhà thơ Trần Thế Tuyển nhận định.
Tập Hải Như - Thơ và Tiểu luận gồm 100 bài thơ được chia làm ba chủ đề: thơ về Hồ Chí Minh, thơ thế sự, thơ tình và các bài tiểu luận ngắn, tiêu biểu nhất của nhà văn, nhà thơ Hải Như.
HỒ LAM (Tuổi Trẻ)