- Lý luận - Phê bình
- Giả dụ - góc khuất của người đàn bà yêu
Giả dụ - góc khuất của người đàn bà yêu
Văn chương Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà thơ Nhật Quỳnh là hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Chị tốt nghiệp Đại học Sư phạm khoa Tiếng Nga đúng thời điểm Liên-xô tan rã nên đã không có nhiều cơ hội theo nghề giáo. Dù bận rộn với công việc kinh doanh, chị vẫn dành thời gian cho thơ và đặc biệt có giọng ngâm thơ rất hay, giàu cảm xúc. Nhật Quỳnh viết không ít, nhưng chỉ mới cho xuất bản hai tập thơ: Thế giới của em (2004), Giả dụ (2012).
Trong cơn đại dịch covid-19, nhà thơ Nhật Quỳnh không may bị nhiễm coronavirus và phải vào bệnh viện chữa trị gần một tháng nay. Ngày hôm qua, 25/10/21, chị vừa báo cho chúng tôi biết tin mừng: chị đã được xuất viện! Xin chân thành chúc mừng chị đã chiến thắng covid để trở về với cuộc sống của người kinh doanh kiêm nhà thơ!
Nếu biết rằng, Nhật Quỳnh là tác giả của chùm 2 bài thơ được chọn vào Vòng chung khảo cuộc thi “Nhân nghĩa đất phương Nam” (với bút danh Yên Khang), bạn đọc hẳn sẽ mừng cho chị nhiều hơn. Và, nếu như chùm thơ của Nhật Quỳnh – Yên Khang được trao giải thì niềm vui sẽ tăng lên gấp bội! Chúng ta cùng mong cho Nhật Quỳnh may mắn!
Sau bài viết của nhà báo Bảo Trung, chúng tôi tiếp tục giới thiệu dưới đây bài viết của Nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh về tập thơ thứ hai của Nhật Quỳnh.
NGUYỄN VŨ QUỲNH
Vừa rồi Nhật Quỳnh có tặng tôi tập thơ Giả dụ đang thơm mùi mực. Tôi ngắm nghía Giả dụ và mở ra đọc liền một mạch như uống cạn từng hơi, trong mạch nguồn Giả dụ. Cũng xin nói thêm rằng, lâu nay tôi ít khi đọc thơ ai hết cả một tập từ đầu đến cuối, nếu như liếc qua vài ba trang chưa thấy bài nào ưng ý thì tự dung thôi, nhưng trong Giả dụ, từ câu chữ, ngôn ngữ, hình tượng, chất thơ, đến thể loại cứ cuốn tôi đọc tới bài cuối cùng. Đọc xong Giả dụ rồi, tôi thấy không thể không viết đôi dòng suy tư về tập thơ này, vì tác phẩm đáng trân trọng. Giả dụ là bày tỏ nỗi lòng, nơi góc khuất của người đàn bà thơ, vì thơ thật là thơ. Tất cả vì tình yêu:
Ơi tình yêu như rơm rạ
Sưởi ấm mà cũng làm rát bỏng đời nhau.
(Sợ).
Yêu đến cháy lòng, yêu mãnh liệt, yêu vô tư và vị tha. Giả dụ tác giả viết về thân phận mình, khóc vì tình duyên trong hoàn cảnh chia ly. Sưởi ấm mà cũng làm rát bỏng đời nhau. Từ ấm cúng đấy mà cũng trở thành rát bỏng. Bằng ngôn ngữ thấm đẫm yêu thương nhưng sự trớ trêu lại đến. Với lối viết sâu sắc về nội tâm, không lộng ngôn, không ngoa ngữ mà da diết, day dứt. Tác giả ghìm nước mắt lận vào trong để người đọc rung động, cảm nhận, chia sẻ lắng đọng mà không rơi lệ:
Nơi tôi ở cũng phía ngày nắng tắt
nhưng nỗi buồn không thổi được lên cao
tôi thảng thốt nhận ra mình giông bão
trước những triền sông
chảy ngược lũ điên cuồng
(Cũng phía ngày nắng tắt)
Tác giả biết chắt chiu lựa chọn ngôn từ, kéo thể thơ lục bát về với người đọc, bằng sự rung cảm, đau đáu của lời ru. Với thể loại thơ tự do, Nhật Quỳnh dùng ngôn ngữ mới, thi tứ đẹp của thơ ca đương đại nhưng không lẫn vào mô típ cũ của ai cả. Cách viết trong Giả dụ hấp dẫn, không khoe chữ nhưng giàu hình tượng, để câu thơ thoát ra khỏi biển tình mặn chát đầy sóng gió:
Anh là người đàn ông
em khát khao mơ ước có trong đời
nên đã liều mình đánh cắp
mà vẫn trắng tay
thua thiệt phút vui buồn
(Đánh cắp)
Đánh cắp được rồi mà vẫn trắng tay. Trắng tay cái gì đây? Đó là tình yêu, hạnh phúc. Và cũng chính trong cái nỗi mất mát ấy nhà thơ đã tự mình vượt lên cái ái oan bi đát :
Em tự thăng hoa thành cơn mưa
đổ vào anh dửng dưng lòng đất
(Bởi)
Tác giả tự thăng hoa bằng cơn mưa nước mắt, cơn mưa của những giọt buồn trong vị nhân sinh, để rồi:
Em lại về bên anh
khi những giấc mơ tìm về đêm trú ẩn
ngày trôi qua, em gom lại phía mình
Lời thơ với những ngôn từ đẹp, giàu nhân ảnh ấy. Khi những giấc mơ tìm về đêm trú ẩn. Chia xa rồi nhưng vẫn còn lại giấc mơ tạo nên cảm xúc lạ lùng mà lãng mạn sâu lắng, gom cái bất hạnh ấy về lại phía mình. Phải chăng phụ nữ nhân hậu là vậy.
Khi buổi chiều loang vào cơn mưa ồn ã
giọt cà phê buồn sóng sánh
uống vào tan đắng đời nhau
(Cám ơn)
Đắng đót đến như vậy nhưng lại làm tan đắng đời nhau, rồi lại lầm lũi đi tìm cái lạc lõng đã mất:
Người đàn bà đi tìm lửa
đốt đến tàn tro khát vọng đời mình
phút lạc lòng đôi khi quên cầm giữ
ám ảnh nỗi buồn
hoảng loạn cơn mê
(Lạc lòng)
Hạnh phúc của mọi người không biết thế nào, với ai đó trong thơ họ viết về tình yêu không có buồn đau để đầy đọa. Song trong thơ Nhật Quỳnh, buồn đau đầy ắp nhưng vị tha, có sẵn sự mong manh dễ vỡ bởi sự đời:
Biết giờ anh đã quên rồi
tin không nhắn cũng chẳng ngồi nhớ em
một người nhớ một người quên
vậy là em phải đốt đèn tìm em
(Tìm)
Và có lúc tưởng chừng trời đất như sụp đổ, bước chân của người bại trận trong suy tư ủ dột hoang mang đến tận cùng trong vô vọng. Cái mất của tình yêu, cái mất của hạnh phúc đày đọa tâm can, đè nặng đôi vai gầy gò ở chặng đường đầu ấy.
Em giờ chẳng thể yêu ai
chữ yêu trời đặt mỏi vai em rồi
trắng tay lạc nước cờ đời
cho nên thành kẻ đứng ngoài cuộc chơi
(Thua)
Đọc Giả dụ tôi thấy nhà thơ chắt chiu ngôn từ nhưng không ích kỷ, hà khắc với câu chữ để không hệ lụy cho kẻ đáng ghét ở phía bên kia. Tác giả chỉ trách cho thân phận mình một kiếp đa đoan. Trong Giả dụ hình tượng nghệ thuật phong phú, ngôn ngữ đời thường được thi vị hóa, nâng cao hàm súc, sức lan tòa của từ ngữ. Nhật Quỳnh với lời thơ sâu lắng vượt qua cái bình thường, gieo vào người đọc giọt tình riêng của thi ca, thấm đẫm ngọt bùi cay đắng, khiến người đọc cảm thụ được cái thần của từng bài thơ trong tác phẩm. Qua Giả dụ tôi cũng nhận ra một Nhật Quỳnh giản dị và bình tĩnh đến lạ thường trước nỗi đau của con tim tình ái. Điều đó được tác giả thể hiện:
Trước phiên tòa con cứ ngủ say
bởi giấc ngủ của con
đang có hai bàn tay tìm đến
cùng níu kéo, cùng vỗ về tha thiết
con nhỏ quá làm sao con biết
cha mẹ chia tay là vĩnh viễn
suốt đời này không sum họp đâu con
(Viết cho ngày ly dị)
Và một Nhật Quỳnh vị tha trong hờn giận, lời thơ như một bài hát ru mình, cảnh tỉnh cho cuộc đời bởi trước đấy là một tình yêu đẹp trải lên nỗi đau. Song vẫn đợi:
Anh không về qua ngõ cuối mùa thu
Anh không về nên mùa thu qua ngõ
lời yêu thương theo gió tan nhanh
chỉ đóa cúc còn tin lời hò hẹn
đêm chong đèn ngồi đợi mặt trời lên
anh không về qua ngõ cuối mùa thu
cây cải luống, hết ngồng đứng khóc
đốm nắng vàng mong manh cơn gió bấc
giọt sương ngập ngừng lăn qua kẽ tay
(Anh không về)
Đây là bài thơ gói gém lại Giả dụ trong sự chia ly. Mùa thu, mùa lá rụng, làm tôi nhớ tới bài Thơ tình cuối mùa thu của cố nhà thơ Xuân Quỳnh: “Mùa thu vào hoa cúc / Chỉ còn em và anh / Cùng tình yêu ở lại”. Quả là hạnh phúc đối với Xuân Quỳnh còn Nhật Quỳnh thì: Quên cả mùa thu và quên cả còn em. Một trong những bài thơ hay trong tình cảm người đọc, của làng thơ nước nhà.
Giả dụ một tác phẩm thi ca hay, đẹp, nhân ái, đằm thắm và sâu sắc song đây cũng là nỗi buồn ở cái thời mới là đàn bà thơ. Phải chăng những nỗi buồn giằng xé, va đập của thân phận trong tình yêu, mới làm cho thơ tình hay? Nhưng đừng buồn quá để không đạt được mục đích cuối cùng của văn chương và thi ca là hướng con người đi tới chân trời hạnh phúc. Mong đây cũng chỉ là Giả dụ như cái tên của tác phẩm thơ thôi. Rất trân trọng Giả dụ của nhà thơ Nhật Quỳnh.
N.V.Q