TIN TỨC
  • Những bi kịch lạc quan từ “Bản tình ca khúc khuỷu”

Những bi kịch lạc quan từ “Bản tình ca khúc khuỷu”

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-04-16 15:39:39
mail facebook google pos stwis
1296 lượt xem

TS HÀ THANH VÂN

Sau nhiều năm không xuất bản thêm cuốn sách mới nào, nhà văn, nhà báo Nguyễn Hồng Lam vừa quay trở lại với văn chương bằng một tác phẩm không phải viết về giang hồ, mà viết về những phận đời phụ nữ, tác phẩm Bản tình ca khúc khuỷu (NXB Phụ nữ Việt Nam). 

Khi đọc tác phẩm này, tôi chợt nghĩ tác giả đã đi qua những thân phận phụ nữ, đã dừng lại và lắng nghe họ kể, đã viết thành những trang văn chương về những bản tình ca buồn, khiến cho chúng ta, những độc giả cũng ngậm ngùi khóc cười theo từng trang chữ. 


Bản tình ca khúc khuỷu (NXB Phụ nữ Việt Nam). 

Xuyên suốt tập truyện ký Bản tình ca khúc khuỷu, dường như những người phụ nữ, từ vô danh đến nổi tiếng, từ một “em gái miệt vườn” Tây Nam Bộ như cô Út đến cô tiểu thư đài các Katherin Trinh Mây xứ Campuchia, từ bà mẹ của một gia đình có bốn người mù đến o Lê Thị Nhị, nguyên mẫu trong bài thơ Gửi em, cô thanh niên xung phong của nhà thơ Phạm Tiến Duật, từ người đàn bà Nguyễn Thị Tâm đi hầu kiện chồng đến người phụ nữ trí thức dấn thân năm xưa Cao Thị Quế Hương đều giống nhau ở một tấm lòng: yêu thương, chịu đựng và hy sinh, nhận lấy những thiệt thòi về bản thân mình.

Hai bà mẹ xóm Cồn là câu chuyện có thể lấy nước mắt của những người đàn ông gan góc nhất. Cuộc đời của mẹ Toán, mẹ Gặp dường như là chỉ hai trong vô số cuộc đời những người phụ nữ đi qua chiến tranh và còn lại mỗi bản thân mình với hai bàn tay trắng, nỗi cô độc và nỗi buồn mênh mang.

Những đứa trẻ không có mùa thu là tấn bi kịch đớn đau của một gia đình nghèo và thiếu hiểu biết, khi người chồng dùng liềm cắt cỏ để mổ bụng vợ cứu đứa con cho khỏi chết ngạt. Cô bé Trần Thị Mỹ Xuyến là đứa con được sinh ra trong máu me và sự chết chóc ấy.

Nhiều năm đã qua, cô bé ấy bây giờ ra sao, khi mà như tác giả Nguyễn Hồng Lam viết “người nghèo khó đến cả giấc mơ cũng phải tiết kiệm”. Cô bé được sinh ra từ sự đánh đổi mạng sống của người mẹ có lẽ nào sẽ vĩnh viễn không thể thoát ra khỏi sự luẩn quẩn và tuyệt vọng của những kiếp người nghèo khó?

Cô giáo Ngọc Điệp của xứ Đà Lạt sương mù tổ chức đám cưới không có chú rể, phụng dưỡng mẹ chồng bao năm để rồi mòn mỏi đợi chờ đến ngày chú rể - phạm nhân ra tù cũng là ngày giấc mơ tình yêu đoàn tụ tan vỡ như một lời nhắc nhở chúng ta rằng: Trong cuộc đời này không phải chuyện cổ tích nào cũng kết thúc có hậu.

Những mùa hoa không nở nói về những thân phận phụ nữ xung quanh tử tù Hồ Duy Trúc, họ là mẹ ruột, là chị gái, là người vợ không có hôn thú. Cuộc đời của họ như những bông hoa không bao giờ nở, cũng như bản thân họ không bao giờ có cơ hội được hạnh phúc.

Bà mẹ Nguyễn Thị Xuân Lan mất con gái, hóa điên suốt mấy chục năm, để rồi may mắn cuối đời cô con gái tìm về chăm sóc, trông nom, báo hiếu nhưng bà vẫn đắm chìm trong cơn nửa tỉnh nửa mê, không tận hưởng được niềm vui trùng phùng hạnh ngộ (Mảnh trăng mùa báo hiếu).

Những thân phận phụ nữ như vậy khiến độc giả chợt nhận ra rằng: phụ nữ có thể không sợ nghèo, không sợ chết, không sợ thiệt thòi… họ chỉ sợ không được yêu thương ai đó và không được ai đó yêu thương.

Nhưng phụ nữ không chỉ có tình yêu thương và mong được yêu thương, họ còn có những sức mạnh phi thường và sức mạnh phi thường ấy cũng xuất phát từ tình yêu thương, trái tim nhân ái. Cô nhà báo Ku Su Jeong không chỉ lặn lội đi tìm sự thật về những thảm sát của lính Nam Triều Tiên đối với dân thường trong cuộc chiến tranh Việt Nam, dấy lên một phong trào xin tha thứ tội ác chiến tranh ở Hàn Quốc, mà còn chọn Việt Nam là quê hương thứ hai của mình.

Chị Huỳnh Tiểu Hương, xuất thân từ một cô bé không gia đình, lang thang, nay là Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Quê hương, nuôi hàng ngàn đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn.

Cô gái Nguyễn Thị Châu với mối tình thủy chung với người tù Côn Đảo Lê Hồng Tư đã cùng nhau đi qua những ngày tháng khốc liệt, đen tối của chiến tranh, qua những hình phạt đòn roi tra tấn để bình yên bên nhau ở tuổi già.

Một khi phụ nữ đã yêu thương, đã quyết tâm làm điều gì đó, dù là tỉnh táo hay mù quáng, dù là lý tính hay mơ hồ, thì họ sẽ làm được. Còn nếu trong trường hợp không làm được, họ cũng chẳng gục ngã. Họ vẫn sống, vẫn tồn tại, vẫn mong manh chờ đợi, vẫn hy vọng, vẫn tin rằng một ngày kia khổ tận cam lai và cuộc đời này sẽ mỉm cười dịu dàng, rạng rỡ với họ. Vì vậy tác phẩm Bản tình ca khúc khuỷu chính là những “bi kịch lạc quan”.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn.

Bài viết liên quan

Nhà văn Đoàn Tuấn và ‘Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt’
Vào lúc 9 giờ ngày 9.4.2022 tại Đường Sách, sẽ diễn ra buổi ra mắt tập sách do NXB này vừa ấn hành: Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt của nhà văn, nhà biên kịch Đoàn Tuấn.
Xem thêm