- Bút ký - Tạp văn
- Miền ký ức giữa rừng đước Cần Giờ
Miền ký ức giữa rừng đước Cần Giờ
Hướng tới ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, Văn chương TP. Hồ Chí Minh xin giới thiệu bài viết của nhà văn Đậu Thanh Sơn về vùng đất Cần Giờ – nơi từng là căn cứ địa của Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác. Qua những dòng ký sự nhẹ nhàng nhưng lắng sâu, tác giả đã tái hiện một cách chân thực không khí thiêng liêng nơi đền tưởng niệm, những con số chiến công lẫy lừng, và cả sự trăn trở về những ngôi mộ chưa có tên. Một bài viết chan chứa lòng biết ơn, khơi gợi niềm tự hào và cũng là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay về trách nhiệm gìn giữ ký ức thiêng liêng của dân tộc.
Nhà văn ĐẬU THANH SƠN
Tôi trong đoàn nhà văn thành phố Hồ Chí Minh đi thực tế sáng tác tại Cần Giờ vào một buổi sáng đầy nắng. Ngồi trên mạn phà, những làn gió từ sông Nhà Bè thổi qua những ô cửa sổ mát rượi, gió mang theo hương vị của miệt vườn ngoại thành và hơi thở của những rặng dừa nước xanh ngắt đang soi bóng bên bờ sông. Đây là tháng cuối của mùa mưa phương Nam, nên thời tiết Sài Gòn dễ chịu hơn hẳn so với mấy các tháng trước đó. Người ta ví von mùa mưa Sài Gòn đỏng đảnh, thất thường như một cô gái mới lớn “sáng nắng chiều mưa” rất khó chiều. Thế nhưng, vào thời gian này thành phố Hồ Chí Minh đã ít mưa và nắng nhiều, không khí, cảnh vật mang một nét đẹp rất riêng, không thể tìm thấy ở một vùng quê nào khác.
Đoàn nhà văn dâng hoa, dâng hương tại Đền thờ Anh hùng Liệt sĩ Cần Giờ.
Qua khỏi phà Bình Khánh trên sông Nhà Bè, chúng tôi đặt chân lên đất Cần Giờ, các thành viên trong đoàn lên xe tiếp tục hành trình về một miền đất có nhiều huyền thoại. Cần Giờ là huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh, nằm ở phía Đông Nam thành phố, cách trung tâm thành phố khoảng khoảng 60 kilomet. Trong buổi sáng ngày đầu tiên của chuyến đi, chúng tôi đến dâng hương, tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ Anh hùng liệt sĩ Rừng Sác tại thị trấn Cần Thạnh. Công trình khởi công từ tháng 12 năm 2023 và hoàn thành sau gần một năm thi công. Đây là ngôi nhà chung quy tụ hồn thiêng các bậc tiền nhân, anh hùng liệt sỹ có công với quê hương đất nước, là công trình thể hiện đạo lý và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của cán bộ, đảng viên, nhân dân và cả hệ thống chính trị, trong việc tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào và tự tôn dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Nghĩa trang Liệt sỹ Rừng Sác, quy tập mộ của 1.221 liệt đã hy sinh trên mảnh đất này qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Trước làn khói hương nghi ngút, trong tôi dâng lên niềm xúc động mãnh liệt, tưởng nhớ đến các anh, những người con đã hi sinh thân mình cho Tổ quốc, cho đất nước hòa bình, để nhân dân hôm nay có cuộc sống phồn vinh. Tôi cảm nhận và hiểu rõ hơn về những năm tháng chiến đấu vô cùng gian khổ của bộ đội đặc công tại mảnh đất này.
Đoàn nhà văn TP. HCM chụp hình lưu niệm trước Đền thờ Anh hùng Liệt sĩ Cần Giờ
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Cần Giờ đã góp phần to lớn trong việc tiếp nhận và vận chuyển vũ khí, đạn dược và hàng hóa từ miền Bắc gửi vào Nam, góp phần quan trọng trong việc đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Đế quốc Mỹ, góp phần to lớn vào thắng lợi trong đợt tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và Đại thắng mùa xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhà thơ Huệ Triệu thay mặt Đoàn nhà văn TP. HCM viết lưu niệm trong Sổ lưu niệm tại Đền thờ
Căn cứ Rừng Sác giờ là di tích lịch sử cấp quốc gia, là căn cứ địa cách mạng quan trọng của bộ đội ta trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hôm nay về đây tôi được xem, được tận mắt chứng kiến những hình ảnh, hiện vật và nghe những câu chuyện kể về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ năm xưa, với những trận chiến đấu ngoan cường, anh dũng của bộ đội Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác, là đơn vị đã bám trụ tại vùng đất này để đánh giặc từ năm 1966 cho đến ngày giải phóng miền Nam năm 1975.
Nhà thơ Nguyên Hùng thắp nhang trước tấm bia ghi tên các Anh sùng Liệt sĩ
Trong gần 9 năm đó, Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác đã đánh 595 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 6.200 tên Mỹ - ngụy, đánh chìm và cháy 356 tàu, thuyền chiến đấu; đánh đắm 133 tàu vận tải từ 8.000 - 13.000 tấn và bắn cháy 145 tàu vận tải khác; bắn rơi 29 máy bay trực thăng; phá hủy một trận địa pháo, nhiều cầu, sở chỉ huy của địch… Trong gần 600 trăm trận đánh đó, có những trận đánh đi vào trang sử hào hùng của quân đội ta, điển hình trận đánh chìm tàu Victory trọng tải 10.000 tấn, chở 100 xe tăng, 3 máy bay, hàng trăm khẩu pháo, hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm; hai lần đánh kho bom Thành Tuy Hạ, đã phá hủy trên 110.000 tấn bom đạn, chất nổ. Trong lần đột nhập Tổng kho xăng Nhà Bè, đã thiêu hủy 250 triệu lít xăng dầu và khí đốt gaz… góp phần làm tiêu hao và chia cắt nguồn cung ứng vũ khí, khí tài và xăng dầu của Mỹ cho quân ngụy Sài Gòn. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn 10 đặc công Rừng Sác đã đánh chiếm và tiếp quản Quân cảng Nhà Bè, thu hàng trăm tàu, bắt hàng ngàn tên lính ngụy… Đây là điển hình của nghệ thuật quân sự Việt Nam mà lịch sử quân sự thế giới chưa bao giờ đúc kết được. Có vinh quang nào mà chẳng đổi bằng những hy sinh mất mát, có chiến thắng nào mà chẳng tổn thất máu xương. Hơn 560 anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú đã ngã xuống mảnh đất này để giành lại hòa bình, độc lập cho Tổ quốc. Thân xác các anh đã vĩnh viễn nằm lại nơi mảnh đất này, giữa rừng đước xanh tươi, trong lòng sông Lòng Tàu... Mong các anh hãy yên nghỉ đâu đâu cũng là quê hương đất mẹ Việt Nam. Với những chiến công oanh liệt và xuất sắc đó, ngày 23/9/1973, Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác, đã được Đảng và Nhà nước phong tăng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Đoàn nhà văn trong rừng đước Cần Giờ
Năm tháng sẽ đi qua, cuộc chiến tranh cũng đã lùi về quá khứ, đất nước thay da đổi thịt từng ngày. Rừng Sác là vùng đất chết, bởi chất độc da cam khai quang và bom đạn của Mỹ - ngụy cày xới năm xưa, hôm nay đã trở thành khu du lịch sinh quyển. Ngắm nhìn những cánh rừng đước bạt ngàn, xanh mướt chúng ta thấy được sức sống thần kỳ của thiên nhiên và con người Việt Nam. Tuy nhiên, hình ảnh đau thương và những hy sinh mất mát bởi bom đạn của Mỹ - ngụy, như còn nguyên trên nét mặt, trong khóe mắt và trong trái tim của bao người đã từng gắn bó tuổi trẻ của mình cho mảnh đất này của một thời lửa đạn. Trong lòng họ vẫn đau đáu một điều day dứt bởi còn rất nhiều mộ liệt sĩ trong các nghĩa trang, với tấm bia đề “Liệt sĩ chưa xác định được danh tính”, và nhiều đồng đội của các anh hi sinh đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Có lẽ tất cả điều đó đã minh chứng cho sự hy sinh to lớn, vô cùng anh dũng của một dân tộc. Nó nhắc nhở thế hệ hôm nay phải có những hành động thiết thực, ý nghĩa để xoa dịu nỗi đau, sự mất mát to lớn của các gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và thành kính tri ân các anh hùng liệt sỹ, những người con thân yêu từ hơn 40 tỉnh thành trên cả nước.
Chúng tôi đi trên những con đường giữa cánh rừng đước và trà xanh năm xưa, nay đã trở thành đường du lịch cho du khách trong và ngoài nước ngắm cảnh. Với tôi, đi trên những con đường này, trong lòng tôi càng thấy yêu quê hương hơn, và càng tự hào về truyền thống hào hùng của quân đội ta, trong đó có các chiến công lừng lẫy của cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác. Cũng trong sáng hôm nay có vài chiếc xe đưa học sinh, sinh viên chạy trên con đường này. Tôi thầm nghĩ rằng: Thế hệ trẻ hôm nay và mai sau họ sẽ tiếp tục đến địa chỉ đỏ này và sẽ khắc sâu trong tim, trong tâm trí họ về những chiến công huyền thoại của các anh - Bộ đội đặc công Rừng Sác.
TP. HCM, tháng 7 năm 2025
Đ.T.S