TIN TỨC
  • Nhà văn Đoàn Tuấn và ‘Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt’

Nhà văn Đoàn Tuấn và ‘Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt’

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-04-16 15:40:48
mail facebook google pos stwis
1906 lượt xem

LÊ MINH QUỐC

Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt, lần này, nhà văn Đoàn Tuấn đã khiến ta ngạc nhiên, lạ lùng với những nhân vật như Ánh, như đồng đội của Ánh, như các nhà sư đồng hành cùng Ánh, như biết bao con người bình dị khác…

Đã ngoài lục thập, tôi tin rằng, có những con người lạ lùng như Đoàn Tuấn, ngay từ lúc cất tiếng khóc oe oe chào đời, họ phải gánh lấy và không bỏ cuộc về một công việc gì đó. Không phải số phận. “Lâu nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” (Truyện Kiều). Công việc đó, nếu được, ta hãy gọi “sứ mệnh” buộc họ phải đến nơi đó, tham dự vào đó để về sau ghi chép lại một cách tự nguyện với tư cách chứng nhân về thời gian mà mình đã trải qua, đã sống, đã chiêm nghiệm…

Bìa tác phẩm Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt của nhà văn Đoàn Tuấn

Vợ chồng Đoàn Tuấn (phải) cùng gia đình nhà thơ Lê Minh Quốc
 

Với cuộc chiến tranh vệ quốc biên giới Tây Nam năm 1979 của Sư đoàn 307, nhà thơ, nhà biên kịch Đoàn Tuấn đã gánh lấy sứ mệnh đó.

Cùng thời với anh đã có nhiều người viết về những năm tháng này, nhưng chỉ lướt qua với một vài tác phẩm rồi rẽ sang hướng khác. Đoàn Tuấn lại khác.

Khúc ca quân tình nguyện Việt Nam tại chiến trường K đã được anh thể hiện dưới nhiều góc độ, nhiều góc nhìn mà không phải ai dẫu là người trong cuộc cũng biết đến và nhớ đến. Vì lẽ đó, công việc này của anh chính là sứ mệnh mà những đồng đội đang sống và đã mất giao phó cho anh.

Anh đã hoàn thành một cách xuất sắc.

Sau tập thơ Đất bên ngoài Tổ quốc in chung với tôi, anh đã có thêm các tập bút ký như Mùa chinh chiến ấy, Một trăm ngày trước tuổi hai mươi, Mùa linh cảm; và nay, tiếp tục với Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt. Phiêu dạt trên đất của chiến trường K. Đất mà người lính tình nguyện Việt Nam đã ngã xuống ngoài Đất Mẹ, dẫu thế, trong ý thức hy sinh thì đây cũng là đất của anh em láng giềng cần đến máu xương của mình để ngày mai, sau bóng đêm diệt chủng, đất nước này lại tươi sáng. Giọt máu ấy thiêng liêng và nghĩa hiệp biết dường nào.

Đi lại trên đất của mùa chinh chiến ngày ấy, lần này, Đoàn Tuấn thông qua nhân vật Ánh - một cựu chiến binh quay trở lại chiến trường K, kỳ lạ thay, anh ấy lại trở thành nhà sư cùng những nhà sư của quê hương Chùa Tháp cất lên tiếng kinh cầu cho linh hồn những người lính, những người dân Campuchia đã ngã vào lòng đất trong cuộc chiến với tâm thế rất thong dong. Rất đỗi nhẹ nhàng: “lắng nghe lời hoa cỏ bên đường”.
 


Vào lúc 9 giờ ngày 9.4.2022 tại Đường Sách TP.HCM sẽ diễn ra buổi ra mắt tập sách vừa ấn hành với sự tham gia của nhiều tên tuổi nổi tiếng.


Từ trái qua: nhà thơ Vũ Xuân Hương, Lê Minh Quốc, cựu chiến binh Hiền Nhân, nghệ sĩ nhiếp ảnh Tam Thái, Đoàn Tuấn, nhà báo Lưu Đình Triều, nhà thơ Trương Nam Hương

Tấm lòng từ bi ấy, ôi chao, họ nghe những gì mà nhà văn Đoàn Tuấn đã kể lại cho chúng ta? Nghe rằng, “Cỏ đang xanh, cỏ đã úa, cỏ đã cháy, cỏ đang lên, cỏ dưới nước, cỏ trong đầm lầy, cỏ lấm láp bùn, cỏ xác xơ, cỏ hiền trên lối mòn, cỏ nhàu nát dưới bánh xe bò, cỏ mọc trên mái chùa, cỏ tràn dưới gầm xe cháy, cỏ xuyên qua nòng pháo gỉ…tất cả cũng đều thầm thì trò chuyện”.

Một tuyến truyện khác trong tiểu thuyết là hành trình đi tìm những đồng đội còn sống. Họ trở về đời thường theo những cách không bình thường. Họ có thể hơi ngờ nghệch nhưng đều ánh lên vẻ đẹp của chất người. Một vẻ đẹp hài hước đến xót xa. Mỗi con người đó cũng tương tự một bản kinh. Kinh không lời. Kinh ấy là đời người. Là hoa cỏ của đất đai.

Câu chuyện tâm linh ư? Có thể lắm.

Câu chuyện đời thường ư? Có thể lắm.

Những câu chuyện hư và thật. Mộng và ảo. Hiện tại và quá khứ. Tất cả được đan xen, bện lấy nhau như từng sợi chỉ bền quyện vào nhau đến từng chi tiết nhằm dệt nên một mảng thời gian. Mà, thời gian ấy không gì có thể xóa đi vì nó đã hiện hữu ngay từ trong ký ức của nhiều người.

Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt, lần này, nhà văn Đoàn Tuấn đã khiến ta ngạc nhiên, lạ lùng với những nhân vật như Ánh, như đồng đội của Ánh, như các nhà sư đồng hành cùng Ánh, như biết bao con người bình dị khác… Tất cả đã được tái hiện bằng biệt tài khai thác tính cách, số phận nhân vật vốn là thế mạnh của anh.


Nhà thơ Trương Nam Hương, nhà văn Đoàn Tuấn (giữa) và Lê Minh Quốc (phải)

Tôi tin rằng, những nhân vật đó khiến cả thảy chúng ta nhận ra một điều mà Đoàn Tuấn đã xác tín: “Tôi có thể khẳng định với bạn, dù bạn biết nhiều danh lam thắng cảnh, dù bạn thưởng thức nhiều món ăn hảo hạng, nhưng không có gì thú vị bằng việc được khám phá những điều kỳ lạ về cuộc đời và số phận của con người, nhất là những người từ chiến trận trở về”.

Trang sách của Đoàn Tuấn mở ra. Bạn hãy đọc. Khép sách lại, hẳn ta còn nghe âm vang, vang vọng mãi tiếng nói cười, tiếng khóc thầm, tiếng nức nở, tiếng kinh cầu… chan chứa yêu thương, thấm đẫm tình người.

Vào lúc 9 giờ ngày 9.4.2022 tại Đường Sách, theo thông báo của NXB Tổng hợp TP.HCM sẽ diễn ra buổi ra mắt tập sách do NXB này vừa ấn hành: Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt của nhà văn, nhà biên kịch Đoàn Tuấn.
Được biết, đây là đầu tiên Đoàn Tuấn từ Hà Nội đã có mặt trong cuộc giao lưu, gặp gỡ bạn đọc tại TP.HCM. Ngoài tác giả, còn có khách mời là nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, nhạc sĩ, NSƯT Thế Hiển, bạn đọc và các cựu chiến binh của từng tham dự cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.

Bài viết liên quan