- Tin tức - Hoạt động Hội
- Phóng sự hình ảnh buổi ra mắt sách “Bác sĩ phẫu thuật” của PGS-TS, nhà văn Nguyễn Hoài Nam
Phóng sự hình ảnh buổi ra mắt sách “Bác sĩ phẫu thuật” của PGS-TS, nhà văn Nguyễn Hoài Nam
Sáng 14/9/2024, tại Bệnh viện Quốc tế Minh Anh (Q. Bình Tân, TPHCM), đông đảo bạn bè văn chương và đồng nghiệp của tác giả đã đến dự buổi ra mắt sách “Bác sĩ phẫu thuật” của PGS-TS, nhà văn Nguyễn Hoài Nam. Đây là tác phẩm thứ 10 của nhà khoa học, nhà quản lý, nhà văn Nguyễn Hoài Nam, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
PGS-TS, nhà văn Nguyễn Hoài Nam
Buổi ra mắt sách được bắt đầu bằng những tâm sự của tác giả về chuyện đời, chuyện nghề. PGS-TS, nhà văn Nguyễn Hoài Nam chân thành chia sẻ: “Đời tôi là một chuỗi các điều bất ngờ và may mắn. Tuy có tuổi thơ bất hạnh, mồ côi nhưng được người cha tuy gia đình nghèo khó nhưng đã vượt được qua khó khăn để đến một bến bờ bình an”; “Tôi có nhiều cung phù trợ: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… nên làm việc gì nói chung cũng gặp thuận lợi…”..
Tại sự kiện này, nhiều bạn văn và đồng nghiệp của tác giả đã có những phát biểu chân tình và sâu sắc về tác phẩm “Bác sĩ phẫu thuật”, về cả văn chương và con người của PGS-TS, nhà văn Nguyễn Hoài Nam. Đó là phát biểu của các bác sĩ, giáo sư, vừa là thầy giáo vừa là đồng nghiệp cùng bệnh viện của tác giả: BS Chuyên khoa II Phan Bảo Khánh; TS BS Phan Thị Hồ Hải. Đó là chia sẻ của bạn bè văn chương: các nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Lê Minh Quốc, Xuân Trường; các nhà văn Bích Ngân, Nguyễn Trường, Trầm Hương, Đoàn Minh Phong, KTS Vũ Kỳ Hạnh…
Nhà văn Bích Ngân phát biểu chúc mừng PGS-TS, nhà văn Nguyễn Hoài Nam
Phát biểu chúc mừng nhà văn Nguyễn Hoài Nam, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, đã nhấn mạnh: “Đây có thể nói là một sự kiện ra mắt sách và một buổi gặp gỡ giao lưu giữa tác giả với đồng nghiệp và độc giả trong một bối cảnh đặc biệt. Đặc biệt, bởi cả đất nước đang nỗ lực khắc phục hậu quả do mùa bão lụt năm Thìn 2024 vẫn hoành hành ở nhiều địa phương phía Bắc mà người khoác blue trắng là luôn chịu vất vả và đội ngũ y bác sĩ bệnh viện quốc tế Minh Anh, nơi tổ chức sự kiện ra mắt sách của PGS -TS - BS nhà văn Nguyễn Hoài Nam, là một trong những đơn vị đi đầu trong việc đóng góp tiền của, gom góp yêu thương dành cho đồng bào vùng bão lụt”. Bà bày tỏ sự ngưỡng mộ về sự đam mê và sức viết của nhà văn Nguyễn Hoài Nam và không hiểu bằng cách nào ông đã nuôi dưỡng cảm xúc để viết trong khi có bao nhiêu công việc bộn bề, căng thẳng của một bác sĩ, của một nhà quản lý. Và nhà văn đã tự trả lời: “Có lẽ, chính bởi nhịp tim không đập cho riêng mình đã tạo nên một bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, một nhà văn Nguyễn Hoài Nam và một phẩm hạnh Nguyễn Hoài Nam, một phẩm hạnh tận hiến cho nghề, cho đời và cho con chữ”.
Nhà văn Trầm Hương, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, người đã mê say đọc tác phẩm “Bác sĩ phẫu thuật” của Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, trong bài viết tham luận đã có sự liên hệ: “Nếu Lỗ Tấn dùng ngòi bút suốt phần đời còn lại để chữa căn bệnh xã hội thì bác sĩ Võ Hoài Nam cho đến nay vẫn cầm chiếc dao phẫu thuật phục vụ nghề y. Nhưng ông vẫn viết văn vì chất văn chương đã ngấm vào máu ông từ tuổi thơ nhiều mất mát, vì kiến văn rộng rãi, vì trời phú cho năng khiếu, vì trải nghiệm cuộc sống đa dạng, nhiều chiều, vì đam mê… Nhưng có lẽ trên tất cả, ngòi bút cũng là lưỡi dao vi phẫu để ông chữa căn bệnh tâm hồn, để nhận ra những giới hạn….”; “Trong con người bác sĩ phẫu thuật Nguyễn Hoài Nam ngoài lưỡi dao sắc bén rạch những đường dứt khoát, chính xác trên cơ thể bệnh nhân; lưỡi dao vi phẫu vào những ngóc ngách nội tâm con người còn có tiếng cười lạc quan, hài hước của một trái tim nhân hậu”.
Một góc cuộc giao lưu ra mắt sách "Bác sĩ giải phẫu"
Và đây là trích nội dung bài tham luận mà nhà văn Nguyễn Trường đã chia sẻ đầy cảm xúc tại buổi ra mắt sách: “Nhà văn Nguyễn Hoài Nam giọng văn chỉ hơi làm duyên một tí, như người vừa kể chuyện vừa kẽ mỉm cười, không châm biếm, không cay cú. Văn ông vui, nên lôi cuốn độc giả, cũng là cách để ông triển khai câu chuyện được suôn sẻ”; “Tấm lòng người bác sĩ đúng nghĩa không chỉ loanh quanh với chuyên môn hẹp của mình mà còn biết nhìn xa ra ngoài xã hội. Anh biết suy tư về toàn ngành y của mình với trăn trở khi thấy nước ta đang chảy máu nguồn nhân lực trong ngành y. Tại sao nguồn nhân lực này lại ra đi khỏi các bệnh viện công nhiều đến như vậy?”; “Ở tập Bác sĩ phẫu thuật ta còn gặp một khía cạnh khác của tác giả Nguyễn Hoài Nam, đó là trái tim nghệ sĩ. Nếu không thế, không có một nhà văn Nguyễn Hoài Nam. Nhờ có giọng văn hơi hài hước, Nguyễn Hoài Nam rung động trước vẻ đẹp của con người, trước tấm lòng của đội ngũ y bác sĩ mà anh tiếp xúc, anh viết về họ với nhiều đam mê, có những trang viết cảm động”…
Văn chương TPHCM xin giới thiệu sau đây một số hình ảnh về buổi ra mắt sách rất sinh động và bổ ích này.
Ảnh: Nguyên Hùng, Nguyễn Hoàng - Dựng clip: Nguyên Hùng