TIN TỨC

VĂN CHƯƠNG ĐBSCL VÀ NGƯỜI VIẾT TRẺ: Chỉ cần không bỏ cuộc là đã thành công

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2023-12-03 16:28:29
mail facebook google pos stwis
438 lượt xem

BÙI PHAN THẢO

Tiềm lực văn chương ở ĐBSCL rất lớn, cần khơi dậy, đánh thức để có đội ngũ nhà văn trẻ tài hoa, đóng góp tích cực vào sự phát triển văn chương nước nhà.

Ngày 2-12, tại TP Cần Thơ, trong chương trình hoạt động của chuyến thực tế sáng tác của Hội Nhà văn TP HCM, tọa đàm "Tiềm lực văn chương và người viết trẻ" đã được Hội Nhà văn TP HCM và Hội Nhà văn TP Cần Thơ phối hợp tổ chức, với sự tham dự của hơn 40 nhà văn của TP HCM, TP Cần Thơ cùng một số nhà văn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). 

Kinh nghiệm từ điển hình An Giang

Chủ trì tọa đàm là nhà văn Bích Ngân, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM; nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ; nhà thơ Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Tiền Giang và nhà thơ Bùi Phan Thảo, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP HCM, trưởng đoàn thực tế sáng tác.


Các nhà văn tham dự tọa đàm

Tọa đàm này, một lần nữa là dịp để các nhà văn ngồi lại, nhận diện về tiềm lực văn chương của ĐBSCL với bề dày thành tựu cùng những tên tuổi lớn đóng góp vào sự phát triển của văn chương nước nhà; những trăn trở về sự tiếp nối thế hệ, niềm tin vào sự trưởng thành của đội ngũ những người viết trẻ ĐBSCL hôm nay.

Theo nhà văn Bích Ngân, trên hành trình sáng tạo văn chương, rất cần sự tương tác, thúc đẩy, nhất là với đội ngũ những người viết trẻ. Văn chương trước hết là tự thân, là tài năng cùng với sự nỗ lực, dấn thân của người viết. 


Nhà văn Bích Ngân (thứ hai từ phải qua) phát biểu tại tọa đàm

Theo nhà văn Bích Ngân, những năm gần đây, ĐBSCL nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng đã có nhiều tác giả trẻ với tác phẩm có chất lượng tốt, được trong giới đánh giá cao.

Những cuộc thi văn chương cũng phát hiện những cây bút mới. Để các tác giả trẻ có thể đi được đường dài trên hành trình văn chương, cần có sự tiếp sức của các cơ quan Nhà nước cùng các cơ chế hỗ trợ. 

Nhà văn Bích Ngân dẫn chứng sở dĩ tỉnh An Giang hiện nay có đội ngũ sáng tác trẻ hùng hậu, nhiều cây bút chứng tỏ tài năng, triển vọng đi xa trên hành trình văn chương, trong đó có công lao rất lớn của cố nhà văn Trịnh Bửu Hoài, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật An Giang. 

Lúc sinh thời, nhà văn Trịnh Bửu Hoài đã hết sức quan tâm đến đội ngũ sáng tác trẻ. Chính ông đã gieo mầm những hạt giống văn chương 20 năm trước để hôm nay An Giang thu được quả ngọt là một thế hệ nhà văn trẻ vững vàng trên văn đàn hôm nay.
 

Cần động lực kích thích sáng tạo

Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa cho biết Tiền Giang là địa phương dành nhiều sự quan tâm cho đội ngũ những người viết trẻ, tỉnh đã sớm thành lập Câu lạc bộ sáng tác văn học trẻ. Tuy nhiên, việc duy trì câu lạc bộ chưa như mong muốn. Một số tỉnh ĐBSCL không giữ chân được một số tác giả trẻ khi họ rời quê hương lên TP HCM và tỉnh, thành khác sinh sống.


Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa: "Tín hiệu vui là các cuộc thi văn chương gần đây đã phát hiện nhiều cây bút trẻ tài năng"

"Hiện văn chương ĐBSCL có nhiều gương mặt trẻ tài năng, song bên cạnh hoạt động văn chương gần đây khá yên ắng thì nhiều nhà văn vẫn đơn độc trong hành trình văn chương, vẫn thiếu những động lực kích thích sáng tạo khi chưa có giải nhà văn trẻ hằng năm hay ít tổ chức hội nghị nhà văn trẻ" - nhà thơ Trương Trọng Nghĩa nói.

Tín hiệu vui cho văn chương ĐBSCL gần đây, theo nhà thơ Trương Trọng Nghĩa, là qua cuộc thi truyện ngắn do Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre tổ chức, đã phát hiện nhiều tác giả trẻ tài năng. Rõ ràng tiềm lực văn chương đã có, điều quan trọng là các Hội VHNT địa phương tìm kiếm và bồi dưỡng các tác giả trẻ.


Nhà văn – dịch giả Nhật Chiêu: "Nên lập ra các giải thưởng văn chương quan trọng để nâng bước những nhà văn trẻ"

Nhắc lại khái niệm về nhà văn trẻ hiện nay, nhà văn – dịch giả Nhật Chiêu nói đôi khi cách phân định vẫn mơ hồ, có những người gọi là trẻ thì tuổi đời đã không còn trẻ lắm. Ngày nay các điều kiện sáng tác tốt hơn, không lý nào nhà văn không viết được kiệt tác. 

Theo nhà văn – dịch giả Nhật Chiêu, việc phát hiện cây bút tài năng là hết sức quan trọng. Ông đề nghị lãnh đạo các hội phối hợp tổ chức lập ra giải thưởng quan trọng để nâng bước tác giả tài năng trên hành trình văn chương.
 

Luôn nhắc nhớ về trách nhiệm công dân

Đến với tọa đàm, nhà văn trẻ Phát Dương đem theo những day dứt của thế hệ người viết trẻ về sự mong manh khi những nghiệt ngã cơm áo gạo tiền và những lý do khác, khiến nhiều người viết trẻ không thể đi trọn hành trình. 

Khi đã có những thành tựu buổi đầu, liệu lời khen và giải thưởng có "giết chết" tác giả không, nhà văn trẻ Phát Dương nêu câu hỏi của chính những nhà văn cùng trang lứa. Giải thưởng nhận được trở thành áp lực, đòi hỏi viết nhiều hơn, hay hơn, tốt hơn, trong khi để đạt tiêu chí đó nhà văn trẻ cần thời gian để tài năng chín muồi, kể cả thời gian như một khoảng lặng. 


Nhà văn trẻ Phát Dương: "Liệu lời khen và giải thưởng có "giết chết" tác giả không?"

Theo nhà văn Phát Dương, nhà văn ngoài tài năng còn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, nên chỉ cần không bỏ cuộc là đã thành công. Xã hội nên cho các cây bút trẻ một cơ hội với góc nhìn trân trọng.

Nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, đem đến tọa đàm những câu chuyện và tâm sự chân thành. Tốt nghiệp đại học Cần Thơ, ngành nông nghiệp, nhưng bà đi theo con đường văn chương, vào thời tuổi trẻ của bà, bị xem là không thực tế. 


Nhà văn Trầm Hương: "ĐBSCL trầm tích nhiều hạt ngọc quá khứ, hãy đánh bóng cho nó lộng lẫy"

Bà tâm sự: "Hãy luôn nhắc nhớ về trách nhiệm công dân và những giá trị cao đẹp văn chương mang lại. ĐBSCL trầm tích những hạt ngọc quá khứ, các em hãy nhặt lên, đánh bóng cho nó lộng lẫy. Tôi tin những người trẻ với khao khát ở phía trước, với tài năng và bản lĩnh sẽ đi trọn con đường mang lại yêu thương và hạnh phúc".

Khép lại tọa đàm, nhà văn Bích Ngân tái khẳng định tiềm lực văn chương ở ĐBSCL rất lớn, vấn đề là khơi dậy, đánh thức thế nào, nhất là nuôi dưỡng cảm xúc và quan tâm bằng nhiều cách thức để có đội ngũ nhà văn trẻ tài hoa, tiếp nối những thành tựu của người đi trước, đóng góp tích cực vào sự phát triển văn chương nước nhà.

Những diễn ngôn không chỉ cho tuổi trẻ của mình
Dẫn lại một phần tham luận tại hội thảo về nâng cao chất lượng sáng tác văn học trẻ tổ chức ngày 28-11 ở Hà Nội, nhà văn Bích Ngân nhìn nhận dấu ấn của các nhà văn trẻ là các tác phẩm văn học được viết bằng đau đáu ưu tư của một công dân sống trong lòng một đô thị vừa xây đắp, vừa có nhiều công trình và cũng vừa có những rạn nứt, đổ vỡ.
Tác phẩm của người viết trẻ cũng tương đồng với sáng tác của những người từng trẻ ở nhiều thế hệ trước, là phản ảnh chân thực đời sống và thân phận của con người trong không gian sống mà dòng xoáy của kinh tế thị trường vừa đem đến nhiều tiện nghi vật chất nhưng cũng ít nhiều làm xoáy lở và cuốn trôi ­nhiều giá trị tinh thần, giá trị văn hóa.
Cái mới dễ nhận ra ở hầu hết các cây bút trẻ là chọn cho mình một góc nhìn, một cách nhìn và tìm cách thể hiện cách nhìn đó vào tác phẩm.
Họ thẳng thẳn, chân thành nhìn nhận cuộc sống như vốn có, đa dạng, phức tạp, nhiều chiều kích, nhiều cung bậc cảm xúc và luôn vận hành cùng với sự thay đổi không ngừng của cuộc sống.
Đặc biệt, người viết trẻ coi trọng cách thể hiện, phát huy tối đa thế mạnh của ngôn từ, trang viết của người trẻ nhiều chất văn và tác phẩm của họ chú trọng việc tạo ra diễn ngôn, những diễn ngôn không chỉ cho tuổi trẻ của mình.

Ảnh: NGUYÊN TRÂN – MẠNH THẮNG – BÁ TÒNG

Nguồn: Người Lao động

Bài viết liên quan

Xem thêm
Mỗi nhà văn nên giữ một trái tim thanh xuân
Hội nghị người viết trẻ TPHCM lần thứ 5 đã khai mạc tại trụ sở Hội Nhà văn TPHCM. Ngoài 100 đại biểu góp mặt, sự kiện còn quy tụ nhiều cây bút nổi tiếng, có sức ảnh hưởng với văn đàn thành phố và cả nước.
Xem thêm
Hội nghị những người viết trẻ: Đồng hành khát vọng phương Nam
Chúng tôi những người lính tuổi U80 đến dự Hội nghị những người viết văn trê lần thứ 5 do Hội Nhà văn TP HCM tổ chức.
Xem thêm
HTV đưa tin về Hội nghị những người viết trẻ TP.HCM lần 5
Sáng 4.10, BCH Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức họp báo, thông tin về Hội nghị những người viết trẻ TP.HCM lần 5. c
Xem thêm
Thơ Văn Liêm và những khao khát biển bờ!
Bài của Nguyễn Văn Hòa về nhà thơ Văn Liêm
Xem thêm
Giao lưu và ra mắt 2 tác phẩm Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa chân dung thơ của nhà thơ Nguyên Hùng
Sáng ngày 02/ 10/ 2024, Hội trường B lầu 2 số 81 Trần Quốc Thảo, Quận 3, TP HCM, nhà thơ Nguyên Hùng đã ra mắt bạn đọc 2 tác phẩm Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa 81 chân dung văn học.
Xem thêm
Ra mắt tuyển thơ của tác giả từng 2 kỳ Nguyên Tiêu có thơ thả lên trời
Hình ảnh: Nguyên Hùng và NVCC – Dựng clip: Nguyên Hùng
Xem thêm
Người lính già cầm trăng đợi chờ vì sợ đêm đi mất
Nguồn: Lê Thiếu Nhơn (Nông nghiệp Việt Nam)
Xem thêm
Trao giải Cuộc thi sáng tác Thơ khu vực Đông Nam bộ lần thứ I năm 2024
Sáng 20.9, tại TP Phan Thiết, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận đã long trọng tổ chức Lễ tổng kết và trao giải thưởng Cuộc thi sáng tác Thơ khu vực Đông Nam bộ lần thứ I năm 2024.
Xem thêm
Gặp gỡ và giao lưu cùng 5 tác giả của bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp
Sáng ngày 21/9, chương trình “Trò chuyện cùng các tác giả bộ sách tiếng Việt giàu đẹp” diễn ra tại Đường sách TP. HCM đã thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng.
Xem thêm
Thêm một nghĩa cử nghĩa tình cao đẹp
Ngày 4 tháng 9 năm 2024, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã ký công văn số 5133/ UBND-KT về việc hỗ trợ chăm lo cho thương binh, bệnh binh. Theo đó, thành phố chủ trương hỗ trợ đối với thương binh, bệnh binh với số tiền chăm lo tối thiểu 2 triệu đồng / người / tháng. UBND TP giao cho các doanh nghiệp do nhà nước giữ 100% vốn điều lệ thuộc Thành phố, mỗi đơn vị hỗ trợ tối thiểu 5 trường hợp ( 10 triệu đồng / tháng ) phấn đấu duy trì đến hết năm 2030. Thành phố giao cho các sở Tài chính, Lao động TBXH triển khai ý kiến chỉ đạo này. Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP HCM được giao tiếp nhận, quản lý và giải ngân nguồn tài trợ.
Xem thêm