- Lý luận - Phê bình
- 50 năm Văn học Việt Nam (1975-2025) - Phác thảo một hướng nhìn
50 năm Văn học Việt Nam (1975-2025) - Phác thảo một hướng nhìn
Bùi Công Thuấn
Trong khi chờ đợi một bộ Lịch sử văn học chính thức của các cơ quan có thẩm quyền, chuyên luận này là một góc nhìn riêng về thành tựu và triển vọng của 50 năm văn học Việt Nam (1975-2025), kể từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng, đất nước hòa bình, thống nhất, tiến hành xây dựng công nghiệp hóa, hội nhập với thế giới.
Nhà NC-PB Bùi Công Thuấn
PHẦN I: ĐẶC ĐIỂM CỦA VĂN HỌC 1975-2025
Cần xác lập cho được đặc điểm của văn học 1975-2025 để nhận ra một thời kỳ văn học mới khác biệt với Văn học kháng chiến (1945-1975), từ đó khẳng định những thành tựu và nhìn ra khuynh hướng phát triển của văn học Việt đương đại. Tôi không viết Văn học sử nên việc phân kỳ văn học Việt Nam sẽ do các nhà nghiên cứu lịch sử văn học thực hiện.
Tôi chọn hai góc quan sát để ghi nhận và nghiên cứu.
Thứ nhất là soi chiếu văn học với tư cách là một thành tố văn hóa. Ở góc nhỉn này, “văn hóa là một mặt trận”, và “văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Hồ Chí Minh). Văn học thực hiện nhiệm vụ chính trị trong mặt trận ấy thế nào?
Thứ hai là, nghiên cứu sự vận động nội tại của văn học với tư cách là một loại hình nghệ thuật. Văn học cũng là một thực tại chính trị-lịch sử, nó có cấu trúc riêng, có đặc trưng bản chất riêng, có sự vận động riêng, tuy song song với thực tại chính trị xã hội, song không phải lúc nào cũng đồng bộ với sự phát triển kinh tế, chính trị.
Hai góc nhìn ấy tôi dùng làm tiền đề có ý nghĩa phương pháp luận để phân tích những hiện tượng văn học, đánh giá các hoạt động văn học, và xác lập các giá trị văn học.
Có thể khái quát: văn học 1975-2025 là một nền Văn học Cách mạng và Đổi mới. Nghĩa là, bản chất của văn học Việt Nam giai đoạn 1975-2025 là văn học Cách mạng, và sự vận động của 50 năm văn học vừa qua là nỗ lực đổi mới.
Hai đặc điểm này bao quát toàn diện nền văn học và là tiêu chí khẳng định các giá trị văn học.
Đặc điểm 1: MỘT NỀN VĂN HỌC CÁCH MẠNG
Văn học 1975-2025 là một nền văn học cách mạng bởi vì tư tưởng của văn học là Chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nội dung của văn học là cuộc sống chiến đấu và lao động của nhân dân. Mục đích của văn học là thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam. Đảng trực tiếp lãnh đạo các tổ chức và hoạt động văn học.
Vì thế thành tựu văn học của 50 năm vừa qua là thành tựu của những cương lĩnh và đường lối, chính sách về văn hóa, văn học của Đảng. Khởi đi từ Đề cương văn hóa (1943); và báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (1948) trong suốt giai đoạn kháng chiến. Và, Từ 1975 đến nay là các Nghị quyết trung ương V (1998); Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (2008), Nghị quyết 33-NQ/TW (2014). Không có những cương lĩnh, nghị quyết này thì không thể có sự nghiệp văn học 50 năm qua.
Những Cương lĩnh, Nghị quyết của Đảng về văn học nghệ thuật vừa là những tư tưởng, là con đường; vừa là hành động, vừa phát huy sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị, sức mạnh dân tộc, từ đó tạo nên những thành tựu văn học.
Hãy quan sát: Các tổ chức hội VHNT “là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, được đầu tư, chăm lo cho sự phát triển” (NQ 23).
Tổng kết đánh giá hàng năm về hoạt động văn học của Hội Nhà văn, của các Hội VHNT địa phương, luôn luôn là đánh giá về việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của văn học.
Nói cụ thể hơn, phẩm chất cách mạng của văn học 1975-2025 thể hiện tập trung ở:
1. Đảng lãnh đạo toàn diện văn học
Lãnh đạo về tư tưởng bằng các Nghị quyết Trung ương V, Nghị quyết 23 của BCT, Nghị quyết 33 TW (2014)…
Lãnh đạo về tổ chức Hội Nhà văn và các Hội VHNT địa phương, thông qua Liên hiệp các Hội VHNT toàn quốc. Mỗi tổ chức Hội đều có Đảng bộ trực tiếp lãnh đạo. Mọi hoạt động của Hội đều có sự chỉ đạo của Đảng bộ.
Nhà nước trao Giải thưởng về văn học nghệ thuật, Giải thưởng Hồ Chí Minh, để tôn vinh những giá trị văn học cách mạng.
2. Giai đoạn 1975-2025 là 50 năm văn học không ngừng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện nhiệm vụ đấu tranh để bảo vệ những quan điểm của Đảng về văn học, chống những quan điểm sai trái, bảo vệ thành quả văn học cách mạng.
Nghị quyết TW 5 ghi rõ nhiệm vụ: “đấu tranh chống các khuynh hướng trái với đường lối văn nghệ của Đảng”, và phê phán những hiện tượng:
“Trong sáng tác và lý luận, phê bình, có lúc đã nảy sinh khuynh hướng phủ nhận thành tựu văn học cách mạng và kháng chiến, đối lập văn nghệ với chính trị, nhìn xã hội với thái độ bi quan. Một vài tác phẩm viết về kháng chiến đã không phân biệt chiến tranh chính nghĩa vói chiến tranh phi nghĩa. Xu hướng “thương mại hoá”, chiều theo những thị hiếu thấp kém, làm cho chức năng giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ của văn học, nghệ thuật bị suy giảm.”
Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT trung ương trong 20 năm đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, tập huấn, nghiên cứu khoa học về lý luận và phê bình văn học, đồng thời, tặng thưởng cho nhiều tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất sắc. Những hoạt động này diễn ra suốt từ bắc tới nam, góp phần bảo vệ chủ nghĩa Mác Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, giải quyết nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn của Văn học nghệ thuật.
(xin đọc diễn văn Phát biểu của PGS. TS nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng kỷ niệm 20 năm thành lập Hội đồng LLPB VHNT TW [1])
Hội Nhà văn VN đã tổ chức hội nghị Lý luận phê bình văn học: lần thứ I (năm 2003), lần II (Đồ Sơn-năm 2006), lần III (năm 2013), lần thứ IV (Tam Đảo-năm 2016). Những hội nghị này tập trung giải quyết những vấn đề về tư tưởng, về phương pháp sáng tác, của thực tiễn văn học.
Thí dụ, Đề dẫn của Hội nghị LLPB lần thứ IV tại Tam Đảo 2016 là: “Để có cái nhìn toàn diện về văn học thời kỳ đổi mới”. TS Trần Hoài Anh đọc tham luận: “Tiếp nhận lý thuyết phương Tây- thành tựu của Lý luận phê bình văn học thời kỳ đổi mới”. Nhà văn Nguyên An chỉ ra: “Nhân vật trung tâm của văn chương-Văn học thời đổi mới, phát triển”. Tổng kết hội nghị, nhà thơ Hữu Thỉnh nêu ra những thành tựu của đổi mới và hiện đại hóa nền văn học, đã có bước tiến mới về nghiên cứu lý luận văn học, và đặt vấn đề “kết tinh” tác phẩm, vấn đề suy thoái đạo đức, vấn đề hòa hợp dân tộc…
3.Số lượng tác phẩm chiếm ưu thế của nền văn học 1975-2025 là sáng tác về đề tài cách mạng và kháng chiến, về biển đảo, về xây dựng nhân cách con người Việt Nam. Trong các Hội nghị văn học cuối năm của Hội Nhà văn, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội, luôn nhấn mạnh và khẳng định những thành tựu này.
4.Tính chất cách mạng triệt để của văn học 1975-2025 thể hiện trong việc xử lý những hiện tượng cụ thể sau:
a. Việc nhà văn Nguyễn Minh Châu viết “Hãy đọc ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” (báo Văn nghệ, Hà Nội, ngày 05/12/1987), và GS Hoàng Ngọc Hiến viết về “Chủ nghĩa hiện thực phải đạo” trong bài “Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua” (Văn nghệ số 23, ra ngày 9/6/1979), những quan điểm này bị phê phán vì có nhiều sai lạc.
b. Đỗ Thị Thoan dùng lý thuyết ngoại biên-trung tâm trong luận văn Thạc sĩ: “Vị trí kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa” (năm 2010) để thực hiện việc lật đổ văn học cách mạng. Sự việc đã được các cơ quan có trách nhiệm xử lý triệt để.
c. Trước Đại hội 9 và Đại hội 10, Hội Nhà văn có thái độ rõ ràng và dứt khoát đối với Ban vận động thành lập Văn Đoàn Độc lập. Họ muốn tổ chức một văn đoàn đứng ngoài sự lãnh đạo của Đảng.
d. Đấu tranh với quan điểm sai trái trong một số tác phẩm “có vấn đề” như
- Truyện ngắn Linh nghiệm của tác giả Trần Huy Quang tháng 7/1992.
-“Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu (2005),
- Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn,
- Đình chỉ phát hành cuốn Mối chúa của Đãng Khấu (Tạ Duy Anh. 2017), …
Như vậy, có thể khẳng định đặc điểm bản chất của Văn học Việt giai đoạn 1975-2025 là văn học cách mạng. Thành tựu lớn nhất của văn học 1975-2025 là góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế; góp phần góp phần làm phong phú gia tài văn hóa, gia tài văn học Việt Nam.
Nhưng nếu vậy thì văn học 1975-2025 có gì khác biệt với văn học giai đoạn kháng chiến (1945-1975)?
Đặc điểm 2: MỘT NỀN VĂN HỌC ĐỔI MỚI
Đúng là, nếu chỉ đánh giá văn học về việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, thì sẽ không nhìn thấy những giá trị văn học, giá trị văn hóa, giá trị của sự sáng tạo, sự độc đáo mới mẻ của văn học trong sự phát triển lịch sử; càng không nhận ra sự đóng góp của văn học vào việc xây dựng văn hóa, xây dựng nhân cách con người Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng Xã hội chủ nghĩa. Văn học còn có những trách nhiệm khác. Những dân tộc lớn trên thế giới đều có một nền văn học lớn.
Vậy đặc điểm bản chất của văn học 1975-2025 là gì?
Điều dễ nhận thấy và dễ lý giải là: Văn học 1975-2025 là một nền văn học đổi mới, tiến trình đổi mới diễn ra liên tục. Đến nay nhiều nhà văn vẫn tiếp tục tìm tòi sáng tạo.
Khi đất nước chuyển từ chiến tranh sang hòa bình, thống nhất; đời sống chính trị-kinh tế-xã hội chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa; Việt Nam mở cửa làm bạn và hội nhập với thế giới; các cuộc cách mạng công nghiệp làm thay đổi đời sống người dân; các trào lưu tư tưởng, văn hóa tràn vào nước ta làm thay đổi nhãn quan về hiện thực; những thế hệ công chúng văn học mới xuất hiện,.. Thực tiễn ấy đòi hỏi sáng tác văn chương không thể viết như trước.
Tức là có một nhu cầu đổi mới trong nội tại của văn học.
Sự đổi mới bắt đầu từ ý thức sáng tạo.
Văn học kháng chiến được viết bằng phương pháp Hiện thực xã hội chủ nghĩa, phản ánh hiện thực kháng chiến, khắc họa những nhân vật anh hùng, miêu tả cái cao cả, đề cao “Cái Ta” chung, thể hiện tình cảm công dân, lấy văn hóa cộng đồng và lý tưởng yêu nước làm làm nền tảng tư tưởng, văn học tập trung giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Sự đổi mới diễn ra khi nhà văn rời bỏ Chủ nghĩa Hiện thực xã hội chủ nghĩa, và tìm tòi nhiều kiểu sáng tác mới. Điều này được Đảng khuyến khích: Nghị quyết Trung ương V đã mở ra một cánh cửa rất rộng cho sáng tạo: “Khuyến khích tìm tòi, thể nghiệm mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác vì mục đích đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng.”
Có cả một trào lưu cách tân thơ Việt đầu thế kỷ XXI, người làm thơ viết các kiểu thơ mới như Thơ Siêu Thực, thơ Tân Hình thức, thơ Hiện sinh, thơ Namkau của Trần Quang Quý, thơ 1,2,3 của Phan Hoàng và thơ Hậu hiện đại. Thơ Nguyễn Quang Thiều, Thanh Thảo, Trần Quang Quý, Văn Cầm Hải, Ly Hoàng Ly, … khác rất xa với thơ Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Nguyễn Duy… trong dòng thơ chống Mỹ.
Truyện ngắn, và tiểu thuyết cũng tìm kiếm những con đường rộng mở cho sự sáng tạo. Các tác giả viết tiểu thuyết vận dụng thủ pháp của nhiều khuynh hướng tiểu thuyết thế giới, như tiểu thuyết Hiện sinh, Hiện thực huyền ảo, Tiểu thuyết mới, các thủ pháp Hậu hiện đại…
Những tìm tòi sáng tạo mới mẻ này gây sốc cho việc tiếp nhận của công chúng văn học, từ đó tạo nên những tranh cãi rất ồn ào. Chẳng hạn, tranh cãi về thơ cách tân, tranh cãi về truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, …
Đã có khác biệt rất lớn cả về tư tưởng và thi pháp của tiểu thuyết viết về chiến tranh giữa các tác phẩm: Hòn Đất (1966) của Anh Đức, Dấu chân người lính (1972) của Nguyễn Minh Châu, với Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh (1987), Con chim Jong bay từ A tới Z của Đỗ Tiến Thụy (2017) và Từ giờ thức sáu đến giờ thứ chín của Nguyễn Một (2023).
Nguyễn Ngọc Tư đổi mới ngòi bút liên tục từ Cánh đồng bất tận đến Biên sử nước…
Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh (2014) là sự thể nghiệm của tiểu thuyết tư liệu.
Về lý luận phê bình, đã có những đánh giá lại Chủ nghĩa Hiện thực xã hội chủ nghĩa và giới thiệu các lý thuyết văn học và các phương pháp phê bình mới; đồng thời các nhà nghiên cứu, giới học thuật cũng nỗ lực xây dựng một hệ thống Lý thuyết văn học và Phê bình văn học, hệ thống giá trị Việt cho văn học.
Song nỗ lực này bất thành. Đơn giản là vì, Đảng đã khẳng định Chủ nghĩa Mác Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, và vì thế rất khó (nếu không nói là không thể) kết hợp chủ nghĩa Marx với các trào lưu tư tưởng tư sản khác.
Đã có thời ở Việt Nam, Chủ nghĩa Cấu trúc bị chống đối quyết liệt, và gần đây, Chủ nghĩa Hậu Hiện đại cũng không được tiếp nhận, bởi Hậu hiện đại là trào lưu tư tưởng đa nguyên chính trị, chủ trương lật đổ những ”Đại tự sự”, “giải thiêng” những tín niệm…
Dù sao, cho đến nay, các lý thuyết văn học và phê bình văn học trên thế giới thế kỷ XX đều đã được giới thiệu ở Việt Nam. Nhưng không một lý thuyết nào đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của việc tiếp nhận và đánh giá văn học Việt.
Đa số công chúng Việt vẫn còn đọc văn học theo “Phản ánh luận” và đánh giá văn học theo tiêu chí chính trị. Vì thế đã có những nhà văn phải chịu cảnh “lên bờ xuống ruộng” (Chữ của Nguyễn Mạnh Tuấn, tác giả tiểu thuyết Cù Lao Chàm 1985) vì những cách tiếp cận tác phẩm khác nhau từ công chúng và từ các nhà quản lý văn học. Nguyễn Ngọc Tư với truyện vừa Cánh đồng bất tận (1988) là một trường hợp cụ thể.
GIÁ TRỊ CỦA NHỮNG NỖ LỰC CÁCH TÂN, ĐỔI MỚI
Những nỗ lực cách tân, đổi mới ấy đã góp phần tạo nên diện mạo riêng, khác biệt và mới lạ của văn học 1975-2025 so với Văn học kháng chiến trước đó. Nhờ vậy, làm phong phú kho tàng văn học Việt, mở ra nhiều hướng để hội nhập với văn học thế giới. Văn học đề cập đến những vấn đề mới, với cách viết hiện đại, và vốn ngôn ngữ của thời đại 4.0. (khác với ngôn ngữ đậm chất nông dân của văn học kháng chiến)
Đã có những thành công nhất định như phong trào Thơ Trẻ đầu thế kỷ XXI. Những cách viết mới mẻ trong văn xuôi được thử nghiệm. Việc tiếp nhận văn học rộng mở và dân chủ hơn, bầu trời dành cho sáng tác, in ấn, phổ biến tác phẩm thông thoáng hơn.
Tuy vậy văn học đã không phát triển thành những trào lưu tư tưởng-nghệ thuật có ảnh hưởng sâu rộng, mới chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm. Việc tiếp thu các lý thuyết văn học nước ngoài ở cả giới nghiên cứu và sáng tác nhiều khi có sự nhiễu loạn, sai lạc. Xin đọc các chuyên luận về Phân Tâm học, về Hậu Hiện đại (Postmodern), về Lý thuyết trò chơi (Game Theory)…
Và cho đến nay Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chưa xác lập được một hệ thống lý luận văn học Việt. Trong thực tế vẫn có sự pha trộn các lý thuyết văn học Liên Xô (lớp nhà nghiên cứu được đào tạo ờ Liên xô cũ) và các lý thuyết Phương tây (đã xuất hiện ở miền Nam trước 1975), vì thế rất nhiều khi khập khiễng.
GS Trần Đình Sử, một nhà nghiên cứu văn học hàng đầu, khởi đi từ Thi Pháp học, đến cuối đời, đã tự nhận xét mình lầm lạc: “Tôi là một tội đồ đã reo rắc bao nhiêu sai lầm cho bao nhiêu thế hệ sinh viên học sinh. Tôi muốn làm một việc gì đó, để sửa sai cho mình, trước hết được nói ở trong cuốn sách này” (phát biểu trong tọa đàm Trần Đình Sử trên đường biên của lí luận văn học” chiều 23/1/2015 do Khoa Viết văn báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức.)
Đa số người làm thơ trở về với thơ truyền thống. Những tác giả cách tân thành công đầu thế kỷ XXI giờ đã chững lại.
Các lý thuyết văn học du nhập vào Việt Nam đã trở nên bão hòa, các diễn đàn văn học sau những ồn ào đầu thế kỷ XXI, giờ đã im ắng.
Từ 2010 đến nay vẫn chưa xuất hiện một thế hệ cầm bút mới có phong cách độc đáo và tài năng trội. Thế hệ viết văn từ kháng chiến bước ra giờ đã mai một nhiều và hầu hết không còn sáng tạo được gì mới hơn.
Cần nhận thức rằng, hai đặc điểm Cách mạng và đổi mới của văn học 1975-2025 là hai đặc điểm riêng biệt song xuyên thấm vào nhau, vừa là ý thức vừa là thành tựu. Cách mạng nhưng đổi mới, và dù đổi mới thế nào vẫn giữ phẩm chất cách mạng.
Chẳng hạn Văn học kháng chiến được sáng tác chủ yếu bằng phương pháp “tả thực xã hội chủ nghĩa”, lấy “tính Đảng” làm cốt lõi, khác hẳn với văn học trước 1945 được sáng tác bằng ý thức nghệ thuật tư sản (chủ nghĩa Lãng mạn…). Văn học 1975-2015, không chỉ đi tiếp con đường của chủ nghĩa Hiện thực xã hội chủ nghĩa, song trên nền tảng chủ nghĩa Mác Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mở rộng tiếp thu thành tựu của các trào lưu khác, đồng thời đấu tranh với những quan điểm sai trái với quan điểm cách mạng.
PHẦN II: DIỆN MẠO CỦA VĂN HỌC 1975-2025
Diện mạo là khuôn mặt, là những gì nhìn thấy được.
Cho đến nay, văn học Việt đang phát triển thành 3 dòng chính là: Văn học cách mạng và kháng chiến, Văn học Nhân văn-dân chủ và Văn chương thị trường.
1.Văn học cách mạng và kháng chiến
Đây là dòng chủ đạo, được Nhà nước đầu tư, tổ chức. Hội Nhà văn Việt Nam, các Hội VHNT địa phương, là “tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”(NQ 23). Hội Nhà văn Việt Nam hiện có trên 1000 hội viên. Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam có trên 5000 hội viên.
Nội dung của Văn học Cách mạng và kháng chiến viết về cách mạng Việt Nam, về 30 năm kháng chiến vừa qua, về biển đảo, về “học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, về suy thoái đạo đức; về hội nhập và phát triển, đề tài nông thôn mới, về công nhân; viết cho thiếu nhi, viết về các dân tộc ít người, viết về các ngành nghề (thí dụ, đề tài giao thông vận tải, ngân hàng...). .
Số lượng tác phẩm là một kho tàng đồ sộ, phản ánh được rất rộng hiện thực cách mạng trong cả nước. Nghị quyết Trung ương V định hướng nhiệm vụ:
“Hướng văn nghệ nước ta phản ánh hiện thực sinh động, chân thật và sâu sắc sự nghiệp của nhân dân trong cách mạng và kháng chiến, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc cũng như tái hiện lịch sử kiên cường, bất khuất của dân tộc”
Nhiều nhà văn đã được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Hội Nhà văn.
Một số tác phẩm tiêu biểu: Miền cháy (Nguyễn Minh Châu 1977), Đất Trắng (Nguyễn Trọng Oánh 1979), Năm 1975 họ đã sống như thế (Nguyễn Trí Huân 1979), Đại tá không biết đùa (Lê Lựu 1990), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai 1991), Không phải trò đùa (Khuất Quang Thụy 1999), Thời của những tiên tri giả (Nguyễn Viện- 1999), Màu rừng ruộng (Đỗ Tiến Thụy 2006), Sống khó hơn là chết (Trung Trung Đỉnh 2008), Thế giới xô lệch (Bích Ngân 2009), Mình và họ (Nguyễn Bình Phương 2014), Miền hoang (Sương Nguyệt Minh 2014), Xác phàm (Nguyễn Đình Tú 2014), Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (Trần Mai Hạnh 2014), Trung - Việt, Việt - Trung (Đỗ Quyên 2017), Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (Nguyễn Một 2023)…
2.Văn học “Nhân văn-dân chủ”
Dòng văn học này rời bỏ hẳn chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, nội dung phản ánh phần “hiện thực không cách mạng”, khuynh hướng tư tưởng phức tạp, đa dạng về bút pháp. Nhiều tác phẩm được viết với cảm hứng phê phán.
Có thể kể đến: Đứng trước biển (1982), Cù lao Tràm (1985 - Nguyễn Mạnh Tuấn), Thời xa vắng (1984 - Lê Lựu), Thiên sứ (1989 - Phạm Thị Hoài) truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Tướng về hưu - 1987), Nỗi buồn chiến tranh (Thân phận tình yêu Bảo Ninh -1987), Chuyện kể năm 2000 (Bùi Ngọc Tấn), Cánh đồng bất tận (2005 - Nguyễn Ngọc Tư), Ba người khác (2006 -Tô Hoài), Thời của thánh thần (2008 - Hoàng Minh Tường), Mối chúa (Đãng Khấu - 2017), Kiến, Chuột và Ruồi (Nguyễn Quang Lập - 2019) …
Có những đánh giá trái chiều về dòng văn học này, chẳng hạn truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Thiên sứ của Phạm Thị Hoài, Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn…
Văn học Nhân văn-dân chủ viết về Cải cách ruộng đất, về cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền bắc, về chiến tranh, về những tiêu cực trong xã hội ta. Nhãn quan của tác giả khác với quan điểm nghệ thuật của Đảng. Vì thế, cho đến nay, chưa có sự đánh giá nhất quán về dòng văn học này, kể cả sự nghi ngại (Thí dụ, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh)
Song xin lưu ý rằng, dòng văn học này cũng là một thành tựu của văn học Việt 1975-2025.
3. “Văn chương thị trường”
“Văn chương thị trường” là dòng văn học phát sinh trong cơ chế thị trường, vận động theo quy luật thị trường, phản ánh đời sống một bộ phận người trẻ và đáp ứng thị hiếu của họ.
Văn chương thị trường có những giá trị nhất định về nghệ thuật song chủ yếu hướng đến việc giải trí. Nhiều tác giả trực tiếp phô diễn Cái Tôi của người trẻ hôm nay. Vì thế, Văn chương thị trường hàm chứa trong nó không ít yếu tố tiêu cực khi tác giả bắt chước văn học phương tây, viết quá đà về chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng và về văn hóa phương tây, khác biệt với những giá trị của dân tộc.
Đã có lúc tràn lan trên thị trường loại truyện ngôn tình, chuyện sex vô luân, những truyện đồi trụy, đến nỗi những người có trách nhiệm phải lên tiếng báo động.
Có thể nhắc đến, Bóng đè (Đỗ Hoàng Diệu); I am đàn bà (Y Ban), Điếm trai (Thủy Anna), Dị bản (Keng), Nháp (Nguyễn Đình Tú), Một thế giới không có đàn bà (Bùi Anh Tấn), Song song (Vũ Đình Giang)…
Những tác giả thành công ở Văn chương thị trường có thể kể: Nguyễn Nhật Ánh, Dương Thụy, Di Li, Keng (Đỗ Thị Thùy Linh), Hamlet Trương (Lê Văn Trương), Gào (Vũ Phương Thanh), Iris Cao, Phan Ý Yên, Nguyễn Ngọc Thạch, Anh Khang, …
Dòng văn học này không được giới nghiên cứu quan tâm bởi nó không phải là tiếng nói chính thức, có trách nhiệm của thời đại như Văn học cách mạng và kháng chiến, Văn học nhân văn-dân chủ.
Quan sát văn chương thị trường trước 1945, và trước 1975 ở miền nam, đến nay có tác giả, tác phẩm nào còn đứng được? Nhà văn Lê Văn Trương (1906-1964) là người được xem là viết nhiều tiểu thuyết (người ta thống kê được 125 tác phẩm), nhưng đến nay, giới nghiên cứu và bạn đọc nhắc đến Nam Cao nhiều hơn là biết đến ông.
Những hạn chế của Văn học 1975-2025: Nghị quyết 23 đánh giá:
“Số lượng tác phẩm ngày càng nhiều song còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Trong một số tác phẩm, lý tưởng xã hội – thẩm mỹ không rõ nét, ý nghĩa xã hội còn hạn hẹp. Một số văn nghệ sĩ còn hạn chế trong tiếp cận và nhận thức những vấn đề mới của cuộc sống, chưa cảm nhận đầy đủ ý nghĩa, chiều sâu và tính phức tạp của quá trình chuyển biến mang tính lịch sử trong thời kỳ mới của đất nước… “
PHẦN III: NHÌN VỀ TƯƠNG LAI
Lần ấy, căn cứ vào chu kỳ 15 năm phát triển của Văn học Việt (1930-1945; 1946-1960; 1960-1975 và 1986-2000) tôi đã dự báo một thế hệ mới, một giai đọan mới của văn học Việt sẽ khởi đi từ 2015, nhưng từ đó đến nay văn đàn Việt ngày càng im ắng. Chưa xuất hiện những tài năng vượt trội, chưa tác phẩm nào đặt được cột mốc cho một thời kỳ phát triển mới, trái lại, con đường trước mặt rất thưa thớt tài năng. Thế hệ đầu thế kỷ XXI giờ đã chững lại.
1. Văn học cách mạng và kháng chiến là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, được Nhà nước quản lý và đầu tư, vì thế dòng văn học này tiếp tục phát triển, và phát triển mạnh.
Hiện nay bộ phận “Văn nghệ quần chúng” đang ngày càng phát triển rộng khắp. Nhưng ngày càng có sự phàn nàn về chất lượng tư tưởng, nghệ thuật của bộ phận văn học này. Các Hội VHNT địa phương kết nạp hội viên dễ dãi; báo chí đăng thơ, truyện không chọn lọc những tác phẩm thực sự có sáng tạo, trái lại chỉ là những sáng tác phong trào, viết theo quán tính. Hội Nhà văn Việt Nam hàng năm kết nạp nhiều hội viên, song được mấy người mà độc giả cả nước biết đến tên tuổi, mấy người mà tài năng như những thế hệ trước?
Đã nhiều năm Hội Nhà văn đề ra mục tiêu sáng tạo những tác phẩm lớn, kết tinh những tác phẩm ngang tầm với dân tộc và thời đại, song đến nay, chúng ta vẫn phải chờ đợi, vì tài năng nghệ thuật luôn là của hiếm. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn đã nhiều lần đánh giá:
“Tình trạng trung bình, làng nhàng là căn bệnh trầm kha nhất của văn học ta hiện nay không được phê phán đến nơi đến chốn” (tr. 20)
“Dàn đồng ca khá mạnh nhưng còn ít những giọng lĩnh xướng vang xa”.
“Thêu thùa cho cá nhân thì khéo, may cắt cho thiên hạ còn ít dụng công.(tr.32)
“Đội quân nghệ thuật hiện nay thật đông đảo. Nhưng nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta thấy chất lượng không tương xứng với số lượng. Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X báo động một nguy cơ có thật, đó là tình trạng nghiệp dư.(tr.69)
(xin đọc Bến văn và những vòng sóng - Hữu Thỉnh 2020)
Đảng đã đề ra nhiệm vụ:
“Phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời với tập trung xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp” (Nghị quyết 23 BCT), văn học Việt Nam thực hiện mục tiêu này thế nào? Chẳng lẽ chỉ phát triển văn nghệ quần chúng!
2.Dòng văn học Nhân văn-dân chủ
Dòng văn học này khai thác vùng “hiện thực không cách mạng” của “Thời xa vắng” như Cải cách ruộng đất, mặt trái của giai đoạn miền Bắc cải tạo Xã hội chủ nghĩa; hoặc viết về những cái tiêu cực của đời sống kinh tế thị trường hôm nay,…
Đến nay những đề tài ấy đã cạn, đã nhạt. Vì lớp độc giả sống trong những hoàn cảnh lịch sử ấy đã không còn, người trẻ không mấy người quan tậm, các nhà văn chứng kiến và trải nghiệm mảng hiện thực ấy cũng đã mai một. Các nguồn mạch văn học đã vơi cạn.
Vì thế Văn học Nhân văn, dân chủ sẽ chuyển hướng khai thác những vùng “hiện thực không cách mạng” khác, chẳng hạn, hiện thực miền Nam trước 1975 (xin đọc Sông Luộc ở phương Nam của Khôi Vũ 2020; Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của Nguyễn Một 2023), và vì thế phẩm chất “nhân văn, dân chủ” sẽ có những màu sắc khác.
3. Văn chương thị trường
Ở Việt Nam, “thị trường” là “thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa” nên dòng văn học này vẫn được Nhà nước quản lý để vừa thực hiện mục đích văn hóa văn nghệ, vừa phục vụ công chúng thị trường, đó là lớp công chúng thời công nghiệp gọi là thế hệ gen z (sinh ra trong khoảng 1997-2012), họ làm việc cật lực, và sống hưởng thụ, và họ cần giải trí)
Sẽ có nhiều người trẻ tham gia dòng văn học này. Năm 2014 đã có một đợt bùng nổ.
Về xu hướng chung, thì cả hai dòng “Văn học Cách mạng và kháng chiến”, “Văn học Nhân văn, dân chủ” rồi đây cũng sẽ đều hướng về thị trường. Họ phải tìm người đọc từ công chúng thị trường. Điều này sẽ chi phôi cách viết và những thông điệp gửi cho người trẻ.
Điều trăn trở lớn nhất mà văn học Việt phải trả lời là làm sao để “xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, và sáng tác “những tác phẩm đạt đỉnh cao tương xứng với sự nghiệp cách mạng và kháng chiến vĩ đại của dân tộc và thành quả đổi mới”.
PHẦN IV: NHỮNG VẤN ĐỀ
1. Vấn đề hàng đầu hiện nay là tài năng văn học.
Thế hệ viết văn 1975-2025 nhiều người đã già không còn viết được nữa.
Những tài năng trẻ hôm nay có ai sánh được với Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Quang Thiều, Thanh Thảo, Trần Quang Quý, Ly Hoàng Ly thời đầu thế kỷ XXI?
“Văn nghệ quần chúng” phát triển rất rộng, rất hùng hậu, nhưng “Văn nghệ chuyên nghiệp” chưa được bổ sung những cây bút mới tài năng. Tác phẩm văn học về đề tài Cách mạng và kháng chiến ngày càng mỏng đi.
2.Vấn đề thứ hai là sự tụt hậu của văn học.
Nghị quyết 23 BCT đề ra nhiệm vụ: “khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại”
Hiện thực đất nước hiện nay đang phát triển vượt bậc, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào thế giới, công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc đạt được những thành tự to lớn sánh được thế giới ngưỡng mộ.
Nhưng không một tác phẩm văn học nào theo kịp để phản ánh được hiện thực ấy, không nhà văn Việt Nam nào có tư tưởng, tầm vóc một nhà văn thể giới. Đề tài, nội dung, tư tưởng vẫn chỉ quanh quẩn trong “cái ao làng”, như ngày nào (một thí dụ, thơ hôm nay vẫn ca ngợi cái nghèo, cái khổ của ngày xưa. Hình như “cái ngày xưa nghèo khổ” ấy mới đẹp, mới nên thơ; còn cuộc sống hôm nay không tạo được cảm xúc thẩm mỹ nào cho người sáng tác?)
Xin đọc
Đường Truông Tràm
Mẹ trồng những luống khoai lang
Nuôi con côi cút họ hàng mấy ai
Đường Truông những giọt sương mai
Đọng trên tóc mẹ ơn dài không quên
(Trần Vạn Giã)
3. Chưa có một bộ Lịch sử văn học 1975-2025
Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương, Hội Nhà Văn, Viện Văn học và giới nghiên cứu học thuật, đến nay chưa viết được bộ Lịch sử văn học 1975-2025, cũng chưa đúc kết được thành tựu của lý luận và phê bình văn học Việt Nam, và chưa xây dựng được hệ giá trị Việt để đánh giá văn học Việt.
Những công trình như thế, “văn nghệ quần chúng” không thể làm được.
Và khi chưa có những công trình chuẩn mực thì không thể định hướng phát triển văn học được.
4. Các hoạt động văn học đi theo lối mòn
Các hoạt động văn học đi theo lối mòn đã quá lâu, trở thành lực cản cho sự phát triển văn học.
Thí dụ, các Hội VHNT địa phương phát triển rất rộng, tiêu tốn ngân sách không ít, nhưng nặng về tổ chức hành chính và thực hiện nhiệm vụ chính trị, không có cơ chế khuyến khích tài năng. Rất nhiều trại sáng tác được tổ chức, nhưng sau khi trại bế mạc, tác phẩm dự trại được cất vào kho lưu trữ, không một tác phẩm nào đóng góp được vào sự phát triển của văn học.
Thí dụ việc tổ chức Ngày Thơ Việt Nam. Những năm đầu, Ngày Thơ Việt Nam tạo được sự háo hức, tạo được một nét văn hóa mới trong sinh hoạt lễ hội của người Việt. Nhưng càng về sau, các Ngày thơ được tổ chức theo những chỉ thị hành chính, rất ít sáng tạo, công chúng ít quan tâm. Bởi cả nước tôn vinh Thơ, nhưng công chúng lại không tìm thấy thơ hay. Đã có những câu thơ dở được thả lên trời,…
Chủ trương hỗ trợ sáng tác là một chủ trương tốt. Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2020 trong Hội nghị văn học, đã đề ra phương châm “Mọi hoạt động của chúng ta đến tay hội viên, nhằm vào hội viên, “tất cả vì hội viên”.
Nhưng trong thực tế, hiệu quả của việc hỗ trợ ấy thế nào, các hội viên Hội VHNT và Hội viên Hội Nhà văn đều thấy rõ.
Hầu hết nhà văn khi viết tác phẩm đều phải tự lực in ấn và phát hành.
5. Hội viên, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã thành lập được nhiều Chi hội tại các tỉnh. Hoạt động của Ban Chấp hành năng động, sôi nổi, tạo được một bầu khí mới. Tuy nhiên các Chi hội hoạt động thế nào, có giúp cho việc sáng tác và quảng bá tác phẩm của hội viên hay không, tôi đang chờ thông tin.
Việc kết nạp hội viên Hội Nhà văn hàng năm, mỗi năm số hội viên được kết nạp đông đảo (là để bổ sung những nhà văn đã qua đời). Nhiều năm trở lại đây, có rất ít hội viên mới kết nạp có tác phẩm được công chúng văn học cả nước biết. Ai trong số họ có đóng góp mới mẻ vào sự phát triển văn học cả nước?
Tôi nghĩ các Hội VHNT địa phương là nơi tập hợp hoạt động “văn nghệ quần chúng”. Hội Nhà văn là một tổ chức chuyên nghiệp, hội viên phải là những nhà văn chuyên nghiệp, những cây bút có đóng góp mới mẻ cho sự phát triển văn học. Tình trạng “nghiệp dư hóa” của văn học xuất phát từ việc kết nạp quá nhiều hội viên “văn nghệ quần chúng” vào Hội Nhà văn Việt Nam. Và số lượng tác phẩm tuy nhiều song đa số là tác phẩm phong trào, có rất ít tác phẩm đặc sắc, mới mẻ, độc đáo về tư tưởng và nghệ thuật.
Các nhà chính trị có thể chú ý đến văn nghệ quần chúng, bởi vì văn nghệ quần chúng phục vụ trực tiếp nhiệm vụ chính trị; song các nhà nghiên cứu văn học sử sẽ chỉ chú ý đến những nhà văn có cốt cách, quan tâm đến những tác phẩm có đóng góp mới mẻ vào sự phát triển của văn học.
Vì thế Hội Nhà văn phải là nơi của những tài năng như Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Thiều, Lê Thành Nghị…
Về giải thưởng văn học, chỉ nên trao cho các tác phẩm thực sự có giá trị tư tưởng và nghệ thuật của những tác giả có phong cách độc đáo và có đóng góp mới mẻ cho sự phát triển văn học.
6.Văn học miền Nam, văn học hải ngoại
Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị ghi rõ: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam…Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân”.
Nhưng cho đến nay, văn học của người Việt hải ngoại chưa được đưa “trở về nguồn”. Cũng vậy, văn học miền nam 1955-1975 có những đóng góp nào vào sự phát triển của văn học dân tộc cũng chưa được quan tâm.
Ngày 20/10/2017 tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức cuộc gặp mặt mang chủ đề: “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc”. Có sự tham dự của 50 nhà văn tiêu biểu trong nước và 33 nhà văn người Việt sống tại 12 nước trên thế giới. Hội Nhà văn hy vọng cuộc gặp mặt lần này sẽ mở ra một trang mới đoàn kết tất cả tài năng văn học Việt Nam từ mọi chân trời, chung sức xây dựng một nền văn học Việt Nam không hổ thẹn với các bậc tiền nhân và sự mong đợi của hậu thế.
Nhưng từ đó đến nay đã 7 năm, Hội Nhà văn chưa tổ chức cuộc gặp mặt lần II.
PHẦN V: DỰ CẢM
1. Rồi đây, một thế hệ nhà văn mới sẽ xuất hiện, họ sẽ gánh vác nhiệm vụ đưa văn học Việt hội nhập với văn học thế giới.
Kinh nghiệm của những nhà văn Mỹ gốc Việt (thí dụ Monique Truong, Nguyễn Thanh Việt, Ocean Vương), hoặc nhà văn hải ngoại gốc Việt khác sống và viết ở Pháp, Canada, Úc (Linda Lê, Thuận, Anna Moi…) sẽ tiếp sức cho họ.
Nhưng chúng ta còn phải chờ một vài thế hệ nữa.
2. “Văn nghệ quần chúng” trong tương lai.
Đến một lúc nào đó, Quốc hội sẽ cắt ngân sách các Hội VHNT địa phương, các tác giả “văn nghệ quần chúng” sẽ sinh hoạt trong các Hội hoặc Câu lạc bộ riêng, do Ban Tuyên giáo các Tỉnh quản lý, Thí dụ hiện nay có Câu lạc bộ Thơ Việt Nam có 11.878 hội viên trên toàn quốc; Hội Thơ Đường luật Việt Nam (ra đời năm 2005, có hơn 2.500 hội viên thuộc gần 80 Hội cơ sở trong cả nước)…
Đến lúc ấy, văn học trở nên một hoạt động đời thường, ai thích thì tham gia. Văn học không còn là nơi cầu danh như hiện nay. Cái danh của nhà văn phải được khẳng định bằng tài năng và bằng tác phẩm có giá trị.
3. Truyền thông đa phương tiện thiên về giải trí sẽ chiếm lĩnh đời sống tinh thần của công chúng. Việc đọc tác phẩm Văn học (in giấy) sẽ ngày càng thu hẹp. Thị trường sẽ phát huy sức mạnh lấn át.
Chỉ những nhà văn tài năng, những tác phẩm văn học có giá trị mới có thể đứng được. Các tác giả viết theo quán tính, viết để phục vụ phong trào hoặc để cầu danh cầu lợi sẽ không có đất chen chân.
4. Và như thế yêu cầu đổi mới văn học vẫn là yêu cầu có tính quyết định sự tồn tại và phát triển của văn học Việt. Bao giờ văn học Việt Nam mới có tác giả đạt giải Nobel văn chương như văn học Ấn Độ, Trung quốc, Nhật bản (R. Tagore, Mạc Ngôn, Kawabata Yasunari)?
LỜI BẠT
Giai đoạn văn học 1975-2025 đã khép lại. Văn học đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc, góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, khẳng định những thành tựu của đường lối đổi mới văn nghệ của Đảng. Lực lượng viết văn hùng hậu, khối lượng tác phẩm đồ sộ, đó là một sự nghiệp lớn, một bộ phận của cuộc cách mạng Xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong giai đọan xây dựng công nghiệp hóa và hội nhập toàn cầu.
Một giai đoạn văn học mới sẽ mở ra với những thành tựu mới. Thời đại công nghiệp hóa, toàn cầu hóa sẽ hun đúc nên những tài năng mới.
Tháng 8/ 2024
B.C.T