- Lý luận - Phê bình
- Bài thơ ANH QUÊN của nhà thơ Phạm Đình Phú
Bài thơ ANH QUÊN của nhà thơ Phạm Đình Phú
NGUYỄN ĐÌNH SINH
Bài thơ “Anh quên” là một bài tứ tuyệt hay, ngắn gọn, tinh tế và giàu cảm xúc trong từng câu chữ của nhà thơ:
Chiều gầy xao xác ngày đông
Đò qua bến vắng phải lòng em thôi
Câu gì mấp máy đôi môi
Như anh quên cả tuổi ngồi nghe nhau.
Câu thơ mở đầu: “Chiều gầy xao xác ngày đông” gợi một không gian mùa đông lạnh lẽo, mặt trời ẩn mình sau những đám mây xám xịt. Từ “gầy” được dùng rất đắt – diễn tả ánh sáng nhạt nhòa trong một buổi chiều đông tĩnh lặng.
“Chiều gầy xao xác ngày đông” còn là hình ảnh gầy guộc của cảnh vật: khi cây rụng lá xác xơ, lá vàng xào xạc trên cành sót lại, xen lẫn tiếng lá rơi đầy xao xác. “Xao xác” còn là âm thanh của gió, của nỗi cô đơn buốt giá – phản ánh một nỗi lòng đang rung động, man mác u sầu của thi nhân.
Không gian và thời gian ấy là tiền đề cho một cuộc gặp gỡ lứa đôi đầy lãng mạn. Hình ảnh con đò bồng bềnh trên bến vắng trở thành ẩn dụ tuyệt đẹp: “Đò qua bến vắng phải lòng em thôi”.
Cuộc gặp gỡ giữa hai người – đột ngột, tình cờ – lại đủ khiến con tim xao động đến mức “phải lòng”. Cái “phải lòng” ấy nhẹ nhàng, vừa ngẫu nhiên vừa như tất yếu, như là mơ, như là tiếng tơ lòng rung khẽ trong tim.
Nhà thơ Nguyễn Đình Sinh đọc bài cảm nhận tại buổi ra mắt sách.
Tình yêu ở đây đến tự nhiên, không cưỡng cầu, chẳng cần lý do – chỉ một khoảnh khắc thôi, không hẹn mà gặp, đã đủ làm xuyến xao cả tâm hồn. Sự rung động ấy là một lẽ tất yếu, như thể không thể nào cầm lòng được.
Khi người con gái mấp máy điều gì đó, quá khẽ khàng không thành tiếng, câu thơ “Câu gì mấp máy đôi môi” như khơi dậy trí tò mò và sự tưởng tượng của nhà thơ. Đôi môi mấp máy ấy khiến tác giả liên tưởng đến một nụ hôn ngọt ngào đang mời gọi – một vẻ đẹp lãng mạn, mơ hồ như tranh tố nữ.
Tình yêu ấy mong manh, thoảng nhẹ như khói sương hay mây bay. Người lữ khách sang sông giữa cảnh chiều đông vắng vẻ ấy đang lâng lâng cảm xúc.
“Anh quên” – là quên cả không gian giá rét, quên cả cảnh đìu hiu, xao xác, và nhất là quên cả tuổi tác giữa mình và cô lái đò: “Như anh quên cả tuổi ngồi nghe nhau”.
Vì tình yêu vốn không có tuổi, không phân biệt sang hèn, không cần ngôn ngữ, chỉ cần hai tâm hồn bên nhau là đủ.
Nhà thơ đã quên tất cả – trong anh lúc này chỉ còn lại tình cảm lứa đôi, dạt dào và thiết tha, khơi lên từ “đôi môi mấp máy”.
“Anh quên” cũng có thể là quên không tặng nụ hôn, dù chỉ là một nụ hôn gió, trong tưởng tượng. Và tất nhiên là tác giả đã ngầm tiếc nuối. Người đọc cũng bất giác tiếc thay cho anh.
Tình yêu ở đây không cần hành động, không cần lời nói – chỉ cần “ngồi nghe nhau” là đủ. Và dường như tác giả không muốn rời đò, mà chỉ mong được ngồi mãi trong khoảnh khắc ấy.
Ta chợt nhớ đến Xuân Diệu trong bài Xa cách:
“Có một bận em ngồi xa anh quá / Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn / Em xích gần thêm một chút: anh hờn… / Vì anh nghĩ: thế vẫn còn xa lắm…”
Cũng như vậy, nhà thơ Phạm Đình Phú chỉ cần ngồi bên nhau lặng lẽ, để tận hưởng cảm xúc thiêng liêng của một tình yêu sâu lắng – như thể đã từng đồng điệu và thuộc về nhau từ lâu.
Tác giả như tan vào không gian, thời gian và rung động với đôi môi đang “mấp máy” – như một nụ hôn ngầm trong tưởng tượng, để sưởi ấm nhau trong cảnh chiều đông, bên một bến đò hoang vắng, lăn tăn sóng nước, mênh mang mây trời…
Anh quên là một bài thơ tứ tuyệt đẹp – đẹp ở ngôn từ, ở hình ảnh, ở cảm xúc truyền tải.
Với ngôn ngữ giản dị, trong trẻo, mà tinh tế và gợi cảm, bài thơ không chỉ ghi lại một khoảnh khắc rung động mà còn khơi dậy trong người đọc cảm xúc về một tình yêu trong veo, sâu lắng mà không bi lụy.
Tác giả đã mở ra một khung trời kỷ niệm – một phút giây êm đềm, man mác yêu thương – như thể trên bước đường hành quân của người lính, vẫn lặng thầm nảy nở một đóa tình yêu.
Xin chúc mừng tác giả. Chúc ông dồi dào sức khỏe, bút lực sung mãn để tiếp tục cống hiến cho nền văn học nước nhà.
TP.HCM, ngày 12 tháng 7 năm 2025
N.Đ.S
MỘT VÀI HÌNH ẢNH VỀ BUỔI RA MẮT SÁCH "ẤM LÒNG NHỮNG NỤ HÔN NHƯ THẾ"
(Ngày 19 tháng 7 năm 2025)