- Tin tức - Hoạt động Hội
- Bạn văn trẻ: Vì sao chúng ta viết? – Kỳ 3
Bạn văn trẻ: Vì sao chúng ta viết? – Kỳ 3
“Văn chương giúp chúng ta sống chậm hơn, sâu hơn trong bối cảnh đời sống đang vận hành với tốc độ quá gấp gáp như hiện nay”. Đó là một cách thức nhận thú vị của nhà lý luận phê bình trẻ Đặng Thị Bích Hồng, và cùng với chị trong kỳ chuyên đề này còn có những chia sẻ đáng quý của những bạn viết trẻ khác: Thái Cường, Hà Hương Sơn, Ksor H’Yuên, Phát Dương, Lê Tuyết Lan, Nguyễn Trần Khải Duy, Trương Kim Ngọc, Lê Văn Ngọc khi cùng hướng tới Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X ở Đà Nẵng.
Một số đại biểu Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IV tại Hà Nội năm 1994. Hàng trước từ trái sang: Nguyễn Thanh Mừng, Phan Hoàng; hàng sau: Trần Xuân Toàn, (?) Chu Văn Sơn, Nguyễn Đăng Vũ, Nguyễn Văn Thắng, Phạm Công Trứ.
Nhà thơ trẻ Thái Cường (Trà Vinh):
Tôi theo học văn từ phổ thông đến đại học nhưng chưa từng có ý định trở thành nhà văn. Tôi định hướng theo báo chí – truyền hình và cũng làm trong lĩnh vực này được một thời gian, mãi cho đến năm 2015 gặp biến cố mới thực sự bén duyên với văn chương.
Khi đó, tôi được chẩn đoán u sàn họng, khối u có nguy cơ ác tính. Trong 10 ngày làm sinh thiết tế bào chờ kết quả, tôi trở về quê và buông bỏ hết mọi công việc còn đang dang dở. Vì nỗi sợ “nếu một mai tôi có bay lên trời”, liệu còn điều gì sót lại khiến người ta nhớ rằng Thái Cường từng có một quãng sống tuy không dài nhưng vẫn có gì đó đẹp đẽ? Thế là tôi nghĩ chắc mình phải viết một cuốn sách thôi, viết gì cũng được nhưng phải viết trước đã rồi tính sau.
Nhà thơ trẻ Thái Cường
May mắn là kết quả sinh thiết của tôi khả quan, tôi có thể vượt qua nghịch cảnh và “đứa con tinh thần” vội tạo tác trong 10 ngày kia cũng tượng hình chút đỉnh. Vậy là tôi càng có động lực phải hoàn thành cho xong, hân hoan hơn khi tác phẩm gửi đến các đơn vị xuất bản rốt cùng cũng được duyệt.
Từ đó đến nay cũng 7 năm và tôi đã chấp bút được 4 cuốn sách, bao gồm 3 tiểu thuyết và 1 tập thơ. Tôi đang trong giai đoạn nghỉ ngơi tìm nguồn cảm hứng cho những trang viết mới nên quả thật chưa rõ ràng khi nói về những dự định, tránh cảnh “nói trước bước không qua”.
Nếu như trả lời một cách sách vở thì đã có quá nhiều người bàn về vai trò của văn chương trong đời sống, tôi xin phép không nhắc lại. Cá nhân tôi qua mỗi cột mốc tuổi tác, cách nhìn nhận của tôi về văn chương cũng khác hơn nhiều so với trước.
Văn chương ngày trước với tôi lớn lao như kiểu phải làm đẹp cho đời, ảnh hưởng đến nhân sinh quan hay thế giới quan của con người, cả cuộc sống lẫn nghệ thuật đều phải tạo được dấu ấn.
Còn với góc nhìn 30 tuổi hiện tại, tôi chỉ cần văn chương là một thế giới gì đó gói trong chia sẻ và đồng cảm. Dẫu thế nào đi nữa, áng văn hay phải là áng văn chạm được vào thế giới tinh thần của mỗi bản thể, giữa thời đại con người ngày càng dễ mất kết nối với nhau, và cả với chính mình.
Nhà lý luận phê bình trẻ Đặng Thị Bích Hồng (Phú Thọ):
Con đường đến với văn chương của tôi có thể được hình dung như một hành trình rất tự nhiên. Khi còn là học sinh trung học cơ sở, tôi là thành viên của lớp chuyên toán nhưng lại tham gia thi học sinh giỏi môn văn. Từ đó, văn trở thành mạch chủ: học sinh chuyên văn trung học phổ thông, sinh viên sư phạm ngữ văn, cô giáo dạy văn.
Nói như thế cũng để thấy rằng, văn chương, đối với tôi, là một nghề. Và khi người làm nghề, có thể là đam mê, cũng có thể, chỉ thuần túy là nhiệm vụ. Còn nhớ, khoảng gần 10 năm trước, tôi từng tâm sự với một bậc tiền bối trong nghề rằng, tôi thấy hạnh phúc khi được dạy văn. Các tác phẩm văn học đem lại cho tôi cảm giác mình được sống nhiều hơn cuộc đời của chính mình. Và tôi đã nhận được lời chúc mừng từ bậc tiền bối đó. Chúc mừng vì tôi đã may mắn chọn đúng nghề.
Nhà lý luận phê bình trẻ Đặng Thị Bích Hồng
Tới đây, tôi dự định khai thác sâu hơn hướng nghiên cứu mà tôi đã quan tâm nhiều năm nay là văn học trinh thám. Đồng thời, tôi cũng mong muốn sẽ kết nối một nhóm nghiên cứu để tiếp cận văn chương phi hư cấu trong mối liên hệ với các vấn đề văn hóa dân tộc.
Phải nói ngay rằng chữ “đời sống” mở ra một phạm vi quá rộng, và thực tế là chúng ta không đủ thẩm quyền để nói về những vấn đề ở bên ngoài khả năng quan sát của cá nhân. Từ góc độ người tiếp nhận, tôi cho rằng, văn chương cần thiết để mỗi người có được một không gian cho riêng mình, được nhìn thấy chính mình với những xúc cảm buồn, vui hoàn toàn phi thực dụng. Văn chương giúp chúng ta sống chậm hơn, sâu hơn trong bối cảnh đời sống đang vận hành với tốc độ quá gấp gáp như hiện nay.
Nhà thơ trẻ Hà Hương Sơn (Quảng Ngãi – Hà Nội):
Chắc có lẽ, ai trong chúng ta cũng có một câu chuyện của riêng mình về hành trình đến với văn chương. Ví dụ như: Mình đọc tác phẩm văn chương khi nào? Mình bắt đầu sáng tác từ năm bao nhiêu tuổi? Điều gì hoặc ai đã trao cơ hội để bản thân đến với văn chương? Và câu trả lời luôn khác biệt nhau, ở mỗi bản thể truy tìm văn chương. Có những người đến với văn chương một cách tình cờ, ngẫu nhiên; có người lại chủ ý từ sớm, có sự đọc và tìm tòi từ rất lâu; có người lại nằm giữa hai chiều kích đó. Dù ngẫu nhiên hay có sự đầu tư từ trước, thì chúng ta gần như có câu trả lời chung cho tất cả: là những ai đã yêu văn chương thì thật khó dứt ra được.
Con đường tôi đến với văn chương là một sự tình cờ lạ lùng. Vào năm thứ hai đại học, khi đang là sinh viên bách khoa, tôi đọc tiểu thuyết Rừng Nauy của nhà văn Haruki Murakami trong một hiệu sách, hoạt động đó đã vô tình đưa tôi trôi vào vùng trời mơ ước của những khát khao văn chương.
Tôi biết làm thơ, biết sáng tác lời bài hát, và biết viết truyện nữa (tiểu thuyết và truyện ngắn). Dù chất lượng tác phẩm còn nhiều điều đáng bàn, nhưng ở khía cạnh cá nhân, tôi nghĩ mình đã làm được.
Nói rõ ra, thì việc tôi đến với văn chương là một sự tình cờ, như cái cách mà Haruki Murakami kể về chính ông. Ông đang xem trận bóng chày, và bỗng dưng ông muốn viết văn, vậy là ông quyết định trở thành nhà văn.
Nhà thơ trẻ Hà Hương Sơn
Tôi mang trong mình một phức cảm tâm lý rất phức tạp, điều mà ngay cả bản thân tôi cần tìm ra câu hỏi cho chính thực tại nội tâm đó. Vậy nên, trong những trang viết tôi đã viết, cũng như những trang viết sắp đến, điều tôi đang tìm kiếm là một câu chuyện mang tính đi tìm bản thể. Nói đi tìm bản thể thì hơi to tát, nhưng thực ra rất là đơn giản. Chỉ cần tôi trả lời vài câu hỏi: Tôi đã lớn lên như thế nào? Điều gì đã dẫn dắt tôi hành động như vậy? Điều tôi hành động đó là đúng hay sai? Tôi là một người tốt hay người xấu? Tôi là người máy hay là một người bình thường bằng xương bằng thịt?
Sự tồn tại thực tiễn trong những xã hội xưa cũ, nơi mà chưa có sự phát triển của công nghệ, văn hóa nghe nhìn, mạng xã hội, thì văn chương là một cái gì đó rất gần gũi trong đời sống sinh hoạt tinh thần của con người. Ông bà tổ tiên chúng ta đã lớn lên trong bầu sữa văn chương dân gian, những câu hò vè, những làn điệu ví dặm, hay tân cổ giao duyên, hát đối. Mặc dù những loại hình văn nghệ dân gian đó không thuần túy là văn chương, nhưng văn chương đóng góp một vai trò quan trọng trong những loại hình hoạt động đó.
Trong đời sống xã hội ngày nay, văn hóa nghe nhìn lấn lướt văn hóa đọc. Trong cái dòng chảy của thực tiễn xã hội, văn hóa đọc bị đẩy ra vùng “ngoại biên”. Đương nhiên, văn chương thuộc về phạm trù văn hóa đọc, nên văn chương cũng bị đẩy ra vùng “ngoại biên” của văn hóa.
Tuy nhiên, mặc dù sự phát triển của xã hội có diễn tiến như thế nào đi nữa, thì văn hóa đọc vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân loại. Chúng ta không thể tư duy tốt, nếu như chúng ta không đọc. Những đất nước công nghệ công nghiệp hiện đại nhất trên thế giới hiện nay, cũng là những quốc gia mà tỉ lệ người đọc sách là rất cao. Trong cái sự đọc đó, có sự đọc văn chương. Nên dù có như thế nào đi nữa, thì sự tồn tại của văn chương là một giá trị, và văn chương nói chung cũng như thi ca nói riêng, sẽ còn tồn tại lâu dài với đời sống tinh thần của nhân loại, đời sống của nhân loại. Mặc dù, văn chương chỉ là một loại hình giúp cho đời sống tinh thần cong người phong phú hơn, nhưng con người không thể rời xa văn chương! Đến với văn chương là con người đang tìm về bản thể của mình, trở về cội nguồn của mình.
Nhà văn trẻ Ksor H’Yuên (Gia Lai):
Tuy có muộn màng hơn rất so với nhiều bạn đồng trang lứa, tôi đến với văn chương cũng hết sức bất ngờ, là bước ngoặt lớn trong đời, bởi lẽ bản thân tôi còn tự ti vì khả năng ngôn ngữ, cách diễn đạt của chính mình. Trước đây thời sinh viên báo chí tôi cũng chỉ dám thử sức ở mảng tản văn, sau này càng đọc và yêu thích nhiều tác phẩm của nhiều tác giả nổi tiếng, yêu và suy ngẫm về những nhân vật trong những câu truyện và tự thấy đời mình, những người xung quanh mình luôn có những tâm tư, suy nghĩ, cách sống, cách nghĩ hết sức thú vị, phong phú… Và rồi tôi tự hỏi rằng tại sao mình không thử sức ở thể loại truyện ngắn, biến những câu chuyện mà mình bắt gặp trong thực tiễn thành những tác phẩm mang tâm tưởng, ước muốn của chính mình.
Nhà văn trẻ Ksor H’Yuên
Trong tương lai gần và xa hơn, tôi sẽ tiếp tục viết về những con người mình bắt gặp ở ngoài đời thực, cuộc sống của người dân nơi mình đang sinh sống, ở đó xen lẫn giữa nhịp sống mới, hiện đại nhưng ko quên gắn chặt với lối sống, phong tục, văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng Jrai. Tập trung khai thác ở chủ đề như thay đổi nếp nghĩ cách làm trong cộng đồng Jrai để thích nghi với nhịp sống hiện tại; về sự giao thoa văn hóa giữa người Kinh và Jrai, những gương có hành vi cao đẹp đối với đời, cộng đồng để lan tỏa hơn nữa những thông điệp tích cực đến xã hội,…
Với cá nhân tôi, văn chương như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày, nó giúp tôi cân bằng, điều hòa cảm xúc; là chỗ dựa tinh thần khi đối diện với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Thông qua văn chương chúng ta dễ dàng nhận thấy thực trạng xã hội mà chúng ta đang sống, hình ảnh đa chiều, sống động về cuộc sống thực tại, những bài học đắt giá có thể tự rút ra thông qua nhân vật, từ đó đúc rút nhiều kinh nghiệm hay cho riêng mình trong cuộc sống để tự uốn nắn, khắc phục những khiếm khuyết, phát huy những mặt mạnh đang có.
Văn chương luôn ẩn chứa nhiều thông điệp ý nghĩa, tích cực để hướng con người vươn tới những giá trị sống cao cả, nhân văn, con người khi đến với văn chương cũng vì thế mà có thêm động lực để sống tốt, sống có ích cho xã hội. Nói chung, văn chương là người bạn đồng hành giúp cho chúng ta có cơ hội tự soi lại chính mình, ngẫm lại chính mình liệu đã sống tốt chưa, sống hạnh phúc thực sự hay chưa?
Nhà văn trẻ Phát Dương (Sóc Trăng):
Có thể với niềm tin tâm linh, kiểu một ngày thôi nôi nọ, đứa trẻ sẽ được chọn món mình thích để người lớn đoán coi tương lai nó làm gì. Tôi sẽ chọn cây viết, chắc vậy. Tiếc là khi tôi sinh ra, nhà tôi chẳng đủ khá giả để làm những bữa tiệc kiểu đó. Mẹ hay than thở số tôi khổ, tôi chẳng có đầy tháng hay thôi nôi gì, sinh nhật cũng không. Mẹ không biết mẹ đã cho tôi nhiều hơn vậy. Chảy trong máu mình, tôi nghĩ, đó là cả giấc mơ của mẹ, của anh tôi nữa. Tôi chẳng phải là họ, nhưng tôi kế thừa một phần của họ. Mẹ tôi chưa xong cấp một, anh tôi chọn ngành khác, chỉ mình tôi tiếp tục đi trên con đường bấp bênh mà mọi người coi là phù phiếm: văn chương. Vui không? Vui. Buồn chứ? Nhiều. Nhưng nếu bắt tôi ngưng, cũng như buộc tôi diễn tả tôi yêu nó thế nào, khó lòng tôi làm được.
Tôi luôn thay đổi, hay con người luôn thay đổi. Tôi thèm thử mọi thứ có thể, thèm viết nhiều hơn, gửi gắm nhiều hơn, tạo ra nhiều giá trị hơn. Trầy trật chông gai hay lấp lánh của báu, ai biết được, theo đam mê là một cuộc tranh đấu rồi. Người ta biết một Phát Dương hiện thực đầy nước mắt, và người ta biết thêm một Phát Dương thích những yếu tố huyền ảo và giả tưởng. Sau đó? Giới hạn của tôi là chính tôi. Tôi cảm ơn những người đã gõ cửa và gọi tôi dậy, dắt tôi bước vào thế giới mới. Tôi sẽ viết thơ, viết tản, tôi sẽ thử cả truyện dài, cả thiếu nhi… bắt cứ thứ gì cất tiếng gọi tôi và tôi dám đáp lại. Mọi thứ, xuất phát từ tâm luôn có giá trị mà. Ngại ngần và nấn ná, đó là cuộc chiến của riêng tôi.
Nhà văn trẻ Phát Dương
Vai trò của văn chương còn tùy vào người đón nhận nó. Tôi vốn không ưa sự phân biệt rằng người này thưởng thức được, còn người kia lại không. Giá trị của văn chương do nhu cầu và khả năng tiếp nhận của mỗi người, tôi thừa nhận, nhưng ý tôi là họ có quyền thưởng thức mọi tác phẩm nghệ thuật mà họ muốn, theo cách của họ (tuân thủ pháp luật và cố đừng gây ảnh hưởng cho ai, luật bất thành văn, nhỉ?).
Văn chương, trước hết là giải trí. Chúng ta có thể buộc tội một số tác phẩm không trau chuốt, sâu sắc, nhưng chúng ta không thể không thừa nhận khả năng giải trí của nó. Ngôn tình thì sao, miễn là người ta thích, người ta muốn đọc. Rồi họ sẽ cần những điều khác, khi họ thay đổi. Vậy thì tiếp theo, văn chương có vai trò giáo dục. Tôi trả lời như môn chuyên ngành tôi từng học, tôi chắc mọi người cũng biết thừa (học sinh nào chưa mỏi mắt với sách văn, cả yêu và ghét), nên tôi chuyển qua vai trò khác. Vai trò cứu rỗi, điều này tôi mới lượm được, trong bộ phim The Reader. Nếu ai cũng chọn văn chương (và nghệ thuật) thay vì những thứ tốn kém và có phần độc hại khác (liệt kê ra thì kì), thế giới đã tốt đẹp biết bao. Bạn có thiện cảm với ai, một người cầm dao hay người cầm sách? À, dĩ nhiên còn tùy sở thích của bạn. Nhưng tôi tin chắc đọc một cuốn sách có nhiều ý nghĩa lắm, sách chất lượng thật sự ấy. Càng giá trị, càng nhiều vai trò, văn chương càng bén ngót như dao hai lưỡi. Cứu được và giết được. Đừng đầu độc người khác bằng những trang sách kín nghẹt chữ đẫm ý đồ xấu xa và cẩu thả, làm ơn!
Nhà thơ trẻ Lê Tuyết Lan (Bình Dương):
Có lẽ vì tôi lớn lên bên bà nội, được nghe nhiều câu ca dao, tục ngữ, câu hát ru mà trở thành quen thuộc. Tôi đã biết mình mang tâm hồn nhiều đa cảm nên từ nhỏ đã viết nhật ký và mê học văn. Nhưng chỉ viết khi dự những lần thi học sinh giỏi văn. Vì sống ở thôn quê nên việc tiếp cận của tôi khá trễ, cho đến khi lên đại học, tôi đã bắt đầu viết những bài thơ đầu tiên và chỉ đến khi vô tình thấy được trang văn nghệ địa phương vào 7.2019, tôi đã thực sự được bén duyên với con đường sáng tác. Kể từ đó tôi biết nhiều hơn về chính mình và viết say mê.
Nhà thơ trẻ Lê Tuyết Lan
Sau gần được 3 năm bước đầu sáng tác, tôi cũng không dự định gì cho mình ngay từ đầu, có thể tôi khá thụ động khi để mọi thứ đưa mình đi, tôi chỉ viết bằng tất cả điều mình có, tự nhiên và tự do. Tôi cũng ước mơ được có tác phẩm riêng của mình. Và tôi đã hạnh phúc khi làm được điều đó.
Nếu nói về điều tôi mong muốn bây giờ, có lẽ là tôi hi vọng mình viết tốt hơn, đa dạng và có ích hơn. Tôi biết mình thèm lắm được đi lâu dài, được trải qua thăng trầm, hương vị cuộc đời bằng dòng chữ trong nước mắt, nụ cười thật nguyên vẹn.
Theo tôi, văn chương trước hết là tiếng lòng của người viết, chia sẻ, giãi bày, gửi gắm từ những câu chuyện cuộc đời thật riêng biệt. Văn chương là người bạn tri kỷ với người sáng tác, giúp họ được sống nhiều hơn, đa chiều và chân thành. Từ đó có thể bắt gặp sự đồng điệu để cảm thông, động viên và góp vào trong sự đa dạng cảm xúc, xây dựng, gắn kết con người trong xã hội. Dù là nỗi tuyệt vọng hay sự viên mãn thì con chữ sẽ hướng tới hiện thực của cái đẹp có khi hiện ra, có khi ẩn khuất để chúng ta tin hơn mà rèn giũa chính mình.
Nhà thơ trẻ Nguyễn Trần Khải Duy (TPHCM):
Tôi được sinh ra và lớn lên trong bầu khí quyển văn chương ở đất Bình Định. Là con trai của hai nhà văn nổi tiếng là vinh dự song cũng là áp lực rất lớn thôi thúc tôi phải luôn nghiêm cẩn với ngòi bút của mình.
Là người cầm bút, để ngòi bút của mình cùn mòn trong những suy tưởng cũ kỹ và gò bó. Tôi luôn tìm cách đổi mới trang viết của mình. Giữa thời đại công nghệ 4.0, những gì gắn liền với đời sống công nghệ có thể xem là chất liệu thẩm mỹ phù hợp.
Nhà thơ trẻ Nguyễn Trần Khải Duy
Và trong đời sống hiện đại, văn chương như người bạn, giúp ta sống chậm lại, trải lòng mình sau những guồng xô bồ. Ai cũng sẽ có biến cố, ai cũng có lúc buồn vui, dù thế nào đi nữa cũng chỉ có trang viết là luôn ở đó, bên cạnh ta và không quay lưng với ta. Nếu không có người bạn ấy, cuộc sống sẽ chẳng còn màu sắc như vốn dĩ.
Nhà lý luận phê bình trẻ Trương Kim Ngọc (TPHCM):
Ban đầu tôi biết đến văn chương thông qua các bài học tôi được học ở trường. Tôi thích và càng tìm hiểu sâu hơn về chúng. Nhưng khi tôi càng tìm hiểu tôi càng nhận ra, với văn chương tôi không chỉ yêu thích mà nó còn là một phần cuộc sống của tôi. Tôi nhiều lần bắt gặp chính mình trong các tác phẩm văn chương, tôi cũng bắt gặp những điều tôi khao khát, những cuộc đời tôi mong đợi. Nên sẽ không có thời điểm, sự kiện cụ thể nào để xác định tôi đến với văn chương. Nó đơn giản chỉ là khi tôi cảm thấy văn chương là một phần không thể thiếu của cuộc đời tôi.
Tôi vẫn luôn quan sát những gì diễn ra xung quanh mình, những trang văn, thơ của nhiều bạn trẻ sẽ là nguồn cảm hứng cho tôi. Tôi hi vọng trong thời gian sắp tới, tôi có nhiều bài viết chia sẻ với tâm tư của tác giả trẻ, điều mà họ gửi gắm trong sáng tác văn, thơ của mình.
Nhà lý luận phê bình trẻ Trương Kim Ngọc
Như tôi đã nói, văn chương là một phần trong đời sống của tôi và tôi cũng có thể khẳng định rằng văn chương có vai trò quan trọng trong đời sống của chúng ta. Trong nhịp sống vội vã như hiện nay, văn chương lại càng phát huy tác dụng. Văn chương giúp chúng ta vẽ một bức tranh thời đại chân thực bằng cái nhìn chân thành nhất. Văn chương là tấm gương soi chiếu cuộc sống của chúng ta cũng là góc nhỏ bình yên nơi ta có thể tìm về khi mệt mỏi.
Nhà thơ trẻ Lê Văn Ngọc (Ninh Bình):
Em đến với văn chương bắt đầu văn học mạng. Khởi đầu bằng những sáng tác viết tay, rồi đăng các web nhưng zing, gác sách… đến nay, cũng đã trả qua một hành trình khoảng 10 năm với nghề. Từ những ngày đầu tập sáng tác, em luôn mong muốn có thể học hỏi nhiều hơn, văn chương đã cho đời em nhiều trái ngọt, cũng cho em những trải nghiệm đáng nhớ. Từ truyện ngắn đăng báo đầu tiên, tản văn in sách cho đến giờ là sở hữu những cuốn sách riêng. Trước thềm Hội nghị Người viết văn trẻ Toàn Quốc lần thứ X em có nhiều mong về nền văn học mới hiện đại và cởi mở hơn.
Xuất thân từ văn học mạn cho em điều kiện để tiếp xúc với nhiều luồng tư tưởng hiện đại nhưng cũng có những khó khăn nhất định. Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, không gian mạng đã mở rộng kết nối những con người từ khắp mọi miền tổ quốc với nhau. Chính điều ấy đã khiến cho đề tài của nhiều tác giả được đa dạng hơn với nhiều chủ đề hấp dẫn như: hậu tận thế, tương lai, cổ trang, lịch sử… Tuy nhiên đội ngũ người viết mạng hiện nay lại không có người hướng dẫn, vẫn tự dò dẫm. Đến với Văn chương là cơ duyên của mỗi người, nhưng để đi dài với nó thì cần một người dìu dắt.
Nhà thơ trẻ Lê Văn Ngọc
Dự định tương lai của em vẫn là học, sáng tác, em có nhiều tỉnh cảm cho văn học thiếu nhi nên xác định thời gian tới sẽ vẫn tập trung cho mảng đề tài này. Đồng thời trau dồi ngòi bút và hướng dẫn các em nhỏ có đam mê sáng tác. Bởi văn chương là con đường dài hơi, chứ chẳng phải chuyện sớm chiều. Cứ đi và viết, thành công rồi sẽ tới…
Quan niệm của em khá đơn giản: “Viết văn không phải là cách để chứng tỏ ta đây hơn người, viết văn là để hiểu mình, hiểu người và truyền tải cuộc đời…”
Vì vậy văn chương có vai trò kết nối cá nhân với xã hội, cũng nhưng kết nối tác giả với dâu bể cuộc đời, nói thay tiếng nói của những trái tim mang nhiều thương cảm, buồn thay câu buồn vẫn treo ở đầu môi, xoa dịu tổn thương của con người giúp cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Theo Vanvn (Còn tiếp)