- Tin tức - Hoạt động Hội
- Coffee sách “Cõi tạm nóng dần lên”
Coffee sách “Cõi tạm nóng dần lên”
Sáng ngày 25/5 tại Hội quán 81 Trần Quốc Thảo (TP.HCM), nhà văn Thu Trân đã tổ chức Coffee sách với tác phẩm mới mang tên “Cõi tạm nóng dần lên”. Đến dự tiệc sách với nhà văn Thu Trân có chủ tịch Trịnh Bích Ngân và phó chủ tịch Trầm Hương cùng các thành viên BCH Hội Nhà văn TP.HCM. Gần 50 đồng nghiệp, bạn bè là nhà văn, nhà thơ, nhà báo… của nhà văn Thu Trân cũng đã đến tham dự tiệc sách này.
“Cõi tạm nóng dần lên” (CTNDL) là tập truyện ngắn tập họp 24 truyện ngắn ưng ý nhất của nhà văn Thu Trân trong những năm gần đây. Đa số ý kiến nói về tập sách đều công nhận đây là những vấn đề nóng của xã hội mà Thu Trân đã tái hiện qua lăng kính nhà văn, nhà báo. Những tệ nạn tham nhũng, hư danh… đã được đề cập thông qua các truyện Dưới đế giày sũng nước, Giải thưởng của nhà vua, Cõi tạm nóng dần lên… Có một “nỗi nhớ chở đầy thương tích” là vấn đề hoà giải dân tộc cũng được đặt ra thông qua truyện ngắn “Nỗi nhớ chở đầy thương tích”. Cuộc sống đôi khi phải chấp nhận thương tích, chấp nhận đớn đau… để được sống chân thành hơn, nhẹ nhàng hơn. Và vấn đề muôn đời của phụ nữ là tình yêu cũng được nhà văn tái hiện qua nhiều truyện ngắn: Phía bên kia triền núi, Yêu nhau trên nóc nhà, Rơi theo chiều thẳng đứng, Hầu rượu cho chồng… Dù tình yêu thật sự đớn đau hay cuộc sống bi kịch, tàn khốc đến đâu thì những người phụ nữ trong truyện ngắn Thu Trân đều bình thản chấp nhận và vượt qua tất cả.
Trong khuôn khổ tiệc sách, nhiều vấn đề về văn chương nói chung cũng được đặt ra. Có một ý kiến đáng chú ý khi nói về không khí văn chương hiện nay là, các nhà văn ít chịu đọc nhau. Đặc biệt, “tính chất vùng miền” lại càng đậm nét. Nói về vấn đề này, nhà văn Kao Sơn cho rằng, là nhà văn miền Bắc nên ông rất chú trọng đọc các tác phẩm của các tác giả miền Nam, trong số này có nhà văn Thu Trân. Ông đọc để biết và để viết về con người, vùng đất ở miền Nam cho đủ cho đúng khi ông muốn viết một vấn đề nào đó, một con người nào đó thuộc về miền Nam. Cũng trên tinh thần này, có nhà văn đã nhầm tưởng nhà văn Thu Trân là người Nam Định khi đọc “Nỗi nhớ chở đầy thương tích”. Bởi chị viết như thật về người Nam Định. Tương tự như khi chị viết “Hầu rượu cho chồng”, người đọc lại nghĩ chị là người Hà Giang. Thật ra, nhà văn Thu Trân là người Biên Hoà chính gốc. Đúng như nhà văn Kao Sơn nói, sự “thẩm thấu” về một địa phương- vùng miền nào đó, để viết về địa phương- vùng miền đó rất quan trọng. Mà trong đó, cách tốt nhất là nhà văn các vùng miền nên tìm đọc của nhau.
Đến tham gia coffee sách “Cõi tạm nóng dần lên” với nhà văn Thu Trân, chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trịnh Bích Ngân cho rằng, sinh hoạt của Hội Nhà văn TP.HCM rất cần những buổi trao đổi văn chương đề cập đến những vấn đề chuyên môn trong viết lách. Đây chẳng những là dịp để các nhà văn gặp gỡ nhau, chúc mừng nhau tác phẩm mới- mà còn là cơ hội để các nhà văn nhen thêm lửa cho nghề và nhìn nhận đúng đắn hơn, sâu sát hơn các vấn đề văn chương thông qua các phát biểu đầy tâm tư của đồng nghiệp.
Mời quý vị và các bạn xem clip hình ảnh buổi ra mắt sách “Cõi tạm nóng dần lên”:
Tin: Mai Hoa - Dựng clip: Nguyên Hùng (từ nguồn ảnh của Nguyễn Hoàng, Trần Quang Khánh, NH)