- Truyện
- Người cha thầm lặng - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Người cha thầm lặng - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Chú tự vệ hốt hoảng:
Nhà anh Đằng trúng bom đèo (1), chết sạch.
Ba bình tĩnh xỏ đôi dép cao su nói:
Tai họa kiểu gì cũng có người sống. Phía địch chú nói bị giết; phía ta, hy sinh, tránh gây hoang mang cho nhân dân.
Tôi chạy theo ba, đến nơi, thấy 2 người bị cột hầm ép vào nhau phòi óc trắng hồng, riêng chị Lan còn nguyên đầu, ruột gan trắng hếu dính bùn đất lem nhem tràn qua áo trắng thành đỏ thẫm. Sơn, Hải, Hà sống sót do không kịp xuống hầm.
Chú Út cưa, bào ván cũ đóng tiếp cái hòm cuối cùng ngắn hơn cho chị Lan.
Ba xắn tay áo cùng các chú tự vệ lấy chăn ém vào hòm, đưa thi thể vào đóng nắp hòm gỗ lại, tìm cây dài làm cáng cho 2 người khiêng.
Ai đó nhanh tay để trên mỗi đầu hòm một bát cơm, đôi đũa quả trứng gà. Ba khấn:
Anh chị, cháu ăn nhanh để anh em đưa lên đồi. Kẻ trước người sau, ai rồi cũng phải ra đi.
Đến bìa rừng, máu đỏ từ hòm chị Lan rỉ ra đỏ đáy hòm. Dừng cáng, đào huyệt. Ông Lân đến nơi, thở hồng hộc:
- Còn sót ... lá gan.
Ba lấy xà beng cậy nắp hòm chị Lan, giở tấm chăn nhét vào ổ bụng, đóng nắp.
Sỏi đồi khó đào, hố sâu hơn hòm một chút, để xuống, lấp đất lại, đào thêm đất, vun lên thành 3 nấm mồ. Ai xong việc ba bảo về ngay, nấn ná lỡ bị đánh bom. Ba chặt cây đóng xuống, đến mộ chị Lan đóng 3 cây để ghi nhớ. Chiến tranh, hương khói nhang đèn sẽ bị đánh bom nên không làm bàn thờ. Ba vào nhà bác Lân sống một mình trò chuyện rất lâu, bác Lân nhận nuôi Sơn và hai em.
***
Chiến tranh kéo dài, người quen liên tục chết, không ai chắc mình sống đến ngày hòa bình, hết sợ bom đạn. Tôi đi học, chỉ mong chóng lớn đi bộ đội giải phóng miền Nam.
Đi làm đồng vất vả, mẹ giao tôi nấu cơm từ lúc 4 tuổi. Mẹ xếp sẵn củi, chỉ cho tôi đong gạo đúng 3 lon sữa bò, vo, đổ nước, lấy ngón tay út chọc xuống đáy nồi thấy mức nước ở giữa lóng tay là vừa. Đổ dầu vào củi, bật diêm cho lửa cháy, nhớ ngồi chờ cơm sôi mở vung, bớt củi. Cơm cạn, gạt than sang bên, dùng giẻ nhấc xoong để lên than, bắc nồi canh. Gặp hôm trời mưa, nhóm lửa không đỏ. Tôi đổ gạo ra rá(2) chờ nước không giọt xuống, đổ vào hũ gạo khuấy đều để phi tang. Mẹ tôi về, lật đật vào bếp, gọi tôi ra đánh một trận; may mà chú Út kịp can mẹ dừng tay.
Ba thường ngồi nhìn mẹ đánh con, đoạn phân tích đúng sai; khuyên con xin lỗi mẹ, hứa sửa chữa. Mẹ than:
- Ba mầy sợ mang tiếng vũ phu, để tao mang tiếng ác đánh con cái. Nông trường toàn cán bộ tập kết, chỉ ba mày biết nói lời xin lỗi. Con em nông trường có đứa nào biết xin lỗi, Mỹ cút về nước ngay. Dám làm, dám chịu như mẹ đây người ta phục.
Tối hôm đó ba tôi từ nông trường bộ về, lắng nghe mẹ kể tội, ba kéo tôi vào lòng nói gạo rất quý, phải tiết kiệm từng hạt cho miền Nam. Muốn làm tốt bất cứ việc gì con phải làm đúng lời mẹ chỉ; làm sẽ có trục trặc, rồi quen với những lúc mưa gió làm cho việc không còn giống như mẹ nói. Mẹ đánh con vì lỗi lừa dối. Tháng 9 tới, vào học vở lòng, trước tiên con học thật giỏi sau đó mới làm tốt được.
Cả thời thơ ấu, mẹ tôi cáng đáng việc gia đình nên luôn cằn nhằn ba tôi lo việc nước, việc dân, coi vợ con không ra gì. Chỉ tối đến, vặn ngọn đèn dầu sáng hơn trong căn nhà nửa nổi nửa chìm thông ra hầm chữ A, mẹ với anh Thành chơi bài tú lơ khơ. Đến các quân bài cuối, anh nhẩm tính các con bài đã đánh ra, nghiêng ngó bài mẹ cầm trên tay, anh đánh thắng. Mẹ mắng anh Thành ăn gian hoài. Một hôm, đang đánh bài, mẹ gom bộ bài xé tan. Anh Thành nước mắt đầm đìa. Ba an ủi:
Mẹ tôi hầm hầm:
- Mua về, cha con ông chơi với nhau. Bênh con, ông ngủ với nó.
Tối về, ba đưa bộ bài tú lơ khơ, dặn anh Thành:
- Ba thấy ở đời không có việc gì kể cả đánh nhau, một phát là xong. Con bỏ hai con phăng teo đi. Lâu lâu con cho mẹ thắng một vài trận, năm ăn năm thua mới vui…
Mẹ không chơi bài… Anh Thành, rủ tôi chơi tiến lên cho mẹ thèm. Thắng họ buồn, thua mình cũng buồn, tôi lắc đầu quầy quậy, anh hứa sẽ cho bắn súng, tôi chịu đánh bài. Thấy mẹ tôi đi vào đi ra, ba dặn nhờ mẹ chơi giúp. Mẹ tôi sang tay:
- Mầy chơi dở, để đó cho tao.
***
Nhà Chú Út được phân một anh bộ đội ở cùng. Chú Út đòi bắn thử súng. Chú nói được giao khẩu Tomson, diệt được tây đen, tây trắng. Anh bộ đội lắp 1 viên, lên quy lát. Chú đòi cả băng đạn. Anh bộ đội giật quy lát, viên đạn AK vàng chóe rơi ra, tôi lượm bỏ vào túi, anh bộ đội lấy lại; vào nhà lấy ra thùng đạn. Anh Thành nhào vô tháo nắp hộp, lắp từng viên vào băng đạn, gắn băng vào khẩu súng AK47; kéo quy lát vang tiếng rốp, hỏi:
- Bắn phát một, bắn điểm xạ (3) hay bắn liên thanh.
Liên thanh – Chú Út khẳng định.
Anh Thành kéo khóa đến nấc bắn liên thanh đưa súng, Chú Út gương súng lên trời, bóp cò, súng không nổ, anh Thành nói:
- Không bật lẫy cò răng bắn được.
Anh Thành bật lẫy cò. Chú Út siết cò. Lửa tóe ra đầu súng cùng tiếng “roạt” chói tai, Chú Út ngả ngửa. Mùi thuốc súng làm tôi vô cùng phấn khích.
Tự vệ đội 5 đến. Ba đến sau với chú công an mặc áo vàng. Chú công an mới hỏi một câu, Chú Út đỏ mặt, ba quyết luôn:
- Anh Út là thương binh chống Pháp, muốn biết vũ khí mới đề phòng giặc Mỹ nhảy dù xuống nông trường, cầm súng chiến đấu ngay. Xử lý theo hậu quả. Anh Út rút kinh nghiệm. Dân phải bảo vệ bộ đội, không báo cán bộ chỉ huy. Ai hỏi, nói súng cướp cò…
Giữ chặt súng… bóp cò.
Một tiếng nổ, tai ù, báng gỗ giật, tôi buông súng, không gian lặng như tờ. Khẩu súng rơi vào miệng hố bom tuột xuống, nước sôi lăn tăn quanh nòng. Anh Thành bình thản:
- Mai ra đường tầu lấy khẩu mới toanh.
Để tôi không mách lẻo mẹ, anh cho theo ra đường tầu lấy đạn từ kho dã chiến.
Em lấy được khẩu súng lục nòng to.
Anh Thành nói:
- Súng bắn pháo sáng.
Bắn chưa hết thùng đạn pháo sáng; anh Thành ngồi trên miệng hố bom kể:
Anh Du buột mồm:
Biết địch, biết ta trăm trận trăm thắng.
Anh Thành lắc đầu:
- Ba tao nói: địch có vũ khí tối tân, đào tạo bài bản, kiến thức khoa học cao hơn. Biết địch biết ta trăm trận mình chỉ thắng vài trận thôi. Không sợ gian khổ, mình chết nhiều hơn cũng không nản chí; đánh cho đến trận cuối cùng mình thắng mới thôi – anh quyết luôn - Tìm chỗ khác bắn súng.
Hôm sau, mỗi người đi theo hướng tự chọn, mang súng, vác thùng đạn… lặng lẽ tập trung ở gần cửa hang lèn (4) Áng Sơn. Thao trường xa dân, rừng hấp thụ âm thanh, đạn găm vào cửa hang, rất an toàn. Không bắn đạn vạch đường, đạn pháo sáng.
Tiếng súng chát chúa dội lại, chim chóc bay loạn xạ. Tôi thích lắm:
- Giống cảnh quân thù tháo chạy. Chiến tranh là ngày hội của chúng ta.
- Chiến trường thiếu đạn. Đồng đội chia nhau băng đạn là chia sự sống. Các cháu bắn một thùng đạn; chiến trường thiếu đạn, có thêm chiến sỹ hy sinh. Mang súng, đạn trả về kho dã chiến, để thì giờ học giỏi sau này vào Nam chiến đấu. Có cháu nào không đồng ý, nói ra để cùng nhau thảo luận.
Làm gì có chuyện thảo luận. Chuyện trò vui vẻ, ba lắng nghe, thu lượm thông tin nhằm đánh giá đúng tính tình, sở thích, nhu cầu luôn thay đổi để hệ thống hóa lại giúp công việc trôi chảy hơn. Trước khi họp, ba chuẩn bị ý kiến và dự kiến các tình huống sau khi ba đưa ý kiến. Đó là cách ba khơi gợi mọi người nói ra hết những ý kiến trái chiều để ông giải quyết triệt để theo kiểu thấu tình đạt lý.
***
Mẹ cằn nhằn về việc ba nghi anh Thành nghịch súng đạn:
- Ba mầy nói mùi thuốc súng đầu nòng làm người lính dũng cảm hơn. Mùi khói thuốc súng kích thích trẻ con liều lĩnh, mạnh hơn ma túy. Nghịch dại súng đạn, chỉ một lần sai, không chết cũng bị thương. Tao nói cho anh em mày biết: nghịch súng đạn bị tàn tật suốt đời, tao với cha mầy rồi cũng chết, không ai nuôi tụi bây. Lỡ chết con người ta, tao với cha mầy không có cách chi đền lại con cho họ...
Tôi lái qua chuyện khác:
- Ba biết bắn súng không?
Mắt mẹ sáng; mẹ kể ba là cán bộ quân báo từ thời đầu kháng chiến chống Pháp. Được Tây dạy nên bắn súng bài bản. Bị lộ, Tây đuổi theo bắn, một viên đạn xuyên qua hông. Ông lao xuống sông, giả bộ cố bơi qua sông nhưng bị thương chìm vào nước. Ông lặn một hơi đến nấp dưới đám bèo. Tụi lính bắn xuôi theo dòng nước, không thấy xác nổi lên, bỏ đi. Dạo này, buổi chiều tao thấy ba mầy lấy ống nhòm lên nóc hầm nhìn quanh…
Nghe mẹ nói, anh Thành ngồi mài sắn dưới bếp vội lấy ống nhòm của Ba ra sau nhà leo lên nóc hầm chữ A nhìn núi non phía xa. Anh Thành xoay núm tiêu cự nhìn gần, nhìn xa, dừng lại ở lèn Áng Sơn, xoay núm chỉnh tiêu cự nhìn rất lâu, đoạn kéo tôi qua nhà Anh Du. Đến ngỏ, anh đưa ống nhòm cho Anh Du nhìn về phía Lèn hỏi:
- Mày có thấy lâu lâu có chim bay qua ống nhòm không? – Anh Du gật đầu, anh Thành tiếp – Ba tao lấy ống nhòm quan sát, thấy chim bay lên, biết ngay tụi mình bắn súng ở đó. Tụi bây nghi thằng Công lẻo mép. Em tao luôn giữ bí mật…
Anh Du nói nhờ ba giữ bí mật, không ai nhừ đòn. Phải đáp lại quân tử bằng quân tử; dẹp luôn trò chơi bắn súng bộ binh; anh Thành đồng thuận.
***
- Ông mần răng qua mắt tui…
Ba từ tốn:
- Tôi chỉ ghé nhà thăm hỏi.
- Ông thăm hỏi cái háng của nó phải không?
Ba nói nhỏ:
- Tôi dính vào vợ bộ đội, bị điều đi nơi khác ngay. Huống chi cô Huế.
Mẹ quắc mắt:
- Ông ký giấy cho chồng người ta trốn về Nam với cái “chánh nghĩa quốc gia”, không bị cách chức, giờ lại còn đến thăm vợ người ta; có phải là ông cố tình đẩy đồng chí mình theo giặc để cướp vợ không?
Ba lắc đầu nói việc được tổ chức kết luận rồi. Tuy cô Huế là vợ Chú Trí, tội của ai người ấy chịu. Mẹ nổi tam bành:
- Còn mở mồm bênh nó à!
Ba sử dụng kinh nghiệm binh vận:
- Hồi trước, mẹ mầy làm cán bộ phụ nữ, tôi nghe chị em nói mẹ mầy nhắc phải biết phân hóa kẻ thù. O Huế không đem con theo chồng về nam, vợ chồng mình không vơ đũa cả nắm là đúng. Nếu không giúp đỡ o Huế, chú Trí thêm căm thù tổ chức, lại đẩy o Huế theo giặc, vợ chồng mình có tội.
Dứt lời, ba ra khỏi nhà đi làm.
Chiều tối, ông dắt về chiếc xe đạp Thống nhất mua theo giá cung cấp 300 đồng.
- Lương ông có 52 đồng, tiền đâu mua xe. “Con nào” cho ông tiền?.
- Mượn tiền anh Lân - Ông đem xe để giữa nhà giảng - Đạp vào pê đan, bánh xe sau chạy đẩy bánh xe trước; đi thì đứng, đứng thì ngã…
Dốt hay nói chữ - Mẹ bỏ vào bếp.
Ba đem xe ra ngõ nhờ hai con vịn đằng sau, chạy theo giúp ông tập đi xe.
Vừa biết đi xe, ba ra Bắc học văn hóa. Mắt mẹ đỏ hoe, lấy ba lô xếp áo quần vào. Ba nói chăn màn ra ngoài đó, tổ chức lo, chỉ đem theo 1 bộ áo quần, bi đông nước, ruột tượng gạo, ít tiền. Ba đạp xe ra tận Hà Nội.
Tiếng rít máy bay, pháo sáng lập lòe rọi vào hầm, dậy lên tiếng nổ rất đanh của bom bi. Mẹ lo lắng:
Không biết ông đi đến đâu. Đường Một (5) bom đạn suốt ngày đêm, mẹ ngồi trên lửa. Yếu trâu hơn mạnh bò. Ba mày đi, nói tao cũng phải lựa lời. Tổ chức nào cho cha mầy lên lãnh đạo lớn mà cho đi học. Chú ruột mầy theo giặc, có điên mới tin tưởng cha mầy. Dốt như ông, ăn theo, nói leo, sợ mất lòng từ nhỏ đến to, cho làm trưởng phòng tổ chức nông trường là quá lắm. Dính con đĩ nào, tổ chức điều đi nơi khác.
Mẹ đẹp, thông minh hơn ba, răng mẹ lấy ba chi cho khổ.
Mẹ thở dài:
Ông nội con xin ông ngoại cho ba mày lấy tao, chịu ở rể. Ông ngoại nhà nho, dạy học. Cả làng chỉ có ông nội giàu có, làm nhà cho con cái học, ông ngoại ưng. Mẹ làm bí thư phụ nữ xã, lớn hơn cha mầy 2 tuổi; mẹ không chịu. Ba mày phụ trách quân báo thị xã nên bí thư xã mạn đàm “gái hơn hai trai hơn một”. Nếu mẹ không lấy ba con, ông tuyệt thực đến chết. Hai nhà vun vào, tổ chức ép, mẹ sai lầm. Đi tập kết, ông không chuyển sinh hoạt đảng cho vợ, nên mẹ chỉ làm công nhân. Từ đó mẹ không nhịn ai. Cứ đúng mà làm. Cây ngay không sợ chết đứng.
Tôi nhớ có lần chú Long đến nhà tôi nói câu này, ba cắt lời: “Chú nói cây ngay không sợ chết đứng, răng Từ Hải chết đứng. Người ngoài họ tin đánh giá của họ về chú. Tổ chức đánh giá chú qua tôi. Tôi tin chú vì chú là cán bộ; nghe quần chúng để tham khảo thôi. Khi nào chú hư hỏng, cấp trên mới nghe quần chúng là lúc họ tìm đủ cơ sở khách quan để chuyển chú đi làm nhiệm vụ khác phù hợp hơn. Do đó, tôi nói nhiều lần rồi, chúng ta trung thực với tổ chức để tổ chức tính toán đúng đặng có biện pháp bảo vệ, tạo điều kiện hoàn thành nhiệm vụ cho mình. Trung thực, dựa vào tổ chức trước hết có lợi cho cách mạng cũng có lợi cho mình. Tổ chức cho ta sức mạnh”. Anh Thành nói ba luôn nhỏ nhẹ; hôm đó ba cố ý nói to để mẹ nghe. Mẹ vẫn bỏ ngoài tai.
Do mẹ đốp chát ngay, gây ra nhiều vụ việc mất đoàn kết với công nhân trong tổ. Ba lắng nghe mẹ kể, không nói gì.
- Ba mày đi từng người trong cuộc nói là xác minh sự việc. Nghe họ, về nói vợ đúng cái này nhưng sai cái kia. Khuyên mẹ xin lỗi họ. Ba mầy biết thân biết phận, chịu đựng, nhẫn nhục họ mới cho làm cán bộ. Tao làm công nhân, không làm gì sai, tao không đập bể mặt là may. Ba mày khôn nhà dại chợ.
Trước khi đi học, ba gửi gia đình cho Chú Út. Mẹ nói, khi thành lập tập đoàn sản xuất Lưỡng Quảng, Chú Út là thương binh nặng, được giao trông coi nhà. Hồi đó chỉ có nhà tập thể, mái tranh, vách đất, mỗi gia đình ở một phòng. Ăn uống có bếp tập thể, chưa có nhà trẻ. Chú trông giữ anh em tôi.
Các tập đoàn nhập lại với nhau thành nông trường, nhà tôi thuộc đội 5.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đáp máy bay trực thăng đến thăm, khuyên chuyển cán bộ công nhân viên ra phía bắc.
Nghe chú Út nói ba tôi trình bày: do cán bộ đi tập kết đi bộ theo đường núi. Đến khu vực có thung lũng bằng phẳng bao phủ bằng cánh rừng rậm rạp sum suê. Dân bản địa có xóm Nen, xóm Cửa Trại lác đác vài nhà cho biết: khu vực là nơi hổ báo thường từ núi về săn bắt hươu nai. Ngước nhìn hai phía tây và bắc có các dãy núi cao, phía đông chặn lại bằng dãy đồi thấp và phía nam là miền đồng bằng Lệ Thủy nhỏ hẹp buộc nước chảy về hướng Nam. … Hồi đó bài hát “Hướng về nam” như lời hiệu triệu cán bộ tập kết nhớ 2 năm sau, tổng tuyển cử xong, sẽ lại đi bộ về Nam. Lại biết đây thuộc xã Vạn Toàn, quê hương Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh nên dừng chân thành lập các tập đoàn. Nhớ quê hương nên không muốn chuyển đi xa.
Đại tướng lắng nghe, chỉ đạo chiến tranh sẽ lan ra miền Bắc, tách các gia đình ở riêng theo kiểu nhà vườn.
Gia đình tôi và gia đình Chú Út ra phía ruộng, làm nhà cạnh nhau. Lâu lâu con cái hai gia đình đánh nhau dẫn đến mẹ tôi xích mích với vợ Chú Út, chú rào ngõ không cho chúng tôi qua nhà. Ba tôi về, thấy hàng rào, ông vào bếp lấy thức ăn ngon cho vào cặp lồng, dỡ rào mang qua cho O Hằng và các cháu ăn để biết. Khi về, hơi rượu bay ra. Tiếc miếng ngon con không được ăn, rồi cũng đến lúc mẹ bức xúc:
- Nốc cho lắm vào. Chú Út người Huế, khôn hơn ông nhiều, chỉ lợi dụng ông để nấu rượu lậu.
Ba nói nhỏ:
- Chú Út tính Trương Phi, lòng dạ ngay thật, mất lòng bà con, chỉ thân được với nhà mình. Người tốt, do giáo dục, do rèn luyện, không phải do vùng miền, tính tình của họ. Mình cư xử thủy chung, họ đối tốt với mình. Nhà mình sơ suất, họ nói với xóm làng mình ăn cháo đái bát.
***
Tổng kho B, nơi đặt các kho đầu cuối dự trữ hàng đưa vào Nam bị máy bay đánh trúng rất nhiều. Chúng tôi đi lấy củi gặp đạn B40, B41, đạn pháo 37 ly, 55 ly, 155 ly… văng tung tóe vào rừng. Mẹ đi họp về nói:
- Biệt kích nhảy dù xuống, ở trong rừng. Binh trạm 12 bị lộ. Các con đi lấy củi, cảnh giác người lạ.
Hằng đêm, ba mang súng ngắn, đèn pin ra khỏi nhà đến gần sáng mới về. Có mấy người bỏ nông trường về Nam bị bắt tại sông Bến Hải.
Máy bay OV10 lượn rè rè suốt ngày đêm. Chỉ cần để ánh đèn lọt sáng ra ngoài, hoặc đội nón trắng, một quả pháo hiệu từ chiếc OV10 Bronco lao xuống, tiếng bom vang lên, mấy giây sau mới nghe tiếng máy bay rít qua. Ba nói máy bay lướt nhanh hơn tiếng động, có máy bay trinh sát, báo tọa độ; bộ đội phòng không đánh chặn không kịp; đối phó bằng cách tích cực đề phòng.
Mẹ tôi giỏi tính toán nhưng không thích kiến thức quân sự. Mẹ ngồi bên tính nhẩm cho tôi làm toán; chậm rãi:
- Ông thầy bói rút quẻ tử vi nói ba mày có tướng bần, cả nhà phải có đứa chịu thiệt mới đúng luật trời. Ông nội tin, cho ba mày cắt cỏ, chăn trâu. Ba mầy nói phải trung thực với tổ chức. Vậy mà ông nội giàu nhất làng; ba mày vin vào cắt cỏ chăn trâu, khai lý lịch gia đình bần nông. Ông Nội theo cách mạng, bác mầy liệt sỹ, các chú đều cán bộ. Đủ hết tiêu chuẩn mà có được cất nhắc lên cao đâu. Ba mầy học lóm anh ruột nên biết chữ. Ba mầy không biết khoa học khoa hò; đi họp, nghe bộ đội nói rồi nói lại cho oai. Con học giỏi sau này biết nhiều hơn...
***
Thấy anh Thành bám theo ba, tôi chạy theo. Đến bìa rừng đã thấy trung đội tự vệ đứng chờ. Giọng ba rõ và vang:
- Cháu Du, cháu Thành, cháu Công đi rừng thấy toán gián điệp trốn trong hang dơi. Anh em đều là sỹ quan, chiến sỹ chống Pháp, có kinh nghiệm chiến đấu, gan dạ, nhưng không được coi thường biệt kích do Mỹ đào tạo. Cố gắng bắt sống được một tên về khai thác.
Ba giao khẩu Colt 45 cho chú công an, lấy lại khẩu AK. Ba lấy 2 băng đạn buộc ngược nhau thành từng đôi, lắp một cặp vào súng làm tôi suýt bật cười. Anh Thành bịt miệng tôi, thì thào:
- Để bắn hết băng, rút ra quay lại lắp, bắn tiếp. Nhanh sống, chậm chết.
Đến khe suối, anh Thành giữ tôi lại, chờ cho tự vệ đi qua một lúc mới lần theo.
Đội tự vệ bí mật bao vây toán biệt kích xong; ba ra hiệu, chú công an phát loa kêu gọi đầu hàng về với nhân dân sẽ được khoan hồng. Nghe có tiếng thì thào giọng Nam bộ thoảng theo gió. Một người trung niên mang quân phục bộ đội, đội mũ cối từ bụi rậm trước hang bước ra giơ tay lên đầu. Ba tôi ra hiệu cho mọi người nằm yên. Ba lăm lăm khẩu AK47 bước lên, khoảng cách gần 3m, tên biệt kích lao tới. Điểm xạ 3 viên AK nổ chát chúa hất tung tên biệt kích văng ngược lại, máu, thịt bắn tung tóe trùm bụi cây. Ba lăn 3 vòng đến sau tảng đá. Hai loạt dài đạn AK đáp trả hòa vào nhau, đạn bay chiu chíu. Tiếng ba hô lớn:
- Tập trung hỏa lực tiêu diệt kẻ chống cự. Không được bắn người đầu hàng.
Phút im lặng ghê rợn trôi qua; vọng ra từ cửa hang:
- Đừng bắn!
- Chúng em xin hàng!
Ba tôi ra lệnh, rõ, to dứt khoát trong tiếng vang rền do núi đá phản âm thanh:
- Bỏ súng. Giơ tay lên. Đi theo hàng dọc. Bước!
Hai tên biệt kích mang quân phục bộ đội bước ra, thấy rõ áo quần vải Tô châu của Trung Quốc viện trợ. Ba cầm súng lăm lăm chờ chú công an tiến vào còng tay từng tên, xong, dịu giọng:
- Còn ai nữa không?
- Dạ thưa chỉ có 3 chiến hữu – tên biệt kích già trả lời.
- Sống chết có số, ông nịnh thối được đếch gì – tên trẻ quát.
Ba bình thản hỏi tên tuổi, quê quán tên biệt kích bị chết, ghi vào tờ giấy giao cho chú công an:
- Đồng chí bỏ vào lọ penixilin, chôn ở nghĩa trang đội 5, hương khói đàng hoàng – ba quay lại nói với tên biệt kích ngoan cố - Em phải sống để sau này về quê báo cho vợ con chỉ huy biết đặng đưa cốt về - Mặt nó dịu lại, thằng kia cũng bớt căng thẳng, ba tiếp - Anh đi lính cho Tây, em ruột anh đang là sỹ quan quân lực Việt Nam cộng hòa. Anh vẫn được làm chỉ huy của Việt Nam dân chủ cộng hòa. Em có tánh anh hùng. Mình về với nhân dân làm ông chủ, tốt hơn làm tay sai cho ngoại bang. Sau này, anh em mình là chiến hữu cùng nhau chiến đấu thống nhất giang san, đem hòa bình cho bà con cô bác, làm rạng danh tổ tiên…
Hôm sau, mẹ nói:
- Ba mầy coi mặt hiền mà hung dữ, bắn chết tươi thằng chỉ huy biệt kích. Mười đánh thắng một, có gì ghê gớm đâu; họp rút kinh nghiệm ông khoe – Mẹ nhại điệu bộ của ba: “Chúng ta chiến đấu tới cùng, chúng nó cũng chỉ chịu buông súng ở tình thế bị tiêu diệt hoàn toàn. Trận này, chờ bộ đội đến phối thuộc lỡ thời cơ. Địch có vũ khí tốt, đào tạo bài bản, thiện chiến. Chúng ta tiêu diệt được một tên, bắt được hai tên là thắng lợi lớn do tinh thần chủ động tiến công…”....
Anh Thành nhăn mặt, ngắt lời:
- Răng mẹ biết?
- Mấy con mẹ ở nông trường bộ nói...
Từ đó máy bay ném bom ít gây thương vong cho bộ đội nhưng dân thường chết nhiều hơn.
***
- Mắc mớ chi lính Việt Nam cộng hòa ra đây để giết đồng bào mình. Quân lực Việt Nam cộng hòa đánh nhau với Việt Cộng. Binh lính giết dân bị ra tòa án binh. Bom đạn không có mắt, trúng dân, chuyện thường.
Hòa kể lính Hoa Kỳ cho em bé kẹo cao su, đem dân bị bệnh, bị thương vào bệnh viện quân đội chữa trị. Nhà có tivi, to hơn cái radio - bác trai gọi là đài, xem được hình, nghe được tiếng. Có cả lính Việt Cộng chiêu hồi… Mẹ nghe, khó chịu, nói với ba, ông bảo:
- Ông ngọt xớt với mấy con đĩ già. Tui còn đẻ được, mắc mớ chi gọi bà - Mẹ cằn nhằn - Đến bữa ăn, cha mày chỉ biết nhắc cháu ăn.
Anh Thành nhăn mặt:
- Mẹ vừa phải thôi nha…Thằng Hòa thì cũng như bọn con.
- Cha mày không được lên chức vì cha nó theo giặc.
Anh Thành cãi lý:
- Ai làm nấy chịu. Thằng Hòa có cầm súng chống lại nhân dân đâu.
Mẹ quát:
- Tụi bây đòi đi bộ đội cho lắm. Nghe ba chuyện đó, vào Nam đi chiêu hồi, bôi tro trát trấu vào mặt tao. Nuôi chúng mày lớn lên để hùa với dòng họ cha mày…
- Mất đoàn kết trong nhà nguy hơn giặc ngoại xâm. Tối nay cả nhà họp.
Ba chủ động xếp tôi với anh Thành ngồi hai bên để ông đối diện với Hòa và mẹ, hỏi:
- Ba làm đại úy truyền tin quân lực Việt Nam cộng hòa – Hòa hãnh diện.
Ba kết luận:
- Chú Phu làm ở bộ phận thông tin liên lạc, không trực tiếp cầm súng bắn lại bộ đội mình - Thoáng thấy mặt mẹ dãn ra, ba giải thích cho Hòa biết - Ở đây nói Mỹ tức là liên minh 7 nước do Hoa Kỳ dẫn đầu xâm lược Việt Nam; trong đó chỉ có lính Pac Chung Hy tham chiến để Hoa Kỳ trả tiền cho Nam Triều Tiên, nên gọi riêng là lính đánh thuê. Hòa nói bom đạn không có mắt là đúng. Người sử dụng có mắt cháu à. Đội 5 không có căn cứ quân sự, máy bay Mỹ thường xuyên ném bom bừa bãi giết hại bà con đội 5 là vì bom gắn vào máy bay, khi hạ cánh có thể nổ nên không ném được vào bộ đội, ném vào dân, vừa an toàn, cộng người chết vào số lượng bộ đội hy sinh để khuyếch trương chiến quả. Hòa nói, lính giết dân bị ra tòa án binh cũng không đúng đâu. Năm 1968, hai đại đội lính Mỹ tổng cộng 190 người có pháo binh, máy bay yểm trợ tiến vào Mỹ Lai giết 504 đàn bà trẻ em. Một sỹ quan Hoa Kỳ lái trực thăng cản lại, nếu không, người chết còn tăng lên. Báo chí Hoa Kỳ đăng, gây chấn động thế giới. Mãi đến năm 1971 mới kết án có một - Ba giở sổ tay đọc: trung úy William Calley thuộc đại đội Charlie tù chung thân. 3 ngày sau, Tổng thống Nixon ký lệnh cho quản thúc tại gia. Hoa Kỳ đem tự do dân chủ đến Việt Nam, cho phép tự do, dân chủ nửa vời nên mới có đàn áp người dân, bầu cử giả hiệu, kiểm duyệt báo chí... Hàm đại úy của ba cháu mới được làm chức chủ tịch thị trấn như bác, có xe Jep, có lính hầu hạ. Còn bác là công nhân, đi xe đạp, làm đầy tớ công nhân nông trường. Bà con nông trường là người tứ xứ, cũng như Hoa Kỳ là nơi khắp thế giới đến sống. Nhưng ở đây thương yêu đoàn kết với nhau như ruột thịt, coi Hòa như con cháu trong nhà. Đó là khác biệt giữa Việt Nam cộng hòa với Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhập gia tùy tục, từ nay, cháu Hòa phải học hỏi cách nói, cách sống bà con đội 5. Còn cháu không muốn, bác đưa cháu về vùng giải phóng học sư phạm tạo nguồn cho cách mạng. Tùy cháu chọn.
Hòa muốn về Nam. Ba hỏi anh Thành:
Con xung phong đi bộ đội, đã nói cho mẹ biết chưa?
Mẹ sửng sốt:
- Ông thương binh, nó đang học lớp mười, ông làm chủ tịch ủy ban, đi hay không là do ông. Mắc mớ chi ông đưa nó đi bộ đội.
Anh Thành nói Mỹ về nước, sợ hết chiến tranh, muốn đi bộ đội ngay. Chậm, hết giặc, còn đánh ai nữa. Ba cố giữ cho giọng nói được bình thản:
- Ba mẹ tôn trọng nguyện vọng của con, không phải do gia đình mình muốn tỏ ra gương mẫu.
Ngày anh Thành nhập ngũ, mẹ thở dài:
- Con người ta đi bộ đội, không lẽ để con mình ở nhà sống – Mẹ đổi qua giọng lãnh đạo - Giờ hết Mỹ rồi, người Việt mình cả. Đừng cố giết giặc lập công. Đường cùng, chúng đánh lại, mình chết nhiều hơn. Vừa đánh vừa mở đường máu cho chúng bỏ chạy. Để chúng nó thoát thân, chạy về làm tan rã đơn vị mới. Con muốn sống để hoàn thành nhiệm vụ thì phải thương đồng đội hơn anh em ruột thịt…
Hòa về Nam học sư phạm; anh Thành vào bộ đội một thời gian, bặt tin luôn. Đến ngày giải phóng, tiếp sau đó vẫn không có tin tức gì; cũng không thấy ba mẹ nhắc đến anh Thành. Tôi vào đại học. Gia đình chuyển về quê.
***
Mẹ thì thầm:
- Bạn ba mày làm bí thư tỉnh ủy có con gái út học đại học sư phạm. Ba muốn con làm ở thị xã để sau này làm rể gia đình họ.
Tôi đang đau buồn muốn chết đi được và đêm ngày trông chờ người yêu đầu đời bỏ chồng để tôi quay lại lấy nàng. Do đó, tôi lấy lý do không muốn dựa thế bạn bè cha, tôi vào nam công tác, để giữ thủy chung với nàng. Nhìn làn nước bạc do lũ đổ về mênh mông bao lấy nhà, tôi quyết định:
- Con vào miền Tây công tác.
Một thoáng buồn trong mắt ba, giọng ông trầm xuống:
Con thích tỉnh nào nói cho ba biết để lấy giấy giới thiệu của tỉnh ủy nhờ trong đó giúp đỡ con - Ba dặn tôi đến thăm chú Phu, lưu ý – Sau này, đến cơ quan mới, con phải khai lại lý lịch cán bộ. Trong lý lịch của con có hai mục: chú Phu làm sỹ quan Việt Nam cộng hòa, anh Thành thì viết ngày nhập ngũ và để trống. Tổ chức có hỏi, con nói: do con không rõ nên không thay đổi.
Chú Phu người nhỏ, da đen cháy, khuôn mặt khắc khổ. Nhờ mẹ nên tôi biết vợ chồng chú không vào tổ hợp tác, thuộc thành phần không chấp hành chủ trương đường lối địa phương. Mấy em con chú Phu, trừ Hòa làm thầy giáo; còn lại xẻ dọc Trường Sơn đi buôn lậu. Bị bắt hoài, nhờ ba làm bí thư xã, can thiệp, bắt vào lại được thả ra. Mẹ chì chiết:
- Ba mầy làm chủ tịch thị trấn, để mất lương hưu của mẹ. Chú Đáo ghé thăm nhà, mẹ nói, chú ra Nông trường làm sổ hưu cho mẹ. Ba mầy chỉ biết lo cho con cháu bên ông, lo việc nước, được danh, vợ con, ông coi không bằng người dưng nước lả – mẹ lật chiếu, chỉ vào nắp thùng đóng liền với giường: - Con Thúy đến đây, xắn quần quá bắp vế cho ông coi. Mẹ bỏ tiền bạc, gạo cơm vào thùng này, mẹ ngủ, nằm lên trên, ông chịu thua tao, tiền bạc không có cách chi đội nón ra đi.
Trước khi đi bộ đội, anh Thành dặn:
- Một đêm mẹ nói với ba “Tui không muốn sinh nở nữa”. Hôm sau, ba đi làm về, lấy sách báo ra đọc, ngủ riêng. Ông bà giận dỗi với nhau. Lâu dần, mẹ sinh nghi ba lang chạ khắp nơi, bỏ bê vợ. Em tin ba, đừng tin mẹ.
***
Chú Phu bảo vào thắp hương cho ông bà nội. Khuôn mặt chú hiền từ, khắc khổ. Thím Phu nhỏ thó, hồn nhiên đon đả cầm tay tôi khen lấy khen để, ước con cái chịu học hành thành đạt như tôi. Chú Phu lựa lời:
- Nghe bác cả nói cháu vô miền Tây làm việc. Tổ tiên người Nam Bộ tha hương, có tánh trọng nghĩa khinh tài(6) muốn giúp đỡ người ở xa đến làm ăn, thương hơn bà con trong ấp. Cháu hết lòng thương cấp trên, họ sẽ thương lại. Có tình thương mến thương, thượng cấp tạo điều kiện cho cháu hoàn thành công vụ đặng thăng tiến…
Tôi lảng qua, hỏi chú vì sao mẹ không ưa ba vẫn được về làm dâu ông nội. Chú Phu tròn xoe mắt:
- Bác gái là em ruột ông Hưu, lúc đó làm trưởng ga hỏa xa, có vợ mang họ Tôn Nữ, dòng dõi vua Bảo Đại. Bác gái vào ở với anh trai nuôi cháu tên Nghĩa, học lõm bõm nói được tiếng Pháp bồi. Ông ngoại cháu là nhà nho, dạy bác gái biết chữ Quốc ngữ. Năm 45 ra quê, nữ thanh niên biết chữ, quý hiếm như vàng, được cách mạng cho làm bí thư phụ nữ xã. Bác chỉ huy tình báo tỉnh, gọi là phụ trách quân báo, hạ sỹ quan chỉ huy tiểu đội lính khố đỏ, mỗi lần về xã, oai hùng, bác gái mê. Ông nội giàu có, cả làng chỉ có ông làm được nhà cho con cái học; môn đăng hộ đối. Lấy nhau, có dòng dõi bên vợ, cách mạng gọi là lý lịch theo phong kiến, làm tay sai cho Tây, có lợi cho bác cả hoạt động tình báo. Năm 1972, Hoa Kỳ rút quân về nước. Ông Hưu lớn tuổi, thôi hoạt động tình báo nên cách mạng đổi họ tên, phao tin bị Việt cộng bắt. Thím gửi ông Hưu đem thằng Hòa ra Bắc để khỏi bắt quân dịch. Anh Nghĩa của cháu, trung tá quân tiếp vụ, cùng ở Quân đoàn 3. Cả nhà anh Nghĩa đi Mỹ theo diện HO, định cư ở California, về quê là ghé thăm chú. Mộ phần, thờ cúng ông Hưu giao cho bác cả lo… - Chú kết luận – quân lực Việt Nam cộng hòa gọi chiến trường là da báo. Cuộc đời giống da báo, thật giả, tốt xấu lẫn lộn nhau, thành tấm lưới ngụy trang để sống chung được với nhau. Chỉ có thật sự yêu thương nhau, mới sống sót...
***
Mẹ dặn:
- Nghe ba mày hư bột, hư đường. Con vào đó đến gặp anh Vũ Hào con dì Nhơn, chị của mẹ. Nó phụ trách báo tỉnh. Muốn làm đâu, nói nó xin cho. Không dưng Tỉnh ủy lo cho con cán bộ quèn. Có giúp thì họ đưa đi vùng sâu, vùng xa…
Thay vì nộp hồ sơ, giấy giới thiệu ở Ban tổ chức tỉnh, tôi tìm đến tòa soạn gặp anh Vũ Hào. Anh em nhận ra nhau ngay: anh giống cậu Hữu, tôi giống mẹ.
Nhờ anh Vũ Hào làm Tổng biên tập báo, tôi có việc làm ở công ty thiết kế tỉnh. Anh Vũ Hào nhờ anh Tư Lượng giám đốc công ty tạo điều kiện cho tôi làm báo, giúp đỡ tôi sáng tác văn học. Tôi gặp vô số trắc trở, nhưng phấn đấu tốt, tôi là chủ nhiệm thiết kế giỏi, có nhiều bài báo sát thực tế, có tiếng vang, hơn chục giải thưởng truyện ngắn trung ương địa phương, chủ yếu viết về phụ nữ… Tôi lập gia đình, được anh Tư phân nhà tập thể cấp 4 liền kề, được hóa giá đóng tiền tương đương một chỉ vàng. Ba tôi viết thư động viên làm việc, chăm lo gia đình, nói rõ ba mẹ không muốn con về thăm nuôi, tốn kém, ảnh hưởng đến công tác.
*
Ba gọi điện vào cơ quan báo tin chú Phu mất. Chú Phu được Tổng cục 2 (7) viếng, kết hợp trao huân chương. Ba dặn điều chỉnh lý lịch chú thím hoạt động tình báo qua ba thời kỳ: chống Pháp, chống Mỹ, hòa bình lập lại.
Tôi đi tầu đến quê, chú Phu đã vào nghĩa trang liệt sỹ xã.
Mẹ liệt gần chục năm. Ba đi chợ, nấu nướng, tắm rửa, đo huyết áp, cho uống thuốc… chăm sóc mẹ thành thạo. Trên bàn có mấy cuốn sách dạy nấu ăn, rau trong vườn, thịt cá ở chợ, mẹ muốn ăn gì, ba lật giở sách, đọc cách chế biến món ăn. Nhìn ba sử dụng thành thạo dụng cụ đo huyết áp cơ khí để đo huyết áp cho mẹ, tôi hỏi:
- Con không biết dùng loại này.
Ba thủng thẳng:
- Con không cần học những kỹ năng chưa dùng đến. Sau này, máy đo huyết áp điện tử chính xác bằng máy cơ khí. Thuốc mẹ uống, theo chỉ định bác sỹ. Chữa bệnh, phải hợp tác với bác sỹ. Bệnh nhân có chút hiểu biết y học, được bác sỹ tư vấn kỹ hơn. Do đó mẹ bị bệnh gì, ba đi chợ, ghé hiệu sách mua cuốn sách y học mới nhất về bệnh đó đọc để biết chăm sóc mẹ tốt hơn. Ba chỉ nhờ bác sỹ tư vấn kiến thức riêng áp dụng cho mẹ.
Tôi thay ba chăm sóc, mẹ không hài lòng:
- Con không bằng ba.
Ba đưa tôi vào thăm nhà thờ họ. Nhà thờ cũ âm u, thắp hương lên bàn thờ xong, ba ngồi bậc thềm bảo tôi:
- Ba biết con trung thực, làm việc xuất sắc nhưng không được cất nhắc là vì con. Từ nay, đối với vợ con, anh em đồng nghiệp, tất cả mọi người; con phải lượng nếu con nói mà họ không thay đổi, con chờ dịp khác. Chỉ nói khi chắc chắn người nghe thay đổi; chân thành góp ý. Chân thành là bỏ qua tánh xấu, làm nhẹ hậu quả việc làm của họ; công nhận mặt tốt, thành công của đối tác. Đưa ý kiến trước hết vì lợi ích của tập thể, của họ, không vì lợi ích của con. Nếu một năm không có biến chuyển, ba đưa con về quê công tác.
Tôi theo lời ba dặn, chưa đầy nửa năm được kết nạp Đảng, phụ trách phòng thiết kế, năm sau được bổ nhiệm phó giám đốc, chủ tịch công đoàn công ty. Vợ chồng thu vén, hàng tháng gửi tiền về cho ba chăm sóc mẹ. Trước khi về hưu, anh Tư tâm sự:
- Mang hồ sơ của em lên gặp anh Sáu Kiệu, trước đây là trung tá quân báo chuyển ngành. Thấy bìa ghi Lê Thành Công, anh Sáu dặn tỉnh ủy gửi em cho riêng anh có trách nhiệm giúp đỡ đào tạo với điều kiện tuyệt đối không được cho em biết. Ngày hôm sau, ông cụ điện vào nói rõ ưu nhược điểm của em để biết quản lý đào tạo giúp gia đình… Không phải anh tốt với em, nhiều người tốt với em mà đó là chỉ đạo của cấp trên.
Tôi thành thật:
- Giờ em mới hiểu vì sao chú Sáu nhận vợ em vào làm việc với lý do con cháu trong nhà. Ổng chỉ biết em qua chào hỏi trong các cuộc họp do chú chủ trì.
***
Ba ra đi đột ngột, ban tang lễ do huyện ủy chủ trì. Đoàn bí thư tỉnh ủy mang bằng công nhận và huy hiệu 75 năm tuổi đảng đến viếng. Trong đoàn có một người đàn ông lớn tuổi, vóc dáng, bước đi giống ba tôi, chỉ khác, râu quai nón, đeo kính đen, mặc com lê mầu đen; lặng lẽ thắp hương; chẳng nói gì.
Mẹ tôi nhìn chằm chằm hình tướng của người đàn ông, vẩy tôi đến bên, thì thào:
- Coi chừng con riêng của ba mầy.
Ghé tai, tôi gay gắt:
- Mẹ vừa phải thôi nha. Ba đang còn nằm đó.
Mẹ tỉnh rụi:
- Tao nghe rõ ràng ông bí thư hẹn gặp mày bàn việc riêng gia đình...
Vợ đẩy tôi, cầm tay mẹ:
- Không mang nặng đẻ đau, có được đứa con thương mẹ hơn con ruột của mẹ. Mẹ cả, mẹ hai đều là mẹ cả. Rồi mẹ sẽ thương hơn anh Thành, anh Công…
Không trả lời, mẹ trân trối nhìn ra ngõ như muốn níu đoàn khách tỉnh ủy quay lại. Tôi biết, tiềm thức mẹ vẫn ghi lại đầy đủ lời vợ tôi, đưa vào ô nhớ con dâu, sắp xếp lại dữ liệu để khi cần thiết mang ra dùng. Tôi thanh minh với vợ:
- Trí nhớ có tính chất cơ hội nếu được truy xuất đưa vào sử dụng cho một tình huống cụ thể chỉ để phục vụ sinh tồn, tăng cường định kiến. Đó là sự lừa dối vĩ đại não thường xuyên tạo ra cho những người tự xem mình trung thực. Dữ liệu mẹ truy xuất theo định kiến nên bị bẻ cong nhằm củng cố niềm tin ba không chung thủy là việc bình thường. Em đừng cho rằng mẹ không trung thực.
***
Xe vào cổng, tôi được đưa đến phòng làm việc của bí thư.
Anh Thành bằng xương bằng thịt, khuôn mặt giống ba hồi trẻ như đúc. Anh lao ra ôm tôi, nước mắt nồng ấm cùng chảy.
- Ba có biết anh còn sống không? – tôi nghẹn ngào. Anh Thành gật đầu:
- Nguyên tắc công tác, ba không được phép nói cho mẹ biết. Có một số việc gia đình, anh nói để em biết, không được cho ai biết, kể cả mẹ, vợ, con của em. Ba lấy mẹ là do phân công của tổ chức. Mẹ nông nổi, cả tin, không phù hợp công tác lãnh đạo, lúc tập kết, tổ chức không chuyển sinh hoạt Đảng; nhằm tạo điều kiện cho chú Phu hoạt động nội tuyến; mẹ có thời gian lo việc gia đình để ba chuyên tâm vào công tác. Mẹ gay gắt với ba do chịu nhiều bất công, cho rằng ba không chia sẻ, tìm cách giúp vợ khắc phục. Sử dụng trí nhớ cho bảo vệ gia đình nên những dữ kiện mẹ truy xuất được bóp méo chỉ để phục vụ mục đích trước mắt. Ba nói: ngày xưa, anh bộ đội ra trận mang theo chiếc khăn thêu của người yêu, họ không trở về, suốt đời ở trong tim người mình yêu. Ngày nay, nhiều người đem bạc vàng, nhà lầu xe hơi tặng phụ nữ vẫn không có được tình yêu son sắt. Là vì dân tộc mình luôn bị xâm lăng nên từ khi sinh ra, bé gái đã mang trong mình đặc tính: họ chỉ dành tình yêu son sắt nhất cho những người đàn ông có bản lĩnh và vì nghiệp lớn, vì mọi người, vì nhân dân. Nếu chỉ có mỗi tố chất chăm chỉ lo cho gia đình, chồng con, mẹ sẽ không yêu ba.
Lý lịch ba ghi bần nông là do tổ chức yêu cầu. Ba ra Bắc học nghiệp vụ tại Trường Tình báo Cục 2, Bộ Tổng tham mưu rồi trở về quê vừa làm chủ tịch thị trấn, quản lý vùng nóng. Hòa được bố trí ra Bắc. Do chú thím Phu không thể dạy con theo Cách mạng, ba đề xuất cho em vào lại vùng giải phóng. Sau giải phóng, tổ chức điều ba về làm bí thư xã, kết hợp với chú Phu, anh Nghĩa tạo thành lưới tình báo chống bạo loạn lật đổ xuất phát từ bên ngoài Tổ quốc. Để thuận lợi cho công tác của nhóm, mẹ không làm được sổ hưu. Khi mọi chuyện lan ra đủ rộng, tổ chức làm chế độ hưu trí, truy lĩnh cho mẹ.
Ba nói, khác với xã hội, mọi việc trong gia đình được giải quyết bằng yêu thương, nên ba giao cho mẹ toàn quyền, ba chỉ theo dõi hỗ trợ khi mẹ cần. Mẹ muốn có con gái để được đỡ đần, chia sẻ. Em giống mẹ từ mặt mũi, tính tình, được mẹ cưng chiều, tâm sự mọi chuyện nên nhiễm tính cách của mẹ. Trong tự nhiên, khi con non lớn, mẹ của chúng sẽ đuổi đi để tự lập. Ba nói dù em có nhiều giải thưởng báo chí, văn chương viết về phụ nữ nhưng vẫn không vượt được qua hạn chế của con trai được người mẹ bảo bọc suốt đời. Khi xa mẹ, em sẽ trưởng thành, nên ba đồng ý để em vào miền Tây công tác. Ba góp ý với lãnh đạo cơ quan em: “lãnh đạo có tư cách nghệ sỹ, thuận lợi cho công tác nhưng có máu nghệ sỹ làm lãnh đạo không tốt. Cần phải có thời gian rèn luyện”. Em vào Nam công tác, được tổ chức giúp đỡ nhưng 15 năm không được kết nạp Đảng không phải để thuận lợi cho công tác của ba, chủ yếu chờ thời gian làm bớt ảnh hưởng của mẹ, lập gia đình sẽ trưởng thành hơn. Khi tình hình yên ổn, ba lớn tuổi; em trưởng thành, cấp trên chỉ đạo kết nạp Đảng để có cơ sở đề bạt.
Ba cho rằng “Con trai thương mẹ, con gái bênh cha”; do đó gia đình ta đã công bằng và hết lòng yêu thương ba, tạo mọi điều kiện để ba làm tròn phận sự người dân chống giặc ngoại xâm. Ba có dặn: chú Trí chỉ có một người con gái tên Phương, con o Huế, học sau em 2 lớp. Chú Trí được tổ chức đưa về Nam chiến đấu dưới hình thức vượt vĩ tuyến 17 về với “chánh nghĩa quốc gia”. Ba ký giấy cho chú đi từ Nông trường ta vào làm việc với nông trường Quyết Thắng ở Vĩnh Linh. Sau này ba nghe o Huế nói con gái lặn lội mấy chục năm mới tìm ra chú Trí; chú không nhận con. Ba muốn, nếu anh em mình gặp em Phương, bảo cô ấy luôn vững tâm vì nhiệm vụ của chú Trí được giao vô cùng rủi ro. Sống, công tác với nhau, ba biết chú Trí cực kỳ giỏi võ nên không có việc thay chủ khi lâm nguy, bỏ bằng hữu lúc gian khó. Ba tin chú Trí còn đang tiếp tục hoạt động nên phải hy sinh tình phụ tử.
Nếu xét về sức làm việc và tu dưỡng của em thì đến bây giờ em cũng chỉ làm đến phó giám đốc công ty, theo anh là công bằng…
Anh Thành nhắc lại:
- Mẹ quá già, không cần thiết phải cho mẹ biết. Toàn bộ tiền em gửi về nhà nuôi ba mẹ, ba giao anh gửi tiết kiệm. Ba dặn giao lại cho vợ chồng em, cộng với tiền truy lĩnh của ba. Tất cả để trong cặp, em dùng làm lại nhà khang trang, đón mẹ vào. Ba dặn, nhà ở quê là nhà thờ bên ngoại, trả về cho họ ngoại.
Anh đứng lên, lấy bộ râu quai nón, hai bộ lông mày giả đính vào, đeo kính, trở lại người đàn ông mặc com lê mầu đen có vóc dáng giống ba, đi theo đoàn tỉnh ủy đến viếng ba, im lặng, không nói một lời.
Anh ôm tôi lần nữa, bước nhanh ra khỏi cửa. Tôi nhìn theo bóng anh lặng lẽ đi rất nhanh; đó là hình ảnh của ba tôi nhìn từ phía sau lưng, luôn vội vã tất bật trong lặng lẽ.
***
Hết trăm ngày, dưới âm, ba tự lực được, không phải cúng cơm, mẹ vào ở với gia đình con.
Mẹ chậm rãi:
- Con ruồi bay ngang mẹ biết ruồi đực, ruồi cái. Gặp bí thư bàn việc riêng gia đình, về nhà mặt mày hơn hớn là mẹ biết rồi. Ông ngoại nói "mỹ nữ lấy anh hùng gặp tai họa", tại mẹ không nghe. Mẹ tính lấy nhau mẹ khuyên nhủ ba con. Cả đời mẹ không cải tạo được cha mày. Mẹ nghĩ kỹ rồi, vì con cháu mẹ chấp nhận, mẹ xí xóa hết cho ba con. Bà ngoại nói "con ông không giống tông cũng giống cánh". Giờ mày theo anh mày bênh cha mày. Mẹ mệt lắm - quay sang vợ tôi, mẹ đọc tuyên ngôn - Về nhà chồng, bà ngoại nói: mang tiếng khác máu, tanh lòng, con dâu vẫn hơn con đẻ. Giờ mẹ chỉ tin con dâu của mẹ thôi. Mẹ giao hết tài sản cho con... Mẹ ở đây hương khói cho ba.
Tôi gây áp lực:
- Đây là nhà thờ họ ngoại. Mẹ nằm liệt, không hương khói được, con dọn bàn thờ ba vào Nam. Nếu ở với con, khi mẹ theo ba, con bỏ chục triệu đồng thuê xe chở về quê.
- Ông mất rồi, mẹ không thiết sống!
Vợ tôi hoảng hốt:
- Mẹ ơi, đàn ông sự nghiệp trên hết. Con chưa thấy ai bỏ vợ con, chỉ có vợ con bỏ họ. Mẹ ở đâu, linh hồn ba theo đó. Dương sao, âm vậy. Mẹ khổ một, ba khổ mười. Mẹ vào ở với chúng con, dưới chín suối ba không phải lo cho mẹ, dồn sức làm ăn, xây nhà cửa đón mẹ về.
Mẹ tôi gật đầu. Tôi ứa nước mắt thương vợ tôi lặp lại cuộc đời mẹ tôi theo cách hiện đại hơn…
Sài Gòn mùa đông năm 2024
LTH
Ghi chú:
(1) Bom đèo là tên gọi, quả bom cuối cùng B52 thả rơi cách xa tọa độ rải thảm.
(2) Rá là rổ nhỏ đan bằng tre.
(3) Điểm xạ đối với súng AK47 là bắn một lần 3 viên.
(4) Lèn, tiếng địa phương gọi núi đá vôi.
(5) Đường một, tên gọi Quốc lộ 1A thời chiến tranh.
(6) Trọng nghĩa khinh tài nghĩa gốc: Trọng tình nghĩa coi thường tiền bạc.
(7) Tổng cục 2 - tên gọi tắt: tổng cục tình báo quân đội Việt Nam.
Bài đăng báo Văn nghệ - Hội Nhà Văn Việt Nam số 3382