- Truyện
- Đưa con về quê
Đưa con về quê
Truyện ngắn của LÊ THANH HUỆ
Khi hoàng hôn tím đen lan tới miền quê này là lúc người ta tìm được thằng bé. Xác nó được vớt lên từ ao, tanh rình; nhưng không ai thấy hôi hám, ngoại trừ thứ khí lạnh buốt và nước da nhợt nhạt, đặc trưng cho màu tang tóc là mọi người đều cảm nhận được. Nhặt những sợi rác bám trên da nó, đụng vào làn da ướt, nhớt nhát người ta không sao tin được mới đây thôi, nó là đứa trẻ khỏe mạnh, bụ bẫm; căng tròn nhựa sống; luôn hoạt động, luôn cười, luôn lạ lẫm với mọi thứ, thèm thuồng tất cả những gì mà nó thấy người ta ăn và nụ cười rạng rỡ biết bao, hồn nhiên biết bao với những gì người ta cho nó, sẻ chia cùng nó.
Anh Hai không khóc. Lặng lẽ, anh gạt mọi người, ẵm xác con, dốc, rồi chạy, rồi ghé miệng hút dãi nhớt trong miệng con. Đôi môi hồng ngày nào vẫn không hết màu tím đen. Chịu không thấu, ông Năm, bước vào gỡ tay anh: “Để tôi tắm cho cháu”. Ai đó luồn tới đưa cho ông Năm cục xà bông Camay chưa bóc vỏ. Anh gạt đi: “Cháu không quen tắm thứ này”. Ừ, con anh đã bao giờ có được miếng ăn ngon đầy rẫy trên đời mà cháu nhìn thấy hàng ngày, lấy đâu ra thứ xà bông cao cấp cho nó tắm.
Tác giả trong vai trò tư vấn thiết kế tại một công trình giao thông.
Tự tay tắm rửa, anh lau mình cho con bằng chiếc khăn mà anh thường vắt vai. Chiếc khăn cáu bẩn, nặc nồng mùi mồ hôi, loại mồ hôi dầu quyện muối của người lao động nặng quanh năm. Không hề gì, đó là mùi mồ hôi mà thằng bé vẫn thích ngửi; và có lẽ đối với nó, là thứ mùi nồng ấm nhất trên đời.
Chị chủ nhà hớt hải từ chợ về, chen vào. Trong tay chị là bộ đồ trẻ con mới tinh, còn nguyên hồ và vạch phấn thợ may. “Bộ đồ mới đầu tiên con được mặc con ơi!” Chị Hai khóc gào lên khiến mọi người xung quanh không kịp ngăn những giọt nước mắt tủi phận bạc. Anh Hai như không nghe thấy, lặng lẽ xáo tìm trong đống đồ cũ lấy ra bộ áo quần lành lặn nhất của chị ruột nó, mặc cho con. Áo của chị con, tuy cũ nhưng có hơi chị, con mặc sẽ đỡ lạnh hơn dưới ba thước đất đen, ẩm ướt. Bộ đồ mới con không có, không quen mặc, đâu bằng thứ ba má đổ công sức làm ra. Rồi anh chọn ra chiếc áo lành nhất của vợ anh và chiếc áo ấm đã cũ của anh; quấn chặt con lại.
Chiếc túi du lịch màu đen, cũ, cũ lắm; là nơi chứa áo quần, mùng mền… gần như toàn bộ gia sản; được anh dọn sạch. Lót tấm chăn sợi đã tưa mép, anh khe khẽ nâng con đặt gọn vào trong đó.
Anh mê hay tỉnh, không ai rõ, nhưng rõ ràng anh làm mọi việc hết sức chính xác, nhanh, cẩn thận, nhẹ nhàng vì sợ đau con và với một sự dịu dàng mà chưa có một người mẹ nào được sống trên trái đất này làm được cho con mình.
Xung quanh anh, thế giới câm lặng. Thế giới này là của những kẻ có của cải, có gia sản lớn; không phải của anh, càng không phải của con anh; con một người làm thuê cuốc mướn, lang thang bao nhiêu năm trời vẫn không góp được ít vốn để về lại quê hương.
Mọi người như bị thôi miên, mê đi, nín thở theo từng động tác của anh; và khi anh kéo phecmatuya chiếc túi xách lại; tất cả bỗng vỡ òa ra trong tiếng khóc tức tưởi, tiếng sụt sịt, tiếng ho húng hắng cố giấu sự yếu đuối của mình.
Chị chủ nhà đã đem chén cơm, quả trứng, bát nhang vào. Vẽ chuyện, ngày thường, có lúc nào con được ăn cả quả trứng đâu; giờ bụng con đầy nước; chắc còn đau lắm; làm sao con ăn được. Anh đứng lên.
Bà chủ đến, nhìn mọi người với vẻ tỉnh táo. Bà cầm xấp bạc dõng dạc: “Đây là tiền công của chú, năm triệu đồng, còn lại là tiền phụ thêm để chú lo cho cháu”. Anh cầm tiền, đếm lấy hai tờ đưa cho vợ và tám tờ gập lại cho vào túi áo; còn lại, anh đưa trả bà chủ. Quay lại với người vợ đang gào khóc, anh nói giọng tỉnh khô, như chẳng hề có chuyện gì xảy ra cho gia đình mình: “Má nó ở đây, ráng làm nuôi con chị. Tôi đem con về quê, lo cho con xong, tôi gửi lại cho các chú, các dì ngoài rồi vào ngay”. Anh xách túi, gạt mọi người và bước ra khỏi lều.
Vợ anh ùa theo, anh gắt: “Đi theo, khóc như vầy, ai còn dám chở tôi lên ga tàu”. Và anh bứt đi như chạy. Màn đêm vội vàng sập xuống che khuất bóng anh. Nhưng bóng đêm lại làm cho tiếng gào xé ruột của vợ anh trong sự biệt ly thê thảm vang xa hơn, cơ hồ như bám chặt theo cha con anh.
***
Lên ga tàu, năm trăm, đi không?
Đêm hôm; đi xa vậy ai dám chạy cha nội! - Người thanh niên chạy Hon đa ôm nhìn vẻ mặt thất thần của anh, nghi ngờ hỏi.
Tui làm công cho bà….
Tôi biết rõ người này. - Ông Năm chạy Hon đa trờ tới khẳng định - Đêm hôm, sắp nhỏ không dám chạy đường trường, để tui đưa chú đi.
Làm cực chú Năm quá. - Day về phía người thanh niên chạy Hon đa ôm, anh Hai trả thêm - Một trăm, chạy không?!
Đồng tiền vốn có sức mạnh của nó; Người thanh niên chạy Hon đa ôm nhìn vào mắt ông Năm, gật đầu: “Thì đi! kiếm chút cháo cho vợ con”.
Tiếng xe máy cũ rền rĩ vọng trong đêm. Ra đến Quốc lộ, ánh đèn pha của những chiếc xe hơi đời mới vẫn không làm người thanh niên yên tâm. Gặp cây xăng bên đường, anh ghé lại đổ thêm xăng, lại nhìn anh Hai, buột miệng hỏi dò:
Cái túi anh để sau lưng tôi, đựng gì mà lạnh vậy. Phải đồ lậu không?!
Anh rút túi đưa trước tờ năm trăm thay cho câu trả lời; cũng như muốn nói nếu sợ, nếu không muốn đi thì… Người thanh niên yên lòng đạp máy, chiếc xe nhằm vừng sáng phía đông, nơi hàng ngàn ánh điện tỏa lên trời lao tới.
Vào thành phố, anh ôm con vào lòng, chợt lo: Không khéo hơi lạnh tỏa vào lưng, không chịu nỗi, nó chở thẳng mình vào đồn công an thì họa vô đơn chí. Chao ôi, con ơi, con chưa một lần được đi Hon đa. Nào ngờ lần đầu tiên con được đi lại là lần cuối cùng mà con không hay biết. Con gắng chịu đau, để cha tạm kẹp con vào nách, có vậy cha con mình mới về quê được.
Đến sân ga, anh Hai móc túi lấy tờ năm chục ngàn, anh thanh niên gạt đi “năm trăm được rồi, tại sợ nên tui nói cao lên cho anh khỏi đi. Tui về đây, lần sau có đi nữa, kêu tui; hỏi...”.
Anh không còn lòng dạ nào để chú ý đến thủ thuật giữ khách của những người làm ăn lương thiện, không chờ đến hết câu; ôm chiếc túi vào lòng, anh Hai vào ngay phòng đợi, đến trước quầy bán vé chờ mở cửa.
Hành khách nằm, ngồi rải rác trên những chiếc ghế băng. Vài người, theo quán tính, đứng lên xếp vào hàng; đợi một lát, nhìn đồng hồ rồi sực tỉnh, lại quay về ghế băng ngồi chờ. Mệt mỏi choán hết chỗ, làm giảm sự mong chờ trong lòng hành khách. Anh Hai không thấy mệt, chỉ bồn chồn muốn được lên tàu ngay.
Mỏi tay, anh đặt túi xách lên mặt quầy bán vé. Mặt bàn lạnh quá. Anh ôm túi xách vào lòng, thì thầm: để ba ôm con cho đỡ lạnh. Bất giác anh luồn tay phải xuống đáy túi xách và vòng tay ôm gọn con vào lòng; cứ như ngày nào hết ca, về đến lều, anh ẵm con và ngắm nó trong giấc ngủ. Giờ đây, anh không còn nhìn thấy màu đen của túi xách. Anh đang thấy con ngủ trên tay anh, phảng phất mùi của trẻ thơ, thứ mùi mồ hôi của riêng con anh mới có, thứ mùi anh nghiện. Phải rồi, con ơi, giấc ngủ ngàn thu! Mai này, trăm năm sau, mà không lâu đến vậy đâu, ba má và cả chị của con nữa sẽ xuống dưới đó, tìm con. Lúc đó, ở dưới đó, sẽ không có cảnh lam lũ, bất công và cực nhục như cảnh sống trên trần gian này. Ba má và chị của con sẽ không đi làm khuya nữa; để nhiều thời gian chơi với con. Ba và má sẽ thay nhau ẵm, sẽ ru con ngủ. Giọng của ba, của má không hay nhưng chất chứa vào trong đó tình yêu con mà không có người nào có được, sẽ làm con ấm lòng yên giấc….
Anh không biết mình đã đứng bao lâu, trò chuyện với con về những điều gì nhưng thế đứng của anh, nét mặt của anh với bao tâm trạng chạy qua đã làm nhiều người để ý; vài tay thanh niên dạo quanh, nhìn anh bằng ánh mắt tò mò. Bởi cái thế đứng và ôm túi vừa rất lạ, lại cũng rất quen mà người ta không thể nào lý giải được.
Ừ nhỉ, nếu đám người tò mò kia nhớ lại cảnh những bà mẹ ôm con và âu yếm nhìn con trong giấc ngủ thì có lẽ họ sẽ đoán được phần nào. Nhưng đa số họ là những người sợ mất đồ đạc, luôn xa lạ với những người xung quanh, kẻ háo hức đến miền đất mới, người rộn ràng vì sắp về nhà, người rối bời với những lo toan cho công việc làm ăn sắp tới… họ làm sao đủ tỉnh táo để nghĩ về những điều hết sức giản dị, nói chi đến linh tính về tình phụ tử và sự chia li đang diễn ra trên mặt một người đàn ông lực lưỡng mà tiều tụy, thất thần trong lo âu, nóng lòng và đau đớn...
Cửa bán vé mở. Người ta bắt đầu chen lấn nhau để mua vé. Anh bị những tay thanh niên nhanh nhẹn chen bật ra sau. Anh không có thời gian để bực bội. Anh phải vất vả giữ một khoảng không gian nhỏ bé cho con anh khỏi bị chen lấn, khỏi đau. Chao ôi! Thật chẳng đơn giản chút nào. Con ơi! Cuộc đời sao chật hẹp quá; đến nông nỗi này mà con tôi không được yên giữa dòng người cứ chen, cứ lấn, để có được chiếc vé mà trước sau gì họ cũng mua được bằng cái cách chẳng cần đổ chút mồ hôi để giành giật nhau. Người ta không học được cách sống nhường nhịn, công bằng hay sao?! Con người ta sinh ra để làm gì, sống để làm gì và tại sao cứ phải chen lấn giành giật nhau từng tấc không gian ngột ngạt này mà không tìm ra nơi rộng rãi trong lành cho mình để đứng, để ở, để sống cho ra sống.
Anh cứ phải loay hoay chống đỡ cho con để nhích dần lên gần cửa vé. Anh móc tay vào túi và lạnh hết cả người; những đồng tiền xương máu của anh không cánh mà bay. Không còn tin vào bàn tay của mình; anh lại móc hết cả túi áo, túi quần. Văng vẳng bên tai câu gắt của ai đó với anh rằng không mua vé mà cứ choán chỗ trước cửa vé. Rồi dòng người tràn lên đẩy bật anh khỏi cửa vé.
Không có tiền; anh bàng hoàng lo sợ đến mức mụ mẫm đi. Anh không còn tri giác để hiểu ra một điều hết sức đơn giản, bọn trộm cắp, móc túi cố tình tạo ra sự chen lấn lộn xộn để móc túi anh. Anh không có cảm giác tức tối và thất vọng. Chỉ có nỗi lo sợ không đem được con về quê đang điên cuồng chạy khắp cơ thể anh, khiến anh cứng đờ cả người. Theo quán tính, anh nghĩ đến việc bán đồ dùng. Nhưng mà bán cái gì, anh có gì đáng giá để bán ngoài sức lao động. Nếu như anh có thể bán được cho ai đó một bộ phận trên cơ thể của mình. Nếu có ai đó cần đến mạng sống của anh và đổi lấy việc đưa con về quê, anh sẽ đổi ngay. Quay lại để lấy tiền? Anh vội vã ôm túi quay ra cửa ga. Anh chẳng có tiền để quay lại; nếu có quay lại cũng chẳng có tiền để lấy tiếp. Không thể quay lại được nữa rồi. Thời gian không ủng hộ anh. Anh cần về nhà càng sớm càng tốt. Để lâu, sẽ có mùi; khó khăn sẽ tăng lên, lũ chó sẽ đánh hơi và kéo theo thành đàn chờ chực, lúc đó để chở anh và con đi tiếp, giá sẽ cao một cách khủng khiếp. Làm cách nào đây?!…
Trong rối bời hoảng hốt và những toan tính, anh nhìn thấy nóc của những toa tàu. Phải rồi, nóc toa tàu; chỉ cần lên được đó, anh và con sẽ về được quê. Trên đó anh sẽ tìm được chỗ cho hai cha con và quan trọng hơn là xa con người với những cặp mắt tò mò, tránh được ồn ào, chen lấn và xô đẩy làm kinh động, làm đau thân hình mềm yếu của con anh. Ở quê nhà, mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng vì sự quen biết, tình quê hương ruột thịt.
Anh tìm cách vào ga. Anh men theo hàng rào. Lưới B40 bùng nhùng. Nếu không có con, anh dư sức leo qua. Đêm đã về khuya; mọi người đã díp cả mắt lại. Anh thử leo nhưng không tài nào bám vào được.
Anh nhìn về cuối ga. Đơn giản quá, sao không nghĩ ra: từ đó, nhân chuyến tàu vào ga; tàu chạy chậm và anh sẽ theo tàu vào đường ke sân ga.
Lần mò, anh đi xa dần khỏi ánh đèn sân ga. Đá balát của đường tàu bắn ra ngoài hàng rào và bao rác rưởi vướng vào chân, kéo anh quay lại. Còn cách nào khác, mắt đăm đăm nhìn vào cái đốm đỏ trên cột đèn tín hiệu, anh lần mò từng bước. Không được vấp, không được ngã vì trong vòng tay là con, sẽ đau con, có khi gãy xương của con; con đừng sợ; ba nhất định sẽ đưa được con về lại lòng đất ấm giữa quê hương.
Một bàn tay sắt quàng qua cổ anh và siết chặt. Bị bất ngờ, anh không kịp kêu, không dám buông chiếc túi để vùng vẫy, chống cự. Trong bóng đêm, anh loáng thoáng thấy những bóng đen vây lấy anh, đè anh xuống và giằng chiếc túi xách. Một vật gì đó bay vào đầu anh. Ngàn vạn con đom đóm bay đầy bầu trời che cho những bóng đen tản đi và biến mất. Tri giác lờ mờ nhắc anh những dáng người quen quen, chỉ khác chăng là màu đen phủ lên họ. Hình như anh mới gặp, mới cùng họ ở đâu đó và chen lấn bên nhau.
Tri giác trở lại, anh dần dần hồi tỉnh và giật nảy mình khi trong vòng tay của anh không có gì cả. Anh đang khư khư ôm lấy chính anh. Anh quờ tay ra xung quanh, rồi anh quờ rộng ra. Cái túi, con anh! Không! Không thể như thế được. Phải rồi; chúng nó; những bóng đen; không phải; rõ ràng, những tên thanh niên mắt mũi lấm lét quanh anh bên bàn bán vé đã cướp cái túi, cướp con anh!
Con ơi! Trả con tao đây!
Cả nhà ga rởn lên bởi tiếng kêu thất thanh. Không phải tiếng người, khủng khiếp hơn cả tiếng rú của bầy vượn lúc hoàng hôn buông xuống và đang bị ác thú dồn đến đường cùng.
Anh lao theo. Tấm lưới B40 hất anh bật ngửa trở lại. Ánh đèn tín hiệu của người gác ghi, rồi ánh đèn pin của người cảnh sát lia vào khuôn mặt đau đớn, hoảng loạn của anh. Anh lao đến cầm tay người cảnh sát trẻ, quỳ xuống kêu cứu:
Chúng nó cướp con tôi; cứu con tôi, cứu! Cứu…
Bình tĩnh. - Người cảnh sát trẻ lạnh lùng trấn an - Ai cướp, cướp cái gì? Cướp ở đâu?!…
Con tôi ở trong cái túi xắc màu đen. Chúng nó cướp con tôi! Cứu con tôi! Mau cứu giúp con tôi!
Đáng lẽ phải đuổi theo bọn cướp thì nhiều người chạy đến và vây lấy anh. Trong nhiều ánh đèn pin rọi vào anh. Con người vốn đa nghi, cộng thêm vào khuôn mặt méo mó, thất thần vì hoảng loạn của anh và những lời kêu cứu vô nghĩa từ một con người gầy đói, nhem nhuốc tràn ra khiến người ta bắt đầu nghi hoặc.
Trời ơi! Con ơi! Chúng nó không ăn được thịt người, không bán được thịt người. Chúng nó sẽ vứt con vào đống rác. Xe ép rác sẽ ép nát xác con… mất xác con; Trời ơi! Con ơi!
Những người đứng quanh anh hoàn toàn không hiểu nên không thể giúp được gì cho anh, cũng không phải chỉ để thỏa trí tò mò. Bị mất mục đích, tự nhiên họ trở nên thụ động và vô tích sự.
Chúng nó sẽ cao chạy xa bay mất. Anh không thể mong chờ đồng loại sẽ giúp anh cứu lấy con anh, cái xác của con anh. Anh gạt phăng họ ra và lao vào trong đêm theo cái hướng không có ánh sáng, nơi mà anh cho là lũ cướp sẽ đến đó.
- Thằng điên. - Người cảnh sát trẻ lắc đầu thở dài - Hết con điên này đi lại thằng điên khác đến. - Quơ đèn pin, người cảnh sát trẻ nghiêm giọng - Bà con giải tán! Tránh tập trung đông để kẻ xấu lợi dụng.
Đám đông lặng lẽ quay về ga. Họ không bàn tán như những đám đông khác mà im lặng vì tiếng thét đau đớn, tiếng thét lạc giọng của người đàn ông vẫn đang vang tới, dù nó nhỏ dần đi nhưng nó không hề bớt đi sự bất lực, đau đớn đang xé lòng họ giữa đêm trường. Mặc dù không hiểu gì, ngoài lòng tin vừa gặp một người điên nhưng họ, lần đầu tiên nghe và cảm nhận những tiếng thét đó hoàn toàn không theo lý trí mà theo tiếng gọi sâu thẳm nào đó từ trong tiềm thức, từ hàng ngàn năm trước, từ thủa hồng hoang vọng lại./.
LTH.
Nguồn: “Hai người mẹ” - NXB Thanh niên, năm 2019; Mã số ISBN: 978-604-9833-51-9; Trang 234. Sách do Nhà nước đặt hàng.