TIN TỨC

Trong tấm gương thể loại

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
1024 lượt xem

BÙI VIỆT THẮNG
(Nhìn lại những cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ gần đây)

Nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng Biên tập báo Văn nghệ (trái) cùng nhà văn Nguyễn Trí Huân, nguyên Tổng Biên tập báo Văn nghệ (phải) trao giải Nhất Cuộc thi Truyện ngắn báo Văn nghệ 2015-2017 cho Nhà Văn Nguyễn Trường

 

NHỮNG CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ GẦN ĐÂY

Cuộc thi truyện ngắn 2011-2013

Trong khoảng thời gian 2 năm, Ban tổ chức đã nhận được 2.200 tác phẩm dự thi, đã chọn đăng 315 truyện trên Văn nghệ và Văn nghệ Trẻ. Kết quả: 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 6 giải Ba, 8 giải khuyến khích (trong tổng số 18 giải  được trao, có 5 giải thuộc về tác giả nữ: Thu Trân, Chu Thị Minh Huệ, Chu Thùy Anh, Vũ Thị Thanh Huyền và Phạm Thanh Thúy - 2 “nhân vật” được coi là tên tuổi mới, số 4 và 5 là sinh viên khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội). Giải Nhất thuộc về tác giả Lê Thanh Kỳ với chùm 3 truyện Bạn khách, Sợi dây, Mồng chín tháng Tám (truyện cuối được dư luận đánh giá là “đỉnh” của cuộc thi); Giải Nhì (03) của Thu Trân, Nguyễn Đức Lợi, Vũ Thanh Huyền; giải Ba (06) của Chu Thị Minh Huệ, Nguyễn Tiến Bình, Văn Chinh, Chu Thùy Anh, Phùng Hy, Nguyễn Đăng An và giải Khuyến khích (08) thuộc về Uông Triều, Phạm Thanh Thúy, Phan Đình Minh, Nam Ninh, Nhụy Nguyên, Dương Đức Khánh, Lê Hoài Nam và Chu Văn Nghiêm.

Lê Thanh Kỳ là một phát hiện của cuộc thi này. Anh vốn xuất thân là công nhân nhà máy cơ khí Hà Nam. Truyện Mồng chín tháng Tám, nương theo nhan đề tưởng như viết về đề tài truyền thống cách mạng, được bạn đọc ưa thích vì giàu chất sống, vì quan tâm chu đáo, tường tận đến nhân vật người lao động (vốn thưa thớt, nếu không nói là mờ nhạt trong tác phẩm nghệ thuật nói chung hiện nay) trong mọi cảnh ngộ, nỗi niềm của họ. Bút pháp của Lê Thanh Kỳ gây ấn tượng vì cách viết “đam mê đến từng chi tiết”. Cũng trong cuộc thi này, Chu Thị Minh Huệ (giải Ba với truyện Hồng trần) khiến không ít người để tâm theo sát đường đi nước bước sau này của tác giả, và yên tâm hoàn toàn vì đặt kỳ vọng vào một cây bút nữ (thế hệ 8X) khi xuất bản Bông dẻ đẫm sương (tập truyện ngắn, 2013). Gần nhất, Chu Thị Minh Huệ trình làng tập truyện ngắn Mười hai tầng trời (NXB Phụ nữ). Ai có điều kiện đọc sát cây bút nữ viết truyện ngắn ở miền biên ải Hà Giang này, sẽ thấy cái duyên văn vẫn lấp loáng, ẩn hiện trên từng trang sách. Sau mỗi giải thưởng, vẫn cứ tích lũy (nạp năng lượng) đi tiếp được như Chu Thị Minh Huệ, thiết nghĩ, không phải ai cũng bền tâm  dồn chí theo đuổi, đôi khi như là nghiệp hơn nghề. Cuộc thi này, Phan Đình Minh xếp ngôi hạng Khuyến khích. Tinh thần cầu thị (và có cả ít nhiều tự ái) đã khuyếch đại tinh thần người viết. Anh âm thầm và kiên trì cho cuộc “vượt vũ môn” tiếp theo. Một vài dẫn chứng chúng tôi “lẩy” ra từ cuộc thi cho thấy, ai đã đi trên con đường thiên lý văn chương cũng đều thấu suốt rằng: nếu có vinh quang thì cũng đầy gian nan và cay đắng.
 

Cuộc thi truyện ngắn 2015-2017

Cũng như cuộc thi trước, khoảng hạn thời gian 2 năm vừa đủ hiện thực hóa cái gọi là “văn chương là một cuộc gọi đàn”. Tổng số tác phẩm gửi dự thi 3.300, đăng báo 493 truyện của hơn 100 tác giả. Kết quả: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 4 giải Ba và 6 giải khuyến khích. Trong tổng số 13 giải có ba cây bút nữ Vũ Thiên Kiều (giải Ba), Nguyễn Thu Hằng, Dương Giao Linh (giải Khuyến khích); Lê Quang Trạng mặc dù chỉ được giải “nhỏ” (Khuyến khích) nhưng người đọc lại đặt kỳ vọng nhiều vào cây bút trẻ thế hệ 9X. Sau này, trên những tờ báo có chữ “Văn” đứng đầu (Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Công an) anh trình làng nhiều truyện ngắn được dư luận đánh giá tốt. Những ngôi vị cao (Nhất/ Nhì) đều thuộc về những cây bút có thâm niên tay nghề như Nguyễn Trường, Phan Đình Minh, Lê Vạn Quỳnh. Thực tế sinh động đó cho chúng ta tri nhận về xu hướng phong cách cổ điển có tính ổn định và bền vững không chỉ trong lối sống mà cả trong sáng tạo nghệ thuật. Trong cuộc thi này dường như vắng bóng “hơi thở” và “khí sắc” của các trào lưu tân kỳ được nhập cảng (như Hậu hiện đại, Phân tâm học, Sinh thái học,...). Theo chúng tôi là điều đáng mừng hơn đáng tiếc, như ai đó nói.

Giải Nhất thuộc về nhà văn Nguyễn Trường với chùm truyện Vương quốc mộng mơ, Quà tặng tương lai, Mùa thanh long. Truyện ngắn của Nguyễn Trường vượt khung khổ quan niệm truyền thống thể loại, ít dừng lại khai thác, thể hiện những moment (khoảnh khắc), mà hướng tới những chu trình đời sống (kiếp người), nên cấu trúc có vẻ như lấn sang truyện vừa. Thoáng đãng nhưng vẫn gọn gàng, cô đọng, tinh chất. Truyện của Nguyễn Trường thường mạnh về cấu tứ (rõ nhất trong Vương quốc mộng mơ). Có vẻ như nhà văn cứ “lối cũ ta về” (nghiêng theo phong cách và bút pháp cổ điển) trong cách viết. Gần đây anh xuất hiện trên báo Văn nghệ với những truyện có khí vị và dư âm của giải Nhất như Di cảo của cha. Phát huy tinh thần giải thưởng, năm 2019 tác giả đã in tập truyện ngắn Khai khẩu. Như vậy nếu giải thưởng tạo đà cho sự viết bền bỉ của nhà văn thì thực sự xứng đáng với niềm tin cậy của bạn đọc. Các giải khác, trong cuộc thi này, đều thuộc về những cây bút đã đứng tuổi, đã trải trường văn trận bút; ít tác giả trẻ và nữ lọt vào “top ten”. Cũng là chuyện bình thường vì văn chương cũng là một “sinh thể”, thăng trầm theo thời gian, mùa màng chữ nghĩa bội thu hay lép cũng không có gì bất ngờ. Ở đây cần cổ vũ cho nhà văn Phan Đình Minh, tuy không chiếm vị trí “khôi nguyên” trong cuộc thi này (chỉ nhận Giải Nhì với chùm truyện Giữ nhà, Bệnh tự miễn), nhưng anh chứng tỏ sức bền ngòi bút của mình, bằng chứng mới nhất là tập truyện ngắn có tựa Gió Trương Chi, một cuốn sách, theo chúng tôi, có năng lượng chữ để đứng vững qua sự thử thách của thời gian. Phan Đình Minh, như người ta nói, đang là một “thương hiệu” truyện ngắn trên văn đàn, cây bút có duyên với các giải thưởng văn chương, đặc biệt truyện ngắn.
 

ĐƯỜNG ĐI NƯỚC BƯỚC CỦA THỂ LOẠI

 Nếu nói văn xuôi là “mặt tiền” của văn chương đổi mới (từ 1986), thì truyện ngắn, có thể nói không quá, là “mặt tiền của mặt tiền”. Truyện ngắn hiện đại/ đương đại Việt Nam nếu tổ chức dịch thuật và quảng bá tốt ra thế giới thì cũng không đến nỗi thua em kém chị. Nhiệm kỳ X (2020-2025) BCH Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định không tổ chức thi tiểu thuyết (trước đó từ 1998-2019 đã tổ chức 5 cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được khoảng 1.000 tác phẩm ở dạng bản thảo hoặc đã in với tỷ lệ 3/7). Hội Nhà văn Việt Nam đang dồn sức cho đề án dài hơi về “Văn trẻ”, cho mục tiêu chiến lược “Nobel văn chương”. Không có gì là không đúng. Nhưng “lơ là” với thể loại tiểu thuyết vốn được xem là “cỗ máy cái”, là “chân tủy” của một nền văn chương thì e rằng cũng phiến diện trong định hướng phát triển bền vững. Hiện ta có hơn 800 đơn vị báo chí, đấy là mảnh đất màu mỡ để truyện ngắn triển nở.

 Người viết trẻ/mới là nguồn lực mạnh mẽ thúc đẩy văn chương/ truyện ngắn phát triển. Hiện thế hệ f plus (7X, 8X, 9X) đang chiếm lĩnh vị trí văn đàn, nhất là sáng tác truyện ngắn. Đặc biệt các cây bút nữ đang tạo dấu ấn về một “nền văn chương mang gương mặt nữ”. Theo quan sát của chúng tôi, có khoảng 40 cây bút nữ thuộc thế hệ  f plus đang phủ sóng các báo chí, sách bằng truyện ngắn. Sinh thời, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã từng viết về “thời của tiểu thuyết”, nay có thể nói “thời của truyện ngắn” chăng (!?).

Truyện ngắn, trong bản chất thể loại của nó, phù hợp với cơ chế đọc mới trong thời đại cạnh tranh với văn hóa nghe nhìn, phù hợp với quỹ thời gian tự do ngày càng eo hẹp của con người thời đại - hiện sinh, sống gấp. Hơn thế, truyện ngắn cùng với thơ, có thể coi là “đặc sản” của văn chương Việt từ truyền thống đến hiện đại. Nó dung hợp với quan điểm thẩm mỹ về cái đẹp có tính chất “vừa khoảng” - cái vừa phải, xinh xắn (từ dùng của nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Hượu trong công trình Đến hiện đại từ truyền thống, 1996).

Vẫn biết các cuộc thi, các giải thưởng không tuyệt đối tạo nên các giá trị văn chương vĩnh hằng. Nhưng ở một phương diện nào đó, nó là cú hích, là bước tạo đà, kích thích nhiệt hứng sáng tác của nhà văn, mời gọi người đọc, cổ súy sự tham gia tích cực của nghệ thuật ngôn từ vào công cuộc chấn hưng cái Đẹp.

Nguồn Văn nghệ số 1/2023

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tìm hiểu lý luận phê bình văn học miền nam 1954-1975
Đọc chuyên luận Lý luận - Phê bình văn học miền Nam 1954-1975: Tiếp nhận & Ứng dụng của PGS.TS Trần Hoài Anh
Xem thêm
PGS.TS Ngô Minh Oanh - phu chữ âm thầm
Bài viết của nhà thơ Ngô Đức Hành
Xem thêm
Đinh Nho Tuấn, trao em một mảnh vô thường
Ngô Đức Hành đọc tập thơ “Năm ngón chưa đặt tên”, NXB Hội Nhà văn năm 2024 của nhà thơ Đinh Nho Tuấn
Xem thêm
Miên man Xuân Lợi
(Đọc tập thơ Nghiêng phía miên man của Xuân Lợi, NXB Hội Nhà Văn, 2024)
Xem thêm
Trăng Lạnh” và một trái tim ấm áp
“Trăng lạnh”, tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Thế Tuyển đến với tôi như một một món quà tặng của người anh “đồng đội”, như một sự chia sẻ cảm xúc của người yêu văn thơ, để cùng ngân nga lọc tìm những câu thơ đẹp, để có những khoảnh khắc lắng đọng chiêm nghiệm nhân gian thế sự, để càng trân quý hơn cuộc sống, tình yêu và sự thanh bình…
Xem thêm
“Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại”
Nhà phê bình văn học là người có tâm hồn giao cảm mãnh liệt với từng lời văn, con chữ và những giai điệu du dương của thơ ca. Họ đã có những cảm nghiệm sâu sắc giữa thơ văn và đời mình. Với họ, mỗi tác phẩm văn học không chỉ là một tư tưởng cần được khám phá mà còn là một thế giới sống động, nơi những dòng chữ biết thủ thỉ cùng tâm hồn.
Xem thêm