TIN TỨC

Màu xanh của bác sĩ Nhẫn

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-04-14 13:22:17
mail facebook google pos stwis
1602 lượt xem

BÀI DỰ THI BÚT KÝ “NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG”

ANH THƯ

"Không thể nào mà tui bỏ bà con được, tui phải ráng làm để đem màu xanh về cho Phước Lộc, cho thành phố" - bác sĩ Nhẫn nói với vợ, rồi lại lao vào cơn sóng thần Delta. Trước sinh nhật tuổi 60 chỉ 1 tuần, ông hy sinh.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên động viên bà Thân Ngọc Hương (phải), vợ bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn và thân nhân của điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng sau khi thay mặt Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho hai người (Ảnh: Anh Thư)

Hội trường Lễ đón nhận các hình thức khen thưởng cấp nhà nước và họp mặt kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam được tổ chức sáng 26-2-2022 tại TP HCM lặng đi khi bằng chất giọng run và đầy xúc động, người đọc quyết định khen thưởng xướng tên của bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn (Trưởng Trạm Y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP HCM) và điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng (Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định). Họ được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Lao động hạng Ba, sau hơn nửa năm kể từ ngày nằm xuống giữa “chiến trường” Covid-19.

“Bà để tui đi đi!”

Tôi đã có dịp tìm đến nhà một trong hai chiến sĩ áo trắng can trường ấy vào một ngày giữa tháng 11-2021. Đó là một buổi sáng bình yên, xanh mát ở xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, cuộc sống hồi sinh nhộn nhịp. Khó tưởng tượng chỉ mới vài tháng trước, vùng ngoại ô yên bình ấy đã ngập trong đau thương, bị bủa vây bởi những vòng dây phong tỏa.

Nơi đây là nơi cư trú của nhiều tiểu thương, người dân làm việc ở chợ đầu mối Bình Điền, một trong những ổ dịch Covid-19 phức tạp nhất của thành phố giữa cơn sóng thần Delta năm 2021 vừa qua. Có thời điểm Phước Lộc có hơn 60 hộ dân cùng mắc Covid-19.

Dừng lại bên đường hỏi nhà bác sĩ Nhẫn, một chị mua ve chai, một chị bán tạp hóa, một anh công an đang dừng lại mua nước… cùng dừng việc lại nhìn tôi. Ánh mắt họ rất lạ. Chị ve chai nhanh nhẹn chỉ lối.

Tôi chạy xe chậm theo hướng chị chỉ một lúc, anh công an ban nãy theo kịp, tận tình đưa đến tận hẻm, không quên dặn: “Cần gì chị cứ hỏi người dân, ở đây ai cũng biết bác sĩ Nhẫn”… Cứ như thế, những người dân Phước Lộc hiền hòa đưa tôi đến tận cổng nhà ông, dẫu trên sổ tay, tôi có chút lầm lẫn khi ghi địa chỉ.

“Cô sợ lắm. Sao mà không sợ được hả con? Ổng lớn tuổi rồi, mang nhiều bệnh nền. Nhưng mà ổng nói: “Bà để tui đi đi. Tui nghỉ thì ai làm. “Mấy đứa nhỏ” ở trạm không lo nổi đâu! Anh em ủy ban, mọi lực lượng người ta cũng xông vào… Không thể nào mà tui bỏ bà con được, tui phải ráng làm để đem màu xanh về cho Phước Lộc, cho thành phố”…” - bà Thân Ngọc Hương, vợ của bác sĩ Nhẫn, kể lại rồi bật khóc trong tay tôi.

Cách đó 2 mét, trên bàn thờ, bác sĩ Nhẫn nhìn chúng tôi hiền từ. Trong di ảnh, ông vẫn mỉm cười. Một nụ cười cho tôi cảm giác ấm áp khi tôi đến xin phép: “Bác cho con viết về bác nghen!”. Một nụ cười nguyên vẹn trong những bức ảnh được đồng nghiệp chụp khi ông làm việc, mà bà Hương giữ trong điện thoại như báu vật.

Vậy là bác sĩ Nhẫn đi. “Đầu đợt bùng  phát dịch, khi mọi người vẫn còn e sợ thì bác sĩ Nhẫn không hề ngại ngần xông ra tuyến đầu. Ông xách ba lô ở lại trạm nhiều tuần liền, bất kể khuya sớm. Có những đêm xã có tới 10 F0 cần được đưa đi, ông cùng đồng đội đi xuyên đêm” - anh Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè và là Chủ tịch UBND xã Phước Lộc đến hết những ngày cao điểm dịch Covid-19 năm 2021, hồi tưởng.

Giữa thành phố phong tỏa, các lực lượng chức năng, lực lượng địa phương cũng lao vào cuộc chiến cùng đội ngũ y tế. Lãnh đạo các phường, xã kiêm luôn vị trí đứng đầu ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của phường, xã đó. Anh Trung thành đồng đội của bác sĩ Nhẫn, chứng kiến ông lăn xả theo cuộc chiến, không ngại mình tuổi cao, bất chấp sức khỏe không còn tốt, mang nhiều bệnh nền và vẫn chưa chích đủ vắc-xin…

“Trong quá trình đi chống dịch khổ cực đó thì chắc chắn có ảnh hưởng sức khỏe nhưng bác không ngại, không nản. Tôi nhớ mãi cái ngày bác Nhẫn thành F0, có nhiều bệnh nền nên nặng, từ bệnh viện dã chiến phải chuyển tới Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Sợ gọi hỏi thăm nhiều quá thì bác mệt, nên nhiều lúc lo lắng tụi tôi cứ nhìn Zalo của bác, thấy Zalo còn online thì chắc là còn khỏe. Nhưng rồi có bữa 3 ngày liên tục thấy bác off, hỏi lên tới bệnh viện thì bệnh viện nói bác trở nặng rồi….” - anh Trung ngậm ngùi nhớ về những ngày tháng 8-2021 buồn thương đó.

Anh nói thêm: “Không phải chỉ đợt đó mà từ ngày xưa đã vậy. Cái ngày xưa đó, nhiều năm trước,  đi ghe không à, không có đi xe được như bây giờ, chỉ đi xe đạp tới bến đò rồi mượn ghe của người dân. Bà con Phước Lộc là ông ấy chăm sóc hết, nên bà con thương lắm!”.

Trọn nghiệp

Cuộc gọi cuối cùng của bác sĩ Nhẫn từ Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM ra thế giới bên ngoài là cuộc gọi Zalo đến anh Nguyễn Võ Quốc Cao, Bí thư Đảng ủy xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, nguyên là Bí thư xã Phước Lộc những ngày sóng gió đó. “Bác vẫn hỏi về tình hình dịch bệnh, tình hình bà con như mọi khi” - anh Quốc Cao nhớ lại.

Anh Quốc Cao cho hay ngoài gia đình, bác sĩ Nhẫn thường xuyên gọi Zalo cho anh và nhiều đồng đội, trong những ngày ông nằm ở Bệnh viện Dã chiến số 6 lẫn Bệnh viện Hồi sức Covid-19.

Chưa bao giờ ông cho mình một ngày nghỉ ngơi, chưa bao giờ ông thôi khắc khoải về Phước Lộc oằn mình trong cơn sóng thần Delta. “Có những lúc bác đang thở oxy, nghe giọng qua điện thoại tiếng được tiếng mất, vẫn cố gắng hỏi cặn kẽ tình hình vì lo cho bà con. Tôi nhiều lần khuyên bác nghỉ ngơi đi, mai mốt khỏe rồi lại về với bà con… Chiều 30-7-2021 đó là ngày tôi thấy bác tươi tỉnh nhất từ ngày nằm hồi sức. Tôi đã rất mừng, rất hy vọng. Nhưng đâu có ngờ…” - giọng anh nghẹn lại.

Kết thúc cuộc trò chuyện với anh Quốc Cao vài phút, máy tôi lại báo tin nhắn. Anh Cao nói có đôi lời anh muốn nói thêm, phải nói thêm: “Bác sĩ Nhẫn là một Đảng viên kiên trung, một bác sĩ giàu y đức và trách nhiệm, một công dân gương mẫu”.

Chuyện không may diễn ra vào những ngày đầu tháng 7-2021, bác sĩ Nhẫn tạm có vài ngày nghỉ ngơi ngắn ngủi về bên gia đình. Bà Thân Ngọc Hương không thể quên được cái đêm bà nằm nghe tiếng ông ho. Những ngày đó ông đã rất mệt sau một thời gian dài làm việc kiệt sức. Ngỡ là cơn ho thường của người cao tuổi, thấy mình còn đi được, đến hôm sau bác sĩ Nhẫn vẫn khoác lên bộ PPE (đồ bảo hộ), tiếp tục chiến đấu.

Ai ngờ đến lượt bà Hương cũng xuất hiện triệu chứng. Cả nhà thành bệnh nhân Covid-19, được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến số 6, được cải tạo từ một chung cư. Cả nhà khá đông được ở chung trong một căn hộ chung cư. Bà Hương không bao giờ biết đó là những ngày cuối cùng bà còn được ở gần chồng.

“Có hôm ổng chỉ: chân tui phù rồi nè. Nhưng có cuộc gọi của bà con hỏi bệnh, ổng vẫn cố bắt máy, tận tình chỉ dẫn, chỉ mong giúp thêm ai được thì cố giúp” - bà Hương xúc động.

Một sáng, bà gọi không thấy ông dậy nữa. Ông được chuyển đến Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ngày 28-7-2021, bà Hương cùng các thành viên gia đình còn lại được Bệnh viện Dã chiến số 6 cho xuất viện. Nhưng niềm vui chưa tày gang, đến chiều 30-7-2021, sau khi trò chuyện cùng bà rồi cùng Bí thư Cao, không ai gọi được bác sĩ Nhẫn nữa… Những tiếng chuông điện thoại của bà Hương, anh Cao, anh Trung, các đồng nghiệp ở trạm y tế… rơi vào hư không.

Tin nhắn từ Bệnh viện Hồi sức Covid-19 những ngày sau đó cho biết: “bệnh nhân đang nguy kịch, thở máy xâm lấn”. Đến ngày 4-8-2021, ông qua đời, chỉ 1 tuần trước sinh nhật tuổi 60, chỉ 3 tháng trước ngày ông về hưu sau 40 năm phục vụ nhân dân trong màu blouse trắng cao quý…

Vòng tay Phước Lộc

Bà Hương không thể tin được ông đã đi. Bà đau đớn vô ngần, xóa hết cả kho hình kỷ niệm trong điện thoại vào phút giây đầy hoang mang, hụt hẫng đó.

Để rồi những người em, người con ở Phước Lộc, những người từ lâu đã trân quý bác sĩ Nhẫn như anh mình, như cha chú, cùng cố gắng nâng bà dậy. Họ gửi ngược lại Zalo bà những tấm hình, từ những buổi sáng sớm bác sĩ Nhẫn cặm cụi cầm chổi cau quét sân trạm y tế, hình ảnh ông đi ghe lặn lội đến giúp bà con ở những nơi hẻo lánh nhất, hình ông đội nắng, đội mưa đi chống dịch…

Và cả những hình ảnh kỷ niệm đầy ấm áp của đôi vợ chồng mà bạn bè đã chụp lại và lưu giữ giùm. Bà Hương trong ảnh trước dịch và người phụ nữ trước mặt tôi như cách nhau rất nhiều tuổi, cho tôi hiểu được lúc sinh thời, ông đã chăm sóc bà như thế nào. Để tôi hiểu rằng ông bất chấp nguy hiểm để đi và bà cũng chấp nhận ông đi, đã là một hy sinh to lớn.

Những ngày bác sĩ Nhẫn hấp hối tại phòng hồi sức, gia đình khắc khoải mong chờ ở nhà, thỉnh thoảng họ lại thấy trước cửa một nồi canh chua, một bọc đồ ăn. Bà con như muốn thay bác sĩ Nhẫn chăm sóc gia đình ông, như cách ông đã chăm sóc họ năm xưa. Sau này, thành phố thôi phong tỏa, người dân đến thăm ông nhiều. Có chị bán rau nhất thiết tặng cho bà Hương một bó rau, nói “cô ơi, cho con cúng bác”…

“Hồi xưa, nửa đêm người ta đến gõ cửa, ổng cũng bật dậy, chỉ lấy tiền thuốc, không lấy tiền khám. Hơn 300 đứa nhỏ ở Phước Lộc này là do ổng đỡ cho ra đời…” - những kỷ niệm từ ngày đầu theo ông về Phước Lộc, thuở Nhà Bè có nơi bùn ngập ngang lưng, ùa về trong ký ức bà Hương.

“Giờ bình tâm lại, cô biết dù gì ổng cũng sẽ đi”

27-2-2022, ngày Thầy thuốc Việt Nam, bà Thân Ngọc Hương nhận được lời mời đến dự lễ kỷ niệm của thành phố, là buổi lễ mà bác sĩ Nhẫn được truy tặng Huân chương Lao động hạng Ba tôi đã nhắc đến đầu bài viết. Chúng tôi cùng đến sớm, cùng gặp lại nhau.

Một lần nữa, mắt bà rớm lệ, nhưng cũng đã ánh lên niềm tự hào và sự kiên cường khi nói về chồng mình: “Bây giờ bình tâm lại, cô biết dù gì ổng cũng sẽ đi con ạ. Ổng có về hưu rồi thì cũng sẽ trở lại chiến tuyến, tính bác là vậy đó, bệnh nhân cần là sẽ đi”.

Sáng hôm đó, bà dậy rất sớm ra thăm chồng. Người bác sĩ kính yêu của dân Phước Lộc, trở về trong hũ cốt như bao bệnh nhân Covid-19 khác, nhưng bà và thân nhân, bạn bè vẫn xây cho ông phần mộ trên mảnh đất ông đã dành trọn tình yêu và cuộc đời, đã xanh tươi trở lại như nguyện ước ngày ông xông pha vào chiến trường Covid-19. Bà báo cho ông biết hôm nay, mọi người nhớ tới ông. Đã hơn nửa năm kể từ ngày ông nằm xuống cho màu xanh Phước Lộc.

Trong ống kính hướng lên sân khấu vào lúc bà Hương thay chồng lên đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba được Chủ tịch nước truy tặng, tôi thấy một giọt nước mắt lóng lánh trong mắt bà khi nhận tấm bằng khen từ tay Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, khi ông đặt tay lên vai bà và người thân của điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng động viên ngay trên sân khấu, khi cả hội trường lặng im, có người đưa tay quệt nước mắt…

Giữa hội trường đông người sau đó, tôi kịp nhìn thấy người phụ nữ ấy ra về với tấm bằng khen và bó hoa ôm chặt trên ngực. Trong mắt bà, là nhớ thương nhưng cũng là ánh sáng, là tự hào.

Ảnh minh họa:

Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn khám bệnh cho trẻ em trước đợt dịch

Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn (thứ tư từ phải qua) trong những ngày xông pha tuyến đầu

Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn (bìa phải) đi ghe đến nhà dân để khám chữa bệnh cho dân (Ảnh do gia đình cung cấp)

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm
Nợ sách đèn
Ngày ấy, chúng tôi từ khi đầu tiên mới tập tễnh cặp sách vào lớp 1 bậc tiểu học đến khi tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, thế hệ học trò chúng tôi trải qua khá nhiều kỳ thi qui định. Học trò có thi đỗ mới được lên lớp.
Xem thêm
Thương một nhà văn cao tuổi
Nghe tin một nhà văn cao tuổi (85 tuổi) là Hội viên Hội Nhà văn TPHCM, cũng là người tôi quý mến bị bệnh ung thư và khó qua khỏi trong thời gian tới. Tôi lật đật chạy đến thăm ông dưới cái nắng hè oi bức.
Xem thêm
Chất lính - Bút ký của Lê Thanh Huệ
Nguồn: Báo Văn nghệ - Hội Nhà Văn Việt Nam số 3262 – 3263.
Xem thêm
Beijing lá phong vàng (8) – Tùy văn Nguyễn Linh Khiếu
Kẻ yếu thua từng trận nhưng thắng toàn cuộc. Kẻ mạnh thắng từng trận nhưng thua toàn cuộc. Chủ thuyết Tàu là Salami.
Xem thêm
Cha tôi: Một ngón đàn tài tử đậm hồn thơ – Tạp bút Tương Như
Trong suốt cuộc đời, đôi khi phải chịu đựng cảnh mưa gió chìm nổi, tôi vẫn thường tự nghĩ mình là có lẽ là nơi hội tụ cơ duyên giữa ba dòng sông nghệ thuật: mỹ thuật, thi ca và âm nhạc.
Xem thêm
Duyên đá - Bút ký của Minh Đan
Mỗi ngày, mặt trời phía xa xa chưa kịp lấp ló, đã thấy ba tôi cần mẫn xách những xô nước mát trong trĩu nặng đôi bờ vai xương xẩu tưới lên những tia sống khỏe, mớm yêu cho từng khóm cây, chậu cảnh vườn nhà.
Xem thêm
Sức quyến rũ của sự chân thành
16 giờ ngày 14.4.2024, Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức buổi gặp gỡ giao lưu giữa tác giả - Tiến sĩ Lê Kiên Thành (con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn)
Xem thêm