TIN TỨC
  • Truyện
  • Hương trầm - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ

Hương trầm - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2025-05-03 09:23:31
mail facebook google pos stwis
144 lượt xem

LÊ THANH HUỆ

Cận kề cái chết, con người ta hoặc hoảng loạn, hoặc tỉnh táo lạ kỳ, tính toán cực nhanh và chính xác để dành lấy sự sống cho mình.

Bà Giang nghe bác sỹ nói: không phải viêm họng hạt mạn tính, bà bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối. Ngay lúc đó, hình ảnh con trai một của bà hiện ra trong tâm trạng dửng dưng: không giận hờn, hết muốn trừng phạt con. Bà nghĩ ngay đến việc báo tin cho con từ Mỹ về thừa kế nhà cửa, chút của cải bà gom để dưỡng già… trước khi ra đi mãi mãi.

Việt mất cha từ bé. Cô giáo Giang ở vậy nuôi con giữa xóm Trại bao quanh bởi núi đồi xanh mướt, hòa vào bầu trời xanh thẳm. Nơi đây có ngôi trường cho các bé người Dao, người Mường và người Kinh đến khai hoang cùng học. Những ánh mắt, những va chạm có vẻ vô tình; những lời tỏ tình và cả những người đàn ông muốn lấy bà, hứa hẹn coi Việt như con đẻ đã bị chặn lại khi Việt quanh quẩn chân mẹ, không cho họ tiến tới. Gian khổ lắm, nhưng nghĩ đến con không muốn mẹ đi bước nữa, Giang đã từ chối bao tấm lòng giữa tuổi thanh xuân căng đầy nhựa sống, khát khao bờ vai đàn ông trong những đêm trường lạnh giá, gió mưa…

Việt ngoan, học giỏi. Nghỉ hè năm lớp một, Việt đã theo bạn vào rừng lấy củi. Phơi lưng cùng bạn kéo gàu sòng tát nước bắt cá…. Lam lũ để chia bớt gian truân của mẹ. Sống ở vùng đa văn hoá với nhiều ngôn ngữ và Tiếng Việt được dùng để giao lưu thì Tiếng Việt ở đây phải rành mạch, công bằng mới được chấp nhận.

Việt vào đại học, cô giáo Giang một mình, một bóng trong căn nhà ven đồi, bà gom góp sức tàn sau giờ lên lớp chăm chút đám rẫy, nuôi gà, nuôi heo dành tiền cho con ăn học. Việt học giỏi, được nhận học bổng du học ở Mỹ. Bà không ngăn nổi con ra nước ngoài. Đó là lần đầu tiên, con không vâng lời mẹ làm bà bị hụt hẫng.

Ở đất người, Việt tự xoay xở để tồn tại và học. Tốt nghiệp đại học, anh ở lại làm việc cho một công ty đa quốc gia; tiếp tục học lên bậc thạc sỹ rồi tiến sỹ.

Việt cưới vợ. Bà Giang lấy lý do không muốn tiêu tiền con, không dự đám cưới. Chẳng có ai là bà con đằng trai ở bên đó. Nghe đâu chỉ đi nhà thờ làm lễ, không có dạm hỏi, rước dâu, đám cưới rình rang như bên mình. Qua đó, còn lẻ loi hơn. Bà Giang tự bao biện để che giấu lý do thật ngại tiếp xúc thông gia là người Mỹ da trắng; khác ngôn ngữ…

Bà Giang nhận thông báo về hưu. Bà muốn con đem gia đình về nước. Việt không thể làm theo ý mẹ được. Bà viết thư nói rõ ý định xin nghỉ trước tuổi để lĩnh tiền một lần và bán nhà sang ở với dâu con.

Chưa đầy nửa tháng, bà nhận được thư Việt. Vòng vo đủ thứ khó khăn về hội nhập vào cuộc sống của Mỹ, con dâu mẹ chồng không cùng màu da, ngôn ngữ… Đoạn cuối bức thư Việt đưa phương án thay thế: “…Sau khi bàn bạc, vợ chồng con đồng thuận: không thể đón mẹ đến Mỹ sống chung được. Sẽ bất hiếu nếu không đền bù công sức Mẹ nuôi dưỡng con lúc bé. Chúng con tính toán chi tiết, quy về giá thị trường tại California, tiền công của mẹ vào khoảng 15 000 USD. Do không thể tính hết được các chi phí vô hình, chúng con sẽ nhân gấp đôi, là 30 000 USD. Trước mắt vợ chồng con gửi mẹ 15 000 USD. Số còn lại, vợ chồng con sẽ gửi tiếp. Chúng con sẽ trả đủ...

Các thư gửi cho con, mẹ cứ lặp lại những chuyện gian khổ, chịu đựng, hy sinh để nuôi con khôn lớn. Đến mức, vợ con đã thốt lên: Cả thế giới này, người mẹ nào cũng đều làm như thế, nhưng không bao giờ nói về những việc đó. Vợ chồng con muốn Mẹ dừng kể lể; tốt nhất là chỉ viết thư khi có nhu cầu gia đình con trợ giúp.

Yêu Mẹ!

Nguyễn Việt

Bà Giang sụp xuống. Bà vùng ngay dậy, viết những dòng rủa xã; nhưng có câu từ nào đủ để diễn tả sự tổn thương của bà…. Chẳng có gì để viết cho nó, vì nó không phải là con bà, chẳng thà không có nó còn hơn. Biết vậy hồi đó, bà đi bước nữa, có thêm đứa khác, dù đui què, mẻ sứt cũng còn hơn chỉ có con một ….

Để cho cảm giác bị phản bội, thất vọng, đau khổ, giận con, giận mình không nuôi dạy con sống có hiếu… thay nhau nhảy múa trong đầu; đến sáng hôm sau, bà nghĩ được cách đáp trả tương xứng. Bà đến bưu điện gửi trả 15 000 USD cho con với suy nghĩ rực lên trong đầu: thà chết mục xương ở đây, quyết không cho mày chịu tang mẹ, thờ tự cha mày.. Coi như nhà này vô phúc: không có con.

Bà tuyệt giao với con, chấp nhận về hưu, ở lại căn nhà ven đồi, không về quê. Con đẻ còn như thế, mong gì ở họ hàng. Đó là bao biện, bà thừa biết, về quê, trước sau họ hàng cũng biết thằng Việt bất hiếu, nhục lắm.

Ngày lại ngày, bà ngồi cửa nhìn những bông hoa nhỏ, lặng lẽ vượt dốc, men theo những thửa ruộng bậc thang, qua những khe suối mát lạnh, trong xanh về với ngôi trường nhỏ, nằm giữa gió núi mưa ngàn. Những thửa ruộng đổi sắc màu theo tháng trong năm. Giờ không có bóng bà mỗi sáng mai, rảo bước đến trường, cùng các thầy cô đứng đón các em ở cổng trường; những ngày mưa nguồn khiến con suối trở nên hung dữ, ngăn các bé đến trường khiến bà bị lây từ các bạn nhỏ nỗi nhớ trường nôn nao…

Giận hờn cứ trỗi dậy. Nó bắt bà làm việc gì đó để trừng phạt con. Cuối cùng, không thể chịu nổi, bà mang lá thư cho các cô giáo cùng trường đọc. Họ an ủi bà. Họ phẫn nộ ném lá thư lên mạng xã hội. Vài giáo viên người Kinh khuyên bà về quê, đi chùa để được khuây khỏa. Nhìn vào tượng, bà tự hỏi, không có con, Quan thế âm bồ tát có hiểu được tấm lòng người mẹ khi bị đứa con mà bà coi còn hơn “Trời”, “Phật”; bỗng dưng phản bội mẹ của nó. Không có sự phản bội nào ghê gớm bằng sự phản bội của người thân.

Không thể nguôi ngoai khiến chục năm qua, bà già đi như đã từng trải qua nửa thế kỷ. Bà đau ốm liên miên và kết quả là ung thư.

Giờ bà thấy mình giận con quá mức. Bà nhớ lúc ôm thằng Việt vào lòng và nhìn nó ngủ say, bà không bao giờ nghĩ đến ông bà ngoại thằng Việt. Khi về chịu tang mẹ, bà chỉ nghĩ đến con đang gửi cho hàng xóm… Bà thấy việc mình để chuyện xấu của con lên mạng xã hội cũng không nên. Việc bà trả tiền, cắt đứt liên hệ làm mất cơ hội cho con và dâu hối cải. Tiền đó có phần của con dâu chứ có riêng của Việt đâu. Sao lúc đó bà không giữ lại cho vợ chồng nó. Quyết định không đón bà qua, trong thư có nói là đã bàn bạc với vợ nó mà, sao mình lại đổ lên đầu con mình. Dù gì thì nó cũng là con mình, vợ nó là dâu mình và có khi mình đã có cháu…

Thôi thì trời không nghe đất thì đất nghe trời vậy…

Bà viết thư báo cho con biết bệnh ung thư của bà đã ở giai đoạn cuối. Bà muốn cả nhà Việt về gấp để Bà giao lại nhà cửa, tiền bạc… cho con.

***

Chiếc taxi màu xanh đổ xịch trước ngõ. Linh cảm con trai về làm bà Giang quên đau đớn, bật dậy ra cửa đón. Cô bé tóc vàng chui ra khỏi cửa xe. Cháu Bà – con tim bảo thế. Không thấy thằng Việt.

Anh tài xế mở cốp xe khuân chiếc va li to quá khổ. Cô bé kéo theo chiếc va ly nhỏ, dừng lại hỏi bằng giọng lơ lớ, pha lẫn ngọng nghịu:

- Có phải “đó là” bà nội Giang không?

- Đúng! – Bà Giang ào tới.

- Cháu là Nam, con của ba Việt… về thăm bà…

- Cha con đâu? - bà lắp bắp, mắt nhìn chăm chăm vào khuôn mặt cháu. Đúng là khuôn mặt thằng Việt lúc còn bé, chỉ khác màu tóc hoe vàng và đôi mắt tròn to – Đúng là cháu nội của bà rồi!

Con bé nhào tới ôm bà. Dòng điện sinh học chạy vào người bà Giang, ngay lập tức gắn kết cô bé với bà đến mức bà có cảm giác đã tự tay chăm bẵm, nuôi nấng nó lớn bằng này. Bà ứa nước mắt, chẳng có hạnh phúc nào bằng…

Bé Nam rời vòng tay Nội, nhìn thẳng vào mắt bà, giao hẹn: - Cháu nói sai, bà phải sửa lại để Tiếng Việt của cháu tốt hơn. Nếu đồng ý, bà gật đầu, hoặc nói “OK”. Nếu không đồng ý, bà nói rất, rất chậm cho cháu hiểu “tại sao không (đồng ý)”.

Bà Giang gật đầu lia lịa: “Bà đồng ý hết!”

- Làm thế là không tốt. Người Mỹ nói ở Việt Nam có câu “Cháu hư tại bà” là chỉ trích bố mẹ của bố mẹ không dạy dỗ con cái đúng cách do sợ mất lòng em bé...

- Gọi là “ông bà” – bà Giang mếu máo chỉnh lại.

- Cả nhà đã nghiên cứu văn hóa Việt Nam rất nhiều. Đầu tiên, bà phải dẫn cháu đến siêu thị mua một bó làm từ gỗ có tẩm bột làm từ vỏ cây trầm để cháu đốt cháy một số cây bằng số ảnh trên một cái tủ tưởng niệm có ảnh những người trong nhà đã mất, sau đó cháu sẽ nói nho nhỏ và phải tin rằng mình đang tự giới thiệu với họ, tiếp đến là cắm các cây gỗ đang cháy vào các lọ sứ có đựng cát ở trên tủ tưởng niệm …

Bà Giang gật đầu bảo:

- Đúng rồi, gọi là thắp hương lên bàn thờ gia tiên. Có hương đây rồi, để bà làm mẫu, cháu làm theo nhé.

Bà Giang đốt hai cây nhang, đưa cho Nam một cây, bà vái và lầm rầm khấn, bé Nam nhìn. Mùi trầm làm dịu căng thẳng, lo lắng khiến cô bé thích thú vì tính an thần của khói nhang. Nó khiến ánh nhìn từ khuôn mặt “nghiêm nghị trong quân phục Việt cộng, không phù hợp với gương mặt trẻ trung có nhiều chỉ dấu rất quen thuộc” của ông nội trở nên thân thiện. Bức ảnh làm bé Nam liên tưởng đến bức ảnh bố của mẹ (ông ngoại) với khuôn mặt trìu mến đang cùng đồng đội ôm súng, say sưa nhìn những bé trai tắm trần truồng ven bờ sông của làng quê rất nhiều ngôi nhà lá ẩn trong vườn cây, chẳng có không khí chiến tranh, chết chóc...  Một cảm giác lạ lùng trào dâng, như là khát khao đã ngủ vùi trong tâm thức sống dậy; làm bé cảm thấy chẳng còn khó khăn, chẳng cần chuẩn bị để hòa nhập...

Bà Giang đón cây hương trên tay bé Nam cắm vào bát hương. Bà hỏi cháu đã ăn trưa chưa.

- Ăn phở ở sân bay; không hợp khẩu vị, nhiều muối, không tốt.

- Gọi là “không ngon”. Để bà nấu cơm cho cháu của bà ăn nhé!

Nam lắc đầu: “Làm xong việc rồi mới được ăn”.

– Thế thì cháu kể về ba Việt, mẹ, cả nhà cho bà nghe đi.

Nam ngồi vào lòng bà, cố lấy giọng nghiêm trang:

- Đầu tiên, chúng ta phải thống nhất với nhau vấn đề hỗ trợ. Theo gia đình cháu biết, người Việt giúp đỡ con cháu quá mức cần thiết để khi chúng lớn lên sẽ phục vụ lại bố mẹ vô điều kiện, gọi là “hiếu nghĩa”. Đáng lẽ phải làm ngược lại để tăng “độc lập” cho con cháu thì người Việt muốn được kéo dài sự phục vụ cho đến khi đã về thế giới bên kia. Bằng chứng là luôn dạy trẻ con tưởng nhớ công ơn cha mẹ, ông bà đã chết theo cách có sự vụ lợi, tìm mọi cách làm cho trẻ con lầm tưởng ông bà sau khi chết vẫn theo hỗ trợ với điều kiện con cháu phải tưởng nhớ đến họ. Bà không được cười mà nói “OK” hoặc nói rõ “tại sao không”…

Bà Giang cố lấy lại vẻ nghiêm trang nhưng khuôn mặt bà cười âu yếm. Đúng là cha nào con nấy. Cha nó cử nó về đây để thay đổi định kiến của bà hòng lấp liếm tội bất hiếu. Nhưng sao bà nghe những lý lẽ ngồ ngộ của cháu có vẻ như có lý, nó làm cho bà thương cháu hơn. Bà ngắt lời bé Nam:

- Chỉ cần đẻ cho Bà một mụn cháu, cha mẹ của bé Nam sẽ được bà coi là có công và rất… có hiếu. Được không nào.

 Bé Nam nhoẻn cười:

- Bà đã đồng ý thì không được thay đổi nếu không được cháu đồng ý cho thay đổi. Cháu đưa cho Bà kịch bản đầu tiên được cả nhà đồng thuận. Cháu biết người Việt Nam rất thích tiền, nhưng nếu thảo luận không đúng cách, họ sẽ tự cho mình bị xúc phạm và không muốn nhận tiền. Nhưng nếu từ miệng các em bé nói ra thì ông bà sẽ chấp nhận thảo luận minh bạch. Do đó, cháu nhắc lại: mẹ đã gửi cho bà mười lăm ngàn đô la Mỹ. Bà đã gửi trả lại. Số tiền đó cùng với mười lăm ngàn đô la được gửi vào ngân hàng đủ để mua vé máy bay hạng Vip, tiền chữa bệnh cho bà tại bang Califonia. Giả sử chi phí cao hơn, cả nhà lên mạng xã hội nói về hoàn cảnh của bà, bà sẽ được nhiều người cho tiền để chữa bệnh; hoặc tìm phương án khác. Tại sao phải đưa ra nhiều phương án như vậy; là vì chi phí chữa bệnh được tính chính xác khi bác sỹ khám, thảo luận, cho ra phác đồ điều trị được bà đồng ý…

Bà Giang lắc đầu, cắt lời cháu. Bà nói bệnh ung thư của bà đang ở giai đoạn cuối, không thể chữa khỏi được. Bà dùng tiêu chuẩn bảo hiểm y tế của người về hưu chữa bệnh, dành tiền cho cháu Nam của bà. Bà nhất quyết không đi Mỹ, tốn kém lại không giải quyết được gì. Chỉ mong ba mẹ cháu về chịu tang và cháu gái của bà đồng ý nhận quyền thừa kế tài sản bà để lại.

Bé Nam cương quyết:

- Bà quyết định không đi thì phải chấp nhận kịch bản thứ hai: gia đình cháu sẽ ở lại chăm sóc bà cho đến khi bà qua đời và cháu tiếp tục ở lại để thắp hương cho cả ông và bà ở trên bàn thờ gia tiên đến ngày kỷ niệm một năm bà mất...

Bà Giang ôm cháu vào lòng, nghẹn ngào:

- Sau khi bà … “chết”, cháu không thể ở lại đây một mình được. Ba Việt, và mẹ của cháu phải về lo … tang lễ; làm thủ tục để cháu của bà nhận thừa kế. Ba Việt mới là người có quyền cao nhất, quyết định mọi việc…

- Không thể làm như thế được – Nam ngắt lời Bà – ba Việt đã chết vì ung thư từ khi cháu chưa được sinh ra…

- Trời! – Bà Giang khuỵu xuống.

Nam vội đỡ lấy bà Nội. Bà Giang thấy ruột mình đứt từng khúc, nó còn hơn cả lúc bà nhận thư từ chối của con. Mẹ có tội với con, Việt ơi, chục năm nay mẹ làm con đau lòng nơi chín suối. Mẹ có tội với dâu, với cháu… Sao lúc đó mẹ không mở lòng ra để nghĩ cho con, dâu, cháu của mẹ… Đành rằng, mẹ chưa một lần dạy con che giấu sự thật bằng bất cứ lý do gì cũng đem đến hậu quả; nhưng con ở trên đất Mỹ, con phải hiểu vì chính phủ Mỹ che giấu sự thật mà ba con thành liệt sỹ, hàng triệu người mẹ Việt Nam, hàng vạn người mẹ Mỹ đã mất con… Việt ơi! sao con dại dột thế …

Bé Nam vực được bà ngồi dựa vào ghế. Cô bé lấy nước cho bà uống, thủ thỉ: “Bà phải bình tĩnh. Việc gì cũng có cách giải quyết cả…”

Bé Nam mở va li lấy ra một chiếc hộp, cẩn thận mở nắp hộp. Khuôn mặt Việt hiện ra trong khung ảnh, xanh xao, ánh mắt nhìn mẹ trìu mến. Bé đặt tấm ảnh lên bàn thờ.

Như bị hút theo, Bà Giang vịn ghế đứng lên, Nam quay lại dìu bà nội đến bên bàn thờ, tự cô bé lấy 2 cây nhang, châm vào đèn. Nước mắt lăn trên khuôn mặt nhàu nát vì đau khổ và lan sang khuôn mặt thơ ngây. Nhang bắt lửa trong tiếng khấn lầm rầm bằng hai thứ tiếng của hai bà cháu quyện vào nhau giữa không gian tỉnh lặng...

Đứng sau cánh cửa, Chị Nguyễn có cảm giác con gái mình sinh ra và lớn lên trên đất Việt Nam, trong vòng tay bà nội. Nước mắt ứa ra xua tan lo lắng, chị cảm thấy chẳng còn trở ngại nào nếu chị cùng con gái ở lại đây chăm sóc mẹ chồng trong những ngày còn lại./.

Sài Gòn tháng tư năm 2025

LTH

Nguồn: Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam số 35 tháng 4 năm 2025.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Biển bỗng khóc òa - Truyện ngắn Nguyễn Đức Hạnh
Biển bỗng khóc òa – truyện ngắn của Nguyễn Đức Hạnh không chỉ là một lát cắt đời sống làng chài ven biển, mà còn là tiếng vọng sâu xa của nỗi niềm con người trước sự đổi thay của thiên nhiên, của lòng người.
Xem thêm
Người tình mã hóa – Truyện ngắn Mai Văn Phấn
Lập nhận bưu kiện vào chiều hôm qua, khi nắng cuối ngày đổ xuống hành lang một màu vàng úa. Anh đặt chiếc hộp xuống sàn, hơi thở dồn dập. Lát sau, anh cẩn thận mở hộp, nhưng ngay khi nhìn thấy dòng chữ in nghiêng trên nắp hộp, toàn thân anh như đông cứng: “Hãy đánh thức em! Tĩnh Lam”.
Xem thêm
Góc khuất cuộc chiến - truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Rút từ tập truyện ngắn “Giải Nobel thứ bảy”
Xem thêm
Thuyền nhân (The boatman) - Truyện ngắn của Bùi Khánh Nguyên
Kevin tua đi tua lại đoạn video về bài diễn thuyết của chàng sinh viên tên Khanh trên giảng đường đại học Mỹ. Mỗi lần tay bấm nút dừng, Kevin lại thốt lên bực dọc.
Xem thêm
Xóm thốt nốt - Truyện ngắn của Lệ Hồng
Truyện đăng báo Nghệ An số ngày 9-3-2025
Xem thêm
Tình muộn – Truyện ngắn Võ Đào Phương Trâm
Huân bước chân vào ngôi nhà, ngôi nhà đã 15 năm anh vắng mặt vì thi hành án phạt tù cho tội danh buôn lậu. 15 năm Huân trở về, ngôi nhà vẫn vậy, không gian vẫn không có gì thay đổi, chỉ là cũ kỹ hơn bởi những mảng tường phủ rêu xanh, dưới chân tường hoen ố một lớp màu quằng quện.
Xem thêm
Nỗi buồn sương khói – Truyện ngắn của Cao Chiến
Nhà văn Cao Chiến, Phó chủ tịch Hội đồng Văn xuôi, Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
Xem thêm
Thầm lặng một đời người – Truyện ngắn của Hồng Chiến
Già làng buôn Thi sống hơn tám chục mùa rẫy, tóc trắng như mây buổi sáng trên đỉnh Chư Yang Sin (1) mùa khô, da mặt nhiều nếp nhăn nhưng không giấu được khuôn mặt phúc hậu; ngồi như hóa đá, lưng tựa cột nhà.
Xem thêm
Mùa hoa về trên núi
Đêm nay gã lại say. Say là gã chửi. Đầu tiên, gã chửi vợ. Gã chửi vợ là con đàn bà không biết đẻ, đẻ đến lần thứ ba mà vẫn chỉ ra toàn con gái. Gã muốn vợ đẻ cho gã một đứa con trai để sau này khi gã chết đi còn có đứa cúng ma, nhưng vợ gã đã kiên quyết, nếu cứ bắt đẻ nữa nó sẽ ăn lá ngón mà chết. Đương nhiên gã sợ vợ chết, nếu nó chết thì sẽ không có người đi nương, trồng lúa để đổi lấy rượu cho gã uống. Mà không có rượu để uống thì gã bứt rứt, khó chịu trong người lắm. Mà con vợ, gã có chửi thế nào nó vẫn cứ nằm mà ngủ được chứ, nó ôm đứa con gái út quay lưng vào tường, mặc gã ở gian ngoài cứ chửi.
Xem thêm
Nặng một chữ thương - Truyện ngắn của Minh Phong
Truyện đăng Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số Xuân Ất Tỵ 2025
Xem thêm
Người cha thầm lặng - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Bài đăng báo Văn nghệ - Hội Nhà Văn Việt Nam số 3382
Xem thêm
Chính ủy và tôi - Truyện ngắn của Phạm Minh Mẫn
Tôi gặp Chính uỷ trong những năm tháng hào hùng thật khó quên. Dạo đó quân đi như nước chảy vào các chiến trường. Những bài hành khúc hát tưởng mòn vẹt đi từng nốt nhạc
Xem thêm
Về quê - Truyện ngắn của Lê Thanh Huệ
Ông Ban trằn trọc. Không thể nằm mãi, ông bật dậy, sờ soạng bấm công tắc.
Xem thêm
Khúc biệt ly màu tím - Truyện ngắn của Trầm Hương
Có một cái gì đó không giải thích được cho một chuyến đi. Vì công việc, vì được mời mọc, ham vui, vì một sức mạnh vô hình vẫy gọi…
Xem thêm