- Bút ký - Tạp văn
- Gặp lại nữ biệt động thành trên đất Cố Đô
Gặp lại nữ biệt động thành trên đất Cố Đô
LÊ HÀ - QUỲNH ANH
1.
Tôi tìm về nhà bà Nguyễn Thị Lài vào một chiều nắng loang vàng con ngõ nhỏ. Đã 10 năm, sau lần gặp nữ biệt động thành kiên trung, gan dạ trong những năm chống Mỹ, được phong Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân khi vừa 26 tuổi, ngôi nhà có nhiều đổi thay, xây dựng lại khang trang. Nhưng cảm giác thật thân thuộc, bởi hình ảnh cánh cổng chỉ khép hờ. Tôi nhớ những lời đôn hậu mà bà Lài từng bộc bạch, rằng bà con lối xóm thường ghé chơi, uống trà, nên mỗi lúc có việc đi đâu, nhà không khóa cổng. Bàn ghế bên hiên nhà lúc nào cũng có phích nước nóng, bộ ấm chén sạch sẽ tinh tươm, cùng hộp mứt gừng.
Anh hùng LLVT Nguyễn Thị Lài.
Nắng phủ đầy sân, loang trên những chậu mai vàng. Mùa thu, nhưng cây mai vàng trước sân vẫn có vài nụ hé nở trong ngọn gió ngược mùa. Hoa vàng ươm, tiệp trong màu nắng. Hương thơm thoang thoảng đậu trong ngọn gió đang kéo mấy chiếc lá xám màu đất chạy lạo xạo quanh sân. Cảm giác thật an lành. Tôi tự rót nước pha trà, nhâm nhi lát mứt gừng thơm ngọt.
Tiếng kéo cổng lách cách, cái dáng người nhỏ bé bước qua sân. Sau vành nón nghiêng nghiêng, khuôn mặt sạm nắng đã đầy thêm vết thời gian. Nhưng thời gian chẳng thể làm đổi thay sự cương nghị và tràn đầy ấm áp trong ánh mắt và nụ cười của người phụ nữ ấy. Khi thấy tách trà khách đang uống dỡ, hộp mứt đã được mở ra, bà Lành cười hiền: “Cứ tự nhiên như ở nhà nhé”. Nụ cười hiền khô của người phụ nữ Huế đã trải qua bao thăng trầm của thời cuộc.
Bà Nguyễn Thị Lài sinh năm 1950 tại xã Mỹ Thủy (nay là phường Thủy Phương), thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, trong gia đình có truyền thống cách mạng. Ngay từ nhỏ đã chứng kiến cảnh giặc bắt bớ, đánh đập, giết chóc dân làng, đốt nhà cửa, phá làng phá xóm, lòng căm thù giặc cứ thế như mạch nước ngầm len lõi trong lòng cô bé Lài, ngày càng sôi sục. Hơn 10 tuổi, bà Lài đã bắt đầu tham gia cách mạng ở địa phương. Sau đó là những tháng ngày tham gia dân quân, vận động bà con, dân làng đào hầm bí mật nuôi giấu bộ đội, rồi vận động mọi người tham gia phá ấp chiến lược, tham gia du kích địa phương cùng nhân dân diệt ác trừ gian… “Hồi đó nhỏ chút xíu, mà gan lì lắm. Chẳng biết sợ là gì”. Bà Lài nói trong miên man những hoài niệm cũ.
Năm bà Lài 15 tuổi, trước tình hình địch phản công mạnh, ra sức càn quét, bắn phá ác liệt ở nông thôn, dồn dân vào các khu vực sát đồn bốt địch, xóa căn cứ bàn đạp cách mạng ở các xã giáp ranh khiến nhân dân không đi lại làm ăn được, nhiều đồng bào bị thương, nhiều cán bộ hy sinh… Trước tình hình đó, phong trào “tản cư ngược” vào thành phố được Đảng ta thực hiện mạnh mẽ để tập hợp lực lượng, đấu tranh chính trị hợp pháp và ngăn chặn địch đánh phá vào dân, vào các căn cứ của huyện.Theo dòng “tản cư ngược”, bà Lài được tổ chức phân công tiến vào thành phố. Tại thành phố, bà đi ở đợ cho nhiều gia đình như luật sư, cảnh sát ngụy để nắm bắt tình hình, nghe ngóng tin tức.
Mỗi ngày, cô bé Lài khi ấy cố gắng làm xong tất cả các công việc cho nhà chủ, từ nấu ăn, dọn dẹp cửa nhà sạch sẽ tươm tất, đợi khi tối đến bà đi gánh nước thuê, bán bánh mì. Bước chân cô bé Lài hồi ấy nhỏ xíu, nhưng len lõi khắp các ngõ hẻm của thành phố, rải truyền đơn, dán khẩu hiệu, bà được mệnh danh là cô nhóc phá rối trật tự trị an thành phố.
Tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ, nhưng cho đến giờ, bà Lài vẫn nhớ rõ nhất trận đánh bom trong nhà hát Tân Tân. Sau thất bại thảm hại trong chiến dịch đường 9 - Nam Lào (1971), địch tăng cường vây ráp trong thành phố, huênh hoang đây là vùng “đất sạch”, cộng sản không dám bén mảng vào. Bọn lính Hắc Báo, Phượng Hoàng thời điểm đó nổi tiếng là ác ôn nhất, suốt ngày lùng bắt, vây ráp khắp các ngõ hẻm. Để nhân dân tin tưởng cách mạng luôn luôn ở bên cạnh đồng bào, thành ủy quyết định phải thực hiện một trận đánh vang dội, tăng niềm tin trong nhân dân. Đúng lúc này, địch tổ chức cuộc triển lãm Đường 9 - Nam Lào tại rạp Tân Tân để phục vụ cho sỹ quan binh lính và cảnh sát ngụy. Mục đích khoe khoang những thắng lợi giả tạo trong chiến dịch đường 9 - Nam Lào, nhằm vực dậy tinh thần hoảng loạng, rệu rã trong đội ngũ binh lính.
Trước đó, cơ sở từng giao cho bà Lài nhiệm vụ tìm mọi cách lôi kéo Quang - đại úy của ngụy về phía cách mạng. Để hoàn thành nhiệm vụ, bà Lài đóng giả làm người yêu của Quang, tìm cơ hội giác ngộ Quang. Khi biết địch tổ chức triển lãm, Lài tỏ ra thích thú, nói với Quang mình rất muốn được đi xem. Quang liền khoe anh có giấy mời, hẹn Lài ngày giờ cụ thể để đưa cô vào xem triển lãm.
Đúng hẹn, nữ điệp báo thướt tha trong tà áo dài trắng, tóc thề xanh mướt xõa ngang vai, xách theo giỏ trái cây, tay trong tay cùng đại úy Quang vào rạp hát. “Quả bom đã được hẹn giờ sẵn, giấu trong giỏ trái cây.Vào triển lãm, tôi kéo Quang đến ngồi ở khu vực tập trung những quan chức đầu não. Bí mật lấy quả bom đặt dưới chân rồi đá lăn xa dưới gầm bàn, tôi kéo tay Quang bảo mình đau đầu, muốn trở về. Sau khi cả hai rời khỏi rạp Tân Tân, quả bom liền phát nổ”. Hôm sau gặp lại “người yêu”, nữ điệp báo còn được đại úy Quang cảm ơn rối rít. “May nhờ em đòi về nên đã cứu anh một mạng”. Quang nói: “Hôm qua Việt Cộng mò vào tận rạp hát gài mìn. Ghê thật”. Bà Lài gật đầu phụ họa, nhưng giấu tiếng cười thầm trong bụng. Ngoài phố, người dân được dịp xôn xao. Tin tức về cuộc đánh bom ngay tại buổi triển lãm khiến nhiều sĩ quan bính lính mất mạng làm lòng người dân thành phố rộn ràng, hân hoan. Niềm tin của Nhân dân đối với cách mạng càng được củng cố.
“Cha tôi từng dặn, con đi làm cách mạng, nếu rơi vào tay giặc, khi phải chết, chỉ được chết một mình. Nhất định không được để ảnh hưởng đến đồng đội, xóm làng. Lời căn dặn của cha, khi rơi vào tay giặc, tôi mới thực sự thấm thía”. Dường như, những ký ức tưởng đã ngủ yên lại lần nữa cuồn cuộn kéo về, cháy lên lại ngọn lửa của lòng quả cảm trong đôi mắt của người phụ nữ đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy”.
Bà Lài nhiều lần bị địch bắt trong quá trình tham gia du kích ở địa phương. Mặc dù bị đánh đập, tra tấn dã man, nhưng người con gái kiên trung ấy nhất định không khai báo. Không moi được tin tức, bà lại được địch thả ra. Phải đến khi thực hiện nhiệm vụ đánh vào ty cảnh sát thành phố Huế, tiêu diệt tên ác ôn Liên Thành bất thành, bà Lài mới thật sự biết những đòn tra tấn của địch tàn bạo đến cỡ nào.
Lúc đó, bà Lài đang đi ở cho một gia đình cảnh sát, nên giả vờ đến tìm chủ, việc qua cửa kiểm soát với bà rất dễ dàng. Bà vào ty cảnh sát, tìm được đến phòng làm việc của Liên Thành. “Khi bước vào phòng, ngồi xuống ghế đối diện Liên Thành, tôi giả vờ đi nhầm phòng nên đứng dậy đi ra, bỏ quên chiếc giỏ cói có đặt quả bom hẹn giờ bên dưới gầm bàn của Liên Thành”. Trên đường rút lui, không may bà bị bắt. “Có người đàn ông kêu tôi mang cái giỏ đặt ở trong phòng đó. Nếu tôi không làm, họ sẽ bắt tôi đi.Tôi không biết gì cả” - Trước sau như một, đó là câu trả lời của bà Lài trước những màn khai thác, tra tấn tàn bạo của địch. Suốt nhiều tháng trời, địch đưa bà từ nhà giam này qua nhà giam khác và sử dụng đủ mọi đòn tra tấn. Cứ 12 giờ đêm, chúng lại lôi bà ra thẩm vấn. Không lấy được thông tin, địch lại tra tấn.
Thời gian như ngưng đọng lại, khi người phụ nữ ấy cúi xuống đôi bàn tay chằng chịt vô vàn dấu ấn, không bao giờ có thể mờ phai. Đôi bàn tay này, năm ấy đã từng bị địch dùng dao xẻ dọc “để khỏi cầm súng”. Đau đớn thấu tim gan! Nhưng khi bị quẳng trở lại phòng giam, những giọt nước mắt của các nữ tù nhân chính trị - chiến sĩ cách mạng, đã nhỏ xuống đôi bàn tay nhỏ bé, khiến những vết thương vẫn đang loang máu như dịu lại. Tận tình chăm sóc, nhường từng miếng cơm, muỗng cháo, từng viên thuốc, chai dầu. Biết cô gái nhỏ dù nếm trải mọi cực hình, vẫn không lung lạc, nhất quyết không khai, nên các chị, các mẹ càng thương yêu, hết lòng săn sóc. Yêu thương và cảm phục của đồng chí đồng đội, bồi đắp thêm sức mạnh, lòng trung kiên, để cô gái nhỏ Nguyễn Thị Lài lúc ấy kiên cường vượt qua những đòn tra tấn không thể tưởng tượng nổi của kẻ thù.
Hết chôn bà dưới đất, lấp kín đất chỉ chừa lại phần đầu, dọa sẽ bắn nếu không chịu khai, địch lại buộc túm ống quần bà, thả rắn vào trong khiến bà chết ngất. Tôi nhìn bức ảnh thời bà Lài còn trẻ treo trên tường, mái tóc bồng bềnh buông xõa dài ngang lưng, gương mặt trong sáng, bầu bĩnh. Mái tóc đó, từng bị địch cột vào máy quạt trên trần rồi mở cho máy quay vòng vòng, tóc và máu bết vào nhau. Đau đớn đến tê liệt, nhưng bà vẫn không hé răng một lời. Cả thân thể bà, không nơi nào còn lành lặn. Có lần sau khi bị tra tấn đến chết đi sống lại, bà được đưa trở lại xà lim. Người lính ngụy hôm ấy đã dặn dò bà bằng giọng bâng quơ: “Đã không biết thì nhất quyết không biết luôn”. Trong cơn đau đớn tận cùng về thể xác, người nữ chiến sĩ cách mạng cảm thấy ấm lòng. Bà hiểu, có những con người dù đang ở bên kia chiến tuyến, nhưng trong tấm lòng của họ vẫn mang những mầm thiện, biết xót thương trước đau đớn của đồng bào. Chính bản thân bà và các đồng đội, nhất quyết phải vững vàng, để không những đánh giặc trên mặt trận đầy tiếng súng, mà còn phải cảm hóa những người tốt, đang ở bên kia chiến tuyến, quay về.
Sự trung kiên, quyết không hé răng một thông tin gì về đồng chí, đồng đội, là cơ sở và lập luận vững chắc để vị luật sư cãi trắng án, trong ngày bà Lài ra tòa. Nhưng bà vẫn phải nhận 6 tháng tù vì tội gây rối trật tự trị an. Ra tù, bà Lài tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến lúc bị lộ mới “thoát ly”.
Anh hùng Nguyễn Thị Lài tham gia chủ tịch đoàn Đaị hội tuyên dương anh hùng Lực lượng an ninh miền Nam, 1976.
2.
Xã Mỹ Thủy (nay là phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) đón tôi bằng cơn mưa lất phất và se lạnh của một ngày giữa thu. Mảnh đất này, là nơi đã sinh ra người Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nguyễn Thị Lài. Đã mấy chục năm trôi qua, dâu bể đổi dời, dấu tích những trận đánh năm xưa cũng đã bị lớp bụi thời gian phủ lấp. Những trận đánh đã từng làm địch kinh hồn, góp phần làm nên tên tuổi của một cô du kích nhỏ nơi làng quê xứ Huế. Tôi đứng trên cánh đồng xanh ngát mùi hương của lúa đang thì con gái, hít trọn bầu không khí trong lành của đất trời. Đàn cò trắng đang chao liệng trên đồng. Bầu trời xanh ngắt, đến áng mây bay ngang cũng mang lại vẻ thong dong yên bình. Vậy mà nơi này, từng là cái nôi của cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ, xã Mỹ Thủy được xem là địa phương đi đầu trong hoạt động chống Mỹ của huyện Hương Thủy lúc bấy giờ.
Tôi như vẫn còn nghe giọng kể hăm hở của bà Lài khi cùng hai dân quân dùng lựu đạt diệt một lúc 7 tên Mỹ, Ngụy trong một tiệm ăn gần đồn Dạ Lê, ngay giữa ban ngày. Rồi lần bà cùng hai nữ dân quân đặt mìn, diệt gần 100 tên địch đang đóng quân ở trường Dạ Lê, khi quân địch đưa lính chủ lực về đàn áp tại xã Mỹ Thủy. Trong bóng chiều loang loáng phủ lên những khu vườn xanh ngắt cây trái, những ngôi nhà bình yên nép dưới những bóng cây. Tôi như mường tượng ra hình ảnh nữ du kích nhỏ bé mà gan dạ, đi khắp các nẻo đường thôn xóm, vận động bà con đấu tranh không cho địch ở nhờ nhà, khiến kế hoạch bình định của địch hoàn toàn thất bại.
Suốt những năm tháng đấu tranh, bà Lài được tặng rất nhiều danh hiệu.Những danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ quyết thắng, Chiến sĩ thi đua nhiều không kể hết. Năm 1976, khi tròn 26 tuổi, bà Nguyễn Thị Lài vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Trong tình cảm của nhiều người dân xứ Huế, của đồng chí, đồng đội, người nữ chiến sĩ đã sống đi chết lại dưới những trận đòn thù, sẵn sàng hi sinh tuổi trẻ và cuộc đời vì cách mạng, vì một cuộc sống hòa bình, thực sự là anh hùng. Khi nói với tôi: “Chị ấy (bà Lài) gan dạ cực kỳ. Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng độ gan lỳ thì không ai bằng”, trên gương mặt và ánh mắt bà Đặng Thị Thu, nữ giao liên năm xưa, người thường xuyên trực tiếp liên lạc với bà Lài để giao các nhiệm vụ do cấp trên yêu cầu, như vẹn nguyên niềm khâm phục. Bà Thu ít hơn bà Lài 3 tuổi. Khi địch tổ chức càn quét mạnh ở nông thôn, bà Lài vào thành phố hoạt động, bà Thu phải chăm sóc đàn em nhỏ nên ở lại địa phương, tiếp tục làm nhiệm vụ liên lạc. Do tính cách nhanh nhẹn, nên địa bàn liên lạc của bà Thu trải dài từ quê nhà lên thành phố. Những lần gặp nhau, lúc nào cũng diễn ra trong vội vã, chỉ kịp dặn dò nhau đôi lời như “nhớ giữ gìn sức khỏe”, “Nếu bị bắt, nhất định không được khai”. Khi bà Lài được phong tặng Anh hùng, bà Thu đã rất vui cùng niềm vui của đồng đội. Nhưng bà Lài lại xúc động nói rằng, những chiến công ấy có được, cũng nhờ sự góp sức thầm lặng của những đồng đội như bà Thu.
Khi vạt nắng cuối chiều đã nhạt hết, ánh hoàng hôn nhẹ loang. Những ngọn đèn điện bắt đầu lung linh trong ngõ nhỏ, cũng là lúc ký ức của người nữ chiến sĩ cách mạng năm xưa quay trở về thời khắc khó quên gần 50 năm trước. Đó là ngày bà Nguyễn Thị Lài vinh dự tham gia Hội nghị Anh hùng sau giải phóng. Bà vẫn nhớ như in: “Hôm đó, biết mình được phong tặng danh hiệu Anh hùng, tui vẫn còn ngỡ ngàng. Cứ nghĩ anh hùng là một ai đó thật già. Mình còn trẻ vậy, anh hùng sao cho được”. Bây giờ thì bà Lài cười vang. Trong giọng cười ấy có niềm tự hào xen lẫn nỗi xúc động, vì Nhân dân và Nhà nước đã ghi nhận những đóng góp của những chiến sĩ cách mạng như bà. Tình cảm tri ân bao giờ cũng làm vơi đi mất mát. Đối với nữ thương binh ¾ Nguyễn Thị Lài, tình cảm đó như xoa dịu nỗi đau trên thân thể, bởi di chứng những trận đòn roi của địch, cứ buốt lên khi trái gió trở trời.