TIN TỨC

Từ dòng Mê Kông đến những chân trời mơ ước

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2025-07-03 09:44:18
mail facebook google pos stwis
69 lượt xem

Anh chọn thể loại phim tài liệu – thể loại lặng lẽ nhất của nghệ thuật điện ảnh. Anh chọn những đề tài không dễ hấp dẫn khán giả đại chúng: từ thân phận người lính, người mẹ, cho tới chiều sâu văn hóa – lịch sử của những địa danh, di sản tinh thần Việt. Và anh lặng lẽ đi tới tận cùng con đường ấy bằng niềm tin rằng: sự thật và giá trị sẽ không bao giờ bị lãng quên.

Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Hoàng – Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2017 – là một tên tuổi thầm lặng nhưng có tầm vóc trong dòng phim tài liệu Việt Nam. Với bài viết chân dung đầy cảm xúc được Báo Nhân Dân thực hiện công phu, bạn đọc sẽ hiểu vì sao những tác phẩm của anh – dù không ồn ào – vẫn bền bỉ vang vọng qua năm tháng.

Văn chương TP. Hồ Chí Minh trân trọng giới thiệu lại bài viết này như một cách ghi nhận và tri ân một nghệ sĩ suốt đời sống vì ánh sáng của sự thật.

 

TỪ DÒNG MÊ KÔNG ĐẾN NHỮNG CHÂN TRỜI MƠ ƯỚC


Đạo diễn Nguyễn Hoàng làm phim về Bác Hồ ở Nga.

 

Từ một chàng trai nơi bãi bồi phù sa châu thổ sông Cửu Long, Nguyễn Hoàng đến với điện ảnh bằng đam mê cháy bỏng, bằng sự hồn nhiên khi sáng tạo nên những bộ phim tài liệu. Từ bàn chân lấm bùn dòng sông Mê Kông, anh bước ra thế giới, được đón nhận bằng những cái ôm ấm áp, chân thành…

Theo tháng năm, những bộ phim dày lên, bạn bè cũng nhiều thêm. Đó là nhờ tài năng hay may mắn? Ẩn số đó khiến chúng tôi có nhiều cảm hứng ngồi lại với anh trong một buổi sáng hiếm hoi được rảnh rang ở Boston để có cuộc trò chuyện này…


Đạo diễn Nguyễn Hoàng ở Mỹ.

 

Những ngày đầu làm báo

- Từ một thanh niên quê Giồng Trôm, Bến Tre, cơ duyên nào đưa anh đến với Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh? Cảm xúc của anh khi lần đầu tiên được cầm chiếc máy quay phim?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng: Tôi được sinh ra và lớn lên tại xã Hưng Phong, còn gọi là Cù Lao Ốc nằm giữa sông Hàm Luông, huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Lúc nhỏ tôi sống với má, anh hai và đứa em trai. Nhớ hồi 5 tuổi, tôi thường cùng đi theo má, anh hai và mấy người gần nhà chèo ghe đi bắt ốc. Ốc len nhiều vô kể. Chúng sống bám vào cây lát trên cù lao mới mọc cạnh Cồn Ốc. Thời đó, sông Mê Kông còn đầy ắp tôm cá.

Tôi lớn lên, rất hồn nhiên trên bãi bồi dòng sông, đâu hay đất bước đầy biến động, bị chia cắt. Năm lên 6 tuổi, má dẫn tôi lên Sài Gòn thăm ba. Đó là lần đầu tiên tôi biết Sài Gòn, thấy cái gì cũng lạ lẫm, thích thú. Cha tôi bị giam ở nhà tù Biên Hòa. Lần đầu tiên tôi biết ba mình không sống cùng gia đình, vì bị ở tù, và ông được về nhà khi chế độ Ngô Đình Diệm bị sụp đổ năm 1963.

Sau này lớn lên, tôi mới biết ba tôi tham gia cách mạng từ sau năm 1945, làm trong Tổ nhiếp điện ảnh khu 8 tại Đồng Tháp Mười, còn gọi là Điện ảnh bưng biền. Có lẽ, tôi có máu làm diện ảnh, truyền hình từ ba mình.


Đạo diễn Nguyễn Hoàng trong buổi đầu tham gia tổ làm phim khu Trung Nam Bộ, tháng 5/1975.

Lần đầu tiên trong đời tôi được xem xướng ngôn viên trên Đài truyền hình Sài Gòn và Đài truyền hình Cần Thơ, nhất là vào tối thứ Bảy, Chủ Nhật. xem các vở cải lương thì ai cũng thích dù phải đi bộ xa nhà, xem ké vì lúc bấy giờ không phải nhà nào cũng có tiền để mua ti-vi. Cũng từ đó tôi có mơ ước được làm việc trong một đài truyền hình, nhất là làm quay phim cho khán giả xem.

Và mơ ước đó đã thành sự thật, sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975 và hôm sau 1/5/1975, tôi được ông chú Nguyễn Ngọc Ẩn, từng học quay phim và sau đó ông công tác tại Ban tuyên huấn khu Trung Nam Bộ đóng tại tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) nhận tôi làm phụ quay.

Tôi cầm đèn, vác máy quay cho ông. Đến cuối năm 1975, Giám đốc Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Tiểng và Trưởng Phòng Phim của đài Phạm Khắc nhận về Đài truyền hình Sài Gòn giải phóng và thường trú tại Thành phố Mỹ Tho.
 


Cậu trai trẻ Nguyễn Hoàng ở Hà Nội năm 1976, quay phim cho Thời sự HTV.

Tháng 3/1976, khu 8 giải thể, tổ truyền hình thường trú chính thức về Đài tuyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, tôi được học lớp quay phim và làm truyền hình đầu tiên do đài tổ chức. Các anh, các chú nhiều kinh nghiệm trong nam ngoài bắc, kể cả các anh chị, các chú lưu dung từng làm việc tại Đài truyền hình Sài Gòn trước 1975 cùng giảng dạy.

Không khí hòa hợp nơi đây quá tuyệt vời. Ký ức lần đầu tiên trong đời, được cầm chiếc máy quay phim, được quay phim tin tức, sự kiện diễn ra những năm đầu tiên hòa bình thống nhất còn đọng mãi trong tôi.

- Phóng viên phòng thời sự Đài truyền hình thường đi đến những điểm nóng. Chắc hẳn anh có nhiều kỷ niệm tác nghiệp tại những điểm nóng mà mình từng tham gia?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng: Năm 1977, Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu gặp khó khăn, do lệnh cấm vận của Mỹ, nhiều thiết bị phục vụ cho truyền hình gần như cạn kiệt, phải nghĩ ra sáng kiến sữa chữa, tận dụng vật tư, thiết bị để Đài phát sóng liên tục đến nay là một kỳ kích của lãnh đạo Thành phố, của Đài và toàn thể cán bộ nhân viên.

Là người làm công tác quay phim, chúng tôi lo ngại nhất là không còn phim để quay, nếu như trước đây vài năm, quay phim cho một bản tin là cuốn phim 30m, nay phải dùng một bản tin chỉ cho 10m, tức một cuộn phim 30m là 3 tin. Có lúc giám đốc đà Huỳnh Văn Tiểng chỉ thị nên dùng máy chụp ảnh thay phim làm tin, vì thế một bản tin cần 3-4 tấm hình thay vì để cho xướng ngôn viên đọc mà không có hình ảnh gì.
 


Đạo diễn Nguyễn Hoàng quay phim ở Thủ đô Phnompenh (Campuchia) năm 1979.

Khó khăn chưa hết thì chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra đầu năm 1979. Đội ngũ biên tập, quay phim của đài phải bám chiến trường, cùng bộ đội ghi lại hình ảnh dã man do quân của Pol Pot-Ieng Sary gây ra. Biết bao người Việt Nam gần biên giới Campuchia bị chúng giết hại như ở Ba Chúc (An Giang), Tân Biên (Tây Ninh).


Tôi đã chứng kiến và quay phim những hình ảnh xương người chết chất hành đống ở tỉnh Svay Rieng, Kampong Cham và Phnom Penh, trong các vườn cao su mà mỗi bước đi tôi đều chú ý sợ đạp phải xương người. Quý giá hơn là nhiều hình ảnh hồi sinh của nhân dân Campuchia sau nạn diệt chủng đã dược ghi thành phim thời sự, tài liệu.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng



Lúc đó tôi còn rất trẻ, chỉ mới 24 tuổi, không sợ chết và sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần. Ngày 17/1/1979, Trung Quốc gây chiến tranh biên giới phía bắc, tôi và vài anh em khác của đài chuẩn bị sẵn sàng máy quay phim ra chiến trường, trong không khí toàn dân xung trận giữ yên biên cương Tổ quốc. Nhưng Trung Quốc rút quân sau một tháng gây chiến. Kế hoạch của chúng tôi dừng lại và vẫn tiếp tục xây dựng tổ phóng viên thường trú tại Thủ đô Phnom Penh vừa giải phóng.

 


Đạo diễn Nguyễn Hoàng phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp để làm phim tài liệu “Vị tướng của dân” năm 1995


Bước ngoặt từ phóng viên thời sự sang đạo diễn phim tài liệu

- Điều gì thôi thúc anh rời vai trò quay phim của phòng thời sự rẽ sang con đường làm đạo diễn phim tài liệu?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng: Năm 1987, có sự cố Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh bị cháy. Thật may mắn là kho tư liệu phim và đài phát không bị gì. Lúc này, lãnh đạo thành phố và Đài tìm mọi cách khắc phục khó khăn và quyết định phát sóng màu, và phát liên tục đến nay.

Phát hình màu là bước tiến mới của Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Khi phát triển kỹ thuật cho đài thì NSND Phạm Khắc cũng rất quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp. Ông chỉ thị cho chúng tôi dự thi vào Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh để học lớp Đạo diễn khóa 1. Tôi cùng quay phim Lý Quang Trung, Dư Kim Hoàng và Tô Hồng Hải đậu vào lớp này và ra trường 4 năm sau đó. Môn học chính của chúng tôi là đạo diễn phim truyện.

Thời điểm năm 1992, Đài truyền hình thành lập Xưởng phim truyền hình TFS, chuyên sản xuất phim truyện và phim tài liệu mà NSND Phạm Khắc là Giám đốc Xưởng phim. Vừa lúc chúng tôi học xong, đang háo hức về Hãng phim để làm phim truyện thì giám đốc bảo hiện nay xưởng phim cần phát triển phim tài liệu truyền thống. Đây là một nhu cầu có thật của đất nước, giàu tiềm năng. Nhưng việc mời cộng tác viên phim tài liệu bên ngoài rất khó, vậy nên anh em trước mắt làm phim tài liệu.

Tôi đồng ý vì làm phim tài liệu thì không tốn nhiều tiền như làm phim truyện, và luôn tiếp cận được người thật việc thật, nếu làm tốt phim tài liệu thì rất có ích cho xã hội.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng: Và tôi bắt tay làm ngay làm phim tài liệu “Giữa ngàn thác lũ”, “Những cánh Hoa ngược dòng” do Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đặt hàng… Những bộ phim đầu tiên thực hiện về những nữ tù chính trị và tù binh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ mang lại cho tôi nhiều cảm xúc.


Phim tài liệu "Những cánh hoa ngược dòng" nhận Huy chương Vàng tại Liên hoan Truyền hình Toàn quốc năm 1995.

Lần theo những giọt nước mắt và số phận con người, tôi làm phim “Chân dung người tử tù”, lấy cảm hứng từ tấm ảnh “Mẹ con ngày gặp mặt” của nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long - Thông tán xã Việt Nam chụp khi anh Lê Văn Thức, tử tù Côn Đảo vừa trở về thì gặp mẹ tại Vũng Tàu vào tháng 5 năm 1975.  

Phim “Cánh Chim không mỏi” nói về phi công Nguyễn Thành Trung, người ném bom Dinh độc lập ngày 8/4/1975 và hướng dẫn bay cho phi đội Quyết Thắng, ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975, góp phần làm cho quân đội Sài Gòn tan rã nhanh, giảm mất mát hy sinh từ hai phía.

- Quãng thời gian đảm nhận vị trí quay phim, phóng viên ở phòng thời sự có ý nghĩa như thế nào trong quá trình anh trở thành đạo diễn?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng: Tôi không thể nào quên những tháng ngày làm phóng viên thời sự Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như những cô chú, anh em đồng nghiệp của đài đã hỗ trợ, giúp đỡ tôi về chuyên môn, nghiệp vụ và cùng đồng hành với đài suốt 40 năm qua. Và cũng từ những trải nghiệm này đã giúp tôi đạt một số thành quả khi làm đạo diễn phim tài liệu.
 


Phim “Cánh chim không mỏi” nhận giải Bông sen vàng Cục Điện ảnh Việt Nam năm 1998.

Nhiều phim đạt giải thưởng của Hội Điện ảnh và Liên hoan phim truyền hình toàn quốc như “Giữa ngàn thác lũ” - Giải A Hội điện ảnh Việt Nam 1994, phim “ Những cánh hoa ngược dòng” - Huy chương Vàng Liên hoan phim truyền hình toàn quốc 1995, phim “Chân dung người tử tù” - Giải B năm 2001, phim “Cánh chim không mỏi” - giải Bông sen vàng Cục Điện ảnh Việt Nam 1998, phim “Từ trái tim đến trái tim” giải A Báo chí quốc gia 2014, phim “Phim “Việt Nam - Đất nước tôi” nói về sinh viên Nguyễn Thái Bình - Huy chương Vàng Liên hoan phim truyền hình toàn quốc năm 2016, Phim “ Ký ức không phai” giải vàng Liên hoan phim ngắn Thành phố Hồ Chí Minh lần 1 năm 2023. Tôi cũng thật vinh dự khi là người con của dòng Mê Kông được dự phần làm phim “Mê Kông ký sự” và cũng được dự phần vào giải thưởng Cánh diều vàng…

Tôi được trao danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2016 và Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017 từ thành tựu làm phim tài liệu…
 


 

Không phải dung lượng, thông điệp mới là yếu tố quan trọng với phim tài liệu

- Điều gì khiến anh đắm say và gắn bó với phim tài liệu? Anh có dự định thực hiện những bộ phim truyện mà anh từng mơ ước thời tuổi trẻ, khi mới ra trường điện ảnh?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng: Như tôi đã nói, làm phim tàì liệu ít tốn kém về tiền bạc, dễ tiếp cận đề tài và phim ghi lại hình ảnh, tiếng nói người thật việc thật. Với kỹ thuật hiện nay, đài truyền hình có thể lưu giữ phim đến 70 năm. Càng ngày tôi càng thấm khi nhận ra làm phim tài liệu trước tiên rất có ích cho gia đình, vì gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt mới có xã hội tốt. Phim tài liệu cũng rất cần cho việc nghiên cứu vì những chân dung, hình ảnh thể hiện trung thực trong phim, không dàn dựng cũng góp vào sử liệu.

Đặc biệt, phim tài liệu có thể xem đi xem lại nhiều lần. Phim truyện chủ yếu là giải trí, hư cấu, xây dựng hình tượng nhân vật, có thể dùng kỷ xão, nhiều thủ pháp nghệ thuật, thường thì người ta chỉ xem một lần. Và sản xuất phim truyện rất tốn kém, từ hàng chục tỷ đồng trở lên, còn phim tài liệu làm trong điều kiện ở Việt Nam có thể cơ động, tiết kiệm, chỉ khoảng 100 triệu một tập cũng có thể thực hiện. Tôi vẫn ước mơ sau này có điều kiện làm phim truyện, nhưng chỉ làm phim ngắn, ít tốn kém.


Tôi luôn nghĩ làm phim không phải dài hay ngắn mà phim hay hoặc dở, phim chứa thông điệp gì gửi gắm đến người xem…Đạo diễn Nguyễn Hoàng


 


Đạo diễn Nguyễn Hoàng quay phim về nông nghiệp Mỹ.

- Anh đã đi khắp miền đất nước để thực hiện những bộ phim tài liệu, đặc biệt những phim chân dung mang dấu ấn và tạo nên những thành tựu nghề nghiệp. Lắng đọng trong anh điều gì sau phim, sau những vinh danh, sau những lần lên sân khấu nhận giải thưởng?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng: Vì làm phim tài liệu, chi phí co dãn, dễ cơ động nên tôi có cơ hội đi khắp nơi trong nước và nước ngoài, gặp được những nhân vật hay, làm được một số phim có ý nghĩa. Khi làm phim ở nước ngoài tôi gặp khó khăn về ngôn ngữ. Tiếng Anh tôi chỉ nói được những câu đơn giản, sinh hoạt đời thường, phải nhờ con cái giúp đỡ khi cần thiết. Tôi may mắn có được sự giúp đỡ, hỗ trợ của các thành viên trong gia đình và bạn bè trong quá trình làm phim. Riêng việc này nếu thuê người phiên dịch và quay phim thì không có tiền và không thể nào thực hiện được.

Nghề quay phim giúp tôi rất nhiều trong việc chủ động. Tôi luôn nghĩ là mình quá ít thời gian, sợ không còn kịp ghi lại những con người ưu tú trong chiến tranh và hòa bình nên lúc nào bên mình cũng mang theo máy quay phim và máy ảnh. Đó là những vật bất ly thân, vũ khí để “tác chiến”, để khi cần là có ngay những hình ảnh và những con người cần được tri ân, là tấm gương cho mọi người noi theo.

Tôi thích làm phim tài liệu chân dung, vì một người dù thành công hay thất bại đều có mối dây gắn bó với người thân trong gia đình và xã hội, cả nội tâm sâu lắng. Niềm hạnh phúc của tôi là khi hoàn thành phim, được xã hội công nhận, đặc biệt là những con cháu của nhân vật sau khi xem phim mới hiểu được trước đây cha mẹ, ông bà họ qua hình ảnh và tiếng nói đã có những đóng góp cho đất nước trong chiến tranh và hòa bình.

- Làm phim cần một ê-kip. Xin anh chia sẻ thêm về ê-kip của mình, về những kết nối, hậu trường sau những tác phẩm?

Đạo diễn Nguyễn Hoàng: Khác với báo in, nhà báo có thể độc lập tác chiến với chiếc máy ảnh, cây bút trong tay hay chiếc máy ghi âm. Làm phim truyện hay tài liệu là gắn với một ê-kip. Đó là sự kết nối, hài hòa giữa biên kịch, đạo diễn ngay từ ý tưởng đề tài, kịch bản. Đạo diễn rất cần quay phim thấu hiểu và sáng tạo vì trong quá trình thực hiện phim tài liệu có những tình huống bất ngờ, không có trong kịch bản.


Giai đoạn làm hậu kỳ, dựng phim, âm thanh rất cần sự hiểu biết lẫn nhau, mọi người cần có nền tảng văn học, cảm thụ cái đẹp thì phim mới đạt kết quả tốt. Làm đạo diễn phim tài liệu nói cho cùng là lắng nghe và hỏi, giữa quay phim và nhà biên kịch trên hiện trường đôi khi chỉ nháy mắt là hiểu ý nên làm gì rồi.



Tôi may mắn là đã học quay phim trước khi làm đạo diễn nên giờ vẫn còn độc lập tác chiến làm phim được. Tôi biết hiện nay cũng có nhiều đạo diễn giỏi nhưng khi nghỉ hưu họ không biết quay phim căn bản, không đầu tư thiết bị như camera và âm thanh nên rất khó hành nghề…

- Đường đi của những người làm phim tự do chắc hẳn gập ghềnh và cô độc. Anh vượt qua những khó khăn đó như thế nào? Làm thế nào để đứa con tinh thần của mình đến được công chúng?

Nhà báo Nguyễn Hoàng: Đúng là khi một người đã nghỉ hưu, làm phim tự do sẽ khó khăn hơn làm cho nhà nước, nhưng với tôi làm phim mang tính cá nhân là làm những đề tài mình thích và có thời gian đeo bám đề tài từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc.

Nếu như cơ quan chỉ quy định chỉ cho tiền kỳ bộ phim tài liệu tâp là 10 ngày quay phim thì cá nhân tôi đôi khi mất vài tháng, có khi vài năm để tích lũy tư liệu, hình ảnh. Thế giới ngày nay rất phẳng, tạo nhiều cơ hội cho những chuyến đi ra ngoài để kết nối, gặp gỡ.


Đạo diễn Nguyễn Hoàng trước Tòa Quốc hội Mỹ, năm 2011.

Để có tác phẩm phải biết hy sinh. Thù lao nhà đài trả hay giải thưởng không thấm vào đâu so với kinh phí mình bỏ ra. Tuy nhiên giá trị tinh thần là vô giá, khi chuyện làm phim với tôi là sứ mạng khi còn được sống, được thở. Đôi khi chúng tôi cũng được đền bù bằng sự thấu hiểu và chia sẻ từ những nhân vật.

Khi làm phim tự do, chúng ta phải dựa vào dân, sức dân. Đất nước mình có biết bao chuyện lạ lùng kỳ diệu cần được kể bằng phim. Có những người am hiểu giá trị phim tài liệu, cần làm phim thì nhất định phim sẽ được làm. Nghề làm phim, cần cả tâm và tiền. Giờ ngoài các nhà đài còn có nhiều kênh, các nền tảng mạng xã hội, các liên hoan phim… nên chuyện đưa đứa con của mình đến công chúng không còn khó khăn như thời trước…

- Cảm ơn sự trải lòng của anh về phim tài liệu. Mong anh có nhiều sức khỏe để tiếp tục hành trình thực hiện những bộ phim tài liệu mà anh đang ấp ủ!

Ngày xuất bản: 26/6/2025
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: THANH TÂN

Nhân Dân Online

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nghiên cứu Hồ Chủ Tịch càng sáng rõ hơn về thượng tướng Phùng Thế tài
Tên bài viết này tôi định đặt là Tôi biết rõ hơn về Thượng tướng Phùng Thế Tài khi nghiên cứu về Bác Hồ để nhấn mạnh tới đối tượng chính nhưng ngẫm nghĩ những tâm sự của Bác Tài rất thần tượng Bác Hồ nên đặt lại như trên. Vả lại cũng đúng với công việc chính của tôi. Thôi thì cứ thật thà mà nói, biết gì nói vậy, cái chính là sự trung thực của người viết.
Xem thêm
Mã Thiện Đồng - Người “thư ký” trung thực của mảng truyện ký chiến tranh
Chiến tranh đã tạnh từ lâu, những vết thương thể xác đã lành xẹo nhưng những ký ức kinh hoàng, những vết thương lòng vẫn còn âm ỉ đớn đau trong tâm hồn của những người đã từng bị nhấn chìm trong cuộc chiến vệ quốc Mỹ - Việt vừa qua.
Xem thêm
Hành trình rèn luyện kỹ năng tự học của Nguyễn Hiến Lê
Khi nhắc đến việc tự học, người ta thường nhớ đến tấm gương điển hình là học giả Nguyễn Hiến Lê. Tuy nhiên ít ai biết được rằng, để có được kỹ năng tự học, chính bản thân Nguyễn Hiến Lê cũng phải tự mày mò phương pháp, tự tìm kiếm sách vở và tự nghiên cứu để có thói quen, có được kiến thức sâu rộng ở nhiều lĩnh vực như di tác mà ông để lại.
Xem thêm
Thượng tướng Phùng Thế Tài với mùa xuân đại thắng
Trong hành trình tiến tới Mùa xuân Đại thắng năm 1975, có nhiều vị tướng lĩnh, anh hùng dũng sĩ đã chiến đấu lập công với những dấu ấn đặc biệt. Đã 50 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những con người góp phần tạo nên chiến thắng lịch sử vẻ vang ấy, nhiều người đã trở về với thế giới của người hiền. Đối với tôi, Thượng tướng Phùng Thế Tài là một vị tướng không chỉ giàu cá tính, có sự quyết đoán, mưu trí, tầm nhìn xa trông rộng, mà ông còn là vị tướng thực hành với những nhiệm vụ cụ thể, ở các khu vực đặc biệt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó cũng là nét độc đáo riêng biệt của Thượng tướng Phùng Thế Tài.
Xem thêm
Trần Gia Bảo: Văn học thiếu nhi nuôi một đời vui
Bài viết của Tống Phước Bảo trên Văn nghệ Công an.
Xem thêm
Thắp nỗi vắng xa bập bùng từng con chữ
Bài của Lê Thiếu Nhơn trên Văn nghệ Công an.
Xem thêm
“80 gương mặt Văn nghệ sĩ Quân đội” Chất lính trong những tâm hồn mơ mộng
80 con người, 80 gương mặt là 80 cá tính khác nhau. Thế nhưng ở họ có hai điểm giao rất độc đáo, đó là màu áo xanh của người lính và tâm hồn nhạy cảm, yêu nghệ thuật và cái đẹp.
Xem thêm
Nhà văn Nam Cao trong thoáng cười lặng lẽ
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ TP. HCM số Xuân Ất Tỵ 2025
Xem thêm