- Bút ký - Tạp văn
- Cảm xúc tháng Tư
Cảm xúc tháng Tư
Tôi vào Nam năm 1965, chiến đấu ở chiến trường Long Khánh, Bà Rịa, Biên Hòa, có lần thọc sâu xuống tân Bến Cát, Củ Chi. Hàng đêm ra bìa trảng nhìn về Sài Gòn, nơi chôn nhau cắt rốn, bồi hồi với câu thơ của Lê Anh Xuân: “Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ đó / Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về/ Bao giờ bao gìờ Sài Gòn giải phóng? Ôi những phố hè, ôi những hàng me?”.
Cái khoảng cách chim bay mấy chục cây số đó tưởng đã tới được trong Mậu Thân 68. Tôi đi theo đơn vị tiền phương đã xuống tận Thủ Đức. Sau mấy ngày áp sát Sài Gòn, các đơn vị chủ lực của ta bị địch đánh bật ra. Thương vong nhiều vô kể. Sau Mậu Thân, địch tăng cường càn quét. Các cơ sở hậu cần bị bể. Các cửa khẩu bị phong tỏa. Đói ăn nhiều đơn vị phải lên tân biên giới. Đêm đến các đơn vị hậu cần chúng tôi phải đột ấp móc nối cơ sở. Mỗi ký gạo/ cân muối có khi phải đổi sinh mạng. Rồi phải 7 năm sau, trải qua những ngày tháng ác liệt của chiến dịch Nguyễn Huệ 72, những ngày tranh chấp giành đất sau hiệp định Paris, những ngày mưa bom B52 trên cả 2 miền Nam - Bắc, chúng ta mới tiến tới đợt Tổng tiên công, nổi dậy mùa xuân 75 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Khi phụ trách tổ đài vô tuyến điện theo Ban Chỉ huy Đoàn Hậu cần 814, tôi đã cảm nhận được khí thế khẩn trương chuẩn bị cho chiến dịch. Hàng đêm các xe chở vũ khí tập kết ở Sông Bé và sông Đồng Nai. Trận đánh mở màn ở Xuân Lộc diễn ra rất ác liệt. Địch chống trả quyết liệt và dùng đến cả bom CBU để hủy diệt đối phương. Quân đoàn 4 đứng chân trên mảnh đất miền Đông, sau khi phá tan cánh cửa Xuân Lộc phải đánh bọn địch ngoan cố co cụm cố thủ ở Trảng Bom, sân bay Biên Hòa, cầu Rạch Chiếc. Bao anh em đồng đội đã hy sinh trên đường vào Sài Gòn, xác để lại trên các cánh rừng cao su, dưới các chân cầu Đồng Nai, Rạch Chiếc… Đoàn tôi được lệnh tiếp quản một phần Tổng kho Long Bình, kho vũ khí hậu cần vào loại lớn nhất miền Nam có 14, 15 cổng ra vào, rông 24 cây số vuông. Cơ man nào là xe cộ, vũ khí quấn áo vất bừa bãi trên đường. Mấy hôm sau anh Sao rủ mình đi Sài Gòn. Mình hỏi "Đi bằng gì? " Anh nói xe jip. Mình phân vân: "Ông có biết lái không?" Anh ta trả lời: "Dễ mà, ở quê, mình lái máy cày quen rồi”.
Cảnh Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Thế là đi Sài Gòn. Anh bạn mình lái xe chẳng biết đường sá luật lệ gì cả. May mà dân thương thấy xe bộ đội có cắm lá cờ đỏ nên tận tình chỉ đường.
Mình là dân thành phố mà vào Sài Gòn lần đầu cũng thấy choáng ngợp. Từ phía cầu Văn Thánh đã nhìn thấy ngôi nhà cao 11 tầng ở đương Phan Thanh Giản (nay là đường Điện Biên Phủ) trên bức tường vẽ ông da đen nhe hàm răng trắng phếu, quảng cáo cho hãng kem Hynos. Đường sá nhà cửa khang trang. Ở trung tâm thành phố, xe cộ tấp nập nhiều nhất là các loại xe Honda, xe lam. Các cô nữ sinh mặc áo dài đeo băng đỏ giữ trật tự đường phố. Người dân hồ hởi ra đường, gặp anh bộ đội nào cũng hỏi thăm quê quán để tìm người quen. Chúng tôi vòng xe qua đường Nguyễn Huệ ngắm nhìn khách san Palace và tòa nhà Ngân hàng Kỹ thương cao 16 tầng, qua chợ Bến Thành thấy hàng hóa phong phú, mua bán thoải mái nhưng chẳng đứa nào trong túi có tiền cả. Khi dừng chân trước công viên Dinh Độc Lập, mấy cô gái mắt xanh môi đỏ la cà đến gần hỏi các anh có đi chơi không? Một cụ già đi qua nhắc khéo: "Các cháu cẩn thận đấy, nếu không biết đường thì già chỉ cho”.
Buổi trưa đưa Phong đến nhà dì ruột theo cái địa chỉ ghi trên mảnh giấy. Nhà ở Quận 3, trên đưường Công Lý. Phải để xe ngoài đường, vào hẻm qua 3,4 cái 'xuyệt' mới tới. Gọi là nhà nhưng thực ra đây chỉ là túp lều lụp xụp với mấy tấm gỗ ván lấn chiếm dòng kênh. Bà ngoại ôm lấy Phong, sờ từ đầu đến đến chân rồi khóc. Dì Phong đang bán hàng rong trong hẻm cũng bỏ chạy về mang theo mấy chai nước ngọt. Dì chỉ vào cậu thanh niên mặt non choẹt đang ngồi khép nép góc nhà. "Em mày đấy, nó bị bắt đi lính năm ngoái, đẩy ra vùng 1 chiến thuật, may mà đào ngũ sống sót trở về".
Bà con hàng xóm kéo sang rất đông, Căn nhà ọp ẹp bên dòng nước hôi đen, Mọi người ngồi chật cứng, chỉ sợ sụp đổ bất cứ lúc nào. Tôi không ngờ giữa Sài Gòn hoa lệ, giữa trung tâm Q1, Q3 lại còn bạt ngàn những khu nhà ổ chuột như vậy. Chúng tôi lấy thùng lương khô 702, có viên tăng lực biếu gia đình và chia cho cho các cháu. Bọn trẻ thích lắm, ríu ra ríu rít với các chú bộ đội.
Ngày đầu tiên vào Sài Gòn là như vậy. Sau này khi có địa chỉ tôi có dịp vào thăm mấy gia đình họ hàng. Bác Dân đã 80 tuổi trông rất phúc hậu. Bác ôm lấy tôi mà khóc. “Ngày trước mẹ con ở với Bác. Nếu Mẹ con không mất, gia đình con ở lại Sài Gòn thì bây giờ có khi con đã trở thành sĩ quan ngụy rồi”.
Bác có con rể là tướng của ta, con trai là tá của ngụy. Cậu tôi dẫn đến thăm bác Chung ở ngôi nhà biệt thự ở phố Hai Bà Trưng. Bác là giám đốc ngân hàng Pháp Á. Trong thâm tâm tôi nghĩ Bác là tư sản mại bản. Có lẽ đoán được ý nghĩ của tôi, cậu tôi giải thích: "Giám đốc cũng là người làm thuê thôi con ạ. Ông chủ người Pháp thấy Bác là người giỏi thuê Bác cai quản cả nhân viên là ngưởi nước ngoài". Bác được Pháp bão lãnh, nhưng không đi xuất cảnh mà ở lại Việt Nam. Bác gái nói với tôi: "Bác mày, ngày trước tuần nào cũng lái ô tô riêng chở cả gia đình đi Cấp nghỉ mát, ăn cơm tiệm, bây giờ đi làm bằng xe đạp, hút thuốc Vàm Cỏ. Mỗi tháng được chia nửa ký đường để uống cafe đen. Khổ mấy ông nói cũng chiu được, nhưng chỉ buồn vì có mấy cán bộ vào tiếp quản coi thường ông".
Sau năm 1975, tôi được đi phép đợt đầu tiên. Sau một tháng vào, đơn vị có nhiều thay đổi. Các đoàn hậu cần B2 giải thể. Tôi được điều động về Quân khu 7. Anh em hạ sĩ quan nếu không chuyển ngành thì giải quyết phục viên sớm. Nhiều anh em cầm số tiền trợ cấp ít ỏi, chưa kịp được hưởng chính sách chế độ gì đã cho về quê gấp. Tổ đài của tôi tứ tán mỗi người một nơi. Anh em qua tuổi thanh xuân, lại về với bàn tay trắng, với bệnh tật trong người, không nghề ít chữ, bắt đầu vật lộn với cuộc sống mưu sinh mới. Cậu Dè quê Phụng Hiệp lính quay viên ở với đài mình gần 10 năm. Cậu ta công tác chiến đâu rất dũng cảm tích cực. Trong rừng được mình giúp đỡ vào Đảng, dạy cho biết đọc biết viết. Thế rồi: "Sau giải phóng trở về làm dân/ Huân chương Dũng sĩ cất trong hòm/ Không nghề không chữ không chữ không ruộng đất/ Lại đi làm mướn để nuôi thân"). Ba chục năm sau mới gặp lại, trông Dè rất tiều tụy. Gặp đồng đội, cậu ta vẫn vô tư xòe hai bàn tay đen xạm, Dè cười: “Mình vẫn là vô sản/ Có gì đem ra nhậu lai rai". Nay cậu ta đã ra đi trong nghèo khó. Xã hội bấy giờ ai cũng khó khăn như vậy, kêu ca làm chi. Nghèo khó đến mấy cũng chịu đựng được nhưng sợ nhất là con cái bị chất độc da cam ... Biết vậy nhưng làm sao mà tránh được. Thương cho nhiều anh em bạc đầu còn phải đút cơm cho những đứa con tật nguyền.
Càng về già càng nhớ đến nhau. Mỗi năm rơi rụng một ít. Tháng trước anh Hanh người anh thân thiết, ở chung đơn vị thông tin Q5, Công trường 5 từ ngày đầu vào Nam đã từ giã cuộc đởi. Thủ trưởng Hai Phát nói: “Chú bị bệnh tim, không đến đám ma, để anh đi viếng thay cho”, nhưng không đi sao được. Vợ tôi về lấy xe máy chở đi, nhắc lại ngày xưa khi mình nghèo, anh Hanh ở đơn vị kinh tế hậu cần, Mỗi khi đi tàu đánh cá về, anh lại chạy đến nhà cho cá khô, nước mắm.
Anh em Bà Rịa, Long Khánh thường tổ chức họp mặt ở nhà anh Khảm mỗi năm một lần vào dịp 30/4. Nhà anh Khảm có vườn rộng, chị vợ và các con rất hiếu khách. Mấy năm gần đây trên bàn thờ đặt thêm con heo quay. Mình viết bài thơ “Tháng Tư họp mặt” đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân và báo Cựu Chiến Binh thành phố có đoạn:
Tháng Tư về
Gọi nhau họp mặt
Đồng đội ơi
Tóc bạc trắng hết rồi
Có đứa nào năm nay vắng mặt
Có đứa nào phải chống gậy đến không
… Hương khói bay
Con heo quay cúng bạn
Chỉ thương nó một thời bom đạn
Ngày ra đi chưa được bữa ăn no
Anh em còn sống thì phải ráng đến để gặp nhau. Cứ tự an ủi mình dù cuộc sống có số phận thế nào, nhưng còn sống đến giờ so với những bạn bè đã mất là may mắn lắm rồi. Đất nước ngày càng thay đổi. Con cháu chúng ta đã trưởng thành bước vào thời đại công nghệ số. Căn nhà lụp xụp của gia đình cậu Phong cũng không còn nữa. Dòng kênh Nhiêu Lộc đã được chỉnh trang sạch đẹp. Khách du lịch có thể ngồi thuyền ngắm cảnh thành phố. Nghị quyết Đảng đặt mục tiêu đến năm 2045, nước mình trở thành nước giàu có, gia nhập nhóm các nước phát triển cao của thế giới. Mừng quá, nhưng anh em mình không biết ai còn sống đế chứng kiến ngày đó.