- Tin tức - Hoạt động Hội
- Giải thưởng văn học TPHCM 2024: Niềm tin, bản lĩnh và khát vọng
Giải thưởng văn học TPHCM 2024: Niềm tin, bản lĩnh và khát vọng
Ngày 15/1/2025, Hội Nhà văn TPHCM đã tổng kết hoạt động trong năm 2024 với rất nhiều tác phẩm được ấn hành và đoạt nhiều giải thưởng văn học uy tín trong nước. Ngày Nay xin giới thiệu bài nhận định của PGS.TS, nhà văn Bùi Thanh Truyền, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học của Hội Nhà văn TP.HCM, về văn học TPHCM thông qua các giải thưởng.
Hội Nhà văn TPHCM khen thưởng các hội viên có nhiều đóng góp trong năm 2024
Cùng với sự ổn định, phát triển của đất nước trong năm 2024, văn học TPHCM cũng có những kết quả đầy ấn tượng. Ghi nhận, động viên, khích lệ và lan tỏa tinh thần sáng tạo, ý thức trách nhiệm của người cầm bút, Ban chấp hành Hội Nhà văn TPHCM, sau rất nhiều lựa chọn, cân nhắc, đã nhất trí thông qua kết quả xét Giải Văn học năm 2024 với hai mức độ Giải thưởng và Tặng thưởng
Sự lựa chọn, vinh danh nào cũng khó toàn vẹn, khó thỏa lòng tất cả công chúng. Những tác phẩm được giải trên đây cũng không là ngoại lệ. Mục đích và chủ tâm của những người “cầm cân nảy mực” không ngoài việc chọn được những gương mặt đại diện cho bức tranh chung của văn học TPHCM trong một năm hoạt động hiệu quả, đa dạng, tạo được nhiều dấu ấn xã hội, qua đó tiếp tục khơi dậy niềm tin và trách nhiệm của văn nhân, của công chúng vào con người và hành trình đi tới của đất nước. Điều này cũng là minh chứng cho sự làm việc nghiêm túc, công tâm của các Hội đồng chuyên môn, của ban giám khảo. Vì thế, xin không đi vào chi tiết thứ bậc của từng tác phẩm ở mỗi hạng mục; từ cái nhìn tổng thể, có thể nói đây là một tín hiệu vui cho sự khởi sắc của văn học TPHCM. Cốt lõi của sự chuyển động theo chiều hướng lạc quan này, theo chúng tôi, có thể đúc kết bằng ba từ: Niềm tin, Bản lĩnh và Khát vọng.
Nhà văn Trang Thế Hy được Hội Nhà văn TPHCM trao giải cống hiến
Dù là sáng tác hay nghiên cứu, dù của lão niên hay của người trẻ tuổi, những tác phẩm này đều là kết tinh từ sự tin yêu, trân quý của người viết đối với quá khứ, hiện tại và tương lai quê hương, xứ sở, với tiếng nói - tiếng lòng dân tộc, từ sự thủy chung, trách nhiệm, nghĩa tình với bạn bè, đồng đội. Lòng từ ái, sự thấu cảm, độ lượng với tha nhân, với cuộc đời là yếu tính để văn nhân an nhiên, bình đạm trước bao quăng quật, trắc trở phù sinh. Sự kết nối với đồng loại, với cõi sống - nhân tố quan trọng tạo nên bản vị của mỗi nghệ sĩ - cũng là căn cốt đem lại chất sống cho trang viết, dẫu đó là hiện thực hay kì ảo, hư cấu hay phi hư cấu, hoài niệm, kí ức hay cái hôm nay, cái mai sau sinh động, đầy biến ảo… Niềm tin tích cực, thiện lành là cơ sở định hình bản lĩnh người viết. Nhờ đó văn nhân có đủ nội lực, tâm thế vượt cản, không rơi vào tình trạng vô hướng, phó mặc, để có thể đắm đuối cùng chốn tạm, để vẫn được là mình dẫu qua bao “sóng đời” cuộn trôi, dâu bể.
Những tác phẩm được Tặng thưởng Hội Nhà văn TPHCM 2024
Là nghệ sĩ, ai chẳng thường trực những ước mơ, hoài bão. Chân trời văn học luôn mời gọi những đường bay. “Đã là thuyền phải ra khơi”, lời tâm niệm của cố Giáo sư, nhà văn Trần Hồng Quân là tiếng lòng chân thành, nồng hậu của bao văn nghệ sĩ. Muốn có được ý nghĩa cho cuộc đời giữa thoáng chốc nhân sinh, con người rất cần những khát vọng lớn, sát hợp, thực tiễn để khám phá, chinh phục, cống hiến,…
Với sự hòa kết của Niềm tin, Bản lĩnh và Khát vọng, lịch sử, văn hóa, sinh thái, hiện trạng nhân sinh… của đất nước, của phương Nam hiện hình qua những diễn ngôn đậm tình, sống động. Đó là những “miền đất mặn”, nhắc nhớ, níu giữ tâm tình bao khách lạ, bao tri âm, tri kỉ. Những kí ức vụn, những sẻ chia, ân tình với bè bạn, với cố xứ góp phần đắp bồi, sinh hóa những chặng đường văn hóa, văn học đất nước. Sợi dây thiêng kết nối quá khứ với hiện tại, tương lai, kết nối bao tấm lòng, bao tình thân quý,… khiến cho “chữ nhân, chữ nghĩa” hiện hình sống động, đầy ám gợi trong những “giọt mực đời”, để bạn đọc có sức đề kháng trước bi kịch mất kí ức, đói tình người, không vô cảm trước môi sinh. Lối viết của người trong cuộc, không cầu kì, làm dáng, không lên gân để có màu hiện đại, tân thời vẫn chinh phục người khác bằng chính sự đồng cảm, san sẻ, tin yêu,… Dưới bình dị câu từ là bao ba động vỗ nhịp thời gian, đánh thức những suy tư. Những tiếng nói thầm, những lời nhắc khẽ dưới trầm tích tháng năm vẫn kiến tạo những đường văn mê đắm để “cho nhân quần độ lượng thương yêu” (Đinh Nho Tuấn).
Lãnh đạo Hội Nhà văn trao Giải thưởng văn học năm 2024 cho các tác giả
Bên cạnh người trẻ giàu đam mê, dấn thân cùng nghiệp viết là những cây cao bóng cả của làng văn vẫn còn nhiều đắm đuối với văn chương. Cùng với những đề tài, nhân vật giàu tính thời sự, những đề tài giàu truyền thống, nhiều thành tựu vẫn không ngừng được làm mới bằng suy cảm, lối viết của con người hôm nay. Mỗi chuyển vận của văn học miền đất này đều có sự gặp gỡ giữa quá khứ và hiện tại. Đó là nét đẹp của sự chân thành, ân nghĩa, là cốt lõi của bản sắc một vùng văn hóa. Bằng cách ấy, văn học đã tích cực góp phần sinh động hóa, phong phú hóa đời sống tinh thần, chung sức với công cuộc đổi mới văn hóa, văn nghệ của cả nước theo hướng hiện đại và nhân bản. Văn học TPHCM thể hiện rõ những phẩm tính bất biến: lòng tin yêu cuộc sống, con người; sự vẹn tình với đời, với chữ. Đây là những tín hiệu lạc quan, những hạt mầm hi vọng về sự chuyển mình của văn học Thành phố mang tên Bác, trực tiếp góp phần tạo nên lịch sử của cái đẹp và tư tưởng cho một nền văn học một vùng đất năng động, giàu truyền thống và bản sắc văn hóa.
Trao quyết định kết nạp hội viên
Cùng với các tác phẩm được giải thưởng từ các tổ chức, đơn vị khác như: hồi kí Khắc đi… khắc đến của Xuân Phượng được Giải Mai vàng do báo Người Lao động tổ chức, Theo dấu chân người (truyện kí của Trình Quang Phú), Thành phố của người trẻ (tập truyện ngắn của Tống Phước Bảo), Khoảng lặng trước mắt (truyện kí của Trầm Hương), Mưa lẻ (truyện dài của Thạch Cương), Hoa cho tình yêu (tiểu thuyết của Hoàng Phương Nhâm), Nở thêm một cánh chuồn chuồn (thơ của Trần Đức Tín) được Giải thưởng Cuộc vận động sáng tác kỉ niệm 50 năm thống nhất đất nước do Ủy ban Nhân dân TPHCM phát động; ba tác phẩm được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam là tập thơ Đồng của Trần Lê Khánh, truyện thiếu nhi Chiếc xe buýt bay của hai tác giả Võ Thị Mai Chi và Huỳnh Bá Long, cuốn Lý luận phê bình văn học miền Nam 1954 - 1975 - tiếp nhận và ứng dụng của Trần Hoài Anh; đặc biệt là nhà văn Phương Huyền được Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng năm 2024 để ghi nhận, tôn vinh những nỗ lực của nữ nhà văn Việt Nam trong cuộc sống, nhất là những cống hiến cho cộng đồng v.v…, những tác phẩm được Hội Nhà văn TPHCM vinh danh đã khẳng định sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng của văn hóa nghệ thuật nước nhà trong bối cảnh mới.
Cái nhìn tổng thể trên đây không phải là tình trạng thấy rừng chẳng thấy cây. Luận bàn quá nhiều về nội dung của từng tác phẩm, theo thiển ý của chúng tôi, sẽ không khỏi rơi vào tình thế chẳng mấy tế nhị là lấy cái nghĩ của mình mà áp đặt cho người. Trao cơ hội tiếp nhận, chiêm nghiệm cho bạn đọc, đó cũng là tinh thần của bài viết: niềm tin ở tâm tình độc giả dành cho văn chương TPHCM, ở vận hội mới của đất nước. Những gợi mở, đối thoại, suy nghiệm tiếp tục khơi lên từ những tình cảm, trăn trở, tin yêu của người viết trao gởi trong những sáng tác này sẽ góp phần tạo sinh, lan tỏa Niềm tin, Bản lĩnh và Khát vọng ở người đọc hôm nay.
Theo Ngày Nay