- Thế giới sách
- Nguyễn Linh Khiếu lại “xuất” hoa lạ
Nguyễn Linh Khiếu lại “xuất” hoa lạ
Mai Nam Thắng
Vâng, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu đã từng xuất bản những tập thơ mang tên những loài hoa rất lạ: Hoa Linh (2000), Hoa Linh Thảo (2021) Hoa Hạnh (trong một bài thơ được Giải nhất cuộc thi thơ tạp chí VNQĐ năm 2010)... Chưa kể tập thơ đầu tay Chùm mơ Tiên cảm (1991) cũng gồm những chùm hoa rất lạ...
Và lần này là tập HOA KHỞI TRINH, do NXB Hội Nhà Văn ấn hành đầu Quý 4-2024, nhưng không phải là thơ mà văn xuôi, một thể loại “tùy văn” rất độc đáo do Nguyễn Linh Khiếu sáng tạo ra, cũng rất lạ như một loài “hoa lạ” nữa của Nguyễn Linh Khiếu vậy!
HOA KHỞI TRINH là những hồi ức về tuổi thơ của cu cậu Cò Bé ở ngôi làng Chí Thiện thuộc miền duyên hải Thái Bình. Tuổi thơ lấm láp lăn lóc của Cò Bé cùng những người bạn cũng lấm láp lăn lóc như Tý Nhớn, Tý Con, Cu Ti, Cò To, Cò Con, Cu Nhỡ, Hương Kều... Bè bạn của bầy nhóc lăn lóc lấm láp ấy là những con vật cũng tội nghiệp đáng thương đáng yêu như chúng: Sẻ đồng, Vịt cỏ, Vịt bầu, Vịt què, Sáo đen, Sáo nghệ, Cò ruồi, Cò mắm... và cả ma quỷ nữa. Cái bãi bồi cuối sông Hồng ấy là nơi tấp dạt xác chết từ thượng nguồn châu thổ từ bao đời, nên rất nhiều ma. Đủ các loại ma hiểu theo mọi nhẽ. Và đám bạn của Cò Bé cũng là một lũ ma quỷ bởi những trò nghịch ngợm “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” của chúng thủa nhịn đói mài đũng quần ở trường làng...
Chuyện làng quê, chuyện tuổi thơ... nhưng ẩn giấu sau cuối mỗi “hồi ức vụn” ấy là những cảnh huống thấm đẫm tình người khiến người đọc thổn thức. Từ đầu sách đã lờ mờ đoán rằng Cò Bé chính là tác giả. Đến cuối sách thì đích thị rõ ràng: “Cò Bé sinh ngày bảy tháng Ba năm Kỷ Hợi. Mẹ nói khi sinh nó mặt trời mọc ngang thân tre. Cữ ấy ở biển là giờ Thìn. Ông Ngoại nói: Tuổi này tháng ấy ngày giờ ấy là quý cách. Hiếm lắm mới có một người. Khoa có văn có quan có. Chữ nghĩa có cơ để lại...”.
Nhẽ phải có một bài bàn kỹ bàn sâu về chữ nghĩa của “Tùy văn Cò Bé”. Cơ mà muốn vậy thì rất nên đọc nốt cả người anh em song sinh là tập CHÂN MÂY, cũng là Tùy văn, cũng do NXB Hội Nhà Văn ấn hành Quý 4-2024. CHÂN MÂY là những ký ức của người lớn, tác giả đứng ở ngôi thứ nhất để kể chuyện. Đó là những mẩu chuyện “được viết khi nhàn rỗi ở những thời không bất chợt. Đó là những cảm xúc nhất thời. Những chi tiết vụn vặt. Những ký ức mơ hồ. Những tâm tưởng nhạt nhòa. Những nối niềm hoang hoải. Những tâm trạng ngẩn ngơ...” (Lời tựa của tác giả).
Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu
Mặc dù tác giả đã rào đón rằng “những điều viết ở đây hoàn toàn là những câu chuyện hư cấu văn chương không mảy may liên quan gì đến đời thực”. Nhưng tôi (và chắc nhiều người) thì không tin lời tác giả. Và cũng như những mẩu chuyện “vu vơ” trong HOA KHỞI TRINH, nhiều mẩu chuyện trong CHÂN MÂY đọc xong muốn khóc: Sầm Sơn, Lạc luộc, Vé số, Lộc vừng... bên cạnh những mẩu chuyện đọc xong khiến ta giật mình ghê tớm vì những trò ma mãnh, láu cá, tiểu nhân ở chốn... “nhầy nhụa”. Tác giả không bình phẩm gì về những cảnh huống ấy, nhưng những câu chuyện nhuốm màu tâm linh huyền bí như viên cuội nhặt ở khu động thổ Hòn Dáu, Bến Vời ở bên bờ sông Hương, Đất nhà tù ở Sơn La, Trang Hotel ở Băng-cốc v.v... chính là những nhắc nhở về việc tu tâm tu đức hướng thiện. Bởi có những việc làm hay suy nghĩ bất chính, ngỡ là không ai biết, nhưng trời đất, thần thánh, ma quỷ biết hết!
Sau trường ca Phồn Sinh ngót 700 trang chỉ có một dấu chấm cuối chót, như một sự thách đố các chuyên gia ngữ văn và các nhà phê bình truyền thống, đến lượt “Tùy văn Nguyễn Linh Khiếu” đốt đuốc cũng không tìm ra một dấu phẩy (,). Không dùng dấu phẩy mà mẩu chuyện nào đọc cũng hấp dẫn, lôi cuốn, hiểu và cảm... đến mức phải phải chú ý lắm, chủ tâm săm soi lắm mới phát hiện ra “Tùy văn Nguyễn Linh Khiếu” không dùng dấu phẩy. Chỉ riêng điều đó đã là một thành công của “Tùy văn Nguyễn Linh Khiếu” rồi...
M.N.T