TIN TỨC

“Giang Minh Sài là tôi và không chỉ là tôi!”

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-11-11 11:46:20
mail facebook google pos stwis
1002 lượt xem

BÍCH NGÂN

Nhà văn Lê Lựu đọng lại trong tôi một vài hình ảnh và ấn tượng khó quên.

Đó là những năm 89 - 90 của thế kỷ trước, lúc tôi từ Cà Mau ra Hà Nội học Trường Viết Văn Nguyễn Du. Mười mấy học viên của khóa học (Khóa 4) chia ra thành hai tổ văn và thơ. Tổ văn do ba nhà văn trực tiếp phụ đạo. Đó là nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Lê Minh và nhà văn Lê Lựu. Lê Lựu là nhà văn trẻ nhất trong ba nhà văn trực tiếp đọc, theo dõi và tham gia góp ý các sáng tác của học viên. Lúc ấy, tuổi chưa đến 50 nhưng trông Lê Lựu như một ông già tuổi lục tuần của thế kỷ trước (thế kỷ này, lục tuần là cái tuổi… chưa già, nhất là đối với văn nghệ sĩ). Ông lùi xùi trong ăn mặc, thô mộc trong cách nói, cách bày tỏ quan điểm, cảm xúc nhưng chân thành, vô cùng chân thành.

Sự chân thành trong ứng xử và trong từng câu chữ của ông khiến tôi, không chỉ thấy ông thật gần gũi, trìu mến mà còn cho tôi nhận ra, với người cầm bút, sự chân thành, chân thành với chính mình, chân thành với cuộc đời còn là mệnh lệnh của trái tim và cách nào đó, cũng chính là dấu ấn, là sinh mệnh của nhà văn.

Với Lê Lựu, sự chân thành tột cùng nơi ông đã nhào nặn ra được nhân vật Giang Mình Sài. Lúc đó, tiểu thuyết Thời xa vắng tạo ra một tiếng sét trên cánh đồng chữ nghĩa vốn khá cằn khô và báo hiệu một “thời tiết” khác cho mùa màng văn chương. Và giờ “lên lớp”, chúng tôi được nghe ông rút ruột chia sẻ về thân phận của nhân vật và đó cũng là thân phận của chính ông, một người nông dân hiền lành, cầm súng ra chiến trường; chưa kịp sống, chưa kịp yêu thương lại phải đối mặt với chiến tranh, với cái chết…Rồi những bi hài kịch cuộc đời không buông tha số phận những con người sống sót sau chiến tranh. Tôi nhớ ông từng nói: “Cái khốn khổ khốn nạn của Giang Minh Sài cũng chính là cái khốn khổ khốn nạn của người đẻ ra nó”. Nhiều lần ông nói: “Giang Minh Sài là tôi và không chỉ là tôi!”. Lê Lựu cũng từng đúc kết: “Không biết đau và không chịu đựng được nỗi đau thì khó mà viết được về nỗi đau. Mà văn chương từ xưa đến nay, có gì khác hơn là nỗi đau, thứ nỗi đau làm nên nhân cách, tạo nên tâm hồn”.

Tôi cũng nhớ, một sáng, vào giờ lên lớp, ông ngồi vào bàn, nhìn xuống lớp, mắt ông dừng lại mặt tôi và nói: “Hôm qua đọc Đất không cưu mang của chị Bích Ngân trên Văn nghệ quân đội, tôi thấy bất ngờ. Lâu nay, trông chị hiền lành, có lúc như lơ ngơ nữa nhưng không ngờ chị viết dữ dội như vậy. Đọc văn chị, tôi thấy phải… cảnh giác, bởi chị có thể đi guốc vào bụng người khác. Hóa ra, nhà văn Lê Lựu cũng không hiền lành như vẻ ngoài của ông, khi cần ông cũng thừa khả năng… hài hước.

Rồi tôi tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du và không gặp lại nhà văn Lê Lựu lần nào nữa nhưng tôi vẫn âm thầm đọc những tác phẩm của ông và biết những nỗ lực không ngưng nghỉ của ông cho nhiều hoạt động, không chỉ cho Trung tâm văn hóa doanh nhân mà ông là người sáng lập và cùng nhiều cá nhân, nhiều tố chức xã hội duy trì hoạt động mang ít nhiều hiệu quả cho khát vọng về một môi trường sáng tạo thật sự nhân văn, đặc biệt là sự vun đắp của ông cho Quỹ văn học Lê Lựu.

Năm 2021 tôi bất ngờ khi được Ban tổ chức Quỹ văn học Lê Lựu thông báo là truyện ngắn Rượu 40 năm của tôi in trên Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam được Ban chung khảo trao giải tư, giải quỹ văn học Lê Lựu.

Hiếm có nhà văn nào mà sự tận hiến cho văn chương, cho cuộc đời đến cùng như nhà vă Lê Lựu dù chính ông phải chịu bao mất mát, thiệt thòi.          

Huế, tối 9/11/2022

(*) Đất không cưu mang, truyện ngắn hơn 8 ngàn chữ in trên Văn nghệ Quân đôi, sau đó, được nhà văn Nguyên Ngọc chọn là một trong 50 truyện ngắn tiêu biểu của văn học Việt Nam trong 50 năm, từ 1945 đến 1995, được NXB Thế giới chuyển ngữ và in bằng tiếng Pháp lấy tên “Les yeux”, một truyện ngắn của Nam Cao làm tên bộ truyện (2 tập).

Bài viết liên quan

Xem thêm
HTV đưa tin về Hội nghị những người viết trẻ TP.HCM lần 5
Sáng 4.10, BCH Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức họp báo, thông tin về Hội nghị những người viết trẻ TP.HCM lần 5. c
Xem thêm
Làng Nủ thân thương
Tác giả Bỉ Hao tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Huy sinh năm 2007 (17 tuổi), tại Đăk Lăk. Hiện đang là học sinh Trường Trung học phổ thông Krông Bông. Em viết truyện ngắn, bút ký, tản văn và cả sáng tác thơ. Có thể nói các tác phẩm của em đang được ví như một viên ngọc nhỏ thô sơ còn cần thời gian gọt dũa, mài sáng, nhưng tôi tin rằng, trong thời gian tới, khi ở tuổi trưởng thành, em sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa. Văn chương TP.HCM trân trọng giới thiệu tản văn Làng Nủ thân của Bỉ Hao đến với bạn đọc.
Xem thêm
Thơ Văn Liêm và những khao khát biển bờ!
Bài của Nguyễn Văn Hòa về nhà thơ Văn Liêm
Xem thêm
Giao lưu và ra mắt 2 tác phẩm Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa chân dung thơ của nhà thơ Nguyên Hùng
Sáng ngày 02/ 10/ 2024, Hội trường B lầu 2 số 81 Trần Quốc Thảo, Quận 3, TP HCM, nhà thơ Nguyên Hùng đã ra mắt bạn đọc 2 tác phẩm Trăm khúc hát một chữ duyên và Ký họa 81 chân dung văn học.
Xem thêm
Ra mắt tuyển thơ của tác giả từng 2 kỳ Nguyên Tiêu có thơ thả lên trời
Hình ảnh: Nguyên Hùng và NVCC – Dựng clip: Nguyên Hùng
Xem thêm
Người lính già cầm trăng đợi chờ vì sợ đêm đi mất
Nguồn: Lê Thiếu Nhơn (Nông nghiệp Việt Nam)
Xem thêm
Trao giải Cuộc thi sáng tác Thơ khu vực Đông Nam bộ lần thứ I năm 2024
Sáng 20.9, tại TP Phan Thiết, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận đã long trọng tổ chức Lễ tổng kết và trao giải thưởng Cuộc thi sáng tác Thơ khu vực Đông Nam bộ lần thứ I năm 2024.
Xem thêm
Gặp gỡ và giao lưu cùng 5 tác giả của bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp
Sáng ngày 21/9, chương trình “Trò chuyện cùng các tác giả bộ sách tiếng Việt giàu đẹp” diễn ra tại Đường sách TP. HCM đã thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng.
Xem thêm
Thêm một nghĩa cử nghĩa tình cao đẹp
Ngày 4 tháng 9 năm 2024, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã ký công văn số 5133/ UBND-KT về việc hỗ trợ chăm lo cho thương binh, bệnh binh. Theo đó, thành phố chủ trương hỗ trợ đối với thương binh, bệnh binh với số tiền chăm lo tối thiểu 2 triệu đồng / người / tháng. UBND TP giao cho các doanh nghiệp do nhà nước giữ 100% vốn điều lệ thuộc Thành phố, mỗi đơn vị hỗ trợ tối thiểu 5 trường hợp ( 10 triệu đồng / tháng ) phấn đấu duy trì đến hết năm 2030. Thành phố giao cho các sở Tài chính, Lao động TBXH triển khai ý kiến chỉ đạo này. Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP HCM được giao tiếp nhận, quản lý và giải ngân nguồn tài trợ.
Xem thêm
Phóng sự hình ảnh buổi ra mắt sách “Bác sĩ phẫu thuật” của PGS-TS, nhà văn Nguyễn Hoài Nam
Đây là tác phẩm thứ 10 của nhà khoa học, nhà quản lý, nhà văn Nguyễn Hoài Nam, hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
Xem thêm