- Văn chương thế giới
- Nhà văn Trung Quốc Diêm Liên Khoa: Viết văn là… thiên mệnh
Nhà văn Trung Quốc Diêm Liên Khoa: Viết văn là… thiên mệnh
Tàn nhẫn, bóng tối, sự sa đọa khốn cùng là thế giới văn chương của Diêm Liên Khoa. Lật giở từng trang văn, người ta lạnh gáy trước sự bạo tàn từ mặt hình thức đến vỉa tầng tâm thức, vô thức của con người được ông tỉ mẩn bóc tách, khoan sâu bằng ngòi bút. Nhưng trong thứ bóng tối đặc quánh ấy, vẫn le lói tia sáng, dẫu chỉ là mong manh...
Diêm Liên Khoa là một trong những cây bút xuất sắc nhất của văn học Trung Quốc đương đại, là một "đại sư" của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Ông có hơn 20 tác phẩm được dịch sang hơn 30 ngoại ngữ và giành nhiều giải thưởng danh giá, như giải Kafka năm 2014 (ông là nhà văn Trung Quốc đầu tiên và là nhà văn châu Á thứ hai được vinh danh sau nhà văn người Nhật Haruki Murakami), hai lần đoạt giải Lỗ Tấn...
Tại Việt Nam, Diêm Liên Khoa có 6 tác phẩm dịch sang tiếng Việt, gồm: "Phong Nhã Tụng", "Người tình phu nhân sư trưởng", "Nàng Kim Liên ở trấn Tây Môn", "Kiên ngạnh như thủy", "Đinh Trang mộng" và mới đây là "Tứ Thư".
Ông vừa có hai buổi giao lưu, trò chuyện với bạn đọc Việt Nam tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh vào tháng 4. Buổi trò chuyện mang đến cho giới văn chương lẫn độc giả Việt Nam hết ngạc nhiên này đến thán phục khác bởi sự thẳng thắn, quyết liệt của Diêm Liên Khoa. Trầm tĩnh, ít cười nhưng cử chỉ vô cùng chân thành cùng những câu trả lời sắc gọn của nhà văn 61 tuổi ấy được xem là cá tính Trung Hoa tiêu biểu.
Con đường văn chương của Diêm Liên Khoa được ông kể lại một cách điềm đạm mà ngẫm kỹ sẽ thấy được sự giễu nhại ý nhị. Hồi nhỏ, khi biết mình sinh ra ở tỉnh Hà Nam, nơi được coi là trung tâm Trung Quốc, ông vô cùng hãnh diện. Cậu nhóc khi ấy càng tự hào hơn khi biết huyện Tung nằm giữa tỉnh Hà Nam.
sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh
Sau khi nghiên cứu nát bản đồ, cậu bé phát hiện ra bí mật động trời: Nhà mình là trung tâm của huyện. Từ khi phát hiện cái cây, cục đá nhà mình là trung tâm của cả nước Trung Quốc, Diêm Liên Khoa sướng rêm người và băn khoăn tự hỏi không biết Thượng đế muốn cậu gánh sứ mệnh gì khi gieo điều thiêng liêng ấy.
Sau này, Diêm Liên Khoa hóm hỉnh bảo rằng, viết văn chính là sứ mệnh đó. Ông không viết ở đâu xa, mà tìm kiếm chất liệu trong chính thôn làng. Và quả thực, ông phát hiện làng Dao Câu, huyện Tung - một thôn trang hậu xã hội chủ nghĩa điển hình - là nơi chứa đựng vô số câu chuyện tốt đẹp nhất cũng như khủng khiếp nhất của nhân loại.
Ông nhớ mãi thuở nhỏ, thôn trang nghèo khó mà lương thiện, thuần phác. Khi nạn đói bủa vây, người tứ xứ dạt về ăn xin. Tuy đói rách, nhưng người làng vẫn chắt chiu một ít lương thực dành cho những con người cùng khổ kia. Một ngày, thôn trang đón một thiếu nữ xinh đẹp nhưng bị câm điếc.
Cô gái được người dân cho ăn, cho quần áo vào ngày đông giá rét. Nhưng rồi cô mang thai. Người làng truy kẻ hãm hại cô nhưng bất lực. Họ đỡ đẻ, chăm sóc đứa con cho cô. Ân tình, tấm lòng nhân hậu của người dân quê là ký ức tuổi thơ đẹp đẽ in mãi trong Diêm Liên Khoa.
Thế rồi khi cuộc sống hiện đại tràn về, khi đường làng, ruộng mạch, vườn cây... bị biến thành khối bê tông vô cảm, người làng cũng không còn như xưa. Cây xanh bị chặt trụi để bán lấy tiền. Nhà nhà tậu trực thăng cho người làng thuê du hí. Nhà lầu mọc lên càng nhiều, càng cao thì tình người càng vơi, càng thấp. Diêm Liên Khoa có người em họ tông chết một em bé. Nghe anh ta than vãn xót xa: "Nhà ấy đòi những 3 vạn tệ, trong khi thông thường chỉ đền bù có 3 hoặc 5 ngàn tệ" mà không mảy may tiếc thương đứa bé, ông sởn gai ốc.
Xuất thân từ quân ngũ nên Diêm Liên Khoa được biết đến là nhà văn thẳng thắn đối diện với cái ác, cái xấu một cách quyết liệt. Ông viết về sự xuống cấp nhân phẩm, vạch thẳng bản chất ti tiện, tham lam, ngu dốt... của người dân và bọn quan chức đầu ngành bằng giọng giễu nhại thâm thúy, cùng bút pháp hiện thực huyền ảo xen lẫn hiện thực phê phán.
Nói như dịch giả Minh Thương: "Mộng là thực và thực cũng chính là mộng. Mộng là hiện thực hoang đường và thực là một cơn ác mộng". Diêm Liên Khoa thành thật xin lỗi độc giả khi tác phẩm của ông luôn khiến người đọc nhói lòng, ám ảnh. Nhưng thực tế khủng khiếp bủa vây buộc ông phải viết, bởi "đã có rất nhiều nhà văn viết về điều thiện rồi thì tôi phải viết về cái ác. Tính thiện và tính ác là hai vấn đề của văn học".
Quan chức địa phương thì tham nhũng, doanh nhân làm giàu trên xương máu người khác, còn người dân thì bất chấp mọi thứ để vươn tới khát vọng đổi đời. "Đinh Trang mộng" là một tiểu thuyết tiêu biểu của Diêm Liên Khoa chất chứa thực tế bi thương ấy. Tác phẩm bắt nguồn từ sự thật tàn khốc khi cơn đại dịch HIV/AIDS tràn lan ở nông thôn do nạn bán máu vô tội vạ. Không khí tiểu thuyết đậm đặc mùi tử khí: thôn Đinh Trang la liệt người mắc bệnh AIDS, sống nay chết mai với những vết lở loét hành hạ.
Họ không chỉ bị nỗi đau thể xác làm cho chết dần chết mòn, mà đau đớn hơn là sự táng tận lương tâm của đồng loại dìm họ xuống hầm mộ. Ông giáo già có hai người con trai: người con cả nhanh chóng phất lên nhờ mưu mẹo gian ác từ việc đầu nậu mua bán máu lậu, người con thứ vì ham bán máu làm giàu mà mắc AIDS.
Câu chuyện thật từ sự đối đầu căng thẳng của ông giáo già và người con cả diễn ra với vô vàn chi tiết tàn khốc. Đến chiếc quan tài, mảnh đất chôn người chết lẫn âm hôn (tục cưới vợ/chồng cho người chết) cũng bị người ta đem ra so kè sĩ diện, cũng khiến bọn quan chức nghĩ cách cắt xén, moi tiền. "Đinh Trang mộng" đã được chuyển thể thành phim "Tối ái" (2011), song nó chỉ xoáy vào mối tình của Đinh Lượng và Linh Linh.
Diêm Liên Khoa thú thật ông không muốn nhiều tác phẩm của mình được chuyển thể thành phim. "Bởi nếu được chuyển thể thành phim chứng tỏ tác phẩm của tôi quá đơn giản. Và hơn nữa, bộ phim ấy sẽ không bao giờ nói hết ý nghĩa, thông điệp mà tôi gửi gắm vì nó sẽ bị cắt, bị kiểm duyệt gắt hơn sách".
Không riêng "Đinh Trang mộng", mà với tất cả tác phẩm, Diêm Liên Khoa đã dùng cả sinh mệnh để viết. Đó là sự đau khổ, vò xé cùng cực với những phận đời, phận người trước hiện thực tàn khốc mà ông luôn phải đối mặt. Mỗi một tác phẩm của Diêm Liên Khoa ra đời đều khiến văn đàn Trung Quốc chấn động và tranh cãi. Nhưng ông bảo mình viết không phải vì người đọc, mà vì nội tâm của chính mình.
"Tất nhiên được độc giả đón nhận, đồng cảm là điều tôi rất trân trọng. Tuy nhiên, tôi coi chuyện đó không ảnh hưởng đến mình thì những lời chỉ trích, chê bai, cấm đoán cũng không làm tôi bận tâm. Tôi không sợ kiểm duyệt hay số lượng phát hành ít hay nhiều" - Ông tâm sự.
Mỗi một tác phẩm là một sự cách tân trong hình thức sáng tạo đi cùng với góc nhìn táo bạo, không tác phẩm nào giống tác phẩm nào. Ông viết được nhiều thể loại nhưng lại không muốn bó buộc vào một thể loại cố định nào.
Ông tâm niệm: "Tôi muốn viết những cuốn tiểu thuyết không giống với tiểu thuyết vì tôi rất ghét những tiểu thuyết quá giống tiểu thuyết. Dùng phương pháp thông thường nhất có thể làm nên tác phẩm vĩ đại nhất, dùng phương pháp mới mẻ nhất cũng có thể làm nên tác phẩm vĩ đại nhất. Vậy thì tôi chọn vế sau". Những tư tưởng và cách tân không ngừng khiến Diêm Liên Khoa trở thành nhà văn Trung Quốc đương đại được kỳ vọng đoạt giải Nobel nhất hiện nay.
Với Diêm Liên Khoa, những điều diễn ra ở huyện Tung cũng chính là vấn đề nhức nhối của nhân loại, là nỗi đau của loài người. Và dù tiểu thuyết của ông có là "một khối tuyệt vọng khổ đau" thì nó vẫn đủ sức thức tỉnh lương tri.
Bởi ông quan niệm, có sống trong bóng tối mới trân quý chút ánh sáng nhỏ nhoi. Tại cuộc nói chuyện với sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, GS Vương Nghiêu (Đại học Tô Châu, Trung Quốc) khẳng định: "Mạc Ngôn, Giả Bình Ao, Diêm Liên Khoa là những nhà văn quan tâm tới vấn đề nhân tính, đều thể hiện sự kinh sợ với ngôn ngữ và dùng việc viết để thúc đẩy văn học Trung Quốc. Nếu không có ba người đó, khó có sự phát triển của văn học Trung Quốc hôm nay".
PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh thì tâm đắc với nhà văn Diêm Liên Khoa vì những điều sau: "Ông là nhà văn yêu quê hương, thôn trang của mình, đứng trên mảnh đất quê hương nhưng vẫn có một cảm hứng phê phán mãnh liệt với cái xấu, cái ác, phi nhân tính, lên tiếng kêu gọi lưu giữ và cải thiện bản chất tốt đẹp của con người.
Thông thường chúng ta hay có sự cực đoan, hoặc là khen, hoặc là chê sát ván, riêng ông thì không như thế. Ông yêu chuộng chính nghĩa, hòa bình, xem chủ nghĩa hòa bình cao hơn chủ nghĩa ái quốc, dám phê phán chính cái chủ nghĩa ái quốc cực đoan của Trung Quốc. Vì dám phê phán nên ông ca ngợi văn học nghệ thuật hướng đến nhân loại như "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh và những bộ phim của đạo diễn Trần Anh Hùng".