TIN TỨC

Hoa hồng xanh trong tâm dịch

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-05-12 08:26:26
mail facebook google pos stwis
1217 lượt xem

BÀI DỰ THI BÚT KÝ “NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG”

HOÀI HƯƠNG

Hoa hồng xanh hắn là một ví von rất đúng với cô Thượng úy quân y chuyên nghiệp Nguyễn Thị Cảnh, sinh năm 1985, thuộc Lữ đoàn Công binh 550 - Phòng Hậu cần - Quân đoàn 4. Suốt những tháng cao điểm phòng chống dịch Covid-19 ở phía Nam, nữ điều dưỡng Cảnh đã có mặt ở những điểm nóng đầy thử thách sinh tử, để cùng đồng đội cứu giúp người dân.

Có lẽ, ngay từ khi sinh ra và lớn lên ở xóm Trung, xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, Nguyễn Thị Cảnh đã được ngấm những câu chuyện kể về một thời chiến đấu dũng cảm của người bác ruột mình, một vị tướng đã cống hiến cả thanh xuân cho sự nghiệp thống nhất đất nước, đặc biệt là đã xông pha trận mạc, chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh. Đó vừa là niềm tự hào, vừa để cô nuôi ước mơ.


“Hoa hồng xanh” Nguyễn Thị Cảnh

Yêu màu áo xanh người lính

Và từ lúc nào không rõ, cô đã có một tình cảm đặc biệt với màu áo xanh quân đội, mong muốn là một quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, nên sau khi tốt nghiệp PTTH, đã tình nguyện nhập ngũ tháng 12-2006, học ngành quân y, thỏa ước mơ được khoác trên mình màu áo xanh, được làm “từ mẫu” chăm sóc sức khỏe những chiến binh đồng đội của mình và nhân dân… Hơn 15 năm học tập và phục vụ trong ngành quân y, Thượng úy Nguyễn Thị Cảnh không thể nhớ mình đã chăm sóc bao nhiêu thương bệnh binh và đồng bào các vùng sâu vùng xa. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, cô và đồng đội thật sự là những chiến binh dũng cảm kiên cường, lao vào tâm dịch, thầm lặng hy sinh vì sức khỏe đồng bào …

Nụ cười tươi, gương mặt mang nét đẹp dịu dàng, Thượng úy quân y chuyên nghiệp Nguyễn Thị Cảnh kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện kỷ niệm những ngày đầu phục vụ ở Quân y Quân đoàn 4. Trong đó, cô nhớ nhất chuyện của người thương binh thời chống Mỹ bị cụt hai chân. Cô kể, bác ấy đã lớn tuổi, hình như con bác cũng hy sinh khi làm nghĩa vụ quốc tế chiến trường K, nhưng ở bác luôn toát ra tinh thần lạc quan, vui vẻ. Hàng ngày, sau khi xong nhiệm vụ, cô hay tới trò chuyện và nghe bác kể chuyện chiến đấu ngày xưa. Chính những câu chuyện của bác thương binh đó đã ảnh hưởng đến cô trong suy nghĩ, để nhận ra thế hệ cha ông xưa chiến đấu giành độc lập, thống nhất đất nước, mang lại hòa bình như hôm nay đã phải hy sinh bao máu  xương… Và thế hệ trẻ như cô cần phải sống có trách nhiệm với đất nước, sống sao cho xứng đáng với những hy sinh của các bậc cha ông thế hệ trước…

Giống như được truyền lửa, cô đã luôn tự nhủ mình luôn cố gắng học tập, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, để phục vụ tốt nhất công tác chữa bệnh cho thương bệnh binh, luôn xem thương bệnh binh là người thân của mình, thương yêu, chăm sóc tận tình… Cô chia sẻ: “Những vất vả hy sinh của hôm nay so với thời chiến tranh năm xưa không là gì. Ngày xưa thế hệ cha ông đã làm nên những chiến công như huyền thoại thì tại sao hôm nay thế hệ chúng tôi lại chùn bước trước một chút gian khổ, một chút khó khăn…”.

Tinh thần quyết chiến lao vào vùng dịch

Ngay khi đại dịch lên đến đỉnh điểm vào tháng 7-2021 ở phía Nam, nhất là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Nguyễn Thị Cảnh và đồng đội thuộc Quân y Quân đoàn 4 đã được lệnh hành quân tăng cường cho Bình Dương tham gia phòng chống và cứu chữa bệnh nhân Covid-19. Đơn vị cô được phân công ờ Thuận An, Dĩ An, với nhiệm vụ tuyến đầu, lấy mẫu test nhanh Covid-19, phân loại cấp độ nhiễm và đến các bệnh viện dã chiến để cứu chữa kịp thời. Đây là khu vực tập trung rất nhiều các nhà máy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và trong nước; số công nhân và gia đình của họ lên tới cả triệu người. Khi dịch bệnh lan ra, những nơi này trở thành ổ dịch tiềm ẩn rất cao nguy cơ lây lan và biến chứng nguy hiểm trong cộng đồng.

-   Thế lúc em nhận nhiệm vụ, có lúc nào lưỡng lự? Em có quyền từ chối không đi vì có tới hai con còn nhỏ…

-   Dạ không. Ngay lập tức em đã thấy háo hức muốn được tham gia. Ở nhà, chị của em có ngăn, nói em nên xin phép không tham gia vì có hai con nhỏ (6 tuổi và 11 tuổi). Mà chồng em cũng là quân nhân thuộc Quân đoàn 4, anh đã đi trước đó, thuộc cánh quân tăng cường ở Tân Uyên - Bình Dương… Nhưng em đã quyết định và lúc này không chỉ là quân lệnh mà là “mệnh lệnh trái tim”, không thể thấy khó khăn hay những hiểm nguy mà tránh né.

-  Em có lý do chính đáng mà.

- Dạ, cho dù là có lý do chính đáng, nhưng em nghĩ, nếu ai cũng viện lý do chính đáng như mình, người có con nhỏ, người có mẹ già cha yếu, người gia cảnh neo đơn…, vậy lấy ai xông pha để đi vào tâm dịch, lấy ai cứu đồng bào đang mắc nạn. Lúc đó, em nghĩ, nếu ích kỷ chỉ biết lo cho gia đình mình, vậy hàng chục ngàn gia đình khác sẽ ra sao?  

-  Cả hai vợ chồng cùng “tham chiến”?

- Vâng! Hai vợ chồng em cùng ra “chiến trường”, mỗi người thuộc một cánh quân ở một “chiến địa” khác nhau. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã nói đây là một cuộc chiến tranh. Em cũng ví von, cho dù “địch” là virus Corona độc ác, tàn bạo, giết người nhanh như chớp, thì chúng em, những chiến sĩ quân y cũng sẽ có vũ khí “đặc trị” để vô hiệu hóa chúng, mang lại bình yên sức khỏe cho đồng bào.

-  Thế em có sợ bị lây nhiễm?

- Lúc đó, tỉ lệ nhiễm rất cao, tử vong cũng cao. Mọi cứu chữa đều là vừa làm vừa thể nghiệm, cố gắng tìm phương cách hữu hiệu nhất. Bọn em lúc đi tăng cường, mới chỉ có một số ít được chích vaccine mũi 1, nên khi đối diện với người dân các khu công nghiệp, ban đầu thật tình cũng có chút hoảng sợ bị lây nhiễm bệnh, do quá đông, nên việc giữ gìn 5K theo quy định có phần “lỏng”. Nhưng “lời thề Hippocrates” cộng với tinh thần chiến binh Quân đội nhân dân Việt Nam, không thể chùn bước. Lúc này, sức khỏe của nhân dân, của đồng bào với chúng em mới là quan trọng nhất…

Hoa hồng xanh tỏa hương

Thượng úy chuyên nghiệp ngành quân y Nguyễn Thị Cảnh thật sự là một bộng hồng xanh tỏa sáng trong vùng dịch. Ngoài công việc lầy mẫu phẩm test, cô và đồng đội còn phân công nhau chăm sóc bệnh nhân ở các khu bệnh viện dã chiến. Việc lấy mẫu test là một công việc nếu ai có đối diện mới thấy sự vất vả và đầy nguy hiểm. Cả một khối lượng công nhân và cư dân các khu công nghiệp ở Thuận An, Dĩ An, tỉnh Bình Dương, trong đó tiềm ẩn hàng chục ngàn ca F0. Để lọc ra khối bệnh tiềm ẩn đó mà chỉ có vài chục y bác sĩ quân y, thật sự là một thử thách chưa từng có với họ. Cảnh cùng đồng đội của mình đã không quản ngại bất kỳ điều gì, chỉ quyết tâm làm sao nhanh nhất có thể phát hiện, sàng lọc F0, tách ra, để còn giữ an toàn sức khỏe cho hàng triệu người khác. Và đúng là những ca làm việc không có ranh giới thời gian, những nhu cầu sinh học thiết yếu của cơ thể cũng như bị chặn lại, để không biết đói, biết khát, buồn ngủ…

Cảnh kể cho tôi nghe câu chuyện xúc động về một bệnh nhân khá nặng bởi nhiều bệnh nền, tiên liệu khá xấu, nhưng luôn vui vẻ, chọc hài mọi người, bản thân ông vẫn rất lạc quan và có niềm tin sẽ khỏi. Ông cũng luôn động viên những bệnh nhân xung quanh, tạo cho mọi người niềm tin rồi sẽ hết bệnh, rồi sẽ về nhà… “Chính những bệnh nhân như thế là nguồn khích lệ chúng tôi vượt qua nỗi sợ hãi, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”, Cảnh nói. 

Cũng không biết sức lực tiếp nguồn ở đâu, nhưng Cảnh và đồng đội đã có những ca làm việc kéo dài hơn 24 giờ, 36 giờ không ngủ, nghỉ, thậm chí ăn cũng chỉ qua quýt, uống cũng chỉ nhấp chút cho đỡ khô họng, bởi vào ca làm việc, với trang phục bảo hộ và những quy định nghiêm ngặt khác về vệ sinh an toàn phòng chống lây nhiễm dịch bệnh, ăn uống cũng trở thành “thao tác” đầy phức tạp, mất thời gian, mà thời gian lúc này là vàng, là kim cương, là hai bờ sinh tử mỏng manh. Chậm xử lý một chút có thể cấp cứu không kịp bệnh nhân, là thêm một sự chia ly âm- dương mãi mãi.

Tình yêu nâng bước chân


Lúc rảnh rỗi, Nguyễn Thị Cảnh chăm sóc cây xanh ở đơn vị

-  Có khi nào làm việc mệt quá, Cảnh muốn từ bỏ công việc xin về tuyến sau?

- Dạ, từ bỏ thì không. Nhưng quả thật, có vài lần, cảm giác cái mệt đã quá ngưỡng chịu đựng, người cứ muốn lả đi, cảm giác trong người khô khát, bị vắt kiệt đến giọt mồ hôi cuối cùng, thiếu ngủ trầm trọng… Lúc đó, điều ước ao duy nhất được nằm đâu đó, ngủ một giấc no mắt.

-  Kỷ niệm nào em ghi nhớ nhất trong mùa dịch?

- Thật sự nhiều kỷ niệm lắm. Có vui có buồn. Như câu chuyện vui. Một bệnh nhân mắc Covid-19 khá nặng, sau khi vào bệnh viện, có lẽ cảm giác mình sắp chết, nên ông vận dụng kế sách “ba không”- không nghe, không nói, không thấy, gây khó dễ trong công tác điều trị. Nhưng rồi, cứ nghĩ ông như người thân của mình, em đã tỉ tê nói chuyện, tìm hiểu nguyện vọng ông muốn gì, thích gì… Có lẽ nhận ra sự thân thiện gần gũi chân tình từ em, ông đã đổi thái độ, hợp tác cùng bác sĩ điều trị. Vui nhất là ông đã khỏi bệnh và được trở về nhà. Còn nhớ hôm được về, ông đã gặp  em, nắm tay em, và hẹn: “Con gái, khi nào hết dịch thì về nhà chú chơi nha”.

Mỗi khi nhắc đến gia đình nhỏ của mình là Cảnh như được tiếp năng lượng. Hai vợ chồng, cùng là quân nhân, cùng Quân đoàn nhưng khác đơn vị, nên nhận nhiệm vụ - địa bàn khác nhau. Khi tham gia lực lượng tăng cường chi viện cho các vùng tâm dịch, họ cũng như “Ngưu Lang- Chức Nữ”, cũng là “chiến trường chia nửa vầng trăng”, không gặp nhau trực tiếp, chủ yếu tranh thủ một quãng nghỉ hiếm hoi, để trò chuyện qua Zalo, Viber hay Facebook. Chỉ ngắn gọn vài ba câu, nhưng với hai vợ chồng là bằng cả miền thương nhớ vô tận, động viên nhau vượt qua gian khó, kiên cường và vững vàng công tác thật tốt, không để sai sót.

Cảnh kể tôi nghe về chuyện hai đứa con, cũng là nguồn động viên, động lực để cô đi suốt “mùa chiến dịch”. Mấy tháng trời gởi con ở nhà cho người thân trông nom, nhiều khi nhớ con muốn khóc, mà không chỉ nhớ, còn lo lắng, bệnh dịch có chừa ai đâu, con lại còn nhỏ… Nhưng có lẽ hai đứa con của Cảnh, con nhà “lính”, đã quen với việc cha mẹ công tác vắng nhà, chỉ là lần này thì lâu hơn… Khi có thể điện thoại về nhà, các con nói với mẹ những lời yêu thương, dặn dò mẹ giữ gìn sức khỏe, không đứa nào khóc nhè đòi mẹ, mà còn nói những câu rất chững chạc, rất người lớn, để mẹ yên tâm công tác. Chúng còn nói cho mẹ biết chúng rất nắm rõ và tuân thủ nghiêm những “quân lệnh” như 5K để phòng chống lây nhiễm bệnh dịch…

Một trong những công việc của người điều dưỡng quân y những ngày phòng chống dịch Covid-19

Tự hào con em quê hương Phù Đổng
Thượng úy chuyên nghiệp ngành quân y Nguyễn Thị Cảnh, điều dưỡng viên thuộc Lữ đoàn Công binh 550 - Phòng Hậu cần - Quân đoàn 4, đã cùng đồng đội của mình xông pha trong tâm dịch, bất chấp nguy hiểm tính mạng, luôn tâm niệm vì bình yên, sức khỏe của đồng bào thân yêu, đã đi suốt những tháng cao điểm dịch bệnh trong một tâm thế quyết không gục ngã, tận tâm phục vụ cộng đồng trong cuộc chiến chống Covid-19, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Khi hỏi cô động lực riêng nào nữa để có tinh thần quả cảm trong tâm dịch, cô không giấu niềm tự hào long lanh trong mắt: Trong những lúc tưởng chừng như cạn kiệt năng lượng vì quá đuối khi làm việc liên tục nhiều giờ trong căng thẳng và điều kiện khắc nghiệt, thì chính tinh thần, niềm tự hào là con em quê hương Phù Đổng - Sóc Sơn như một nguồn năng lượng nạp thêm sức, để lại tiếp tục làm việc.
Cô như một bông hồng xanh của ngành quân y – Quân đội Nhân dân Việt Nam tỏa hương thơm.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm
Những cống hiến, hy sinh của người lính đánh đổi để có hoà bình, phát triển kinh tế đất nước
Nguyện xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc môi trường hoà bình; đóng góp sức mình cùng cả nước giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Xem thêm
Nợ sách đèn
Ngày ấy, chúng tôi từ khi đầu tiên mới tập tễnh cặp sách vào lớp 1 bậc tiểu học đến khi tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, thế hệ học trò chúng tôi trải qua khá nhiều kỳ thi qui định. Học trò có thi đỗ mới được lên lớp.
Xem thêm