TIN TỨC
  • Thế giới sách
  • Nhà văn Lê Kiên Thành chinh phục độc giả bằng sự chân thành và trái tim nhân hậu

Nhà văn Lê Kiên Thành chinh phục độc giả bằng sự chân thành và trái tim nhân hậu

Người đăng : phunghieu
Ngày đăng:
mail facebook google pos stwis
398 lượt xem

Tiến sĩ Lê Kiên Thành khoác trên mình bộ vest xanh lịch lãm, phong thái điềm đạm nhẹ nhàng, nở nụ cười hiền lành, từ tốn bước vào khán phòng giao lưu với độc giả sau khi xuất bản quyển sách đầu tay “Những khoảnh khắc sống”. Ông đến với văn đàn muôn vàn tinh tú ở độ “Thất thập” bằng những câu chuyện thật, rất thật cùng lời lẽ chân thành, mộc mạc và hơn hết là một trái tim nhạy cảm, giàu lòng nhân hậu.

Cuốn sách “Những khoảnh khắc sống” của tác giả Lê Kiên Thành qua những nét bút minh hoạ tài tình của hoạ sĩ Thành Chương được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ra mắt hồi đầu năm tại Hà Nội nhanh chóng gây sốt làng văn. Đến nay, sách được tái bản, tác giả và hoạ sĩ có buổi giao lưu với độc giả TP.HCM trong bầu không khí cởi mở, chân tình và đầm ấm.

Tác giả Lê Kiên Thành (giữa) và hoạ sĩ Thành Chương (phải) giao lưu cùng độc giả tại TP.HCM chiều 14.4.2024.

“Người kể chuyện của thế gian”

Tác giả Lê Kiên Thành kể rằng: “Tôi có Facebook độ ba bốn năm nay. Ngày xưa, người ta gọi là “tàu ngầm”, chỉ xem mọi người viết cái gì, nói cái gì, xem cho biết thế thôi. Thế nhưng khi đọc những gì mà mọi người viết và dư luận của bài viết đấy tôi sực nhớ đến tác giả của cuốn Người tù khổ sai Papillon. Khi ông ra khỏi tù, đọc một quyển tiểu thuyết bán chạy mà so với những cái mà ông ấy trải qua thì không là gì cả. Thế là ông viết ra được cuốn sách rất hay, vượt mọi thời gian, đó là Người từ khổ sai Papillon.

Cảm giác đó sống lại trong tôi khi bắt đầu tiếp xúc với Facebook. Đầu tiên nhất tôi chỉ kể một vài kỷ niệm trong không quân của mình, là một anh phi công bị tên lửa của Trung Quốc bắn rơi ở cuộc chiến biên giới, bị giam 4 năm bên đó. Lúc đầu, người phi công bị giam ở trại không quân, tuy ăn uống đầy đủ nhưng anh ấy không chịu mà đòi phải cho ra giam ở bộ binh. Họ nói xuống đấy khổ lắm thì anh bảo khổ mấy cũng chịu được miễn được nói tiếng Việt, còn ở đây bị giam một mình trong phòng không nói được câu tiếng Việt nào.

Nói mãi, họ cho xuống giam với bộ binh nhưng xuống rồi anh mới biết lính trong phòng giam chỉ một phần ba, phần tư thôi, còn lại toàn là cướp ở các vùng ven và cuộc sống ở trong tù khổ cực khủng khiếp. Hằng ngày hằng giờ anh tìm cách vượt ngục nhưng không được. Sau 4 năm bị giam thì được tha về, cái cảm giác được về với đồng đội, về với đất nước đang trào dâng bỗng dội ngược trở lại vì sự lạnh nhạt, dè chừng…. Ngày chúng tôi sang Liên Xô, gặp lại nhau, nghe anh kể câu chuyện tôi không kiềm được lòng và tôi đã viết sơ sơ chuyện trên Facebook. Tất cả những người làm nghề Báo mà tôi quen đều khuyên tôi viết đi vì những câu chuyện này tụi em không bao giờ có. Và từ đó, tôi viết dần.

Thật ra cuộc đời tôi, lúc đầu học lái máy bay, sau học kỹ thuật hàng không rồi về tham gia thiết kế làm ra chiếc máy bay đầu tiên của Việt Nam. Trong đói khổ ăn bo bo mà làm ra một cái máy bay đầu tiên của người Việt Nam và bay trên bầu trời Việt Nam vào năm 1980 là cái gì đó rất tự hào. Sau đó, tôi được mời đi học ở viện quản lý hạt nhân nhưng về thì không có việc gì làm cả, chúng tôi lại loay hoay làm tất cả những việc để nuôi chính mình.

Cho đến giờ phút này, tôi 70 tuổi và tôi nghề gì tôi cũng không biết tôi nghề gì?. Chính vì thế, cuộc đời mình trải qua rất nhiều cái khác nhau mà những cái khác nhau đó là khoảnh khắc tôi muốn chia sẻ với bạn đọc, không phải một đời mà là những khoảnh khắc của cuộc đời. Đó là tên của cuốn sách “Những khoảnh khắc sống”.

Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều gọi tác giả là “Người kể chuyện của thế gian” – Lê Kiên Thành là một người vừa bền bỉ cất tiếng về những điều tốt đẹp của đời sống con người trong thời đại ông đang sống, vừa cảnh báo về những gì có thể giết chết những điều tốt đẹp ấy. Ông cất tiếng một cách trung thực, sâu sắc và đầy lo sợ, ông không đẩy câu chuyện đi quá bản chất của nó, ông không bi kịch hoá câu chuyện, nhưng ông nhìn thấy bản chất của câu chuyện. Chính vậy, ông là một người kể chuyện đáng tin cậy.

“Người kể chuyện của thế gian” như lời của Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đáng tin cậy như thế nào mà Danh hoạ Thành Chương vốn nổi tiếng là người thẳng tính, chỉ làm theo ý thích của mình phải tốn thời gian, công sức, hạ bút hoàn thành 15 bức vẽ minh hoạ cho cuốn sách này?

Văn chương là người!

Hoạ sĩ Thành Chương “Nói thật tôi sống cứ thẳng băng, thích thì là thích, không thích thì bảo không thích. Tôi thích thì giời cấm tôi cũng làm mà đã không thích thì giời có bắt, tôi chết cũng không làm. Khi anh Thiều gọi điện nói muốn tôi vẽ cuốn này cho anh Lê Kiên Thành. Tôi từ chối ngay, không vẽ. Anh Thiều thuyết phục. Tôi bảo không! Sau đó, anh Thiều bảo tôi bình tĩnh đọc đã rồi hẵng trả lời và tôi nhận bản thảo, bắt đầu đọc. Tôi đọc một truyện, hai truyện, ba truyện, đọc đến một nửa thì nghĩ: Thôi chết rồi, cái này mình phải vẽ rồi. Nó hoàn toàn thuyết phục mình.

Tôi nghĩ rằng, trong đời sống văn học nghệ thuật, cái bấy lâu nay rất thiếu đó là sự chân thật, chân thành, dung dị mà tôi đọc là thấy ngay cái đó trong câu chuyện của anh Lê Kiên Thành. Và tôi lại càng quý hơn nữa, càng đánh giá cao hơn nữa, không phải một con người sống trong môi trường như chúng ta mà là môi trường như người ta hay nói “con vua cháu chúa, con ông cháu cha”, phải khác chúng mình chứ. Nhưng cuối cùng, tôi thấy nó không khác gì gia đình tôi cả. Tất cả chuyện vui, chuyện buồn, những trăn trở hoàn toàn thuyết phục tôi và nó đến với tôi bằng sự chân thành, dung dị, bình dị như tôi không bao giờ tưởng nhưng nó lại là sự thật.

Tôi hứng thú, say mê vẽ với tất cả những cái thú vị, thích thú khi khám phá ra một điều mà lâu nay mình hiểu sai, bây giờ mình đã hiểu đúng. Và tôi thấy rất trân trọng, không những chỉ anh Lê Kiên Thành mà khi đọc trong này gần như hình ảnh hay câu chuyện của Tổng Bí thư Lê Duẩn chỉ thấy đôi dòng trong truyện người chị yêu một người Nga.

Tác giả bước chân vào văn đàn ở tuổi “thất thập”.

Chỉ mấy dòng thôi, cái trăn trở của một con người, của một người cha và vị thế của Tổng Bí thư trong hoàn cảnh như thế thì xử lý như thế nào cho vẫn giữ được cái đúng mà vẫn giữ được cái tình. Chỉ ít dòng thôi mà mình hiểu được cái đời sống, mà chính cái đời sống đó là cái đời sống thật và thuyết phục. Đến lúc gặp anh Lê Kiên Thành thì đúng người làm sao chiêm bao làm vậy. Và sau đó chúng tôi rất quý trọng nhau, con người thật của anh cũng đúng như văn chương và văn chương cũng đúng như con người anh!

Trong tất cả truyện của anh Lê Kiên Thành, những cái khoảnh khắc sống không có cái nào lặp đi lặp lại cả, rất phong phú. Cái quan trọng nhất là rất thật, cái thật ấy không giả vờ được. Trong nghệ thuật, rất nhiều người giả vờ chân thật, tưởng là lừa được thiên hạ nhưng cũng nói luôn là không lừa được ai hết, đừng nhầm lẫn, người ta nói hay không nói thôi.

Những con chữ của anh Lê Kiên Thành trong Những khoảnh khắc sống là lời thật, chân thật từ tận đáy lòng. Chính những điều ấy thuyết phục mọi người. Khi nãy tôi ngồi với chị Xuân Phượng, chị nói chị đọc nhiều sách lắm rồi, bây giờ nhiều tác phẩm lẫy lừng cũng ghê gớm lắm nhưng đọc tới Lê Kiên Thành vẫn xúc động, vẫn thấy rất hay bởi chính điều chân thành, dung dị ấy và đấy là cái điều nhân văn nhất trong cái đời sống văn hoá nghệ thuật và chính anh Lê Kiên Thành đã có điều cốt yếu cơ bản nhất trong tác phẩm Những khoảnh khắc sống”.

Một trái tim nhân hậu!

Có mặt tại buổi giao lưu với tác giả, Đạo diễn Xuân Phượng – bậc cao niên trong giới văn nghệ sĩ không chỉ vui mà còn háo hức: “Tôi vô cùng ngạc nhiên là tại sao cái chú Thành này lại được ông Thành Chương vẽ, vì ông này nổi tiếng khó tính chỉ làm theo ý mình thôi. Tôi đọc bài của anh Thiều, viết một cái tựa cẩn thận, chu đáo, tình cảm, chân thành như thế. Hai yếu tố này làm tôi tò mò vì sao một người như vậy lại nhận được cảm tình nên nghĩ bụng đọc vài ba bài thôi coi viết cái gì.

Cảm giác tôi cũng giống Thành Chương là rất ngại “con ông cháu cha”, đọc được ba truyện rồi đọc xong thì thấy mình nhầm quá. Đây là một trái tim nhạy cảm, có thể nói là một trái tim nhân hậu. Sống trong môi trường nào, một con người có tâm hồn như Thành đều có thể đem lại không những sự xúc động cho tất cả người lớn chúng ta mà còn đem cho giới trẻ biết rằng những cái đau đớn, chia lìa, hy sinh, cố gắng ở trong chiến tranh và sau chiến tranh đều cay đắng như nhau, để có được hạnh phúc thì đều vô cùng cay đắng. Trong quyển sách của anh Lê Kiên Thành, tôi thấy điều đó rất rõ.

Tôi còn thấy một điều rất đặc biệt, chỉ hai trang giấy thôi mà truyện Mối Tình Đầu cũng bắt chúng ta phải suy nghĩ lại. Pháp có câu ngạn ngữ thế này: “Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không thể nào biết được”. Khi mở trang 81-82 của Thành thì tôi thấy một tâm sự tế nhị để kể cho chúng ta hiểu rằng, cái sự rung động của trái tim có khi nó thật vô lý và ngang trái nhưng rung động là rung động.

Truyện Hoa Phượng Đỏ tôi cũng thấy như vậy, tôi thấy cái nhã ý và chú ý thêm một trang bổ sung làm tôi vô cùng xúc động: “Bây giờ tôi mới hiểu tại sao cây kem lúc ấy lại ngon và ngọt kỳ lạ như vậy. Đó là cây kem duy nhất trên đời có trộn cả tình thương và nước mắt của bạn tôi, bạn Thắng thân thương và tội nghiệp của tôi. Những ngày hè này, hàng phượng trong khu Phú Mỹ Hưng lại đỏ rực làm tôi nhớ đến những ngày xưa ở thành phố cảng, nơi một phần tuổi thơ đã đi qua trong niềm vui và cả trong cay đắng, nhớ thương…”.

Tôi rất tiếc là nay quá già, đã 95 tuổi rồi, chứ giá tôi chừng 60 thì sẽ xin phép Thành làm cái phim về các nhân vật như là ông Thời, như Quỳnh, như Lệ, như Thái…. Trên nền những câu chuyện như Thành viết ta đưa hình ảnh của bức tường chưa được xây lại của Thành cổ Quảng Trị. Hôm tôi đi thăm Thành cổ, có cậu nhà báo nói thế này: “Chị ơi, xương cốt của các tử sĩ có thể vẫn còn ở dưới này”, tôi cảm thấy mình không biết làm cái gì nữa. Nếu có những bạn làm phim, tôi mong rằng có thể lấy những câu chuyện hằng ngày trong chiến tranh, sau chiến tranh của Thành làm cái gì đó gọi là tri ân những người đã đổ xương máu cho chúng ta.

Những ấp ủ trong tương lai

Buổi gặp gỡ diễn ra gần 90 phút với rất nhiều câu chuyện được chia sẻ cởi mở, chân thành, từ những đại thụ làng văn đến những cây bút trẻ đều tò mò, háo hức chờ đợi những dự định tiếp theo trong tương lai của tác giả Lê Kiên Thành.

Đáp lại tấm chân tình đó, tác giả không ngần ngại nói lên những ấp ủ bấy lâu nay chưa thực hiện được: “Người ta hay nói cuốn thứ nhất thì dễ mà cuốn thứ hai thì khó vô cùng, và chúng tôi đang thai nghén cuốn thứ hai… Tôi nghĩ sẽ thực hiện cuốn hồi ký của Mẹ. Trong quyển sách này, tôi sẽ viết lại thành truyện của người con viết về người Mẹ, dựa trên hồi ký đó. Tất nhiên, tôi sẽ bổ sung những cái mà Mẹ chưa đưa vào và lược bớt những điều chưa được phép. Mà viết về một người vợ mà không nhắc đến chồng thì vô lý lắm nên tôi cũng chưa biết phải viết cách nào nhưng tôi sẽ nghĩ, sẽ cố gắng! Thứ hai là tôi sẽ viết câu chuyện về người phi công bị bắn rơi nhưng khi quay về phải nhận lấy sự lạnh nhạt, đó là bi kịch của người chiến sĩ phi công. Tôi sẽ thực hiện hai cuốn mà tôi ấp ủ bấy lâu nếu như còn sức và còn hứng thú để viết”.

Tiến sĩ Lê Kiên Thành từng chia sẻ rất mong quyển sách Những khoảnh khắc sống đến được với các bạn trẻ vì các bạn là tương lai của đất nước, các bạn hiểu được những đau thương, mất mát, khó khăn, gian khổ trong chiến tranh và sau chiến tranh để cùng nhau xây dựng đất nước mai sau.

“Nếu có gì đó để chia sẻ với các bạn trẻ mà xuất phát từ cá nhân tôi thì các bạn hãy quan sát cuộc sống đi, hãy viết đi. Tôi còn viết được thì các bạn còn viết hay hơn thế rất nhiều. Các bạn hãy viết để mỗi tác phẩm là một tiếng nói, khi có nhiều tiếng nói như thế thì có thể cuộc sống sẽ thay đổi rất nhiều. Khi tôi viết bài báo mà anh Nguyễn Quang Thiều giới thiệu về quả trứng Mafia thì có người hỏi rằng, anh có nghĩ đó chỉ như một hòn đá ném xuống ao bèo hay không? Tôi nói là: Nếu như tất cả chúng ta cùng ném những viên đá xuống ao thì nó sẽ rất khác”.

Tiến sĩ Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn là người như vậy, luôn điềm đạm, chắc chắn và chính xác, nhưng không bao giờ thiếu lửa, không bao giờ thôi những trăn trở về Quốc gia thân yêu dù có ở cương vị nào đi chăng nữa.

TRẦN TÂY CÔN

Báo Ngày Nay

Bài viết liên quan

Xem thêm
Nguyễn Linh Khiếu lại “xuất” hoa lạ
Vâng, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu đã từng xuất bản những tập thơ mang tên những loài hoa rất lạ: Hoa Linh (2000), Hoa Linh Thảo (2021) Hoa Hạnh (trong một bài thơ được Giải nhất cuộc thi thơ tạp chí VNQĐ năm 2010)... Chưa kể tập thơ đầu tay Chùm mơ Tiên cảm (1991) cũng gồm những chùm hoa rất lạ...
Xem thêm
Trần Hà Yên với tình yêu trẻ thơ từ Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo
Bài viết về tập thơ Bí mật của ngôi nhà được làm bằng kẹo (NXB Hội nhà văn 2024).
Xem thêm
Người lặn dưới những lớp sóng thời gian
Bài viết của nhà thơ Nguyễn Văn Hùng, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An.
Xem thêm
Lắng đọng “Đêm nằm nghe ký ức”
Bài viết của nhà thơ Đặng Bá Tiến
Xem thêm
Một người cầm súng quả cảm - một người cầm bút tài năng
Bài phát biểu của nhà báo Hồ Quang Lợi tại Thư viện quân đội trong buổi giới thiệu 2 tập sách của Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu, 15/10/2024.
Xem thêm
Trường ca “Mặt trận gần phía trước”
Bài viết của Nguyễn Vũ Quỳnh về tập trường ca của Trần Trí Thông
Xem thêm
Hoa hồng có gai, hay là vẫn tin vào nước mắt
Nguồn: Bùi Việt Thắng (Báo Văn nghệ)
Xem thêm
Bến sông xưa dậy sóng tóc phai màu!
Bài viết của Nguyên Bình về tập thơ “Tự tình với trăm năm” của Nguyễn Hồng Linh
Xem thêm
Bộ sách Đất Việt Trời Nam liệt truyện của Trần Bảo Định
“Đất Việt trời Nam liệt truyện” của nhà văn Trần Bảo Định là bản anh hùng ca đầy tự hào, chất chứa tinh thần yêu nước mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Những câu chuyện “từ thuở mang gươm đi mở cõi” xuyên suốt theo dòng chảy lịch sử kể từ khi các chúa Nguyễn vào Nam khai mở xứ Đàng Trong cho tới khi Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp và đến đầu thế kỷ XX, với cuộc chiến đấu của nhân dân Nam Bộ trong nỗ lực chung cùng giải phóng đất nước.
Xem thêm
“Theo dấu chân Người” để đi tới ngày Quốc khánh 02/09/1945
Đọc tập truyện ký “Theo dấu chân Người” chúng ta càng trân trọng, kính phục sự cống hiến, xả thân của Người cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, giải phóng con người thoát khỏi sự đàn áp...
Xem thêm
Trái tim tự do luôn rực cháy
Đọc tác phẩm PHIẾN HẠ (NXB Hội Nhà văn, 2024) của Trần Hạ Vi
Xem thêm
Mây Phương Nam của Thiên Hà sẽ còn lộng lẫy hơn, mới mẻ hơn
Nhà văn Trương Đạm Thủy viết về Mây Phương Nam của Thiên Hà
Xem thêm
Lê Thiếu Nhơn: Ân tình giữa duyên nợ Thơ và Nhạc
Bài đăng Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam
Xem thêm