- Tin tức - Hoạt động Hội
- Lãnh đạo Thành ủy đánh trống khai hội Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM
Lãnh đạo Thành ủy đánh trống khai hội Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM
LÊ CÔNG SƠN
Phó bí thư Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM Nguyễn Phước Lộc đã mời lãnh đạo của Liên hiệp các hội VHNT TP.HCM, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM và đại biểu khách mời lên sân khấu thực hiện nghi thức đánh trống khai hội Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM lần thứ 22, với chủ đề Thành phố này tôi đến tôi yêu.
Tham dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại TP.HCM khai mạc vào sáng 24.2 có Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, trưởng ban tổ chức Nguyễn Phước Lộc; KTS Nguyễn Trường Lưu, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT TP.HCM; NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM..., và đông đảo các nhà văn, nhà thơ, CLB thơ các quận, huyện cùng những độc giả yêu mến thi ca.
Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Phước Lộc phát biểu tại lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM lần thứ 22
Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Phước Lộc đánh trống khai hội
Được xem là một trong những hoạt động trong các ngày lễ lớn của TP.HCM, Ngày thơ Việt Nam do Hội Nhà văn tổ chức luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo TP.HCM. Ngày thơ Việt Nam năm Giáp Thìn cũng là một phần của lễ hội Nguyên tiêu của TP.HCM, trở thành điểm hẹn ý nghĩa thú vị cho sự kết nối tâm hồn không chỉ của công chúng văn chương, chứng minh sức sống tinh thần sinh động và khát vọng sáng tạo không ngừng ở đô thị nhộn nhịp nhất phương Nam.
"Ngày thơ Việt Nam giúp mỗi suy tư của nhà thơ được cơi nới cảm xúc..."
Phát biểu tại lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam, nhà văn Trịnh Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, xúc động: "Ngày thơ VN được ra đời trên tinh thần bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi lẽ chính cha ông chúng ta trong quá trình giữ nước và dựng nước đã thấu hiểu sâu sắc ý nghĩa trợ lực quý báu của mỗi câu thơ trên yên ngựa giông bão, của mỗi câu thơ trên chiến hào khói lửa, của mỗi câu thơ trên cánh đồng mùa gặt và cả mùa cấy cày mưa nắng nhọc nhằn. Sở dĩ Hội Nhà văn TP.HCM quyết định chọn chủ đề Thành phố này tôi đến tôi yêu" cho Ngày thơ Việt Nam 2024 (đây là câu thơ từ bài thơ Tôi đến tôi yêu của nhà thơ Hải Như: "Thành phố này tôi đến tôi yêu/Bởi dễ hiểu được gặp mình trong đó".
Nhà văn Trịnh Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM
KTS Nguyễn Trường Lưu - Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT TP.HCM (thứ tư từ phải qua) cùng đại diện các khách mời tham quan CLB thơ các quận, huyện
Niềm vui của các nhà thơ trong Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM
Cũng theo nhà văn Trịnh Bích Ngân: "Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM được tổ chức như một lễ hội, không phải là sự ưu ái dành riêng cho người làm thơ, mà trực tiếp chứng minh giá trị thi ca song hành thành phố nghĩa tình. Những câu thơ và những bài thơ từ trang sách nhỏ bé được đưa ra không gian cộng đồng phóng khoáng và tin cậy. Những câu thơ rộn ràng đem đến cho người may mắn một lời chúc phúc chân thành, còn những câu thơ lặng lẽ đem đến cho người bất hạnh một lời vỗ về chia sẻ. Không ai bị bơ vơ đứng ngoài vòng tay trìu mến của thi ca, dẫu giàu nghèo khác nhau, dẫu sang hèn khác nhau. Ngày thơ Việt Nam giúp mỗi suy tư của nhà thơ được cơi nới cảm xúc thẩm mỹ và biên độ cống hiến. Thi ca đi với cuộc sống, thi ca lắng nghe nhịp thở cuộc sống, để mỗi vần điệu xoa dịu từng ngậm ngùi, để mỗi ý tứ chở che từng số phận".
Phó bí thư Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM Nguyễn Phước Lộc trực tiếp mời lãnh đạo của Sở VH - TT TP.HCM, Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM và đại biểu khách mời lên sân khấu, thực hiện nghi thức đánh trống khai hội Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM lần thứ 22, với chủ đề Thành phố này tôi đến tôi yêu.
Được biết Ngày thơ Việt Nam 2024 với chủ đề Thành phố này tôi đến tôi yêu, như muốn nhấn mạnh sự kết hợp giữa thơ và nhạc. Hai bộ môn nghệ thuật có sự gần gũi và gắn bó với nhau, càng có sức quyến rũ khi kết nối hai tâm hồn đồng điệu.
Nhà thơ Lệ Bình - tác giả bài thơ Tia nắng hạt mưa - tại đường thơ trưng bày tác phẩm đậm dấu ấn của mình. "Tôi phải bắt xe đò đi hơn 200 cây số về tham dự ngày hội thơ để tự hào về đứa con tinh thần của mình đã đóng góp cho cuộc đời", nhà thơ tâm sự.
Nhà thơ Hoài Vũ (giữa) cùng MC Thiên Phong - Phương Huyền giao lưu trên sân khấu
Họa sĩ Lê Sa Long sáng tác tại chỗ trong ngày vui
Sân chơi thơ thiếu nhi cũng luôn xôm tụ không kém người lớn
Sau phần lễ là phần hội với phần giao lưu xúc động cùng nhà thơ Hoài Vũ và nhiều ca khúc phổ thơ hay được cất lên: Bài ca đất phương Nam (thơ Lê Giang - nhạc Lư Nhất Vũ), Người mẹ Bàn Cờ (thơ Nguyễn Kim Ngân, nhạc Trần Long Ẩn, biên đạo múa Đoàn Lý), Đi trong hương tràm (thơ Hoài Vũ, nhạc Thuận Yến), Thành phố tình yêu và nỗi nhớ (thơ Nguyễn Nhật Ánh, nhạc Phạm Minh Tuấn), Những ngày Sài Gòn (thơ Lâm Xuân Thi, nhạc Nguyễn Ngọc Thiện)..., cùng những giọng ngâm thơ ngọt ngào của các thi sĩ Phạm Trung Tín, Trần Mai Hường..., đã khiến cho buổi lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM vô cùng hấp dẫn, thu hút người xem quên cả thời gian...
Trước đó, nằm trong chương trình Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại TP.HCM, chiều 23.2 sân thơ thiếu nhi cũng đã có nhiều hoạt động giao lưu với học sinh trường tiểu học Khai Minh, trường THCS Võ Trường Toản (Q.1) và trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn Q.3, bằng buổi tọa đàm văn học Thơ với tuổi thơ lớn lên cùng thành phố, với các bài tham luận tâm huyết của các nhà thơ: Lê Luynh, Nguyệt Thu, Trần Quốc Toàn...
Nhà thơ Lê Luynh cho rằng: "Thơ với tuổi thơ nói riêng và văn học đối với thiếu nhi nói chung đang được cả xã hội quan tâm. Điều đó, thể hiện ở lực lượng sáng tác trẻ đang ngày càng đông, một số giải thưởng đang thu hút nhiều lực lượng chú ý đến mảng đề tài thiếu nhi. Những chuyển biến nêu trên thật đáng mừng. Tuy nhiên, cho đến nay ngoài một số nhà thơ có chỗ đứng trong lòng bạn đọc nhỏ tuổi thì vẫn chưa có những tên tuổi mới tạo ra những bài thơ tạo ấn tượng với bạn đọc. Có mặt trong buổi hội thảo hôm nay chỉ những nhà thơ lớn tuổi có nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi. Lứa kế cận chúng ta có. Nhìn chung lực lượng trẻ dấn thân cũng đang hứa hẹn những mùa gặt mới bội thu cho thơ ca thiếu nhi...".
Còn nhà thơ Nguyệt Thu thì rất trăn trở: "Thực tế, các em bây giờ ít yêu thơ, nhất là các bài thơ rất gần gũi với các em là những bài thơ trong sách báo. Riêng mình, tôi sẽ chẳng bao giờ quên những bài thơ gắn với thế hệ mình: Nói với em (Vũ Quần Phương); Mẹ và cô (Trần Quốc Toàn), Trăng ơi từ đâu đến (Trần Đăng Khoa), Rừng mơ (Trần Lê Văn)… Vậy thì làm sao để giúp các em đến với thơ, yêu thơ và đọc thơ và… làm thơ ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Đó là câu hỏi luôn thường trực. Tôi đã đến khá nhiều trường tiểu học, chỉ với một nhiệm vụ duy nhất là giúp các em thích đọc sách, thích làm thơ. Những bài thơ của các em ngây ngô lắm nhưng nó đáng yêu vô cùng".