TIN TỨC

Buổi tối Trương Tuyết Mai | Tản văn của Nguyễn Quang Thiều

Người đăng : nguyenhung
Ngày đăng: 2022-10-16 07:36:52
mail facebook google pos stwis
1232 lượt xem

NGUYỄN QUANG THIỀU

Vào một buổi sáng lâu lắm rồi, có một người nói giọng “miền trong” gọi cho tôi. Đó là một giọng nữ. Chị gọi cho tôi để nói tới một bài viết của tôi trên báo mà chị vừa đọc được. Cho dù sau này tôi có thể không có cơ hội nghe được giọng nói ấy nữa thì tôi cũng sẽ không bao giờ quên được giọng nói ấy. Một giọng nói ấm áp, dịu dàng lạ thường và thực sự quyến rũ. Giọng nói ấy truyền ngay vào tôi sự tin cậy và gần gũi lạ thường. Chính vì thế mà tôi nói chuyện qua điện thoại với chị không một chút ý tứ và dè dặt trong khi tôi chưa biết chị là ai. Và sau khi tôi hỏi quí danh của người đã gọi cho mình, tôi đã sững sờ. Đó là giọng nói của một người mà tôi đã nghe danh chị từ lâu và tôi đã trở thành một thính giả yêu thích những bài hát của chị và qua nhiều năm tháng tình yêu ấy không hề đổi thay: nhạc sỹ Trương Tuyết Mai.


Nhạc sỹ
Trương Tuyết Mai (ảnh nhạc sĩ tự chụp)

Buổi tối hôm đó trở về nhà, tôi đã khoe với vợ con mình là được nhạc sỹ Trương Tuyết Mai gọi điện thoại. Vợ và con gái tôi cũng thường xuyên nghe nhạc của chị. Và chị đã không biết rằng: có một buổi tối ở một nơi xa xôi đã có một gia đình mở mạng tìm những thông tin về chị và cùng nhau nghe lại những bài hát của chị mà họ yêu thích. Buổi tối đó chính là buổi tối của cái ngày chị gọi cho tôi và gia đình đó chính là gia đình tôi, một gia đình sống trong một ngôi nhà nhỏ ở thị xã Hà Đông khi nó chưa trở thành một phần của Hà Nội. Buổi tối đó có thể gọi là “Buổi tối Trương Tuyết Mai”. Đó thực sự là một đêm nhạc của nhạc sỹ Trương Tuyết Mai. Một đêm nhạc mà chị không hề hay biết. Nhưng tôi không gọi đó là “Đêm nhạc Trương Tuyết Mai” mà gọi là “Buổi tối Trương Tuyết Mai”. Tôi gọi thế bởi buổi tối đó chúng tôi mang cảm giác chị đã bước vào gia đình tôi như một người thân đã từ lâu, chị ngồi xuống giữa các thành viên gia đình tôi rồi cất giọng và âm nhạc của tình yêu thương đã tràn ngập ngôi nhà. Tôi tin, chị sẽ hạnh phúc vì điều đó. Tôi cũng tin có rất nhiều “Buổi tối Trương Tuyết Mai” như thế trong đời sống này. Đó chính là sức mạnh và sự bí ẩn của nghệ thuật.

Rồi chị ra Hà Nội và tôi đã được gặp chị. Tôi đưa chị trở lại Hải Phòng của chị. Chị đã sinh ra và lớn lên ở đó. Cuộc đời chị đầy ắp những kỷ niệm về Hải Phòng. Và ở đó còn có một người yêu mến chị như tôi. Đó là nhà thơ Mai Văn Phấn. Mai Văn Phấn và tôi thi thoảng lại gọi điện cho nhau và nói về chị. Mai Văn Phấn may mắn hơn tôi là đã được đến thăm chị trong ngôi nhà có khu vườn yên tĩnh ở Sài Gòn. Tôi vẫn chưa có dịp đến đó. Nhưng tôi luôn luôn hình dung về khu vườn đó. Thi thoảng chị gọi cho tôi và nói chị đang ở trong vườn mà thường là vào khoảng thời gian cuối chiều. Không hiểu sao, lúc nào chị em tôi trò chuyện tôi cũng nghĩ mùa thu đang tràn ngập khu vườn cho dù Sài Gòn không có mùa thu. Nhưng giọng nói rất đặc biệt của chị luôn làm cho tôi mang cảm giác những ngọn gió thu mơ hồ thổi qua khu vườn cuối chiều. Bình yên và thơ mộng, gần gũi và xa xôi và nó chứa trong nó những miền sâu thẳm mà tôi không biết tới.

Chị đã trở thành chị gái của tôi. Một người chị thực sự nên thường hay lắng nghe giọng nói tôi và lo lắng khi thấy giọng tôi mệt mỏi hay có vẻ buồn gì đó. Nhiều khi tôi vừa cất tiếng là chị đã kêu lên đầy xót xa: “Trời ơi, lại ốm rồi phải không, khổ thân em”. Rồi chị dặn phải uống thuốc này, thuốc kia và giục ép tôi phải đi mua thuốc ngay cho bằng được. Khi thấy hình tôi xuất hiện trên truyền hình hay tờ báo nào đó với vẻ mặt thiếu sinh khí, chị lại gọi cho tôi xót xa, than thở, dặn dò…Tôi chẳng mấy khi chủ động gọi cho chị, Mai Văn Phấn bạn tôi cũng thế. Chúng tôi cứ rối bù vì công việc mà nhiều lúc chẳng việc nào ra việc nào. Nhưng chị cứ đều đặn gọi điện cho chúng tôi như một người chị lúc nào cũng lo lắng cho những đứa em sống đầy cẩu thả. Có lúc chị gọi cho tôi như chẳng để nói điều gì. Nhưng tôi nghe trong giọng nói ấy phảng phất nỗi buồn xa xôi mà có lẽ chị chẳng muốn nói cho tôi nghe. Con người chị là vậy và tôi thấy âm nhạc chứa đựng tâm hồn chị. Nó chứa đựng cả những điều mà chúng ta không được nghe chị kể bằng lời. Tôi từng nói với một số bạn bè thân thiết của tôi rằng: Tinh thần âm nhạc của Trương Tuyết Mai được dựng lên bằng hai CD. Một CD được thu âm trong phòng thu và một CD từ giọng nói, từ những buổi chiều trong khu vườn chị ngồi một mình im lặng, từ hơi thở xa xôi của chị... Và nếu muốn nghe được đúng nhất và sâu nhất CD này thì chúng ta cần phải nghe cả CD kia.

Tôi không phải là người hiểu biết âm nhạc, nhưng tôi luôn luôn thấy có một giai điệu ngoài gia điệu chính thống của các bài hát của chị. Một giai điệu giống như đường viền chân trời buổi hoàng hôn: mong manh, xa xôi, u huyền và đẹp đằm sâu. Có lẽ thế mà âm nhạc của chị không dội mạnh ngay vào người nghe mà nó đến thật chậm rãi và lan tỏa thật mơ hồ rồi một lúc nào đó ta không kịp để ý nó đã thống lĩnh tâm hồn ta như là âm nhạc ấy đã ở trong tâm hồn ta từ lâu lắm rồi. Và lúc này đây, khi tôi đang viết những dòng nhỏ bé về chị, bên ngoài ô cửa của mùa thu Hà Nội gió đang xao động trên những vòm lá vừa thổn thức, vừa da diết lại vừa xa xôi như không bao giờ ta nghe được. Tôi lại thấy chị đang ngồi tĩnh lặng trong khu vườn với tất cả buồn vui, đau đớn và hạnh phúc trong gần 70 năm trên thế gian này mà chị đã đi qua. Lúc này, chị không phải là một nhạc sỹ mà chị là một bản nhạc – một bản nhạc được viết lên bởi những vẻ đẹp u huyền của đời sống này.

Hà Đông, một chiều thu 2013.

Bài viết liên quan

Xem thêm
Tuổi thơ bên dòng lũ
Có thể nói, dù mưa bão thường mang đến nhiều thiệt hại cho người dân miền Trung, nhưng lũ lụt cũng bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng duyên hải này, nhờ đó mà người dân nơi đây có thể sống bằng nghề nông nghiệp ổn định với mùa màng tốt tươi, cây lúa phát triển.
Xem thêm
Chiếc Nóp quê hương – Tùy bút Nguyễn Thanh
Thời kháng chiến chống Pháp, trong giai đoạn đầu cuộc đấu tranh gian lao vì sự nghiệp giải phóng dân tộc còn thiếu thốn quân dụng, có một hình tượng đặc biệt đậm màu sắc quê hương, không thể thiếu đối với nhân dân lao động và những chiến sĩ yêu nước tham gia kháng chiến. Đó là chiếc nóp bàng mà người dân Nam Bộ sống cách đây bảy thập niên đều biết đến.
Xem thêm
Gia đình, những nỗi đau ngọt ngào của Trương Văn Dân - Elena
Mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị tôi và Elena nên in chung một tập truyện. Và tập truyện mà các bạn đang cầm trên tay có chủ đề về những mối quan hệ trong gia đình và tình nghĩa vợ chồng. Sự sắp xếp này này là hoàn toàn ngẫu nhiên, lựa chọn các truyện ngắn đã viết trong những năm qua, vì nếu chọn chủ đề rồi mới viết thì các bài viết có lẽ sẽ khác và thiếu tự nhiên.
Xem thêm
Má tôi - Tản văn Trần Trọng Trung
Má tôi là một người phụ nữ đảm đang, hiền thục; có một đức tính thật thà, nhân hậu; có một phẩm chất của người phụ nữ Á Đông “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”.
Xem thêm
Dấu ấn anh hùng – Bút ký Trần Thế Tuyển
Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng (30-4-1975), tôi lại thêm một lần may mắn nữa: trở lại chiến trường xưa, nơi Trung đoàn đã chiến đấu và gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu Đơn vị AHLLVT ND.
Xem thêm
Có một người thương binh như thế
Về Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu
Xem thêm
Chữa lành và những ngôi sao thức – Bút ký Thanh Huyền
… Đêm đã về khuya, gió biển vẫn mải mê hợp xướng với dàn đồng ca đại dương. Tôi vẫn tản bộ trên dải cát cùng với những nghĩ suy, chất vấn. Tôi không biết mình đang chữa lành ở dạng thể nào nhưng mong rằng khoảng trống nơi tim được lấp đầy... và chắc chắn tôi cũng là một trong những ngôi sao thức!
Xem thêm
Hoàng hôn trên đảo vắng – Tạp bút của Thúy Dung
“Hoàng hôn” là lúc mặt trời lặn, kết thúc một ngày gieo ánh sáng. Ai từng nghe bài “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ – Dạ Cầm, hẳn còn nhớ câu “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím, Đà Lạt sương phủ mờ”.
Xem thêm
Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc
Nguồn: Hồn sông, hồn quê trong thơ trong nhạc (Tạp chí Sông Lam) và Văn nghệ Công an số 715, ngày 11/7/2024.
Xem thêm